.

Nhật ký "nằm viện" - Kỳ 1: Đường tới... "Rôm"

Thứ Sáu, 17/06/2016, 11:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong vốn từ vựng giao tiếp hàng ngày của chúng ta lâu lâu lại được bổ sung bằng những tổ từ vừa quen vừa lạ. Lạ, vì ngẫm ra thì không hợp nghĩa, quen vì đã thành thông dụng và ai cũng chấp nhận rồi dần đi vào văn bản. Ví như cái từ trong tiêu đề của bài viết trên đây: Nằm viện, hay “đi viện”, ai cũng hiểu, nhưng làm sao mà đồng nghĩa được với “nằm” hay “đi” được. Đúng ra phải nói là “đến bệnh viện để điều trị bệnh”. Nhưng như thế thì dài dòng văn tự quá. Nên, nói, những ngày vừa qua tôi “đi viện” hay “nằm viện” là đủ nghĩa.

Tôi, anh, chị, chúng ta đều có một trái tim. Khỏi bàn về phần “hồn” phần rung động, yêu thương căm giận, chỉ xin đề cập đến phần “cơ” mỗi phút đập sáu bảy mươi lần trong ngực trái. Từ khi ra đời cho đến khi “trở về”, trái tim làm việc chưa hề ngưng nghỉ, không “nghỉ phép” cũng chẳng giải lao.

Nếu có “nghỉ vài mươi giây” thì đã khiến cho nhà chuyên môn phải chạy cuống cà kê, thậm chí phải dùng cả những động tác khá thô bạo như ấn mạnh vào vùng ngực để bắt nó “làm việc “ trở lại. Về cái bộ phận này thì chỉ xin trích một câu của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật là có thể nói hết: “...Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/Chỉ cần trong xe có một Trái tim”.

Vậy nhưng, cũng như bao “vật thể” khác, con tim cũng tuân theo quy luật sinh hóa, tới một ngày cũng mệt mỏi. Lúc đó, mỗi chúng ta mới ngộ ra thì có khi... đã muộn, hoặc giả mới nghĩ đến chuyện “bảo dưỡng”. Là cái sự con cà con kê để vào một “chuyên ngành hẹp” mà không phải ai cũng để ý tìm hiểu và đều phải “qua cầu mới hay”...

Ngày 26-5-2016, cả nhóm văn nghệ sĩ và cán bộ văn phòng Hội Văn nghệ đang theo dõi buổi thuyết giảng trực tuyến triển khai nghị quyết. Những cơn nhói như kim châm dội lên ở ngực trái. Theo thói quen từ nửa năm nay, tôi đấm đấm mấy cái như thể người ta chỉnh sửa một cái gì trục trặc. Nhưng, lần này thì khác, cơn đau nhói và thắt ngực dội lên ngày càng gấp.

Không xong rồi, tôi nói vội với Phó chủ tịch Trương Thu Hiền rồi nhào ra cửa chụp xe phóng lên Bệnh viện đa khoa Đồng Hới. May, ngày thứ năm nên bệnh nhân chờ khám không đông lắm. 15 phút sau, bác sĩ đã đặt ống nghe lên ngực trái và lập tức cho siêu âm, chụp tim phổi. Không nghi ngờ gì nữa, “động mạch vành” rồi, chuyển ngay lên tuyến trên là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.

Mười giờ, trời nắng, tôi không tin là mình có thể được nhập viện trong buổi sáng. Dư âm “màu tối của những năm tháng cách nay chưa lâu của bệnh viện vẫn ám ảnh tôi. Đó là chưa kể, với riêng tôi, gia đình tôi, còn lưu một kỉ niệm cay đắng từ gần ba mươi năm trước mà đến nay chưa thể phôi pha (xin được trở lại vào phần cuối phóng sự này). 10 giờ 30 phút, tiếp cận phòng khám. Một bác sĩ trẻ, một điều dưỡng viên có gương mặt khả ái niềm nở với những câu hỏi quen thuộc về triệu chứng. Khoanh lại vẫn là “động mạch vành”.

Các bạn ơi, nếu chưa có dịp nghiên cứu sâu thì xin cùng tôi lướt qua một chút khái niệm vừa nhắc. Trái tim nhận máu từ các tĩnh mạch về nạp ô xy rồi lại chuyển theo các động mạch đi nuôi cơ thể. Nhưng, chính trái tim cũng phải được nuôi dưỡng chứ. Và, cái nguồn nuôi cho trái tim sống để làm việc không ngưng nghỉ một giây nào trong suốt cuộc đời ta chính là “cái động mạch vành” ấy đấy. Thế mà bây giờ nó có vấn đề, và, nếu không can thiệp kịp thời thì trái tim, trước hết là “lãn công”, sau đó là “đình công”. Mà tim “nghỉ” thì điều gì xảy ra ai cũng biết.

10 giờ 45 phút, tôi được nữ y tá trẻ xinh đẹp dẫn lên tầng bảy bằng...thang máy. (Vâng, nếu không có thang máy thì người bị bệnh tim chẳng cần hoài công leo bảy tầng nhà nữa...). Không phải cấp cứu nhưng cũng chỉ 15 phút sau tôi đã được uống những viên thuốc đầu tiên cũng từ tay một điều dưỡng viên xinh đẹp.

Các bạn thân mến! Tôi nói vội ra điều này mong các bạn đừng hiểu nhầm, có lẽ, ngoài nữ giáo viên trong ngành giáo dục lên bục giảng, có lẽ nhân viên y tế, mà chí ít là ở khoa tim mạch cũng nên tuyển nhân viên có gương mặt khả ái và giọng nói dễ nghe, một yếu tố trong tổng thể tố chất Y đức... Và, tôi bắt đầu “Nằm viện” theo cách gọi thông thường của dân gian.

Cũng cần phải nói ngay rằng, chỉ một tháng trước, nếu đã là “động mạch vành” thì chỉ có thể lên đường Nam tiến vào Huế. Vì hai lẽ. Một là Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới không có phương tiện (máy) chụp động mạch vành. Hai là, như tôi đã lướt sơ qua ở đầu bài, dư âm của một thời còn vọng lại khiến bà con ta không tin tưởng lắm.

Mà đi Huế thì... một người bạn đồng nghiệp là nhà báo Bùi Dũng mới chứng nghiệm gần một tuần khi vào chụp và đặt stel đã phải lắc đầu và dùng tổ từ “Người như binh như hội”, một giường vài ba bệnh nhân, hành lang đầy những chiếc ghế xếp cho bệnh nhân nằm chờ khám. Chất lượng chuyên môn thì cao thật, nhưng với cái nóng ba chín bốn mươi độ như vừa qua mà đặt vào tình trạng đó thì “Trái tim khó chia ba phần tươi đỏ”.

May cho tôi hay cho tất cả bà con ta, là, cách đó hơn một tháng, trung tâm điều trị chất lượng cao với máy móc hiện đại mới đưa vào sử dụng. Và, các bạn tin tôi đi, sau này thì chưa biết thế nào chứ cái gì mới cũng đều tốt cả. Nhà hiện đại, sạch sẽ, thang máy vận hành tốt, nhân viên niềm nở. Thậm chí ở hai lối vào còn kê bàn có hai “ái nữ” mười tám đôi mươi quàng chéo dải băng đỏ qua ngực sẵn sàng hướng dẫn. Tầng bảy, phòng 24 là nơi tôi sẽ chấp nhận “ngụ cư ít nhất nửa tháng.

Vâng, không giống như bệnh khác có thể chữa qua loa ổn định rồi... lặn, với tim mạch thì không đùa được và cũng chẳng ai dại gì mà đùa với... sát thủ âm thầm này. Giường inox bóng loáng, nệm mới, quạt trần quay vù vù hứa hẹn những ngày nằm viện không đến nỗi nào.

Nhưng, nếu chỉ kể ra những điều đó để lạc quan vui mừng thì thành phố này có cả hơn trăm cơ sở khách sạn có thể làm vừa lòng ta. Điều quan trọng là, mọi con đường của bệnh nhân đều dẫn đến bệnh viện như trong câu nói cửa miệng của người phương Tây: Mọi con đường đều dẫn đến thành Rôm. Tôi phóng xe cấp tập qua bệnh viện đa khoa rồi từ đa khoa chuyển tuyến lên đây tất cả mất chừng một giờ 45 phút là đã được uống ngay những viên thuốc đầu tiên để bước đầu ngăn chặn hiểm họa với bản thân. Như thế cũng đã có thể gọi là kịp thời...

Nhưng, như tất cả các guồng máy khác trong cuộc sống của ta bây giờ, ngành y tế cũng tồn tại những “nhiêu khê không cần thiết. Ví như, cũng trong ngày đầu tiên ấy, khi mà lúc 9 giờ 30 phút tôi siêu âm, chụp phim ở bệnh viện đa khoa Đồng Hới, thì chiều hôm ấy, nghĩa là chỉ vài giờ, tôi lại phải siêu âm chụp Xquang, thử máu nữa. Vì sao vậy? Vì toàn bộ hồ sơ bệnh án phải để lại bệnh viện đa khoa để thanh toán với bảo hiểm Y tế, nên bệnh viện tuyến trên phải làm lại từ đầu. Chưa kể đến sự lãng phí, chỉ tính trong mấy giờ trong ngày mà thân xác con người phải bị tia X chiếu hai lần thì chắc cũng không phải là điều tốt...

Chuyện còn dài. Vui, buồn, bằng lòng hay còn điều lăn tăn xin để phần sau. Bạn đọc sẽ nghe tôi kể về việc ngày nay ở Quảng Bình ta, bác sĩ đã có thể luồn một cái “máy ảnh” từ cổ tay vào tận trái tim để chụp ảnh như thế nào và cách mà nhân viên y tế phục vụ bệnh nhân và ứng xử của người bệnh thế nào cho phải....

Nguyễn Thế Tường

Kỳ 2: Đường vào trái tim