.

Chủ động tạo đà cho bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội

Thứ Sáu, 11/07/2014, 15:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát biểu của đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVI.

>> Bế mạc kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVI: Biểu quyết thông qua 5 nghị quyết

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp!
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội!
Kính thưa toàn thể quý vị đại biểu!

Tại kỳ họp lần thứ 10, HĐND tỉnh cuối năm 2013, chúng ta đã nhận định năm 2014 kinh tế sẽ phục hồi nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức; đồng thời, ảnh hưởng thiệt hại nặng nề do bão lụt năm 2013 gây ra, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cụ thể, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự cố gắng của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên kinh tế - xã hội tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực mà trong báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2014 của UBND tỉnh đã trình bày trước kỳ họp.

Tôi xin nhấn mạnh một số kết quả để các đại biểu hiểu rõ hơn, đó là:

Kinh tế tăng trưởng 7,8%, vượt kế hoạch đề ra. Chương trình xây dựng nông thôn mới, mặc dù trước đây còn nhiều lo lắng, băn khoăn, nhưng với quyết tâm cao, huy động các nguồn lực chắc rằng năm 2014 sẽ có thêm 11 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Đây là một cố gắng vượt bậc.

Tổ chức công bố nghị quyết của Chính phủ về thành lập thị xã Ba Đồn, đồng thời hoàn thành việc chia tách địa giới hành chính thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch bảo đảm tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đi vào hoạt động kể từ ngày 1-4-2014 và đến nay tỉnh ta đã có 8 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, gồm có 6 huyện và 1 thị xã, 1 thành phố. Đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành phố Đồng Hới là đô thị loại 2, phấn đấu đến tháng 8-2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận.

Tổ chức thành công hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Bình do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và tỉnh Quảng Bình phối hợp, có 23 dự án với tổng số vốn trên 20 nghìn tỷ đồng được cấp phép, ký thoả thuận hợp tác. Các dự án đều có tính khả thi cao. Đây là một hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất và hiệu quả nhất từ trước đến nay của tỉnh ta, có sự tham dự và chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó có: Dự án quần thể Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, vốn đăng ký 3.000 tỷ đồng của Tập đoàn Sungroup đã hoàn thành việc khảo sát, trước mắt dự kiến sẽ đầu tư 1 tuyến cáp treo dài nhất thế giới tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, dự án sẽ báo cáo Ban Thường vụ, UBND tỉnh cuối tháng 7, đầu tháng 8-2014. Dự án đầu tư Khu công nghiệp Hòn La 2 với tổng mức 1.600 tỷ đồng của Tập đoàn FLC, dự án xây dựng các nhà máy may và nhà máy sợi, dệt, nhuộm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam với số vốn: 3.000 tỷ đồng, Dự án khu du lịch và sân golf Bảo Ninh, Hải Ninh của Tập đoàn Sungroup 2.000 tỷ đồng đang điều tra, khảo sát, lập dự án. Dự án kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ cảng Hòn La sang tỉnh Khăm Muộn (Lào), tổng mức đầu tư 400 triệu USD, đã được Thủ tướng Chính phủ 2 nước Việt Nam-Lào chấp thuận chủ trương đầu tư.

Cửa khẩu quốc tế Cha Lo tiếp tục sôi động, phương tiện xuất nhập cảnh tăng 32% so cùng kỳ năm 2013. Cảng Hòn La, lượng hàng hoá bốc xếp qua cảng tăng gần gấp đôi. Sân bay Đồng Hới hiện nay 1 ngày đón 3 - 4 chuyến máy bay.

Du lịch phát triển vượt bậc, mang tính đột phá. 6 tháng đầu năm 2014, lượt khách du lịch đến Quảng Bình đạt 1,8 triệu lượt người, tương đương với Đà Nẵng. Đã hình thành rõ 2 trung tâm du lịch, ngoài thành phố Đồng Hới, đó là: Phong Nha - Kẻ Bàng và thăm viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một số ngày cao điểm như dịp lễ 30-4, 1-5, khách đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên 30.000 người/ngày; khách đến thăm động Phong Nha và Thiên Đường 50.000 người/ngày.

Năm 2013 là năm thứ 3 liên tiếp, Quảng Bình được xếp đứng đầu cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Đây là chỉ số đánh giá về sự hài lòng của người dân đối với bộ máy hành chính cấp tỉnh.

Lần đầu tiên, tỉnh ta tổ chức sự kiện kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình. Có thể nói đây là một trong những sự kiện lớn nhất từ trước đến nay, đã khơi dậy truyền thống, đồng thời quảng bá về quê hương, con người Quảng Bình để nhân dân trong nước và thế giới biết thêm về Quảng Bình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh nhà gặp rất khiều khó khăn, đồng thời cũng bộc lộ những tồn tại, yếu kém.

Thiệt hại do bão lụt năm 2013 chưa thể khắc phục hoàn toàn. Chương trình xây dựng nông thôn mới một số nơi chỉ đạo chưa quyết liệt. Một số chỉ tiêu phụ thuộc vào ý chí phấn đấu của cộng đồng dân cư mà không phải đầu tư kinh phí như: an ninh trật tự, công nhận làng văn hoá, vệ sinh môi trường... đến nay nhiều xã chưa đạt.

Công nghiệp tuy tăng trưởng 10,2%, đạt kế hoạch đề ra nhưng các dự án công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nhà máy xi măng Áng Sơn 1, Nhà máy giấy kraft chưa hoạt động trở lại; Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Chính phủ điều chỉnh kéo dài thời gian đầu tư. Một số dự án công nghiệp, chủ đầu tư xin rút giấy phép do không có thị trường đầu ra.

Lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng cao nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng, do dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu, các cơ sở lưu trú quá tải, thời gian lưu trú của khách rất ngắn, chưa có cơ sở vui chơi, giải trí cho khách du lịch. Nhà hàng, khách sạn chất lượng còn thấp. Nhân lực làm việc ở các cơ sở dịch vụ du lịch phần lớn chưa được qua đào tạo. Phong Nha - Kẻ Bàng là một trung tâm du lịch nhưng dịch vụ tại Phong Nha - Kẻ Bàng còn quá nghèo nàn.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội còn có nhiều lo lắng, băn khoăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cao nhất khu vực Bắc Trung bộ (không khách quan, thiếu nghiêm túc trong bình xét hộ nghèo, “thích hộ nghèo”, tư tưởng trông chờ ỷ lại).

Về những tồn tại, hạn chế, những chất vấn cụ thể mà đại biểu phát biểu tại kỳ họp này, các ngành và các cơ quan liên quan đã trả lời, tôi xin nêu thêm một số vấn đề nổi cộm mà nhiều đại biểu quan tâm: Về việc giá nông sản giảm, nông dân thiệt như: giá cao su, giá ớt...: hiện nay, hầu hết nông sản tỉnh ta chủ yếu bán cho Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch, do vậy phụ thuộc vào Trung Quốc về giá. Tình trạng này xảy ra không chỉ trên địa bàn tỉnh ta, mà trên toàn quốc.

Không chỉ năm nay mà nhiều năm như vậy. Để bảo đảm ổn định giá cả nông sản, Chính phủ đã có chỉ đạo tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang các nước phát triển nhằm bảo đảm ổn định đầu ra cho nông dân. Nhưng thị trường Châu Âu và các nước phát triển rất kén chọn sản phẩm nông nghiệp, họ đòi hỏi sản phẩm phải đạt chất lượng cao và đồng đều - điều này sẽ đòi hỏi phải có bước chuyển biến về chất trong nông nghiệp. Chúng ta xác định đây là vấn đề thuộc vĩ mô, là thời kỳ quá độ, không phải ngày một, ngày hai giải quyết được. Do vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm dự báo thị trường nông sản. UBND huyện trực tiếp chỉ đạo cụ thể, hạn chế thiệt hại tối đa cho nông dân.

Về phát triển nguồn nhân lực: UBND tỉnh đã có quyết định Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, tuy nhiên việc triển khai thực hiện quy hoạch chưa toàn diện. Nguồn nhân lực qua đào tào còn chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là đào tạo nghề, trong lúc các cơ sở dạy nghề nhiều nhưng hiệu quả thấp, lãng phí cơ sở vật chất.

Về các em được tuyển vào làm việc theo Chính sách thu hút con em Quảng Bình tốt nghiệp đại học, theo quy định của tỉnh thì hợp đồng làm việc 3 năm - đây là chính sách ưu tiên của tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua. Trong 3 năm đó, các em có quyền thi tuyển vào công chức, viên chức, có quyền chuyển công tác, tỉnh không cam kết bố trí công việc lâu dài cho các em nhưng trong chính sách cũng nêu rõ là có ưu tiên trong tuyển dụng các em vào làm việc. Chúng ta tiếp nhận các em, tạo việc làm cho các em và giữ chân các em để phục vụ trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, để các em làm việc lâu dài thì phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước. Ví dụ, các em phải thi tuyển vào công chức, viên chức theo quy định hoặc Thường vụ Tỉnh uỷ đã có kết luận các em tốt nghiệp đại học loại giỏi, hệ công lập, điểm thi đầu vào 18 điểm trở lên và tỉnh có nhu cầu thì tuyển thẳng vào công chức.

Về quy hoạch vùng kinh tế động lực Bắc Quảng Bình - Nam Hà Tĩnh do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư: hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch, trên cơ sở đó tỉnh sẽ có lộ trình để triển khai thực hiện.

Về xây dựng và tiêu thụ một số sản phẩm truyền thống thương hiệu Quảng Bình tỉnh ta còn yếu. Tỉnh Hà Tĩnh có thương hiệu kẹo cu đơ, Huế có thương hiệu kẹo mè xửng, còn tỉnh ta chưa thực sự có thương hiệu nổi tiếng, đặc biệt trong tương lai Quảng Bình là một trung tâm du lịch. Mới đây, Đồng Hới có thương hiệu bánh bột lọc, hiện nay có nhiều cơ sở bánh bột lọc 1 ngày chở ra Hà Nội khoảng 500kg và thực sự đã bắt đầu có thương hiệu. Tôi yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương và các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống, tập trung một vài sản phẩm truyền thống, không tham vọng nhiều, vì đây là vấn đề rất khó.

Về vấn đề quản lý, trùng tu, bảo vệ di tích, công trình văn hoá: hàng năm sẽ trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí để trùng tu di tích cấp tỉnh.

Về chính sách phát triển du lịch là rất cần thiết, mà trước hết là chính sách hỗ trợ đầu tư các khách sạn, khu vui chơi, giải trí, hỗ trợ sản phẩm du lịch mới, UBND tỉnh tiếp thu và triển khai.

Về giải quyết đơn thư của một số người dân về giải phóng mặt bằng quốc lộ 1: đây là công trình trọng điểm quốc gia, tỉnh đã áp dụng chính sách ưu đãi nhất để bồi thường, thậm chí còn cao hơn một số tỉnh lân cận. Chúng tôi kiên quyết chỉ đạo giải phóng mặt bằng đúng tiến độ. Một số đối tượng cố tình chống đối thì tỉnh kiên quyết xử lý. Còn đơn thư sẽ xử lý nghiêm túc theo luật định, đồng thời không để người dân thiệt hại.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2014 trong báo cáo đã nêu. Ở đây tôi xin nêu những công việc cụ thể quan trọng trong chỉ đạo, điều hành từ nay đến cuối năm và định hướng đến năm 2015.

- Về nông nghiệp:  tình trạng nông dân bỏ ruộng, không hào hứng sản xuất lúa, làm lúa chét là một thực tế đang tồn tại không những ở tỉnh ta mà còn ở nhiều tỉnh trong cả nước. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương sử dụng các giống lúa giá trị kinh tế cao thay thế các giống lúa cũ; chuyển đổi diện tích lúa hiệu quả thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả cao hơn như: dưa hấu, rau các loại, ngô, khoai lang... có nghĩa là trồng cây gì có lãi là trồng, đồng thời giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh liên kết 4 nhà; tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa để đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, như vậy người dân mới có lãi. Khi người nông dân thực sự có lãi, họ mới yên tâm sản xuất trên đồng ruộng của mình.

- Về đánh bắt thủy sản: khuyến khích, hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, tàu vỏ sắt đánh bắt vùng biển xa, đây là hướng đi chính và lâu dài (BIDV đã có văn bản đồng ý cho vay đóng tàu vỏ sắt với lãi suất 5%/năm). Việc chuyển đổi từ tàu gỗ sang tàu sắt sẽ làm thay đổi thói quen sản xuất của ngư dân, phải chú ý đến thiết kế tàu cho phù hợp; tổ chức đào tạo kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để ngư dân thực sự làm chủ con tàu. Tôi đề nghị các sở, ban, ngành, các huyện không những hướng dẫn, vận động ngư dân, mà còn kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư đóng tàu vỏ sắt có công suất lớn để cho thuê hoặc tổ chức đánh bắt.

- Về xây dựng nông thôn mới: đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Cần tập trung chỉ đạo 11 xã đăng ký đạt tiêu chí nông thôn mới trong năm 2014. Đồng thời, cuối năm 2014 rà soát các xã đạt từ 16 tiêu chí trở lên để tập trung chỉ đạo trong năm 2015, để cuối năm 2015 có thêm 15 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra (20% số xã).

- Về công nghiệp: tiếp tục phát huy công suất các nhà máy: xi măng Văn Hoá, xi măng sông Gianh, xi măng Vạn Ninh, may Hà Quảng, bia Hà Nội - Quảng Bình và các cơ sở sản xuất công nghiệp khác.

Tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở công nghiệp. Tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam triển khai dự án Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch 1, trong đó tạo điều kiện cho Tập đoàn Essar (Ấn Độ) liên doanh, cùng đầu tư. Đây là 1 dự án lớn mang tính động lực.

Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Bình năm 2014, mà trọng tâm là các dự án của Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Laos Petro, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Cao su...

- Tiếp tục quan tâm, động viên, giúp đỡ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài việc xác định tự doanh nghiệp quyết định sự sống còn của mình, chấp nhận một số doanh nghiệp phá sản theo quy luật thị trường, tỉnh sẽ làm hết sức để giúp đỡ doanh nghiệp như: gặp mặt các doanh nghiệp, nghe doanh nghiệp trình bày để xử lý, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền và khả năng của tỉnh; chỉ đạo các ngân hàng cho vay vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp; làm trung gian giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tái cấu trúc doanh nghiệp; giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp... trong đó tập trung tháo gỡ cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp gắn với sự phát triển của tỉnh.

- Về dịch vụ, đây là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế, chiếm 43,2%. Cùng với quá trình phát triển, dịch vụ sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn hơn. Trong tương lai du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, người dân sẽ được hưởng lợi khi du lịch phát triển, từ đứa trẻ đánh giày, người bán hàng rong, xe ôm, người bán thuỷ sản ở chợ Đồng Hới, các cơ sở sản xuất bánh lọc, đến dịch vụ taxi, nhà hàng, khách sạn...

Tuy nhiên, phát triển du lịch không phải việc một sớm, một chiều và không chỉ một người có thể làm được, nó đòi hỏi một quá trình lâu dài và liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là văn hoá du lịch, môi trường, an ninh và chất lượng các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí... Trong những năm qua, du lịch Quảng Bình đã có bước phát triển, tuy chỗ này, chỗ khác còn có khuyết điểm, hạn chế, song nhiều khách du lịch thừa nhận người dân Quảng Bình thật thà, mến khách, đó là cái vốn quý giá nhất của mỗi một người dân Quảng Bình nhưng chưa đủ mà cần khẩn trương nâng cao nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch để quản lý công nghệ du lịch, quản trị du lịch.

Để phục vụ khách du lịch, tỉnh đã kêu gọi và tiếp tục kêu gọi đầu tư khách sạn chất lượng cao và các điểm vui chơi, giải trí, nhà hàng, siêu thị. Trong 6 tháng cuối năm 2014, quyết tâm khởi công xây dựng siêu thị Saigon Co.opmart tại Đồng Hới và một số khách sạn để cuối năm 2015, sẽ có thêm 1 siêu thị và 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 đến 5 sao, đồng thời triển khai xây dựng sân golf phục vụ khách du lịch.

Trong các dự án đầu tư đã được cấp phép tại hội nghị Xúc tiến đầu tư mà BIDV và tỉnh tổ chức vào ngày 5-4-2014, quyết tâm đưa Dự án Hệ thống cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng hoàn thành vào cuối năm 2015 hoặc chậm nhất vào đầu năm 2016. Chỉ sau khi dự án cáp treo đi vào hoạt động thì khách du lịch đến Quảng Bình có thể sẽ lên tới 5 triệu khách/năm và sân bay Đồng Hới có ít nhất 30 chuyến bay/ngày. Đây là 1 dự án như cú huých để du lịch Quảng Bình có bước đột phá nhằm khai thác tiềm năng của tỉnh.

- Về lĩnh vực XDCB: nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của các địa phương rất lớn, trong lúc tỉnh nghèo, Trung ương đã khống chế danh mục đầu tư từ 2011-2015 và từ nay đến năm 2015, kinh tế cả nước, của tỉnh sẽ tiếp tục khó khăn. Tỉnh chủ trương tiếp tục vận động các dự án ODA, vì vốn ODA không đưa vào trong cân đối ngân sách từ Trung ương. Trước mắt, tập trung để khởi động dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới (ADB), vốn đầu tư: 164,98 triệu USD, giai đoạn 1: 38,8 triệu USD. Vận động tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới, hiện nay, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đồng ý chủ trương tăng vốn thêm 40 triệu USD cho dự án. Tập trung phát triển quỹ đất, đây là một nguồn lực rất quan trọng của tỉnh trên cơ sở đấu giá quyền sử dụng đất để có kinh phí đầu tư lại hạ tầng. Kế hoạch năm nay, nguồn thu từ đất 300 tỷ, phấn đấu đạt 400 tỷ.

- Về nâng cấp đô thị Đồng Hới lên đô thị loại 2, quyết tâm tháng 8-2014 Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận để chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố Đồng Hới.

- Tập trung đầu tư hạ tầng và xây dựng cơ sở vật chất cho trung tâm huyện lỵ mới Quảng Trạch để cuối năm 2015, các cơ quan quan trọng của huyện có địa điểm làm việc mới.

- Sây bay Đồng Hới đã được đầu tư đồng bộ đến cuối tháng 8-2014 sẽ đưa thiết bị cất hạ cánh tự động (ILS) và hệ thống đèn đêm, Đài dự báo khí tượng thuỷ văn đi vào hoạt động, như vậy thiết bị sân bay Đồng Hới tương đương với sân bay quốc tế Đà Nẵng.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống trường học, trạm xá, bệnh viện đến năm 2015 đạt mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.

- UBND tỉnh quyết tâm chỉ đạo các biện pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo, quyết tâm đến cuối năm 2014 giảm 4% hộ nghèo. Phấn đấu đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xấp xỉ bằng bình quân chung cả nước.

- Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tổ chức thực hiện tốt Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2014.

Kính thưa quý vị đại biểu!

6 tháng cuối năm 2014 và năm 2015 là thời kỳ nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Trong điều kiện kinh tế đất nước, của tỉnh có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng đây là thời kỳ để Quảng Bình tạo đà cho bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, do vậy đòi hỏi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh phát huy đoàn kết, đồng lòng, đồng sức với quyết tâm cao độ để hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 đã đề ra.

Xin cảm ơn quý vị đại biểu!