.

Quê hương Lệ Thủy tiếc thương Đại tướng

Thứ Ba, 08/10/2013, 10:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau khi phải gánh chịu những tổn thất nặng nề từ cơn bão số 10 được mấy ngày, chưa kịp khắc phục xong thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lệ Thủy lại đón nhận tin đau buồn không thể nào tả xiết: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con ưu tú của quê hương đã từ trần. Những tiếng khóc  nức nở đã òa lên. Nỗi buồn như nhân đôi nơi vùng chiêm trũng...

Ngay trong đêm 4-10, khi hay tin chính quyền xã Lộc Thủy đã huy động lực lượng về túc trực tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với thân nhân gia đình Đại tướng để lo việc chuẩn bị tang lễ. Nhiều người dân trong xã tới nhà lưu niệm thắp mấy nén nhang thơm bày tỏ tình cảm chân thành, lòng biết ơn sâu sắc đối với vị tướng tài ba của thế giới-Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã có nhiều công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Sáng 5-10, dòng người khắp nơi đổ về Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày một đông hơn, người cầm bó nhang, người bó hoa..., gương mặt ai cũng ngấn lệ, bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu nặng đến vị tướng tài được sinh ra tại làng quê An Xá, xã Lộc Thủy. Hàng trăm nhà báo, phóng viên Trung ương và địa phương trong cả nước cũng đổ dồn về đây bày tỏ tình cảm, cập nhật thông tin cho bạn bè khắp thế giới... 

Mọi công việc như dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, nương vườn, ngõ xóm, chuẩn bị hương hoa, nhang đèn... được chính quyền sở tại và thân nhân gia đình Đại tướng, người dân Lệ Thủy hoàn thành. Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Sáng 4-10, Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy đã tổ chức họp bàn về công tác chuẩn bị ở quê nhà khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.

Nhiều người dân có mặt tại nhà lưu niệm từ sớm để thắp hương tưởng nhớ Đại tướng.
Nhiều người dân có mặt tại nhà lưu niệm từ sớm để thắp hương tưởng nhớ Đại tướng.

Tại cuộc họp, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy đã triển khai một số biện pháp trước mắt như: bố trí lực lượng sẵn sàng chủ động mọi công việc; bảo đảm an ninh trật tự, tập trung lực lượng làm vệ sinh môi trường sau bão tại xã Lộc Thủy, thôn An Xá...; đón tiếp khách, dựng rạp, chuẩn bị bàn thờ trang nghiêm...

Ngay sau đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện được phân công về gặp thân nhân gia đình Đại tướng tại An Xá để họp bàn kế hoạch chuẩn bị mọi công việc cần thiết. Các lực lượng như quân đội, công an, các tổ chức đoàn thể... ở huyện cũng được huy động vào cuộc. Bước đầu, huyện Lệ Thủy đã chủ động tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân được đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng tại Nhà lưu niệm.

Cuối buổi chiều cùng ngày, Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy lại tiếp tục họp bàn kế hoạch để tiến hành các thủ tục lo lễ tang cho Đại tướng làm sao thật trang nghiêm, tôn kính... Nói chung, cả hệ thống chính trị ở huyện đều vào cuộc, sẵn sàng cho mọi phương án tiếp theo... 

Ông Nguyễn Tư Pháp, nguyên Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, người nhiều lần được gặp Đại tướng vừa gặp chúng tôi cũng đã khóc. Sáng 5-10-2013, ông Pháp mới nghe tin Đại tướng qua đời nên ông đang thấp thỏm chờ con đến chở về Nhà lưu niệm của Đại tướng để gặp gỡ mọi người, chia sẻ buồn đau và thắp nén tâm nhang vĩnh biệt Đại tướng.

Ông Pháp bảo, nếu như ông còn đi được, chắc ông đã chạy về đó lâu rồi. Ông nói vậy bởi ông vừa bị tai biến, việc đi lại rất khó khăn. Ông Pháp kể, trong cuộc đời công tác, ông thấy mình quá may mắn vì nhiều lần gặp gỡ và nghe Đại tướng góp ý trong việc lãnh đạo xây dựng, phát triển quê hương.

Lần gặp nào, Đại tướng cũng ân cần hỏi han chuyện học hành của các cháu thiếu nhi, hỏi nông dân Lệ Thủy quê mình trồng cây thế nào, sản xuất ra sao và có tiến bộ không? Đại tướng quan tâm, ân cần chỉ bảo từng việc mà Đảng bộ huyện làm chưa tốt, việc còn chưa làm được như việc giải phóng hàng quán, vệ sinh môi trường, trả lại nét đẹp tự nhiên cho sông Kiến Giang. Đại tướng là người nặng lòng với quê hương.

Cũng chính sự quan tâm nhắc nhở này mà mọi công việc của huyện được làm tốt hơn và những việc ấy người dân ở quê hương Lệ Thủy càng biết ơn Đại tướng. Đơn cử như chuyện giải phóng hàng quán bên sông Kiến Giang, bao năm huyện muốn mà làm chẳng được, nhưng khi nghe tin Đại tướng có gửi thư động viên, người dân đã nghiêm túc thực hiện mà không có bất kỳ một đòi hỏi nào, cũng nhờ vậy chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm 2003, 263 hàng quán của người dân dọc hai bên bờ sông đã được giải tỏa, vẻ thơ mộng và đẹp đẽ của dòng sông Kiến Giang cũng được trả lại như thuở ban đầu....

Đến dâng hương, sẻ chia đau buồn tại Nhà lưu niệm, bà Võ Thị Lài, 76 tuổi, ở đội 3, xã Lộc Thủy còn cầm trên tay cả tấm bưu ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mắt ngấn lệ, bà Lài nói:  Bao năm qua, lần nào Đại tướng về quê, con trẻ thì được tặng quà, người lớn được hỏi han sức khỏe, được chỉ bảo chuyện làm ăn sản xuất. Cũng mới đây thôi, Đại tướng và gia đình còn gửi lời động viên bà con trong xã tích cực phòng chống con bão số 10 để giảm thấp nhất thiệt hại. Lời nhắn nhủ mới đến hôm qua, sao hôm nay bác Giáp vội ra đi...

Tối 5-10, mặc dù bị thiếu thông tin do mất điện bởi bão số 10, nhưng nhiều con em quê hương Lệ Thủy vẫn điện thoại cho nhau biết chương trình thời sự của VTV1 thông báo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại quê hương. Cả nước sẽ tổ chức Quốc tang cho Đại tướng...

Văn Minh