.

Tháng 7, trên công trình cầu Nhật Lệ 2

Thứ Bảy, 12/07/2014, 10:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Kỹ sư Phan Thanh Vĩnh, giám sát của chủ đầu tư công trình cầu Nhật Lệ 2 đưa chúng tôi đến thăm đơn vị thi công trụ cầu T4 (trụ nằm giữa sông) và giới thiệu sơ qua dự án này. Sau gần 2 năm thi công dự án cầu Nhật Lệ 2 đang đi vào công đoạn khó khăn phức tạp nhất, đó là thi công phần hạ bộ.

 

Công nhân tất bật thi công dưới trời nắng nóng.
Công nhân tất bật thi công dưới trời nắng nóng.

Mới 8 giờ sáng mà cái nắng tháng bảy ở vùng đất Quảng Bình đã rất chói chang. Nhìn những người thợ cầu của Công ty Công trình đường sắt áo  ướt đẫm mồ hôi đã nói lên tất cả sự khắc nghiệt của thời tiết ở vùng đất này. Nắng nóng là vậy nhưng không khí làm việc của người thợ cầu vẫn rộn ràng khẩn trương.

Kỹ sư Trần Đức Hùng, Công ty Công trình đường sắt, người được giao nhiệm vụ chỉ huy đổ bê tông các hố khoan cọc nhồi cho biết: Hai ngày vừa qua đơn vị đã huy động 95 cán bộ công nhân và các thiết bị chuyên dụng để phục vụ việc đổ bê tông các cọc khoan nhồi, của trụ cầu chính giữa sông.

Mỗi cọc bê tông cắm sâu vào lòng sông 75m, với đường kính 2m, phải cần đến 300m3 bê tông đổ liên tục 24/24h. Vì vậy mà anh em trong đơn vị thay nhau làm suốt 3 ca liên tục trong 2 ngày 2 đêm để đổ được bê tông một cọc khoan nhồi. Để đổ được một cọc bê tông đơn vị phải hợp đồng rất chặt chẽ với đơn vị cung ứng bê tông tươi, liên hệ đường vận chuyển...

Mỗi xe chuyên dụng chỉ chở được 7m3 bê tông từ nhà máy đến công trình, mỗi cọc khoan nhồi cần đến 43 chuyến xe vận chuyển. Yêu cầu của việc đổ bê tông hết sức nghiêm ngặt, bê tông phải được kiểm định chất lượng, quá trình sản xuất không được quá ướt và nhất là khâu vận chuyển phải nhịp nhàng, bê tông phải chảy liên tục đều đặn vào khuôn trụ. Kỹ sư Hùng cho biết từ đầu mùa khô 2014 đến nay, đơn vị huy động tối đa quân số cho công trình này. Có nhiều anh em xin nghỉ phép, lãnh đạo đơn vị cân nhắc xem xét rất cụ thể từng trường hợp mới giải quyết, nhưng cũng nghỉ được vài ngày.

Kỹ sư Lê Quang Minh, Giám đốc Ban quản lý dự án chuyên ngành GTVT Quảng Bình là đơn vị được giao nhiệm vụ thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án cầu Nhật Lệ 2 tâm sự: Ban đã làm chủ đầu tư hàng chục công trình có quy mô lớn, nhưng khi nhận nhiệm vụ quản lý dự án này anh em trong đơn vị không khỏi lo lắng. Lo nhất là công trình sử dụng công nghệ mới, kết cấu, thiết kế cầu dây văng rất phức tạp, công nghệ thi công mới, hiện đại, có nhiều cán bộ, kỹ sư của Ban chưa tiếp cận với công nghệ này. Nhưng nhờ sự quyết tâm học hỏi, nghiên cứu tài liệu và kinh nghiệm tích luỹ được qua mấy chục công trình nên đa số cán bộ, kỹ sư đều đã quen dần với công việc.

Dự án cầu Nhật Lệ 2 bao gồm 3 hạng mục chủ yếu. Trong đó là hạng mục cầu chính thiết kế cầu dây văng 2 nhịp đối xứng, chiều dài mỗi nhịp 150m; tháp cầu dạng chữ A bằng bê tông dự ứng lực, chiều cao tháp cầu 98,8m tiết diện ngang rỗng có khung thép hình, thân tháp bố trí thang công tác. Hệ dây văng bố trí theo hình rẽ quạt. Mặt cầu rộng 23,6m gồm 4 làn xe cơ giới, dải an toàn và đường bộ hành.

Cầu Nhật Lệ 2 đang dần hiện hữu.
Cầu Nhật Lệ 2 đang dần hiện hữu.

Cầu dẫn gồm 2 cầu (phía Phú Hải dài 124m và phía Bảo Ninh dài 83m). Đường vào 2 đầu cầu rộng 36m, có giải phân cách 3,0m... Tổng mức đầu tư của dự án xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, khởi công tháng 8-2012, dự kiến hoàn thành cuối năm 2015.

Việc giám sát dự án rất quan trọng, nhất là giám sát gói thầu hạng mục cầu chính. Chính vì vậy mà lãnh đạo Sở GTVT đã chủ động mời Tổng công ty TVTK Bộ GTVT là đơn vị có năng lực hàng đầu lĩnh vực cầu ở Việt Nam, đảm nhận giám sát gói thầu này. Được biết đơn vị này đã từng giám sát thi công hàng trăm cây cầu, trong đó có cầu Rạch Miễu, cây cầu dây văng lớn nhất nước ta hiện nay, nên việc giám sát ở cầu Nhật Lệ 2 khá tốt.

Điều đáng mừng là 2 đơn vị (Ban QLDA và công ty tư vấn giám sát) phối hợp đều tay, nên mọi vấn đề phát sinh trong quá trình thi công đều được xử lý nhanh chóng thuận lợi. Có thể nói đến nay phần hạ bộ chính của cầu cơ bản thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Giám đốc Minh cho biết, kết cấu quan trọng nhất và phức tạp nhất của cầu dây văng là trụ tháp (bao gồm phần hạ bộ và trụ tháp phía trên). Đối với cầu Nhật Lệ 2, trụ tháp (T4) phần dưới kết cấu bằng bê tông dự ứng lực (35MPa), bệ trụ bê tông dự ứng lực (35MPa), đặt trên hệ cọc khoan nhồi, gồm 30 cọc, đường kính mỗi cọc 2m và dài 75m.

Riêng khối lượng bê tông đổ vào 30 trụ cọc khoan nhồi lên đến 9.000m3, phải dùng đến 1.200 chuyến xe vận chuyển bê tông tươi, quả là một khối lượng bê tông khổng lồ cho trụ cầu này! Trong thời gian đổ bê tông các cọc khoan nhồi cả đơn vị thi công lẫn đơn vị giám sát đều dồn hết lực lượng túc trực 24/24 trên công trình. Đây là trụ cầu chính nằm giữa sông, chịu tác động mạnh của thuỷ triều và sóng nước, đơn vị đã chọn đúng thời điểm thuận lợi để tiến hành thi công nên hạn chế được sự tác động. Mặt khác, rất may trong thời gian đổ bê tông dây chuyền sản suất bê tông hoạt động suôn sẻ, đường vận chuyển thuận lợi, vì vậy công đoạn quan trọng này hoàn thành khá mỹ mãn.

Thi công trụ cầu chính giữa sông.
Thi công trụ cầu chính giữa sông.

Trong thời gian này, tranh thủ thời tiết thuận lợi các đơn vị thi công huy động tối đa lực lượng thiết bị để hoàn thành nốt phần hạ bộ. Trong đó, khối lượng công việc tương đối lớn là bịt đáy hố móng trụ T4 và đổ bê tông bệ trụ tháp. Bệ trụ tháp có kích thước rộng 22m dài 55m cao 5m, cần một khối lượng bê tông lên đến 6.000m3.

Những ngày này trên công trường thường xuyên có 150 kỹ sư, công nhân của các đơn vị thi công làm việc, cùng với các thiết bị chuyên dụng như: 2 xà lan loại lớn 600 tấn, 5 cần cẩu và nhiều thiết bị chuyên dụng khác. Giám đốc Minh cho biết thêm: Bằng mọi biện pháp đơn vị thi công phải hoàn thành phần hạ bộ trước khi lũ về. Năm ngoái các đơn vị thi công rất vất vả vì phải đối mặt với cơn bão số 10 và 3 trận lũ lớn đổ về sông Nhật Lệ. Ròng rã 2 tháng trời các đơn vị thi công chỉ làm mỗi nhiệm vụ kéo   các xà lan và các thiết bị thi công đi sơ tán mỗi khi thời tiết xấu. Sau khi thi công xong phần hạ bộ, khối lượng trên mặt đất không còn phải lo nhiều về tiến độ.

Qua câu chuyện của người đứng đầu Ban quản lý dự án chúng tôi được biết cái khó nhất lúc đầu đặt ra là tiếp cận thiết bị, công nghệ tiên tiến và khống chế thời tiết khắc nghiệt coi như đã giải quyết được. Cái khó nổi lên hiện nay là việc giải phóng mặt bằng phía đông cầu. Công tác giải phóng mặt bằng dự án này được tách ra một tiểu dự án do UBND thành phố Đồng Hới đảm nhận, chủ đầu tư chỉ phối hợp trong khâu bố trí vốn mà thôi. Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng cầu Nhật Lệ 2 phía phường Phú Hải diễn ra khá suôn sẻ, thuận lợi, nhờ vậy mà hạng mục đường đầu cầu và cầu dẫn ở phía Phú Hải cơ bản đã thi công đúng tiến độ.

Riêng phía Bảo Ninh, cho đến nay sau 2 năm triển khai công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn gặp khó khăn. Hiện tại trụ cầu T5 (nằm ở bờ sông phía Bảo Ninh) mới đổ bê tông 6/10 cọc khoan nhồi, còn 4 cọc nữa do bị vướng giàn đà của một cơ sở đóng tàu thuyền của một hộ dân nên tạm dừng từ tháng 1-2013 đến nay chưa triển khai thi công được. Mới đây, ngày 2-7-2014, Giám đốc Sở GTVT đã có công văn gửi Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới, đề nghị có biện pháp giải quyết mặt bằng cho dự án kịp thi công trước mùa mưa bão năm nay.

Chia tay với những người thợ cầu, với những gì đã được chứng kiến chúng tôi hy vọng rằng với sự nỗ lực của chủ dự án và các đơn vị thi công cầu Nhật Lệ 2 sẽ là một công trình bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, thành phố Đồng Hới xinh đẹp sớm có thêm một công trình tạo điểm nhấn kiến trúc hiện đại.

Trọng Thái