.

Tân Hóa: Chăn nuôi tập trung "mở lối" du lịch

Thứ Tư, 21/06/2017, 10:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm phòng chống dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng của lũ lụt đối với đàn trâu bò, năm 2007, xã Tân Hóa (Minh Hóa) đã xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung. Qua 10 năm triển khai, mô hình đã thể hiện được sự đúng đắn, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhất là trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch.

Xã Tân Hóa là một địa phương thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt. Địa hình ở đây khá phù hợp cho việc phát triển chăn nuôi bởi có nhiều đồng cỏ để chăn thả trâu bò. Tận dụng lợi thế này, nhiều người dân Tân Hóa đã mạnh dạn đầu tư để chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, mỗi năm, địa phương này phải gánh chịu vài trận lũ lớn làm cho trâu bò và chuồng trại chăn nuôi bị cuốn trôi. Việc chăn nuôi gia súc tại gia khiến cho môi trường xung quanh bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, chuồng trại làm rời rạc khiến mùa đông đàn trâu bò chết rét khá nhiều. Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, khắc phục những hạn chế trên, năm 2007, Đảng bộ xã Tân Hóa đã ra nghị quyết quy hoạch chuồng trại chăn nuôi trâu bò tập trung gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa và bảo vệ môi trường.

Chuồng trại chăn nuôi trâu bò ở xã Tân Hóa được quy hoạch tập trung.
Chuồng trại chăn nuôi trâu bò ở xã Tân Hóa được quy hoạch tập trung.

Trước khi ra nghị quyết, Đảng bộ xã Tân Hóa đã chỉ đạo UBND, HĐND, các tổ chức mặt trận từ xã đến thôn vào cuộc để cùng nhau vận động người dân di dời chuồng chăn nuôi gia súc ra khỏi dân cư. Thực hiện phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Đảng bộ xã đã phân công trách nhiệm, giao chỉ tiêu cho từng đảng viên vận động nhân dân và chính đảng viên phải là người làm gương, di dời chuồng trại trước.

Ông Trần Hữu Hùng, ở thôn 1 Yên Thọ kể: “Cách đây khoảng 10 năm, cán bộ thôn, xã đến vận động gia đình tôi dời chuồng nuôi trâu bò ra khỏi khu dân cư. Nhưng, tôi thấy rời xa thì khó khăn trong việc chăm sóc, lấy phân, không an toàn nên phản đối. Sau đó, cán bộ làm trước và phân tích những lợi ích trong việc di dời thấu tình hợp lý, nên tôi đã đồng ý. Không những thế, tôi còn vận động con cháu, bà con xóm làng cùng di dời”.

Khi nghị quyết được ban hành, gần nửa số hộ trong xã đã di dời chuồng trại về các khu tập trung. Khoảng một năm sau triển khai, gần như toàn bộ số dân trong xã đã di dời. Đến nay, đã có 100% hộ chăn nuôi trâu, bò trong xã di dời chuồng trại về nơi tập trung. Hiện, 7 thôn trong xã đều có khu chuồng trại nuôi gia súc tập trung. Riêng thôn 5 Yên Thọ và thôn Cổ Liêm có 2 điểm tập kết chăn nuôi. Mới đây, xã cũng đã di dời khu chăn nuôi tập trung ở thôn 1 Yên Thọ về vùng Đá Bạc cách vị trí cũ chừng 1,5km. Bởi khu chăn nuôi này nằm ở đầu thôn, gần đường giao thông, gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến mỹ quan làng xóm, trong khi xã đang tập trung làm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng.

Ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết: “Toàn xã hiện có hàng chục trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc lớn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Xã đang tập trung quy hoạch những vùng chăn nuôi ở nơi cao ráo, như: thôn 5 Yên Thọ và thôn Rí Rị, rồi vận động bà con về đó chăn nuôi.

Bởi, nơi đây có địa hình cao ráo, ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt để phát triển chăn nuôi lâu dài. Còn những thôn có địa hình thấp, hay ngập lụt vẫn duy trì chăn nuôi theo hướng tập trung nhưng chỉ nuôi theo thời vụ để hạn chế thiệt hại do thiên tai”. Ngoài việc quy hoạch chuồng trại tập trung, xã Tân Hóa còn chỉ đạo bà con trồng được trên 60ha cỏ, tận dụng diện tích đồng cỏ tự nhiên để phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, đàn gia súc của xã tăng nhanh qua hàng năm. Nếu như sau trận lũ lịch sử năm 2010, toàn xã còn chưa đến 1.000 con trâu bò, đến năm 2016 đàn đã phát triển lên hơn 2.000 con.

Việc quy hoạch chuồng trại chăn nuôi gia súc tập trung không những góp phần phát triển chăn nuôi của xã mà còn làm cho môi trường nông thôn được cải thiện đáng kể, sức khỏe của bà con được bảo đảm, hạn chế những ảnh hưởng xấu do lũ lụt, đưa đời sống của người dân ngày càng đi lên. Cuối năm 2010, toàn xã còn trên 85% hộ nghèo, đến nay, số hộ nghèo chỉ còn 31,9%.

Trong năm 2017 này, xã tiếp tục phấn đấu để giảm hộ nghèo thêm 8% và hoàn thành tiêu chí hộ nghèo năm 2019. Đặc biệt, việc quy hoạch chăn nuôi tập trung đã giúp xã hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới...

Xuân Vương