.

Hay, dở việc mua hàng qua mạng - Bài 1: Rủi ro khó lường

Thứ Ba, 21/06/2016, 10:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, việc bán hàng qua mạng không còn xa lạ đối với mọi người. Chính số lượng người sử dụng Internet đông đảo là một trong những lợi thế khiến cho mạng Internet trở thành sự lựa chọn để làm phương tiện kinh doanh của nhiều người. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận tiện đối với người bán cũng như người mua hàng qua mạng thì phương thức bán hàng này cũng đã bộc lộ những bất cập...

Nở rộ kinh doanh hàng qua mạng

Ông Phan Hoài Nam, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết, thời gian qua, người sử dụng Internet truy cập vào các diễn đàn, mạng xã hội và tham gia mua sắm qua các mạng xã hội có xu hướng tăng.

Theo đó, mỗi trang web thương mại điện tử giống như một cái chợ, có những cái chợ cóc, chỉ bán vài mặt hàng, cũng có những chợ sầm uất buôn bán đủ loại hàng hóa, dịch vụ, trong đó các mặt hàng được các bạn trẻ ưa chuộng nhất là quần áo, túi xách, giày dép, phụ kiện thời trang... 

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện các trang web mua sắm qua mạng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn là: www.lazada.vn, www.zalora.vn,  www.muare.vn... Và điều thu hút nhiều người tiêu dùng quan tâm là, khi mua sắm  hàng bán qua mạng thường rẻ hơn ngoài thị trường từ 10-25%.

Ngoài ra, để thu hút khách hàng, các trang web bán hàng qua mạng thường có những chiến lược quảng cáo và chương trình khuyến mãi hấp dẫn kích cầu người tiêu dùng như giảm giá “sốc” trên nhiều dòng sản phẩm, dịch vụ tặng kèm quà tặng, giảm giá ưu đãi cho khách hàng thân thiết hay giao hàng miễn phí...

Bên cạnh các trang web chính thống, người tiêu dùng khi vào mạng xã hội facebook có thể tìm thấy tất tật các mặt hàng, từ đồ gia dụng, điện tử, nội ngoại thất, thời trang, thực phẩm... đến các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, làm đẹp... hay đến cả những loại thực phẩm tươi sống như: cá, các loại củ, quả, rau xanh...

Một trong những trang web mua sắm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn là www.lazada.vn.
Một trong những trang web mua sắm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn là www.lazada.vn.

Chị Hồng Lựu, một chủ nhân bán hàng qua mạng cho hay, chỉ cần có một chút vốn, quen biết rộng rãi là bạn có thể trở thành một chủ shop online. Việc bán hàng qua mạng không phải mất nhiều tiền thuê mặt bằng, sản phẩm dễ dàng được phổ biến rộng rãi nhờ không gian mở nên giá cả thông thường mềm hơn giao dịch trực tiếp.

Qua trao đổi với một số người tiêu dùng về vấn đề mua hàng qua mạng, hầu hết đều có chung một tâm lý là, mua hàng qua mạng có rất nhiều lợi thế, khách hàng chỉ việc ngồi một chỗ, có một chiếc máy tính nối mạng internet hay điện thoại thông minh là có thể mua sắm khắp thế giới.

Chị Bích Thủy, ở phường Đức Ninh Đông (Đồng Hới) cho biết, khác với đi chợ truyền thống hay đi siêu thị, người tiêu dùng không cần phải mất công đi lại, không tốn tiền xăng dầu, không phải vất vả chen chúc, xếp hàng chờ thanh toán, giá cả được niêm yết để có thể lựa chọn mặt hàng phù hợp với khả năng tài chính của mình... Tiện lợi như vậy nên ngày càng nhiều chị em lựa chọn phương thức mua bán hàng trên mạng này. 

Với những lợi thế như vậy, nên trào lưu kinh doanh trên các mạng xã hội đang thực sự “mọc lên như nấm sau mưa”.

Dở khóc dở cười với hàng qua mạng

Tuy nhiên, phương thức bán hàng này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, gây thiệt hại cho người mua, đặc biệt là thông qua mạng xã hội facebook.

Đầu tiên là chất lượng sản phẩm mà khách hàng nhận được có đúng với số tiền mà họ phải trả hay không, còn tùy thuộc vào... sự may mắn của người mua. Không may mắn khi nhận được hàng đúng theo chất lượng chào hàng của người bán trên mạng xã hội facebook, chị Vân, ở phường Nam Lý (Đồng Hới) than vãn, qua lướt facebook chị thấy có nhóm đề xuất rao bán rất nhiều áo sơ mi mùa hè nên lựa chọn đặt mua 1 chiếc với giá 400 nghìn đồng.

Đến ngày nhận hàng chị nhận thấy chiếc áo khác biệt với chiếc chị đã đặt mua về cả chất liệu và kiểu dáng. Dù rất bực mình nhưng chị Vân cũng đành chấp nhận vì “không biết kêu ai”.

Không ngoại lệ, chị Ngọc ở phường Hải Đình (Đồng Hới) cũng vấp phải tình trạng bỏ thì tiếc mà để cũng không xong với hàng mua qua mạng của mình. Chị Ngọc chia sẻ, mặc dù khá nghi ngại khi mua hàng qua mạng, nhưng lại bị hấp dẫn bởi mức giá rẻ bất ngờ và hình ảnh hàng hóa đẹp mắt, đầy hứa hẹn. Vì vậy, khi chọn mua một chiếc túi xách hàng hiệu Chanel với ưu đãi giảm giá 30%, chị đã không ngần ngại bỏ ra gần 800 nghìn đồng để đặt mua.

Nhưng khi về tận tay thì chiếc túi xách hàng hiệu đã biến thành hàng chợ, màu sắc không đúng với yêu cầu, loại da xấu và đường may quá cẩu thả... Không chấp nhận hàng đã nhận được, chị đã điện thoại để phản hồi ý kiến nhưng chủ bán hàng online đã không thèm quan tâm mà một mực khẳng định cửa hàng chỉ bán hàng hiệu. Biết đã bị lừa nhưng chị Ngọc cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Đây không phải là hai trường hợp cá biệt mà đã có hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người tiêu dùng trong tỉnh đã mắc phải tình trạng hàng nhận được và hàng quảng cáo khác xa nhau “một trời một vực” khi mua hàng trên mạng.

Đáng nói, nhiều chị em khi mua hàng thời trang trên mạng đều có chung nhận xét là, các chủ bán hàng qua mạng đã “trá hình” bằng cách mua một vài mẫu sản phẩm “xịn” chỉ để chụp ảnh đăng lên mạng quảng cáo, lấy lòng tin của khách hàng. Vì vậy màu sắc đồ thời trang qua ảnh thường đẹp hơn rất nhiều so với sản phẩm thật.

Trong khi đó, khách hàng không thể kiểm chứng chất lượng hàng hóa được rao bán và một khi kiểm chứng được thì đã vào thế “tiền trao, cháo múc” rồi. Mặt khác, không chỉ có mặt hàng thời trang, một số mặt hàng gia dụng, điện tử, mỹ phẩm... kinh doanh trên mạng cũng có chiêu bài tương tự như vậy.

Rõ ràng, trên thực tế chất lượng hàng hóa được bán trên các mạng xã hội là rất khó quản lý, đặc biệt là đối với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người dân.

N.L

Bài 2: Nan giải chuyện quản lý