.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc sản: Tầm nhìn chiến lược cho tương lai

Thứ Sáu, 16/09/2016, 10:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Một sản phẩm, nhất là đặc sản, khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì thu về ích lợi trăm bề. Trước hết, việc bảo hộ này góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế khi người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng, độ an toàn của sản phẩm, uy tín và danh tiếng của sản phẩm được bảo vệ tối đa. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý còn là động lực góp phần cải thiện nền nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa, phát huy lợi thế riêng có của địa phương để phát triển đặc sản, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường ngoài nước.

Không những vậy, đây còn là công cụ quan trọng giúp bảo đảm quyền và lợi ích của người sản xuất, người tiêu dùng. Từ đó đưa đến nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các lớp đối tượng, như: nhà sản xuất, nhà kinh doanh, các dịch vụ đi kèm và nhất là phát triển ngành công nghiệp du lịch sinh thái, tạo nguồn lợi kinh tế cao cho địa phương. Cả nước hiện có hơn 50 sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhưng Quảng Bình thì vẫn chưa có bất kỳ sản phẩm nào.

Cam mật Hiền Ninh nhiều tiềm năng để có thể được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong tương lai.
Cam mật Hiền Ninh nhiều tiềm năng để có thể được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong tương lai.

Sau gần 4 năm triển khai, đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen cam mật Hiền Ninh, tỉnh Quảng Bình” đang đi vào những giai đoạn cuối cùng với nhiều tín hiệu khả quan. Bà Nguyễn Thị Thanh Tình, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh, chủ nhiệm đề tài cho biết, cam mật Hiền Ninh là giống cây ăn quả bản địa đặc sản, hương vị thơm ngon, tạo sự khác biệt nhất định với nhiều giống cam lai ghép khác trên thị trường.

Trải qua thời gian bào mòn và người dân địa phương chưa biết cách chọn lọc, phục tráng, cho nên cây đã thoái hóa, phân ly nhiều, dẫn đến năng suất, chất lượng có xu hướng sụt giảm. Đề tài đã góp phần mang đến một diện mạo mới cho giống cam riêng có của Quảng Bình. Nguồn gen quý được bảo tồn, phát triển với việc tuyển chọn cây đầu dòng, xây dựng các vườn giống, vườn cây mẹ sạch bệnh, chất lượng cao phục vụ sản xuất.

Các biện pháp kỹ thuật nhằm cải thiện năng suất, chất lượng nguồn gen được nghiên cứu và đưa vào áp dụng, như: quy trình nhân giống, xác định công thức phân bón, sử dụng một số phân vi lượng, chất điều tiết sinh trưởng, biện pháp phòng trừ sâu bệnh, quy trình thâm canh tổng hợp... Mô hình trồng mới giống cam mật Hiền Ninh đã được triển khai với 1,5ha và thu về sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao.

Hiện tại, mô hình đang được nhân rộng thêm một vài ha tại 5 xã của huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Điểm đáng mừng là mô hình trồng cam mật Hiền Ninh được người dân ủng hộ và hào hứng tham gia, bởi đây vừa là giống cây đặc sản địa phương, mang lại lợi ích kinh tế lớn, vừa dễ chăm sóc, nhanh thu hoạch, cũng như được sự hỗ trợ tích cực từ đội ngũ cán bộ tham gia đề tài.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tình khẳng định, trong tương lai, sau khi đề tài kết thúc, nếu người dân tiếp tục có được sự hỗ trợ tích cực và có hướng đi đúng đắn, chắc chắn cam mật Hiền Ninh sẽ là một “chiếc chìa khóa vàng” làm giàu của địa phương. Những người thực hiện đề tài cũng đang triển khai phối hợp với Viện Nông hóa Thổ nhưỡng để xây dựng bộ dữ liệu phục vụ chỉ dẫn địa lý giống cam mật Hiền Ninh. Nhưng, để có thể tiến tới bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này sẽ là một quá trình dài, vượt ra ngoài khuôn khổ của đề tài.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tình, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam mật Hiền Ninh phải chờ đợi khi diện tích trồng được tăng lên, tên tuổi của sản phẩm được biết đến rộng rãi hơn, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, và nhất là phải có sự vào cuộc tích cực, chặt chẽ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu đưa đặc sản ra thị trường. Đây là chặng đường dài đòi hỏi sự đồng hành ngay từ thuở ban đầu của cả “3 nhà”, nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, có như vậy, việc xây dựng bảo hộ chỉ dẫn địa lý mới có thể thành công.

Thời gian gần đây, sản phẩm mật ong Tuyên Hóa của Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình bắt đầu xây dựng được thị trường tiêu thụ rộng khắp và đang hướng tới các thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng. Đến thời điểm này, bảo hộ chỉ dẫn địa lý bắt đầu được Công ty xem xét để triển khai bởi những ích lợi to lớn mà nó mang lại.

Có được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đặc sản mật ong Tuyên Hóa sẽ củng cố thêm niềm tin cho khách hàng khi sử dụng về chất lượng, độ an toàn với một sản phẩm mang đặc thù của vùng núi phía Tây Quảng Bình và sẽ là công cụ vô cùng quan trọng trong marketing ra thị trường trong, ngoài nước. Đó là chưa kể đến việc địa phương cũng sẽ được hưởng lợi khi có điều kiện để phát triển, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm và tạo thêm nhiều công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho lao động nội địa.

Dẫu vậy, theo ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình, kinh phí để thực hiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý là không hề nhỏ, trong khi doanh nghiệp mới thành lập, còn non trẻ và hạn chế kinh nghiệm trong kinh doanh, nguồn vốn quay vòng trong tiêu thụ sản phẩm khá eo hẹp. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý có lẽ là mục tiêu xa vời với đặc sản mật ong Tuyên Hóa, nếu không được sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía. Với một sản phẩm chủ yếu “được bán bằng niềm tin, uy tín” như mật ong, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý là điều vô cùng thiết yếu, quyết định sống còn đến tương lai sản phẩm trên thị trường.     

Theo ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ , hiện tại, tỉnh ta vẫn chưa có một sản phẩm nào được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Bởi, khó khăn trước hết là để được bảo hộ, sản phẩm phải mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý, đồng thời, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

Nếu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm sẽ thuận lợi hơn rất nhiều đối với sản phẩm mật ong Tuyên Hóa, nhất là ở thị trường ngoài nước.
Nếu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm sẽ thuận lợi hơn rất nhiều đối với sản phẩm mật ong Tuyên Hóa, nhất là ở thị trường ngoài nước.

Hiện tại, tỉnh ta mới chỉ có một vài sản phẩm tiềm năng, đáp ứng tiêu chuẩn này và nếu như được quan tâm, xây dựng, phát triển có quy trình bài bản thì việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là điều không xa, như: cam mật Hiền Ninh, dưa hấu Hàm Ninh, mật ong Tuyên Hóa.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng từng nhấn mạnh, bất kỳ một sản phẩm nào được cấp nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, sau một thời gian giá sản phẩm sẽ tăng lên gấp đôi, đây là cơ hội để địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, các hộ sản xuất tăng thêm nguồn thu bền vững nhằm khai thác tiềm năng nguồn lợi từ sản phẩm nông nghiệp.

Trong bối cảnh sự cố môi trường biển đang khiến các đặc sản nguồn gốc hải sản ngày càng thu hẹp về thị trường như hiện nay, có lẽ đây cũng là thời điểm tỉnh ta cần có chiến lược, kế hoạch dài hơi để xây dựng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc sản của Quảng Bình, hướng tới những mục tiêu xa hơn trong tương lai. Gần với tỉnh ta, Nghệ An đã có bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho đặc sản cam, Kon Tum và Quảng Nam có bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, Thừa Thiên- Huế có bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm nón lá, Thanh Hóa có bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hậu Lộc” cho sản phẩm mắm tôm...

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ: Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm.

Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp. Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.

Theo điều 88, Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11, quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.

M.N