.

Xây dựng "môi trường không khói thuốc lá": Hành trình còn lắm gian nan

Thứ Tư, 07/09/2016, 08:20 [GMT+7]
(QBĐT) - Mặc dù Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ 1-5-2013 song việc triển khai thực hiện các nội dung của luật vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Tình trạng vi phạm về kinh doanh, quảng cáo và hút thuốc lá nơi công cộng vẫn còn khá phổ biến. Vì vậy, việc thực thi “môi trường không khói thuốc lá” trong tình hình hiện nay vẫn là một vấn đề khá nan giải.
 
Luật Phòng chống tác hại thuốc lá gồm có 5 chương, 35 điều quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn ở các cơ sở y tế, trường học; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; nơi làm việc; ô tô, tàu bay, tàu điện; nơi công cộng. Luật nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua bán thuốc lá; nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp đến người tiêu dùng dưới mọi hình thức... Ngoài ra, mọi công dân có quyền yêu cầu không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút; phản ánh hoặc tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá... Tuy nhiên, để luật thực sự đi vào cuộc sống là cả một vấn đề nan giải vì trên thực tế, cả người hút thuốc lá và người bán vẫn “thờ ơ” với những điều, khoản đã quy định trong luật.
 
Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng vi phạm liên quan đến hút thuốc lá nơi công cộng diễn ra rất phổ biến ở ngay cả những địa điểm mà luật quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn như: công sở, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em...
 
Ở những địa điểm công cộng như quán cà phê, các chợ, cổng trường học (trước giờ tan tầm), nhà ga, bến xe trên địa bàn thành phố Đồng Hới, một điều dễ nhận thấy là rất nhiều thanh niên, người lớn tuổi và cả vị thành niên “vô tư nhả khói gây cảm giác khó chịu cho rất nhiều người dân, nhất là trong những ngày nắng nóng, không khí oi bức.
 
Tại các bệnh viện, nơi mà cán bộ y tế và người bệnh cần có môi trường sạch an toàn thì việc hút thuốc lá vẫn diễn ra hàng ngày. Hầu hết các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều chú trọng đến việc treo các biển cấm hút thuốc lá ở tất cả những điểm đông người qua lại như hành lang, phòng chờ khám bệnh và ở các khoa, phòng để thu hút sự quan tâm của mọi người. Song trên thực tế, bất chấp hàng loạt biển cấm hút thuốc, không ít người vẫn hút thuốc như chưa hề có luật. Ngay tại buồng bệnh nhân, vẫn có khói thuốc, tàn thuốc. Khi có cán bộ y tế nhắc nhở thì người hút thuốc nhanh chóng vứt bỏ điếu thuốc đang dùng, nhưng không lâu sau đó, họ lại tiếp tục châm thuốc và hút. Nhiều người tranh thủ hút thuốc trong lúc chờ người thân của mình khám bệnh. Có người cẩn thận hơn thì trước khi hút thuốc, họ nhìn quanh xem có cán bộ y tế qua lại hay không. Không ít người tận dụng cầu thang, hành lang hay những địa điểm khuất của bệnh viện để hút thuốc.  
 
Điều đáng nói là, không chỉ thờ ơ với luật, nhiều người hút thuốc còn “thờ ơ” trước sự khó chịu của người khác. Khi chúng tôi thắc mắc vì sao hút thuốc ở nơi đặt biển cấm mà không bị xử phạt thì một thanh niên còn khá trẻ thản nhiên trả lời là: “Tôi nuôi người bệnh dài ngày, có khi cả tháng, hút hết hàng chục gói thuốc tại bệnh viện này mà có thấy ai phạt gì đâu, thỉnh thoảng chỉ có cán bộ y tế nhắc nhở thôi...". Cụ Trương Thị Ngọc, một bệnh nhân  chờ đến lượt được vào thăm bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình tâm sự: “Mỗi lần thấy có người hút thuốc tôi và không ít người rất khó chịu vì có cảm giác khó thở. Có người đang hút thuốc thấy thái độ của chúng tôi họ biết ý tránh đi chỗ khác song không ít người cứ thản nhiêm xem như hình vi của mình chẳng tổn hại đến ai và nếu ai đó trong chúng tôi nhắc nhở họ còn lớn tiếng cho rằng chúng tôi già nên khó tính. Thế nên cứ thấy người hút thuốc là chúng tôi tìm cách lẫn đi chỗ khác cho an toàn”.
 
Khói thuốc lá đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nòi giống và môi trường sống của con người. Ở nước ta, có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới và mỗi ngày có khoảng hơn 100 người phải từ biệt cuộc sống vì thuốc lá, số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại. Các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam (khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm). Nếu không có sự can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.
 
Điều đáng lo ngại là, tình trạng hút lá, nhất là nam giới ở các ở độ tuổi, trong đó có cả học sinh diễn ra khá phổ biến trong khi việc xử phạt hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc nơi công cộng còn chưa được triển khai đồng bộ... Mặt khác, một bộ phận người dân chưa nắm vững các quy định của Luật Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Vì vậy, nâng cao nhận thức và hành động trong Luật Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được tỉnh ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.
 
P.V