.

Tăng cường quản lý môi trường đối với các nhà máy sản xuất công nghiệp

Thứ Tư, 21/09/2016, 09:06 [GMT+7]

(QBĐT) - So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, vấn đề ô nhiễm môi trường ở các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp tỉnh ta chưa đến mức nghiêm trọng. Tuy vậy, qua sự cố môi trường do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra vừa qua buộc chúng ta phải nghiêm túc đánh giá lại toàn bộ hoạt động xử lý nước thải, chất thải ở các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Ông Phan Xuân Hào, Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT)  cho biết, những năm qua sở này đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý, kiểm tra, giám sát môi trường các cơ sở sản xuất công nghiệp. Riêng năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Sở đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra tại 154 đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về việc chấp hành pháp luật tài nguyên và môi trường.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã kịp thời phát hiện và xử lý 35 cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã xử phạt Nhà máy xi măng Vạn Ninh, thuộc Công ty CP Vicem Hải Vân (có địa chỉ tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) số tiền 120 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường...

Công tác quản lý chất thải đã được chú trọng và triển khai thường xuyên từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Trong đó, tập trung quản lý chất thải rắn sinh hoạt từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Sở TN-MT đã cấp 9 sổ quản lý chất thải nguy hại, đưa tổng số cơ sở được cấp sổ quản lý chất thải nguy hại lên 52 cơ sở; kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý chất thải nguy hại đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị có đủ năng lực để xử lý chất thải nguy hại, nên việc yêu cầu các đơn vị xử lý triệt để chất thải nguy hại rất khó khăn.

Thời gian qua, có một số đơn vị vì lợi nhuận mà xem bỏ qua hoặc xem nhẹ việc xử lý chất thải, nước thải, khói bụi... Đơn cử như một số nhà máy xi măng mặc dù đã đầu tư hệ thống lọc khói bụi đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng vì sợ tốn tiền điện nên có thời điểm (chủ yếu vào ban đêm) không vận hành hệ thống lọc khói bụi. Thanh tra Sở TN-MT đã kiểm tra đột xuất, xử phạt 3 trường hợp vi phạm.

Nhà máy xử lý nước thải Đức Ninh.
Nhà máy xử lý nước thải Đức Ninh.

Bên cạnh đó, việc xả thải đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn còn tùy tiện. Mới đây vào ngày 8-8-2016, tàu đánh cá của ông Nguyễn Đình Khải, trú tại xã Thanh Trạch, Bố Trạch đang đánh bắt cách cửa Gianh khoảng 54 hải lý về hướng Đông Bắc, đã phát hiện một tàu chở hàng loại lớn, sơn màu đen, ca bin màu trắng, thân tàu có các chữ cái La tinh, không rõ số hiệu, trên tàu có hàng hóa được bịt bằng bạt và 2 cần cẩu, đang chạy từ đất liền ra theo hướng Đông - Đông Bắc, tốc độ khoảng 8 hải lý/h. Quá trình tàu chạy có 3 công nhân vứt xuống biển nhiều túi nilon chứa chất thải rắn.

Theo phản ánh của người dân, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số tổ chức, cá nhân thu mua, sử dụng các chất thải của các nhà máy nhiệt điện chưa được kiểm định về chất lượng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 

Cử tri đã nhiều lần phán ánh về việc gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy xi măng Áng Sơn II (thuộc Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân), Nhà máy dong riềng (huyện Quảng Ninh); gây ô nhiễm nguồn nước của Nhà máy may 10 (phường Bắc Lý), ô nhiễm bụi than của Nhà máy gạch lát xã Lộc Ninh và một số cơ sở sản xuất công nghiệp khác trên địa bàn. Thanh tra Sở TN-MT đã kiểm tra và yêu cầu đơn vị khắc phục. Tuy nhiên còn một số đơn vị chỉ mới khắc phục tạm thời, chưa có giải pháp bền vững xử lý ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật.

Qua báo cáo của Thanh tra Sở TN-MT, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 22 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó đã xác nhận hoàn thành, đóng cửa, di dời và thực hiện xong xử lý môi trường 8 cơ sở, 9 cơ cở đã được đầu tư khắc phục đang từng bước hoàn thiện (4 bãi rác, 5 bệnh viện) và 5 cơ sở đã được phê duyệt đang trình Bộ TN-MT hỗ trợ kinh phí để xử lý (3 bãi rác, 1 chợ và 1 bệnh viện). Một trong những biện pháp bắt buộc đối với các cơ sở khai khoáng là phải ký quỹ phục hồi môi trường.

Vấn đề này đã được Sở TN-MT chỉ đạo thực hiện ngay từ khi cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Đến nay, các đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực đã ký quỹ được 11,5 tỷ đồng và thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được 358 triệu đồng. Tuy nhiên số đơn vị còn nợ tiền phí bảo vệ môi trường khá lớn, trong đó điển hình có Công ty CP Tập đoàn Linh Thành nợ hơn 5 tỷ đồng từ nhiều năm nay.

Từ thực tiễn của công tác quản lý môi trường trên địa bàn thời gian qua cho thấy còn nhiều bất cập. Đó là, tổ chức bộ máy nhà nước về môi trường còn quá mỏng; năng lực quản lý nhà nước về môi trường của các phòng chuyên môn cấp huyện, thị xã, thành phố; cán bộ quản lý môi trường cấp xã, phường, thị trấn còn hạn chế. Thể chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý môi trường chưa đồng bộ, nhiều quy định còn chồng chéo và chưa đầy đủ, nhiều chính sách, văn bản hướng dẫn đã được ban hành nhưng chưa cụ thể, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Thí dụ như: Quy định về thời gian cần đánh giá tác động môi trường giữa Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường có sự khác nhau trong quá trình triển khai. Hệ thống trang thiết bị phục vụ quan trắc và phân tích môi trường đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, thiếu và yếu trong toàn hệ thống, làm ảnh hưởng đến chất lượng số liệu, nhiều kết quả quan trắc và phân tích khó tích hợp và khó so sánh được với nhau.

Các chương trình quan trắc môi trường chưa được tăng cường cả về điểm, thông số và tần suất quan trắc, dẫn đến tình trạng chưa phát hiện kịp thời tình trạng ô nhiễm, bị động trong xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cơ quan quản lý  không nắm được cụ thể tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Để giải quyết dứt điểm vấn đề nêu trên, đề nghị Sở TN-MT yêu cầu các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp có phương án xử lý bền vững môi trường. Trong thời gian tới, Sở TN-MT cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đơn vị và xử lý nghiêm nếu đơn vị không kịp thời khắc phục.

Ông Phạm Văn Năm, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cho biết, rút bài học kinh nghiệm về quản lý môi trường từ các dự án đã đầu tư, thời gian tới khi các dự án quy mô lớn triển khai như: Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch 1, công suất 1.200MW; dự án chăn nuôi bò Bình Hà, quy mô 100 ngàn con bò xuất khẩu; dự án gỗ MDF công suất 500 ngàn m3/năm, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải, chất thải, khói bụi... Nếu làm tốt vấn đề này ngay từ khi lập, thẩm định dự án thì sẽ hạn chế được tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong phát triển sản xuất công nghiệp.

Trọng Thái