.

Khi du lịch "cất cánh" cùng hàng không

Chủ Nhật, 18/06/2017, 09:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong thời gian gần đây, ngành Du lịch Quảng Bình đã chọn thêm cho mình “người bạn đồng hành” tâm đầu ý hợp. Đó là đường hàng không. Với sự hỗ trợ của “người bạn” này, ngành du lịch tỉnh sẽ hướng đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Nếu nói về tiềm năng du lịch Quảng Bình hầu như nhiều người đã biết tới thương hiệu: Quảng Bình là quê hương của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, là “Vương quốc của hang động”, là điểm hẹn của du lịch văn hóa tâm linh và còn nhiều tiềm năng chưa khai thác. Nhưng hạn chế trong hoạt động du lịch của tỉnh là khai thác lợi thế chưa tương xứng với tiềm năng.

Quảng Bình chào đón những vị khách đầu tiên của đường bay Cát Bi-Đồng Hới. Ảnh: Lê Mai
Quảng Bình chào đón những vị khách đầu tiên của đường bay Cát Bi-Đồng Hới. Ảnh: Lê Mai

Hơn nữa, so với những trung tâm kinh tế - xã hội khác của cả nước, Quảng Bình là địa phương ở xa. Trong giải pháp để phát triển du lịch, vấn đề quan trọng hàng đầu vẫn là giao thông.  Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Trước thực trạng này, Sở đã đi tắt đón đầu, tham mưu cho UBND tỉnh và các ngành chức năng tăng tần suất khai thác đường bộ kết nối các tỉnh miền Trung, như: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, kết nối các tỉnh miền Bắc thông qua Hải Phòng, Hà Nội đến Quảng Bình. Đồng thời, cần chú trọng phát triển giao thông hàng không để đón khách trong nước và quốc tế về du lịch Quảng Bình.

Có thể nói, lợi thế mà hàng không đưa lại cho du khách chính là sự rút ngắn thời gian di chuyển, bảo đảm sức khỏe cho du khách, tăng thời gian lưu trú, giảm thời gian đi lại, và có thể đi từ quốc gia này đến quốc gia khác trong một thời gian ngắn. Điều này thu hút sự hấp dẫn và đem đến cho du khách những trải nghiệm khó quên của hành trình du lịch”.

Mùa du lịch năm 2017, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên lĩnh vực giao thông hàng không của Quảng Bình. Được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Giao thông, sự hỗ trợ giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, các hoạt động du lịch bằng đường hàng không ở tỉnh ta diễn ra sôi động. Đường hàng không được tăng tần suất tuyến Đồng Hới - thành phố Hồ Chí Minh; Đồng Hới - Hà Nội và ngược lại.

Cùng với việc duy trì những đường bay cũ của các hãng hàng không khác, các đường bay mới, như: Đồng Hới - Cát Bi (Hải Phòng) được đưa vào khai thác; Đồng Hới - Chiang Mai  (Thái Lan) đang trong quá trình xúc tiến. Trả lời câu hỏi vì sao là Chiang Mai? Các nhà quản lý Sở Du lịch cho biết: “Vì tỉnh này là trung tâm du lịch xếp thứ 2 sau thủ đô Băng Cốc về hoạt động du lịch. Chiang Mai đón dòng khách quốc tế, sau đó đi sang các nước khác. Khách du lịch đến với Chiang Mai thích đi du lịch khám phá hang động, thiên nhiên hoang dã. Chiang Mai có khoảng 3 triệu dân, thì đã có gần 1 triệu khách quốc tế thường xuyên lưu trú...”.

Dự kiến tương lai gần, đường bay Đồng Hới – Chiang Mai – Đồng Hới sẽ diễn ra là chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên trực tiếp từ thành phố Đồng Hới đến quốc gia khác. Đây là cơ hội để quảng  bá vẻ đẹp về văn hóa, con người và cảnh quan của Quảng Bình nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế.

Giờ đây, tần suất hoạt động của Cảng hàng không Đồng Hới đang ngày càng tăng cao. Nếu như năm 2015, sân bay Đồng Hới mới có 261.372 lượt khách thì đến hết năm 2016 đã có 364.563 lượt khách, tăng trên 39%. Con số này tiếp tục tăng vào 5 tháng đầu năm 2017 với 157.861 lượt khách, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Một ngày giữa tháng 6 năm 2017, chúng tôi đã ghé thăm sân bay Đồng Hới.

Trong dịp quê hương Quảng Bình vui trong ngày hội lớn, tưng bừng kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình - Vĩnh Linh, sân bay Đồng Hới còn ghi dấu sự kiện năm nào Bác về thăm Quảng Bình. Hành khách ra vào sân bay tấp nập, được cán bộ nhân viên sân bay đón tiếp niềm nở thân thiện. Cuộc sống thanh bình đem đến biết bao điều mới lạ và niềm vui cho du khách mỗi khi bước xuống sân bay Đồng Hới.

Họ sẽ được thực hiện những chuyến du lịch khám phá thưởng ngoạn những điều kỳ thú của “vương quốc hang động”, quê hương của vị tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, được thăm lại chiến trường xưa ở cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Một du khách vừa rời sân bay Đồng Hới đã tâm sự với chúng tôi: “Tôi đã nghiền đi du lịch bằng đường hàng không. Bởi, phương tiện này giúp cho tôi vừa bảo đảm thời gian, vừa cho tôi giữ gìn sức khỏe, giá vé máy bay cũng phù hợp với túi tiền của khách du lịch”.

Người du khách yêu thích du lịch đường hàng không vui vẻ cho tôi xem tập cuống vé anh còn cất giữ sau những chuyến du lịch trong quá khứ. Nhìn cảnh tấp nập của sân bay Đồng Hới, chúng tôi kỳ vọng về một tương lai tươi sáng của ngành du lịch Quảng Bình khi biết chọn đường hàng không làm hướng đột phá. 

Trao đổi với chúng tôi về triển vọng trong tương lai khi đồng hành cùng ngành du lịch “cất cánh”, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc Cảng hàng không Đồng Hới cho biết, Cảng hàng không Đồng Hới hiện tại đạt Cảng hàng không cấp 4C, đáp ứng phục vụ tàu bay tương đương A320/321 trở xuống. Công suất nhà ga hành khách đạt 500.000 hành khách/năm. Giờ cao điểm đáp ứng 300 hành khách/giờ; có hệ thống hỗ trợ hạ cánh bằng thiết bị (ILS) và hệ thống đèn hiệu hàng không hỗ trợ khai thác ban đêm.

Cùng với xu thế phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, các nhà đầu tư và du khách đến với Quảng Bình ngày càng tăng, Cảng hàng không Đồng Hới cần được nâng cấp mở rộng để có thể tiếp nhận các máy bay lớn hơn.

Cụ thể:  theo quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh Quảng Bình, sẽ đề nghị nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới thành Cảng hàng không Quốc tế; nâng cấp kéo dài đường cất hạ cánh; đầu tư mở rộng nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ khác; đầu tư các trang thiết bị hiện đại để mang lại nhiều tiện ích cho hành khách tại sân bay.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách qua cảng, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hướng đến sự hài lòng của hành khách khi qua Cảng, như: thường xuyên rà soát, đầu tư và nâng cấp hệ thống hạ tầng, các trang thiết bị nhằm đưa đến nhiều tiện ích nhất cho hành khách.

Trong thời gian vừa qua, Cảng đã đầu tư hệ thống hỗ trợ hạ cánh bằng thiết bị (ILS) và hệ thống đèn hiệu hàng không hỗ trợ khai thác ban đêm, giúp cho các chuyến bay không bị ảnh hưởng nhiều do thời tiết xấu như trước đây và khai thác được vào ban đêm; đầu tư mở rộng thêm 2 vị trí đỗ tàu bay nâng công suất khai thác lên 4 vị trí; đầu tư thêm hệ thống quầy làm thủ tục hành khách để nâng công suất làm thủ tục, giảm thời gian chờ làm thủ tục của hành khách; bố trí hệ thống thông tin về các chuyến bay trong nhà ga dễ nhận biết, tiện lợi; bố trí hệ thống wifi, nước uống  miễn phí...

Đơn vị đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và Hệ thống quản lý an toàn vào toàn bộ các hoạt động khai thác, từ đó, các dịch vụ cung cấp được giám sát và bảo đảm chủ động xử lý các bất thường trong quá trình cung cấp dịch vụ.

Cán bộ, nhân viên quán triệt, phát động phong trào ứng xử văn hóa, thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong giao tiếp theo phương châm “4 xin”: “Xin chào, Xin lỗi, Xin cảm ơn, Xin phép” và “4 luôn”: “Luôn mỉm cười, Luôn nhẹ nhàng, Luôn thấu hiểu, Luôn giúp đỡ”.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tặng hoa cho lãnh đạo TP. Hải Phòng. Ảnh: Lê Mai
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tặng hoa cho lãnh đạo TP. Hải Phòng. Ảnh: Lê Mai

Nhờ đó, ý thức và thái độ của cán bộ, nhân viên trong phục vụ hành khách được nâng cao, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với hành khách về văn hóa hàng không. Đơn vị sẽ tiếp tục tập trung đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng làm việc cho cán bộ, nhân viên, trong đó, chú trọng các kỹ năng mềm để bảo đảm hướng khách hàng đến sự tuân thủ các quy định nhưng cũng rất thoải mái trong việc chấp hành.

Đặc biệt, Cảng tập trung vào công tác bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho hành khách và các chuyến bay; tổ chức công tác tuần tra, canh gác các vị trí mục tiêu trọng điểm 24/24h; kiểm tra, soi chiếu hành khách, vật phẩm nhằm bảo đảm không để có yếu tố gây mất an ninh, an toàn lên tàu bay. Công tác vệ sinh, môi trường được đơn vị duy trì thường xuyên, bảo đảm cảnh quan tại Cảng hàng không xanh, sạch, đẹp.

Trong xu hướng của du khách trong nước và quốc tế muốn thực hiện các chuyến du lịch bằng đường hàng không, việc quan tâm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở các đường bay mới đi và đến Cảng hàng không Đồng Hới của UBND tỉnh Quảng Bình là một chủ trương đúng và phù hợp.

Tương lai không xa nữa, UBND tỉnh sẽ đề xuất Chính phủ đầu tư nâng cấp sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế; mở thêm các đường bay quốc tế đến các nước có khách du lịch hàng đầu đến Quảng Bình; mở thêm các đường bay nội địa từ Đồng Hới đến các điểm du lịch quan trọng trong cả nước, như: Nha Trang, Cần Thơ, Buôn Mê Thuột, Điện Biên..., lúc đó, chắc chắn ngành du lịch sẽ đồng hành bền vững cùng hàng không.

Phan Hòa