.
Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Công thương Việt Nam (14-5-1951 - 14-5-2016):

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ

Thứ Sáu, 13/05/2016, 07:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức ngành Công thương Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong công cuộc đổi mới, ngành Công thương đã tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, nêu cao vai trò vị trí của mình đối với sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước và đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đảng và Nhà nước đã đề ra.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan siêu thị Co.opmart Quảng Bình.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan siêu thị Co.opmart Quảng Bình.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cán bộ, nhân viên của Ty Công nghiệp và Ty Thương mại Quảng Bình vừa dũng cảm chiến đấu, vừa hăng hái lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất để củng cố hậu phương vững chắc và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì thống nhất Tổ quốc”, các nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp như: cơ khí 3/2, phốt phát Rào Trù, cưa Ba Đồn, diêm Nhật Lệ, giấy Chiến thắng, đường Trường Sơn... đã hoạt động không quản ngày đêm dưới mưa bom, bão đạn để sản xuất ra nhiều sản phẩm phục vụ cho chiến trường và đời sống của nhân dân.

Ngành Thương mại đảm đương tốt vai trò “nội trợ của xã hội”, xây dựng mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ hậu phương ra tiền tuyến, đưa hàng hoá đến phục vụ từng đơn vị và trận địa. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy, nhiều cán bộ, công nhân viên của ngành Công thương Quảng Bình đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp lớn lao của dân tộc.

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, thực hiện chủ trương của Nhà nước, 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế sát nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên, ngành Công thương (mà nòng cốt là các cán bộ Công thương Quảng Bình) đã khẩn trương kiện toàn hệ thống sản xuất công nghiệp, thương nghiệp trong tỉnh, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng cả nước khắc phục hậu quả chiến tranh, tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn phát triển mới.

Tháng 7-1989, Quảng Bình trở lại địa giới hành chính cũ, Sở Công nghiệp và Sở Thương mại-Du lịch được thành lập với chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong lĩnh vực phát triển sản xuất công nghiệp, các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch trên địa bàn. Đến ngày 1-4-2008, thực hiện chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 527/QĐ-UBND hợp nhất Sở Công nghiệp và Sở Thương mại-Du lịch thành Sở Công thương Quảng Bình.

Tuy trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều tổ chức, tên gọi khác nhau nhưng phát huy truyền thống "Hai giỏi", ngành Công thương Quảng Bình luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, trên cơ sở nguồn tài nguyên, lao động sẵn có và các tiềm năng thế mạnh của địa phương, cùng với nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, công nhân viên chức trong toàn ngành nên hoạt động sản xuất kinh doanh đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

Đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 9.460 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 9,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 18.290 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 15,6%; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ.

Theo đó, trong sản xuất công nghiệp đã hình thành các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) như: KCN Tây Bắc Đồng Hới, Bắc Đồng Hới, Hòn La I, Tây Bắc Quán Hàu và Cam Liên; KKT cửa khẩu Cha Lo và KKT Hòn La đã thu hút nhiều nhà máy có công nghệ mới, thiết bị hiện đại, khai thác tốt thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển sản xuất, với các sản phẩm có thương hiệu trên thị trường như: xi măng, clinker, bia, may xuất khẩu, thuốc tân dược, phân bón...

Công tác xúc tiến đầu tư được chú trọng, nhờ vậy nhiều dự án đầu tư mới đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả như: Nhà máy bia Hà Nội-Quảng Bình, xi măng Sông Gianh, Văn Hóa, Vạn Ninh và các Nhà máy chế biến gỗ và dăm gỗ, phân vi sinh, NPK, May xuất khẩu Hà Quảng, May S&D, May Lệ Thủy, các nhà máy nhiệt điện... đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, từng bước khẳng định được vai trò là ngành trọng điểm, tạo động lực phát triển của nền kinh tế tỉnh nhà.

Hoạt động thương mại không ngừng phát triển, mạng lưới phân phối ngày càng được mở rộng, đa dạng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, ổn định thị trường giá cả. Hệ thống kho bãi, cửa hàng xăng  dầu, chợ được đầu tư nâng cấp, đã hình thành các trung tâm thương mại, siêu thị văn minh và tiện ích như: Co.opmart Quảng Bình, Hiếu Hằng, Tuấn Việt (TP. Đồng Hới), Thái Hậu (TX. Ba Đồn)... Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được tăng cường, góp phần bảo đảm ổn định thị trường giá cả, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Cùng với kết quả đạt được trong sản xuất kinh doanh, giá trị nộp ngân sách hàng năm của các doanh nghiệp trong ngành cũng ngày càng tăng cao, đến nay chiếm trên 90% tổng thu ngân sách của các doanh nghiệp toàn tỉnh. Điển hình doanh nghiệp nộp ngân sách lớn trong năm 2015 gồm: Công ty sản xuất và thương mại Hưng Phát nộp 155 tỷ đồng, Công ty Xăng dầu Quảng Bình nộp 137 tỷ đồng, Công ty Bia Hà Nội-Quảng Bình nộp 107 tỷ đồng, Công ty xi măng Sông Gianh nộp 47 tỷ đồng, Công ty Điện lực Quảng Bình nộp 14 tỷ đồng, Xí nghiệp may xuất khẩu Hà Quảng ngoài giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động, hàng năm còn nộp ngân sách trên 10 tỷ đồng...

Trong công tác quản lý nhà nước, ngành Công thương đã có nhiều đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, luôn chủ động và tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng phát triển của ngành và xây dựng các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh. Ngành chủ động phối hợp với các ngành liên quan triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các dự án sớm triển khai và hoàn thành đi vào hoạt động.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cộng đồng ASEAN được hình thành cuối năm 2015 đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức, làm tăng sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp và sản phẩm của ngành.

Tình hình đó đòi hỏi các doanh nghiệp, cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong ngành Công thương Quảng Bình phải không ngừng nỗ lực phấn đấu hơn nữa, đoàn kết thống nhất, tranh thủ thời cơ để vượt qua những khó khăn thách thức, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

Nhằm thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 11,5%, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 28% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, trước mắt, ngành tập trung tham mưu chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như: chế biến nông-lâm-thuỷ sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp điện, dệt may và ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành chủ lực để đưa công nghiệp trở thành ngành trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường và phát triển du lịch của tỉnh.

Sở Công thương đón nhận cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2015 của Bộ Công thương.
Sở Công thương đón nhận cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2015 của Bộ Công thương.

Sớm tái khởi động xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I để đưa vào vận hành theo tiến độ Quy hoạch điện 7 vừa được điều chỉnh; triển khai đầu tư các Nhà máy May tại Ba Đồn, Lệ Thuỷ, Quảng Ninh; nâng công suất Nhà máy Bia Hà Nội-Quảng Bình, chế biến thủy sản, gỗ MDF và các ngành công nghiệp hỗ trợ trong Khu kinh tế Hòn La tạo thành mối liên kết vùng kinh tế Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình; triển khai đầu tư dự án xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn xăng dầu sang Lào, Trung tâm thương mại, vui chơi giải trí Vincom, siêu thị Big C... để đưa vào sử dụng, tạo sự tăng trưởng của ngành trong giai đoạn mới.

Về lĩnh vực thương mại, với mục tiêu phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 13,5%/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 210 triệu USD, tăng 7%/năm, ngành sẽ  tham mưu cho tỉnh tiếp tục thực hiện kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; trong đó có ưu tiên dùng hàng do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất, chỉ đạo phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại ở cả ba khu vực: thành phố, nông thôn và miền núi, gắn sản xuất với lưu thông hàng hóa nhằm tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và doanh nghiệp.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu hàng hoá nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, ngành sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, góp phần ổn định thị trường và giá cả.

Với những đóng góp to lớn trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành Công thương Quảng Bình đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Ty Công nghiệp (nay là Sở Công thương) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2002.

Năm 2008, Sở Công thương được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và liên tục từ năm 2008 đến 2015 được Bộ Công thương tặng Cờ thi đua và nhiều bằng khen.

Năm 2014, Sở Công thương Quảng Bình được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, Lá cờ đầu của ngành Công thương...

Phan Văn Thường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương