.

Nam Hóa: Đi lên từ gian khó

Thứ Tư, 29/06/2016, 07:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Với xuất phát điểm hầu như từ con số không trong ngày đầu thành lập, ấy vậy mà hiện nay xã Nam Hóa (huyện Tuyên Hóa) đã vươn mình phát triển sánh ngang, thậm chí còn vượt trội so với một số địa phương khác ở huyện. Thành quả này chính là nhờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng sức đồng lòng của cán bộ và các tầng lớp nhân dân Nam Hóa trong suốt nhiều năm qua...

Buổi đầu gian khó

Trong cái nắng oi bức của những ngày hè tháng 6-2016, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Nam Hóa dẫn đi tham quan một số mô hình kinh tế tiêu biểu trên địa bàn. Chỉ tay vào những vạt rừng trồng xanh um đến mát mắt, ông Bí thư Đảng uỷ xã nhớ lại: Trước đây, cả vùng đất này dân cư thưa thớt, toàn rừng núi thâm u, nhiều thú dữ...

Giai đoạn 1983-1984, hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, hàng trăm hộ dân ở xã Thạch Hoá và một số xã lân cận, thậm chí có cả hàng chục hộ ở vùng đất Minh Hoá "đánh liều" di cư tới đây để khai hoang phục hoá, xây dựng cuộc sống mới.

Một góc xã Nam Hoá hôm nay.
Một góc xã Nam Hoá hôm nay.

Lúc đó, vùng đất này mới chỉ có 3 thôn, với khoảng 2.000 nhân khẩu. Hầu hết các hộ dân di cư tới đây đều thuộc diện hộ nghèo, nhiều năm liền phải sống dựa vào chính sách hỗ trợ lương thực 6 tháng/năm của Nhà nước và được hỗ trợ mái ngói để dựng nhà...

Ông Lợi kể tiếp: Những ngày đầu đến định canh tại mảnh đất này, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì hầu như nhà nào trong xã cũng nợ nần chồng chất để cầm cự tại vùng đất mới. Các chú xem, toàn núi cao, cây rừng rậm rạp, đất trồng cây lương thực ít..., không nợ thì dân làm sao sống nổi. Một số hộ cũng vì cuộc sống khó khăn mà định quay trở về quê cũ.

Tuy nhiên, chính nhờ sự vận động, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền nên họ mới an tâm bám trụ lại đây. Năm 2003, xã Nam Hoá mới chính thức được thành lập, bộ máy cấp ủy, chính quyền còn non trẻ, cơ sở vật chất hạ tầng hầu như chưa có gì, nơi làm việc rất tạm bợ, mặt bằng đời sống dân sinh thấp... nên "đụng" vào công việc gì cũng gặp muôn vàn khó khăn. Được cái là đa số người dân sinh sống ở đây rất đoàn kết, biết tương trợ lẫn nhau lúc khốn khó nên mới được như ngày hôm nay...

Chị Hoàng Thị Tuyết Mai, thôn Hà Trung là một trong nhiều hộ dân đến định canh định cư tại mảnh đất Nam Hoá từ những ngày mới lập xã. Chị Mai kể lại: Những ngày đầu mới đến đây, bản thân tui hầu như tay trắng, vốn liếng không có nên muốn đầu tư làm một công việc gì cũng rất khó khăn. Bà con chung quanh ai cũng nghèo khó cả nên chẳng giúp nhau được nhiều. Điện thắp sáng không có, trường học thì tạm bợ và xa ngái nên tỷ lệ người thất học khá cao. Lúc đó, những ai đau ốm thì phải lên bệnh viện ở thị trấn Đồng Lê để chữa trị chứ không như bây giờ đã có trạm y tế xã.

“Với đặc thù vùng miền núi rẻo cao, thời điểm mới thành lập toàn xã Nam Hoá không có lấy một mét đường bê tông nào nên việc đi lại giữa các thôn với nhau gặp rất nhiều bất lợi. Đã thế, do có tuyến đường sắt chạy ngang qua địa bàn xã, chia tách thành hai vùng riêng biệt nhưng không hề có rào chắn cũng khiến cho việc đi lại giao thương, làm ăn sản xuất gặp rất nhiều nguy hiểm.

Từ trước tới nay tại địa bàn xã từng xảy ra khá nhiều vụ tai nạn do tàu hoả tông chết trâu, bò, thậm chí còn gây chết người rất thương tâm. Nói chung, sống ở xã "lắm không", hầu như toàn bộ người dân ở đây đều phải tự ý thức siêng năng chịu khó, chắt chiu dành dụm, tích tiểu thành đại, lấy ngắn nuôi dài... thì mới có được như ngày hôm nay...”, bà Mai nói.

Quê nghèo khởi sắc

Kể từ khi có bộ máy cấp ủy, chính quyền đi vào hoạt động, nhờ biết tranh thủ tốt sự hỗ trợ từ cấp trên, hệ thống trụ sở, điện, đường, trường, trạm ở Nam Hoá đã lần lượt mọc lên và được kiên cố dần theo năm tháng. Ngay từ những ngày đầu, Đảng bộ xã Nam Hoá đã sớm xác định phải luôn chủ động, sáng tạo để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và phải thật phù hợp với thực tiễn ở địa phương, có như vậy thì đời sống kinh tế- xã hội mới mau chóng phát triển đi lên...

Trên cơ sở xác định rõ những khó khăn cũng như lợi thế, tiềm năng của địa phương, Đảng bộ xã Nam Hoá đã khẩn trương xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Mọi nghị quyết của Đảng bộ xã Nam Hoá sau khi thông qua, đều nhanh chóng được quán triệt về tới chi bộ, đảng viên và quần chúng.

Để thực hiện thắng lợi các nghị quyết đề ra, Đảng bộ xã Nam Hoá tập trung mạnh vào việc xây dựng các chi bộ trong sạch, vững mạnh; kết hợp tận dụng triệt để những nguồn vốn đầu tư, các chương trình, dự án nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn...

Mỗi một đảng viên trong toàn Đảng bộ đều được giáo dục ý thức cần phải nêu cao tinh thần gương mẫu "đầu tàu" trong mọi công việc, không ngại khó và khổ. Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Các tổ chức, đoàn thể chủ động đứng ra tín chấp, tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên tiếp cận vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, ở các chi bộ, đội ngũ đảng viên luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho gia đình, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động bà con cùng làm theo.

Với sự chủ động, sáng tạo trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, những năm gần đây, Đảng bộ xã Nam Hoá đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tập trung khai thác, phát huy thế mạnh của địa phương như: đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, chú trọng phát triển chăn nuôi, tích cực phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ-thương mại, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới...

Từ năm 2010 đến 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của xã Nam Hoá đều đạt 12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã tăng từ 6,5 triệu đồng (năm 2011) lên 15 triệu đồng/người/năm (năm 2015). Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 25,31%. Hiện xã có tổng đàn gia súc khoảng 1.500 con (trong đó tỷ lệ bò lai chiếm 54% tổng đàn; lợn có máu ngoại hơn 98%).

Mô hình chăn nuôi gia trại của gia đình chị Hoàng Thị Tuyết Mai, thôn Hà Trung, xã Nam Hoá.
Mô hình chăn nuôi gia trại của gia đình chị Hoàng Thị Tuyết Mai, thôn Hà Trung, xã Nam Hoá.

Thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm gần đây, xã Nam Hoá đã tích cực vận động nhân dân chuyển dần một số diện tích đất lúa kém hiệu quả, không chủ động được nguồn nước tưới sang trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi, trồng ngô, lạc, đậu xanh... cho hiệu quả kinh tế cao rõ rệt.

Hiện nay, toàn xã Nam Hoá đã trồng được 32 ha cỏ chất lượng cao để phát triển chăn nuôi bò. Ngoài ra, chính quyền xã cũng vận động được nhiều hộ dân tích cực cải tạo lại vườn tạp bằng việc đưa vào trồng những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như trồng cam, bưởi, vải thiều, hồ tiêu, nghệ. Không ít hộ ở xã Nam Hoá nhờ chú trọng cải tạo vườn tạp mà có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng/năm...

Chủ tịch UBND xã Nam Hoá Trần Kim Tuyến phấn khởi nói: Xã Nam Hoá hiện có khá nhiều mô hình làm ăn mới, đạt hiệu quả cao như mô hình cải tạo vườn tạp, trồng rừng kinh tế, nuôi ong lấy mật, nuôi lợn đàn, gà đồi, trồng cỏ chăn nuôi bò đàn...

Tính đến tháng 6-2016, Nam Hoá có khoảng 20 mô hình kinh tế gia trại, vườn đồi, vườn rừng, VAC tổng hợp, mỗi năm cho thu nhập từ 60-150 triệu đồng. Hiện nay, toàn xã đã trồng được hơn 400 ha rừng kinh tế. Năm 2015, giá trị mà rừng trồng kinh tế mang về cho xã là 1,5 tỷ đồng. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn ngày càng phát triển cả về quy mô lẫn chủng loại hàng hoá. Kinh tế phát triển đã tạo động lực cho đời sống văn hóa của người dân Nam Hóa ngày càng được cải thiện đáng kể. Đến cuối năm 2015, Nam Hoá đã đạt được 7 /19 tiêu chí về nông thôn mới.

Có thể khẳng định, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ xã Nam Hoá trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã tạo ra "đòn bẫy" để làm thay đổi nhanh chóng, tạo sự khởi sắc cho diện mạo xã miền núi này.

Văn Minh