.

Lợi ích dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Thứ Năm, 09/06/2016, 09:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường lây nhiễm chính do virut HIV gây ra đối với con người. Hiện nay chưa có cách nào để chữa khỏi hoàn toàn HIV/AIDS, nhưng đã có thuốc và các dịch vụ chăm sóc khác để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Nếu bị nhiễm HIV, tham gia công tác dự phòng sớm thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm đáng kể, chỉ dưới 10%. Việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ làm giảm tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang. Khi không điều trị dự phòng thì cứ 100 trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV sẽ có khoảng 25-40 cháu bị nhiễm HIV. Nhưng nếu các bà mẹ này được điều trị dự phòng thì chỉ có 3-10 trẻ bị nhiễm HIV tuỳ theo thời điểm bắt đầu dùng thuốc, việc tuân thủ điều trị và một số các yếu tố khác.

Những bằng chứng về hiệu quả của các biện pháp can thiệp, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con  tại phòng khám ngoại trú, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã làm thay đổi rất lớn quan điểm về mang thai và sinh sản ở phụ nữ nhiễm HIV so với thời kỳ đầu đại dịch HIV mới xuất hiện. Trong  tổng số 13 phụ nữ mang thai nhiễm HIV quản lý tại phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS được tư vấn sức khỏe, tư vấn khám thai, theo dõi điều trị ARV trong quá trình mang thai và được can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trước và sau sinh, có 13 trẻ được xét nghiệm chẩn đoán sớm HIV  chỉ có 1 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ.

Với tỉ lệ dưới 10%  trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ  khi được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại phòng khám chuyên khoa và điều trị nghiện chất Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho thấy hiệu quả cao của việc phát hiện sớm nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai được can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trước và sau sinh.

Tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ trong độ tuổi mang thai ở Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
Tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ trong độ tuổi mang thai ở Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Do đó, phụ nữ bị nhiễm HIV khi có dấu hiệu mang thai nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và quản lý thai nghén kịp thời. Ngay cả những phụ nữ chưa xác định tình trạng nhiễm HIV của mình, khi mang thai cũng cần đến các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt, để từ đó có những can thiệp thích hợp nhằm giảm thiểu sự lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ bà mẹ mang thai chấp nhận xét nghiệm HIV sớm đến nay vẫn còn là thách thức không nhỏ đối với ngành Y tế, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu,vùng xa. Xét nghiệm cho phụ nữ mang thai nhằm thông báo về tình trạng nhiễm HIV của họ và tiến hành các can thiệp để dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, sang bạn tình cũng như hỗ trợ về mặt y tế xã hội. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính cũng cần tham vấn để phòng tránh lây nhiễm HIV cho bản thân.

Đối với trẻ sơ sinh, việc xét nghiệm nhằm xác định tình trạng nhiễm HIV của trẻ để lập kế hoạch theo dõi và chăm sóc trẻ trong tương lai, đồng thời tiến hành những can thiệp y tế cho trẻ.

Bạn nên biết, mẹ nhiễm HIV có thể truyền sang con khi mang thai, khi sinh nở và khi cho con bú sữa mẹ. Khi mang thai: Nếu bạn biết là mình đã nhiễm HIV, bác sỹ có thể kê đơn cho bạn điều trị bằng thuốc trong lúc mang thai để bảo vệ sức khoẻ và giảm thiểu khả năng lây truyền HIV cho con. Khi sinh nở: Trong giai đoạn này, HIV có thể lây truyền từ mẹ nhiễm HIV do em bé nuốt phải dịch âm đạo hoặc máu của mẹ từ những vết rách hoặc cắt trong khi sinh hoặc các dịch tiết này cũng có thể thấm qua niêm mạc mắt, miệng... của bé khiến em bé bị nhiễm HIV từ mẹ. Khi sinh nở nếu bạn biết mình đã bị nhiễm HIV, bạn có thể sẽ được nhận những chăm sóc và điều trị cần thiết trong khi sinh con để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho con. Khi cho con bú: HIV cũng có thể truyền sang con qua sữa mẹ. Nếu bạn đã bị nhiễm HIV, cán bộ tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn cách nuôi con tốt nhất và phù hợp với bạn.

Việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tham vấn dự phòng cho mẹ để dự phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục, tăng cường công tác tuyên truyền để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai quyết định xét nghiệm HIV cũng như hỗ trợ cho chẩn đoán HIV luôn được Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh chú trọng. Tuy nhiên, để đạt được những kết quả lớn hơn nữa, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ được Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tiếp tục triển khai rộng khắp, đúng quy trình, tăng cường khả năng tiếp cận cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trên cơ sở giảm dần và tiến đến xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.

Lan Hường