.

Nhật ký "nằm viện" - Kỳ 2: Đường vào trái tim

Thứ Bảy, 18/06/2016, 09:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Xin độc giả hiểu cho cái tiểu đề, nó hoàn toàn mang nghĩa đen, nghĩa của khoa học chính xác, không phải hình tượng như những câu thơ: “Đường vào trái tim không giống đường xe lửa/ không có nhà ga chẳng có con tàu/ Em muốn vào ư, em chẳng ngăn đâu/ Đời chỉ dạy: Khéo sa chân đá đập vỡ đầu”.

Đường vào trái tim ở đây là con đường từ đầu động mạch ở cổ tay, người ta rạch (bộc lộ) rồi luồn theo động mạch một cái ống nhỏ gọi là catheter gắn camera (DSA) đưa vào tận hệ thống động mạch vành trong trái tim, quay lui quay tới chụp và quay được hình ảnh thì “lôi” cả ống cả “máy ảnh” ra. Sau thủ thuật này thì chúng ta có gì: Một là phim bản chụp toàn bộ hệ thống động mạch nuôi tim như đã nói ở trên.

Động mạch, thực ra là một hệ thống ống dẫn máu. Nếu máu sạch sẽ (ít mỡ-li pít, ít acol-rượu, nicotin-thuốc lá và những chất linh tinh có trong phủ tạng động vật) thì “cái ống ấy” luôn thông suốt. Nhưng nếu thường xuyên để những chất nhớt chất bẩn bám vào thành mạch thì “cái ống ấy” sẽ hẹp dần đi. Nếu hẹp quá thì bác sĩ sẽ phải luồn một cái ống nhân tạo vào giữ cho máu chảy qua. Những bệnh viện lớn như ở Huế đã làm được và “Trung tâm kỹ thuật cao” của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cũng đang dần thực hiện với sự chuyển giao công nghệ của Huế. Ngoài bản phim, còn có thêm một đĩa hình quay hoạt động của tim mà bác sĩ, với khả năng chuyên môn dựa vào để định hướng điều trị, và có thể chúng ta cũng đọc được. Toàn bộ thời gian thao tác cho mỗi bệnh nhân chừng 15-30 phút. Nhưng quá trình chuẩn bị thì tương đối kỹ bởi tính nhạy cảm của thủ thuật.

Ngày 31-5, tôi được làm thủ thuật nhưng là thủ thuật quan trọng nên vẫn cần có lời cam đoan và người nhà hộ tống khiến bệnh nhân cũng cảm thấy tính nghiêm trọng của vấn đề. Khoa tôi nằm có hai vị sĩ quan cao cấp quân đội và công an. Ấy vậy mà các vị cũng “lăn tăn thăm hỏi loanh quanh để tự trấn an.

May, nhờ tác phong khá chu đáo tự tin và nghiệp vụ bài bản của các nhân viên y tế nên ngày 1/6, đúng ngày Quốc tế thiếu nhi, 15 bệnh nhân lần lượt kinh qua “cửa ải” mà trước đó chỉ chừng một tháng phải vào Bệnh viện Trung ương Huế. Nhóm chúng tôi là lớp bệnh nhân thứ ba, nghĩa là những người thứ 30 đến 45 được làm thủ thuật ở tỉnh nhà. Trong hai lần trước đó đã có chừng 30 bệnh nhân được chụp thành công.

Vốn nhát gan nên khi (phải khỏa thân, quấn ga trắng từ đầu đến chân) được băng ca đẩy vào phòng vô trùng lên “đoạn đầu đài” tôi cứ nhắm tít mắt mặc cho số phận. Kỹ thuật viên Quảng Bình lần đầu tiên tiến hành chụp có sự hướng dẫn giám sát của chuyên gia Bệnh viện Trung ương Huế. Tùy vào cơ địa tuần hoàn từng người mà thời gian chụp có thể nhanh hay chậm. Rồi lần lượt từng bệnh nhân được băng ca đẩy đến phòng hồi sức cấp cứu theo dõi tiếp. May mắn cho chúng tôi là cả 15 người đều được chụp thành công, phim ảnh rõ ràng và còn cả một chiếc đĩa để lúc nào cũng có thể mở ra xem (như xem phim chưởng) để nhắc nhở mà đều đều chỉnh sinh hoạt. Trong 15 vị, có bốn người động mạch đã bị thu hẹp đến mức phải đi Huế can thiệp tiếp.

    *

Thực tình tôi không muốn phóng sự này lạc đề vào chuyên môn hẹp của ngành Y, nên với tâm lý của một người bệnh đang chấp nhận đợt điều trị nghiêm túc nhất từ sau kỳ nằm quân y viện cách nay đã hơn 40 năm, xin gửi tới một thông điệp, rằng, không đùa với tim mạch được. Khoa tim mạch của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới mỗi ngày đón không dưới mươi bệnh nhân động mạch vành. Và, tác nhân gây bệnh chủ yếu là rượu bia thuốc lá, mỡ, muối (ăn mặn) ít vận động... Vậy nên, giới đàn ông, nhất là các bạn trẻ, nếu đam mê các chất kích thích thì bắt đầu tìm hiểu là vừa đấy! Chỉ có điều này thì mọi người nên biết, sau khi đặt sten (ống dẫn máu qua đoạn động mạch hẹp) bệnh nhân sẽ phải uống thuốc suốt đời không được bỏ một bữa nào. Hãy hình dung, mới 30 tuổi mà phải uống thuốc liên tục cho đến thất thập, bát thập thì... không dễ chịu chút nào...

*

Trữ tình ngoại đề: Xem phim Tàu, ta thường bắt gặp câu “Tâm dược chữa tâm bệnh”, Y văn ta cũng đã nói đến “Chữa bệnh” và “Chữa NGƯỜI bệnh”. Bệnh nhân là một thực thể sinh động, cá tính phức tạp. Chữa bệnh đã không dễ, chữa người bệnh càng rất khó. Ở khoa tim mạch của tòa “nhà kỹ thuật nghiệp vụ cao” bảy tầng hình như đã làm được cái điều mà lâu nay bệnh nhân và ngành yêu cầu: Cho người bệnh bằng lòng về tâm lý và hiệu quả chữa bệnh cao nhất.

Cần biết rằng, trong bệnh nhân có nhiều người chuyên môn và kinh nghiệm nằm viện dày dạn. Ví như, bệnh nhân ngay cạnh giường tôi 75 tuổi nguyên là một thiếu tá bác sĩ quân y đã hai lần được bệnh viện Việt Đức lấy động mạch ở cổ chân đưa vào tim để “bắc cầu tạm” thay cho động mạch vành. Lại có cả vị nguyên đại tá chính ủy sư đoàn,  thiếu tá trưởng ban cơ yếu trực thuộc bộ tổng tham mưu, có vị là sĩ quan cao cấp ngành Công an. Nhưng, với vai trò bệnh nhân và khi được phục vụ chu đáo chuẩn mực đều tỏ ra vui vẻ. Tôi từng nghe mấy chị bệnh nhân nữ “lắm lời” thì thầm: "Khoa ni mới và khá nhất đấy. Bữa nay bệnh nhân đòi chuyển đi Huế giảm nhiều lắm". Đó là một tín hiệu rất tốt.

Và bệnh nhân đã ứng xử lại như thế nào? Phải nói thẳng ra rằng, trong hai ba chục năm qua, không phải chỉ ở địa phương ta mà trong toàn bộ hệ thống cả nước cái việc dấm dúi phong bì là khá phổ biến và rất thiếu văn minh. Nhưng, thói quen mà tôi sắp trình bày sau đây lại là một hành vi văn minh và hợp đạo lý. Bệnh nhân khi ra viện gửi lại một món quà (tùy lòng- bằng tiền) công khai cho công đoàn của khoa làm cái vốn phòng khi cần đến việc hiếu hỷ thăm hỏi nội bộ. Hiện nay nhiều người đang học theo và trở thành một thói quen đẹp. Ngày 1-6, sau khi được chụp thành công, nhóm chúng tôi hội ý lại và ai cũng hồ hởi góp khoản tiền nhỏ “thưởng nóng” cho kíp nhân viên. May đúng dịp họp “hội đồng bệnh nhân” nên tôi được cử đại diện đọc “đitcua”, cũng giới thiệu bên trao bên nhận chỉn chu hoành tráng”, số tiền chẳng đáng bao nhiêu mà thấy lòng rưng rưng xúc động, đúng cái câu dân gian thường nói: “của cho không bằng cách cho”.

*

Nhân đây, cho phép tôi kể ngắn gọn hai câu chuyện một vui một buồn sau đây.

Chuyện vui: Biết tôi có ý định viết báo, nhiều bệnh nhân cứ nhắc phải kể tên và khen ngợi hai nhân viên vừa nhanh nhẹn nhiệt tình vui vẻ, vừa chu đáo cẩn thận (thậm chí có người còn thăm dò để “kết nối” gia thất cho con mình). Chiều lòng mọi người tôi xin công bố tên hai nhân viên, một là nữ điều dưỡng Luyến và người thứ hai tên Thắng thì không hiểu là bác sĩ hay điều dưỡng, kỹ thuật viên mà việc gì cũng làm và làm rất tốt. Chính anh là người trực tiếp chụp động mạch vành dưới sự giám sát của bác sĩ bệnh viện Huế.

Chuyện buồn: của riêng tôi, gia đình tôi và cũng có thể của nhiều người hồi ấy. Hai mươi tám năm trước, năm 1988, cụ thân sinh tôi đau nặng (hồi ấy sỏi thận ứ nước đã bị coi là nặng) điều trị tại bệnh viện. Tôi từ Huế nhào ra cùng bốn anh em ruột đứng quanh giường cụ. Hồi ấy nghèo đến mức tôi chỉ có điếu thuốc lá hoa cúc làm quà ngoại giao mời bác sĩ. Ông ta gạt đi và đứng ngay đầu giường bệnh buông một câu tối đen như tử thần: “Ông viết di chúc được rồi đấy!” Nói rồi, vị bác sĩ bỏ đi để lại sáu cha con tôi ngẩn ngơ chả biết ứng xử thế nào. Hai hôm sau, ba tôi ra viện, về nhà vẫn đi làm việc nhẹ, vẫn sinh hoạt bình thường nhưng nhất định không đi viện nữa, đến hai năm sau thì mất. Và cũng ngay sau đó, bệnh viện rối tung lên vì rất nhiều scandal như mọi người đã biết... Kể lại chuyện buồn trong “cổ tích” này để buồn cho một thời và vui cho hôm nay, bệnh viện (hay ít nhất là cái tầng bảy của tòa nhà mới tôi vừa kể) đã khởi sắc với cả y thuật lẫn y đức. Và cũng muốn gửi lại thông điệp về khái niệm “chữa Người bệnh”, cũng nghĩa là, ngoài đông dược, tây dược... còn có cả tâm dược. Vết thương lòng tôi mang 28 năm qua không một thứ biệt dược nào chữa được, chỉ xin nhắc lại một câu danh ngôn nước ngoài: “Vết thương do dao gây ra thì lành, vết thương do lời nói gây ra thì không lành”, nhất là lời nói có thể gây vết cắt chí mạng cho một CON NGƯỜI.

Vĩ thanh: Với một người làm ngành Y, sự lắng nghe hay lời nói với bệnh nhân cũng là một liều thuốc. Lịch sử Đông y đã đúc kết bốn bước: Vọng (nhìn mà đoán bệnh), Văn (nghe để biết bệnh), Vấn (hỏi để đoán bệnh) và cuối cùng mới là Thiết (bắt mạch). Triết lý Nho giáo chỉ gọi hai chủ thể hành nghề là Thầy: thầy giáo và thầy thuốc. Nhưng, để đích thực là Thầy, thì, không hề đơn giản!

Đồng Hới mùa phượng vĩ

Nguyễn Thế Tường

>> Nhật ký "nằm viện" - Kỳ 1: Đường tới... "Rôm"