.

Khi ngân hàng ngừng giữ vàng hộ dân

Thứ Hai, 27/06/2016, 07:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 29-4-2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Thông tư số 11/2011/TT-NHNN về việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 5 năm thông tư có hiệu lực thì số vàng “tồn” tại các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn còn, nguyên nhân chính là do người dân sợ rủi ro khi cất vàng tại nhà.

Ngừng giữ hộ

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chủ trương chống “vàng hóa” nền kinh tế, các ngân hàng ngừng huy động vàng, cho vay vốn bằng vàng nhưng hiện nay số vàng tồn tại các ngân hàng vẫn còn và ngân hàng phải thực hiện không thu phí “giữ hộ”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sacombank chi nhánh Quảng Bình cho biết: “Ngay sau khi nhận chỉ thị từ Hội sở chính, Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Quảng Bình đã ngừng hoạt động huy động, cho vay và giữ hộ vàng đối với khách hàng mới. Riêng những khách hàng đã gửi vàng từ trước, chúng tôi cũng đã thông báo cho khách hàng đến nhận lại vàng. Tuy nhiên, đến nay dù đã thông báo nhiều lần, nhưng một số khách hàng vẫn chưa đến nhận lại”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những năm trước đây mỗi năm Sacombank Chi nhánh Quảng Bình thực hiện huy động trung bình được khoảng 1.000-1.500 cây vàng. Người nhiều nhất tầm 50-60 cây vàng và ít nhất là 1 cây vàng. Hiện tại, riêng Sacombank Chi nhánh Quảng Bình vẫn còn tồn 156 cây vàng của 4 khách hàng. Dù biết khách hàng lo lắng và không muốn lấy lại vàng vì không biết gửi ở đâu, nhưng đây là quy định nên phải tuân thủ.

Nhiều khách hàng lo lắng khi rút vàng về cất tại nhà.
Nhiều khách hàng lo lắng khi rút vàng về cất tại nhà.

Do đó, trong những ngày tới, Sacombank sẽ tiếp tục đôn đốc khách hàng đến nhận lại vàng. Nếu khách hàng muốn bán vàng để gửi tiết kiệm thì ngân hàng sẽ ưu đãi về lãi suất. Bởi tại thời điểm này, Sacombank vẫn thực hiện hoạt động kinh doanh mua bán vàng, nhưng không giữ hộ vàng.

Tuy nhiên, kể từ khi giá vàng giữ ở mức ổn định thì hoạt động này cũng trở nên trầm lắng và số khách hàng mua lượng vàng lớn để dự trữ đã không còn...

Theo ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình thì, Thông tư thực hiện ngừng huy động và cho vay vàng tại các ngân hàng thương mại chính thức có hiệu lực cách đây gần 5 năm. Tuy nhiên, bởi nhiều nguyên nhân khách quan như: khách hàng ra nước ngoài làm ăn, khách khàng di chuyển địa bàn sinh sống... và có những khách hàng “ngại” đưa về nhà, nên việc vàng “tồn” không thể thu phí vẫn đang sót lại ở một số đơn vị ngân hàng, điều này cũng gây một số khó khăn nhất định cho các đơn vị tín dụng.

Khách hàng “bí” nên lơ

Chị Lê Thị Thảnh ở Bố Trạch cho biết: “Lâu nay tôi luôn gửi vàng ở ngân hàng. Thế nhưng, thời gian qua bên ngân hàng đã gọi cho tôi và hối thúc đến nhận lại vàng vì họ không giữ hộ nữa. Không biết gửi đâu, tôi đành mang số vàng này về nhà, nhưng luôn lo sợ...”.

Chị Trần Thị Ly ở thành phố Đồng Hới cũng cho biết: “Hiện tôi vẫn còn một ít vàng gửi ngân hàng. Mặc dù đã 4 lần ngân hàng gọi nhận lại nhưng tôi rất băn khoăn, hiện vẫn đang để vàng tại ngân hàng vì chưa biết phải xử lý như thế nào cho an toàn và thuận lợi...”. Có thể nói, đây cũng là tâm trạng chung của nhiều người dân đang sở hữu vàng.

Hiện nay số lượng vàng trong dân vẫn rất nhiều. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng đã tăng lên. Cá biệt có một số ngân hàng đã “treo” lãi suất rất hấp dẫn để huy động vốn. Vậy tại sao nhiều người dân vẫn không bán vàng để gửi tiết kiệm? Có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này. Hầu hết người dân cho rằng, tuy giữ vàng không có lãi và phải chịu phí, thế nhưng, trong tình hình lạm phát tăng, người dân lo tiền bị mất giá.

Hơn nữa, nhiều người muốn chia ra nhiều kênh tiết kiệm khác nhau thay vì chỉ gửi tiết kiệm. Một lý do khác nữa là do thói quen “truyền thống” trước đây, người dân thường cất vàng để tiết kiệm, chờ đợi ngày vàng tăng giá trở lại mới bán.

Hiện các ngân hàng đang khuyến khích người dân bán vàng để gửi tiết kiệm. Đây cũng là một trong những cách để các ngân hàng huy động lượng vốn lớn, đẩy mạnh hoạt động cho vay, góp phần đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế. Quyết định ngừng giữ hộ vàng là cơ hội để người dân cân nhắc khi quyết định nắm giữ vàng.

Tuy nhiên, để thay đổi thói quen cần có một quá trình dài, trong đó có một yêu cầu quan trọng đó là tiền Việt Nam đồng phải ổn định, lạm phát thấp. Bởi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản không phải ai cũng có thể tham gia. Hơn nữa, thói quen tích trữ vàng đã có từ lâu, không phải một sớm một chiều có thể thay đổi.

Hiền Phương