.
Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11-7:

Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên - chìa khóa cho sự phát triển bền vững

Thứ Hai, 11/07/2016, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực tế cho thấy, trẻ em gái vị thành niên trên thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa. Để khắc phục vấn đề này, đem lại cơ hội phát triển công bằng cho các trẻ em gái vị thành niên, ngày 19-10-2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 11-10 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế trẻ em gái với mục đích kêu gọi cộng đồng cùng tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em gái và cùng đấu tranh chống lại những khó khăn, bạo lực và tội phạm mà các em hàng ngày phải đối mặt.  

Nhìn chung, trẻ em gái tuổi vị thành niên gần như chỉ giữ vai trò thứ yếu trong các chương trình nghị sự phát triển của mỗi quốc gia, địa phương bởi do thiếu cơ hội giáo dục, do bệnh tật, do tình trạng tảo hôn, do thiếu đầu tư vào các chính sách, dịch vụ và các sáng kiến giúp tăng cường, phát triển tiềm năng của các bé gái. Một khi  còn xem nhẹ, chưa dành sự quan tâm, hỗ trợ cần thiết giúp các em vượt qua các bất bình đẳng và phân biệt đối xử thích đáng mà lẽ ra các em phải được hưởng, thì việc các em có được tiếng nói, có được cơ hội để khẳng định và phát triển bản thân là điều thực sự khó khăn.

Việc chỉ rõ và làm nổi bật sức mạnh của trẻ em gái vị thành niên, từ đó từng bước tháo gỡ những khó khăn, tiêu cực như nghèo đói, bạo lực, lạm dụng và phân biệt đối xử... sẽ giúp chúng ta có những hoạch định đúng, phù hợp cho mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới. Các trẻ em gái vị thành niên có quyền được hưởng cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời mà cả khi trở thành phụ nữ. Nếu được quan tâm trong thời vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, là trụ cột trong gia đình và là các nhà lãnh đạo xã hội của tương lai. Đầu tư cho việc phát huy tiềm năng của trẻ em gái vị thành niên cho phép bảo đảm quyền của các em hiện nay và bảo đảm một tương lai công bằng và thịnh vượng. Một tương lai mà ở đó, các trẻ em gái sẽ được bình đẳng và là một nửa nhân loại, để giải quyết các khủng hoảng liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột chính trị, tăng trưởng kinh tế, phòng chống dịch bệnh và phát triển bền vững toàn cầu, trong đó chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho chính các em được xem là vấn đề quan trọng cần được quan tâm giải quyết.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 600 triệu trẻ em gái, trong đó hơn 500 triệu em đang sinh sống tại các nước đang phát triển. Không thể phủ nhận rằng các em chính là những người đại diện cho thế hệ hiện tại và tương lai của nhân loại. Quyền được chăm lo sức khỏe sinh sản là một trong những quyền mà phụ nữ và trẻ em gái được thụ hưởng và xã hội cần quan tâm.

Quyền về sức khỏe sinh sản chính là nền tảng cho việc sinh con khỏe mạnh, các mối quan hệ thân thiết và gia đình hạnh phúc. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi đứa trẻ đều được sinh ra an toàn, các thanh niên khỏe mạnh, phụ nữ và trẻ em gái được đối xử tôn trọng và bảo toàn nhân phẩm. Khi các quyền liên quan sinh sản được tôn trọng thì người phụ nữ có quyền tham gia một cách đầy đủ và bình đẳng vào các hoạt động của xã hội.

Quan tâm, hỗ trợ cho trẻ em gái vị thành niên là góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Quan tâm, hỗ trợ cho trẻ em gái vị thành niên là góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tuy nhiên, hiện nay, hàng triệu trẻ em gái tuổi vị thành niên đang phải gánh chịu những hình thức phân biệt đối xử thậm chí bị cách ly về mặt xã hội. Chính điều này khiến các em không được hưởng các quyền, đồng thời không phát huy được những tiềm năng của chính mình. Các em bị buộc phải thôi học sớm, dễ bị bạo lực, cưỡng bức tình dục và bị ảnh hưởng bởi những tập tục có hại. Các em thường phải lập gia đình khi còn nhỏ tuổi và phải mang thai và sinh con khi các em chưa thực sự trưởng thành về mặt thể chất, tình cảm và mặt xã hội.

Theo số liệu của UNFPA, hàng năm có khoảng 16 triệu em gái tuổi từ 15 - 19 mang thai và sinh con. Nhiều em trong số này không được tự mình quyết định việc mang thai hay không. Đáng lưu tâm là các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong mẹ cho các em gái tuổi từ 15 - 19 ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Ở nước ta, theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, khoảng 2% nam thanh niên và 8,5% nữ thanh niên trong độ tuổi từ 15 - 19 đã từng kết hôn; có khoảng 7,5% phụ nữ bắt đầu mang thai trong độ tuổi từ 15 - 19. Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 nghìn ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên. Với con số này, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất ở Đông Nam Á. Đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số nước ta, mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Để các vấn đề liên quan đến trẻ em gái được thực hiện toàn diện và triệt để thì cần quan tâm giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ngày càng diễn ra phức tạp ở hầu hết các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Sự mất cân bằng này đang khiến toàn châu Á thiếu hụt tới 117 triệu phụ nữ và trẻ em gái (phần lớn là ở Trung Quốc và Ấn Độ). Với nhiều lý do mang tính tập tục lạc hậu hay khoa học kỹ thuật hiện đại, nhiều bé gái đã mất quyền được sinh ra, tồn tại, phát triển và cân bằng theo quy luật tự nhiên. Ở nước ta, những năm gần đây, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng dần và có xu hướng tăng mạnh và vượt ngưỡng cho phép ở một số địa phương, trong đó có Quảng Bình (theo báo cáo thống kê chuyên ngành của Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh thì năm 2015 tỷ số giới tính khi sinh là 112 bé trai/100 bé gái, trong khi tỷ lệ giới tính khi sinh bình thường là trong khoảng từ 103 đến 106 bé trai/100 bé gái).  Nếu vấn đề này không sớm được quan tâm giải quyết thì sau 20 năm nữa, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 4,3 triệu nam thanh niên.

Từng bước hạn chế, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngoài thực hiện nghiêm việc cấm lựa chọn giới tính khi sinh và phá thai vì lựa chọn giới tính... thì việc chúng ta cần phải làm là đưa ra những chính sách, chương trình... đầu tư cho trẻ em gái vì lợi ích chung của chính các em, nâng cao vị thế, tiếng nói cho trẻ em gái, từ đó, để mỗi cá nhân, gia đình và xã hội không còn tư tưởng nhất thiết phải có con trai để nối dõi. Bên cạnh đó, các em gái phải được học hành và khoẻ mạnh, có nhiều cơ hội để phát huy tiềm năng và nhận các quyền mà mình được hưởng. Các em cũng có thể sẽ kết hôn muộn hơn, trì hoãn việc sinh con ở tuổi muộn hơn, sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh hơn và có khả năng có thu nhập cao hơn. Các em có thể tự giúp mình và gia đình mình thoát khỏi đói nghèo. Các em sẽ là những tác nhân tạo ra sự thay đổi trong cộng đồng và các thế hệ trong tương lai.

“Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”, chủ đề của Ngày Dân số Thế giới 11-7 mà Quỹ Dân số Liên hợp quốc đưa ra năm 2016 nhằm tiếp tục thể hiện tinh thần nhất quán trong việc đầu tư cho trẻ em gái, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ nói chung và trẻ em gái vị thành niên nói riêng. Hãy cùng chung tay tạo ra một môi trường sống, nơi mà bất kỳ trẻ em gái nào, dù sống ở đâu, xuất thân ra sao và có tình trạng kinh tế như thế nào, vẫn luôn có quyền thực hiện đầy đủ các tiềm năng của mình để góp phần thiết thực cho cuộc sống ngày một tiến bộ, văn minh và phát triển hơn.

Nguyễn Thị Ngọc Hà
(Phó giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh)