.

Phát triển du lịch từ các dự án động lực

Thứ Ba, 10/05/2016, 07:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế hàng đầu nước ta khi đến làm việc tại Quảng Bình thì, để Quảng Bình thoát nghèo cần phải có các dự án lớn, có tính động lực, nhất là lĩnh vực du lịch, công nghiệp...

Khởi sắc nhờ du lịch

Nói về tiềm năng lợi thế của Quảng Bình, điều đầu tiên mọi người nghĩ đến là tiềm năng về phát triển du lịch, với hệ thống hang động rất độc đáo kỳ vĩ ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng mà UNESCO đã hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Ngoài ra Quảng Bình- còn có nhiều bãi tắm sạch, đẹp cũng là một thế mạnh để phát triển du lịch tắm biển, vui chơi, nghỉ dưỡng...

Tỉnh ta đã xác định phát triển du lịch là hướng ưu tiên hàng đầu, xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong chặng đường phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn năm 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030... Những năm qua các cấp, các ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực mà Quảng Bình có lợi thế, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển du lịch.

Bất cứ người dân nào của Quảng Bình cũng có thể nhận thấy du lịch đang có bước phát triển mạnh mẽ. Thành tựu về phát triển du lịch thời gian qua đã cho thấy tính hiệu quả khi đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, nếu như vào năm 2005 chỉ có 500 ngàn lượt khách, năm 2010 có 856 ngàn lượt khách, thì năm 2015 Quảng Bình đã đạt 3 triệu lượt khách. Quảng Bình thực sự đã trở thành điểm đến đối với du khách trong và ngoài nước. Và trong tương lai với tiềm năng của mình Quảng Bình sẽ trở thành một trung tâm du lịch lớn của Đông Nam Á.

Điều đáng mừng là khách lưu trú tại Quảng Bình ngày càng tăng. Doanh thu chuyên ngành du lịch tăng bình quân trên 30%, nộp ngân sách tăng trên 20% mỗi năm. Cùng với sự đi lên của du lịch là góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, xuất khẩu tại chỗ hàng trăm tấn nông thủy sản và tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ phát triển.

Từ khởi sắc của du lịch đã thúc đẩy công cuộc đổi mới của tỉnh nhà, tạo nên diện mạo đô thị mới của tỉnh lỵ Đồng Hới, những thay đổi kỳ diệu trên quê hương Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng; sự đổi mới ở xã Quảng Đông, kể từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ tại nơi này...

Ảnh 1 : Vùng cát nghèo xã Hải Ninh sẽ trở thành một điểm du lịch sầm uất khi dự án hoàn thành.
Vùng cát nghèo xã Hải Ninh sẽ trở thành một điểm du lịch sầm uất khi dự án hoàn thành.

Tuy nhiên nhìn nhận khách quan thì hạn chế lớn nhất của du lịch Quảng Bình là thiếu dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm, ẩm thực, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí... đẳng cấp, nhằm giữ chân du khách, tăng mức chi tiêu du lịch...

Tạo động lực cho phát triển kinh tế

Thấy được hiệu quả từ du lịch mang lại, nên giai đoạn 2015-2016, tỉnh Quảng Bình đã mời gọi đầu tư 35 dự án trọng điểm phát triển thương mại, du lịch và lĩnh vực đầu tư hạ tầng... Trong đó có 2 dự án được xem là động lực có thể làm thay đổi nhanh chóng diện mạo du lịch Quảng Bình là: Dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình và Dự án cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng.

Không chỉ lãnh đạo tỉnh mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cũng rất trăn trở quan tâm tìm giải pháp hỗ trợ Quảng Bình phát triển du lịch. Trung tuần tháng 8-2015, đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng) đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ vào Quảng Bình trực tiếp chỉ đạo hội nghị bàn biện pháp xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Quảng Bình.

Tại hội nghị này Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo tâm huyết rằng, Quảng Bình có rất nhiều lợi thế, đặc biệt Phong Nha-Kẻ Bàng là kỳ quan thiên nhiên, có những giá trị hàng đầu thế giới và với những tiềm năng to lớn về du lịch khác cần được sớm chuyển đổi thành những cơ hội cụ thể để cải thiện đời sống của người dân. Phó Thủ tướng đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình có lộ trình cụ thể để sớm đưa các dự án vào triển khai thực hiện, nhằm đem lại sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh....

Nhờ vậy mà tại hội nghị đó, các nhà đầu tư đã có sự hỗ trợ mạnh mẽ Quảng Bình bằng cách nhận đầu tư 9 dự án với tổng mức đầu tư 876 tỷ đồng và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 10 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Công ty cổ phần Tập đoàn FLC là nhà đầu tư tiên phong đảm nhận triển khai Dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình, nguồn vốn trên 8.400 tỷ đồng.

Dự án FLC có quy mô thực hiện trên 1.900ha nằm trên địa bàn xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy). Mục tiêu xây dựng khu du lịch biển, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp bao gồm: Khu khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, nhà điều hành; khu biệt thự nghỉ dưỡng; khu Bungalow, nhà nghỉ dưỡng; công trình du lịch, khu dịch vụ hồ bơi; khu sở thú; các khu dịch vụ phụ trợ; sân tập golf và sân golf (sau khi được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch).

Khi dự án này hoàn thành sẽ tạo một cú "hích" cho ngành du lịch Quảng Bình thông qua việc tạo ra một hệ thống hạ tầng du lịch quy mô lớn, đồng bộ và cao cấp, góp phần mang đến cho tỉnh ta một thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng ở tầm khu vực. Dự án sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng trên 5.000 lao động trực tiếp làm việc cho dự án, trong đó phần lớn là lao động phổ thông tại địa bàn có dự án triển khai.

Theo thông tin của chủ đầu tư, với dự án Sầm Sơn, Thanh Hóa do FLC đầu tư có quy mô chỉ 200 ha (bằng 1/7 dự án ở Quảng Bình) thì đã số lượng lao động tuyển dụng làm việc khoảng 1.500 người, mức lương trung bình 5,5 triệu đồng/tháng, trong đó 98% là người Thanh Hóa với 70% là người địa phương Sầm Sơn. Các lao động tuyển dụng đều được hưởng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và các loại trợ cấp theo quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng, FLC sẽ tuyển dụng hàng trăm nhân lực địa phương theo từng giai đoạn của công trường, lúc cao điểm sẽ là hàng nghìn nhân lực phổ thông để phục vụ xây dựng công trình, trồng cỏ, tưới nước, chăm sóc cây xanh. Khi dự án đưa vào sử dụng sẽ bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, chống xói lở, chảy trượt, chống cát bay, cát chảy và bảo vệ môi trường sống xung quanh, cũng như các tiêu chí về môi trường theo đúng cam kết đã được phê duyệt.

Có thể nói, vào lúc này Quảng Bình vẫn đang còn đó những khó khăn, một bộ phận người dân còn băn khoăn, lo ngại về ảnh hưởng môi trường và các hệ lụy mà các dự án gây ra. Tuy nhiên, với công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường mà các dự án của Tập đoàn FLC đã thực hiện ở quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), sân golf Quy Nhơn, tỉnh Bình Định...là điều minh chứng cho một sự bảo đảm an toàn đối với môi trường.

Nhìn về tương lai khi các dự án lớn đầu tư đi vào hoạt động, mỗi năm sẽ đóng góp cho ngân sách trên chục ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động tại địa phương, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế Quảng Bình tăng tốc phát triển.

Trọng Thái