.

Nhớ về Đại tướng

Thứ Ba, 15/10/2013, 07:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Hôm nay, hòa chung cùng dòng người đưa tiễn linh cữu Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi cảm thấy mất đi cái gì đó rất thiêng liêng, như mất đi người thân trong gia đình. Dù Đại tướng đã ra đi mãi mãi nhưng hình ảnh về một vị tướng đức độ, tài ba, một người con ưu tú của dân tộc, sẽ sống mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.

Đảng bộ, quân và dân Tuyên Hóa quặn lòng trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đồng chí Trần Xuân Cầm, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Tuyên Hóa

Những ngày đầu tháng 10, người dân Tuyên Hóa phải gánh chịu hậu quả nặng nề do cơn bão số 10 gây ra. Bão làm hàng ngàn ngôi nhà tốc mái, nhiều gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ đồng. Nhà đổ có thể dựng lại, kinh tế có thể phục hồi dần, nhưng tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một vị tướng lừng danh được thế giới ngưỡng mộ đã ra đi vào cõi vĩnh hằng mới thực sự là cơn bão khiến lòng người đau đớn, quặn thắt. Xin được gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cái tên trìu mến, thân thương nhất: Bác Giáp.

Trong muôn vàn tình cảm của người dân Việt Nam dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có một niềm xúc động, một tình cảm hết sức thiêng liêng, đặc biệt của các thế hệ cán bộ, đảng viên, quân và dân Tuyên Hóa. Dân tộc Việt Nam tự hào có Bác Giáp, nhân dân Quảng Bình càng tự hào hơn vì sự vĩ đại của người con ưu tú, lỗi lạc của quê hương. Dẫu biết rằng không ai chống lại được quy luật “sinh, tử”, nhưng sự ra đi của bác đã để lại trong lòng nhân dân Tuyên Hóa nỗi mất mát, đau thương vô hạn.

Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Tuyên Hóa, đặc biệt là nhân dân xã Phong Hóa còn nhớ mãi ngày Đại tướng về thăm (năm 1961). Sự ân cần, gần gũi, những cái bắt tay nặng tình yêu thương, những lời căn dặn của Đại tướng đã lay động hàng trăm người có mặt hôm đó và trở thành kỷ niệm đẹp trong suốt cuộc đời mình. 

Ngày 21-5-1996, khi huyện Tuyên Hóa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, dù bộn bề với công việc nhưng bác vẫn dành cho Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Tuyên Hóa một tình cảm đặc biệt. Trong thư bác viết: “Mong rằng toàn thể Đảng bộ và nhân dân ra sức phấn đấu, tích cực đổi mới; đưa công nghệ mới vào các ngành đẩy mạnh sản xuất lâm, nông nghiệp, cả ngư nghiệp nữa... Hết sức coi trọng Giáo dục và đào tạo. Hết sức coi trọng y tế, chấm dứt bệnh sốt rét và bướu cổ, hết sức chú trọng bảo vệ môi trường và sinh thái đề phòng thiên tai. Đảng viên và cán bộ phải gương mẫu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm với lớp cán bộ Đội và các đội viên xuất sắc huyện Tuyên Hóa năm 1996 tại Hà Nội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm với lớp cán bộ Đội và các đội viên xuất sắc huyện Tuyên Hóa năm 1996 tại Hà Nội.

Mỗi một gia đình đều phấn đấu trở thành gia đình văn hóa. Sớm nhất, xóa đói, giảm nghèo làm cho huyện ta trở thành một huyện của miền núi tiến kịp miền xuôi và giàu có hơn miền xuôi. Chú trọng hơn nữa đồng bào các dân tộc ít người”. Và mong mỏi lớn nhất của Đại tướng là “Đảng bộ và nhân dân cả huyện ta tăng cường đoàn kết, đoàn kết trong huyện và đoàn kết cùng các huyện thị; đoàn kết là sức mạnh cho Tuyên Hóa xứng đáng với truyền thống quê hương hai giỏi, xứng đáng với lời dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Quảng Bình, xứng đáng với vinh dự lớn mà Nhà nước đã dành cho huyện ta”.

Thực hiện lời căn dặn của bác, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Hóa không ngừng nỗ lực phấn đấu, ra sức phát triển kinh tế, chú trọng sự nghiệp trồng người, chăm lo đời sống, sức khỏe nhân dân; đồng bào dân tộc các bản của 2 xã Lâm Hóa, Thanh Hóa đã ổn định cuộc sống, tự lao động sản xuất và luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Tuyên Hóa luôn đoàn kết, thống nhất, một lòng làm theo lời Đại tướng căn dặn.

Đảng bộ, quân và dân Tuyên Hóa bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng Đại tướng, quyết tâm xây dựng huyện Tuyên Hóa phát triển bền vững để “tiến kịp miền xuôi và giàu có hơn miền xuôi” như lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

"Như mất đi điều thiêng liêng không thể diễn tả được...."

Ông Nguyễn Xuân Cát, cán bộ tiền khởi thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch

Tôi rất vinh dự đã được gặp Đại tướng hai lần. Lần thứ nhất là vào năm 1960, trong cuộc họp cán bộ toàn tỉnh tổ chức tại huyện Lệ Thủy. Vì tôi ngồi bàn đầu nên được nói chuyện với Đại tướng.

Đại tướng hỏi: Chú tên gì? Năm nay bao nhiêu tuổi? Quê chú ở đâu?

Tôi trả lời: Dạ, cháu là Nguyễn Xuân Cát, sinh năm 1929, năm nay 31 tuổi, quê ở Cảnh Hóa, huyện Tuyên Hóa (nay thuộc huyện Quảng Trạch)

Đại tướng hỏi tiếp: Chú được kết nạp Đảng năm nào và bữa ni đang làm chức vụ chi? Ở đâu?
Tôi trả lời: Dạ, cháu tham gia khởi nghĩa năm 1944, vào Đảng năm 1946 và hiện nay làm cán bộ Thường vụ Huyện ủy huyện Tuyên Hóa.

Đại tướng căn dặn: Là người cán bộ thì phải gương mẫu, trung thực và thẳng thắn. Phải cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lần thứ hai tôi được vinh dự gặp Đại tướng là năm 1965, trong dịp Đại hội Đảng bộ toàn tỉnh. Lần này không được nói chuyện riêng với Đại tướng  nhưng chúng tôi được căn dặn phải luôn phấn đấu, rèn luyện, xứng đáng là người cán bộ trong lòng của dân.

Khi nghe tin Đại tướng mất, dù biết đó là quy luật sinh tử nhưng lòng tôi vẫn hụt hẫng vô cùng, như mất đi điều thiêng liêng không thể diễn tả được. Tôi rất khâm phục và kính trọng Đại tướng, người có công lao to lớn đối với dân tộc Việt Nam. Hình ảnh gần gũi, bình dị của Đại tướng vẫn còn sống mãi, tôi không thể nào quên được.

Mong Đại tướng yên nghỉ trong tình yêu thương và lòng kính trọng của mọi người!

Bà Trần Thị Hải, thôn 3, xã Trung Trạch, Bố Trạch

Tại thôn 3 xã Trung Trạch (Bố Trạch), cả gia đình bà Trần Thị Hải (73 tuổi) đã chuẩn bị chu đáo cho ngày lễ tang của Đại tướng. Bà Hải tâm sự: "Đến ngày hôm nay, nhà tui vẫn chưa có điện. Suốt tuần rồi, cả nhà theo dõi tin tức nhờ cái đài chạy pin.

Biết thông tin về hai ngày Quốc tang, hôm qua tui đã kêu thằng cháu trai là Hà Văn Cường treo cờ rủ để tưởng niệm Đại tướng. Còn cháu gái đang học Trường đại học Quảng Bình thì tham gia đội quân tình nguyện tại lễ viếng của Đại tướng ở thành phố Đồng Hới. Cả nhà tui đều mong chờ ngày đón linh cữu của bác, để cùng tiễn đưa Đại tướng một đoạn đường. Tui người Nghệ An, quê Bác Hồ, lấy chồng người Lệ Thủy là quê bác Giáp, thật không có chi vinh dự hơn. Đại tướng đi xa, ai cũng nhớ thương, nhưng trong sự nhớ thương còn có cả niềm tự hào bởi quê mình đã sinh ra một con người vĩ đại như bác.

Cả làng tui hồi hộp đón bác từ 12 giờ trưa. Hơn một tiếng đồng hồ chờ đợi, giờ tui đã thỏa lòng khi được ngắm linh cữu phủ lá cờ Tổ quốc của Đại tướng. Hôm nay bác đã về với quê hương, tui không đủ sức khỏe để đến viếng bác ở Vũng Chùa - Đảo Yến, thì đã có con, cháu đi thay. Như rứa cũng thấy ấm lòng, mong Đại tướng yên nghỉ trong tình yêu thương và kính trọng của mọi người!".

"Tôi cảm thấy như mất đi người thân trong gia đình"

Bà Nguyễn Thị Dung, Lộc Đại, Lộc Ninh, TP.Đồng Hới

Vào năm 1961, bà Dung tham gia đội văn nghệ của xã Lộc Ninh và  đạt giải nhất trong hội diễn văn nghệ của tỉnh. Đây cũng là dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê, rất may mắn bà đã được Đại tướng đến bắt tay và khen “cháu múa dẻo lắm”. “Lúc đó tôi cảm thấy thật sự vinh dự và hạnh phúc, còn nhớ mãi đôi bàn tay của người thật đẹp, mềm mại, với nụ cười nồng ấm, gần gũi biết bao”,  bà nghẹn ngào kể lại trong nước mắt.

Thế hệ trẻ hoà vào dòng người tiễn biệt Đại tướng.
Thế hệ trẻ hoà vào dòng người tiễn biệt Đại tướng.

Hôm nay, hòa chung cùng dòng người đưa tiễn linh cữu Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi cảm thấy mất đi cái gì đó rất thiêng liêng, như mất đi người thân trong gia đình. Dù Đại tướng đã ra đi mãi mãi nhưng hình ảnh về một vị tướng đức độ, tài ba, một người con ưu tú của dân tộc, sẽ sống mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.

"Nghẹn lòng khi đưa tiễn Đại tướng đầu tiên của dân tộc...”

Anh Nguyễn Công Măng, ở Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ

Hôm qua, mặc dù trời mưa to tầm tã nhưng vợ chồng tui dậy từ sáng sớm, cả đi, cả hỏi đường để biết chính xác lối vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại UBND tỉnh. Cha tôi là một trong những người lính cầm súng đánh giặc dưới sự chỉ huy của Đại tướng. Chúng tôi thế hệ đi sau chỉ biết đến Bác Giáp qua lời kể của cha.

Cha tôi nói bác là người đôn hậu, gần gũi, mộc mạc nhưng trong việc nước bác rất nghiêm. Lời nói của bác luôn có sức thuyết phục và niềm tin lớn đối với những người lính xa quê vào chiến trường. Lớn lên, qua sách báo, ti vi, những thước phim tư liệu...tôi càng hiểu rõ hơn sự trong sáng, kiên trung của vị tướng đầu tiên của dân tộc. Tôi ngưỡng mộ bác và luôn tự nhủ phải phấn đấu trở thành một người có ích cho xã hội để xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng vì sự tự do của đất nước đã ngã xuống.

Sáng nay hoà vào dòng người của quê hương Quảng Bình, vợ chồng tôi, con cháu tôi nghẹn lòng khi tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng...

"Trong tim em, Đại tướng là thần tượng..."

Trần Thị Thương, lớp 10B, THPT Phan Đình Phùng

Cùng với rất nhiều bạn bè của mình, Thương đã đến sân bay từ 9 giờ sáng. Cũng như tất cả thế hệ trẻ Quảng Bình, trong tim em, Đại tướng chính là thần tượng. Những ngày qua, Thương đã cùng gia đình, bạn bè tham dự lễ viếng, lễ truy điệu Đại tướng ở UBND tỉnh.

"Dù chỉ biết bác qua những lời kể của ông bà, bố mẹ, qua phim ảnh, sách báo và những bài học, nhưng em luôn cảm nhận được sự ân cần, gần gũi của Đại tướng đối với mọi người, trong đó có thế hệ trẻ như chúng em. Em nhớ bác đã từng dạy rằng, muốn trở thành người có ích thì luôn phải nỗ lực học tập. Phải noi gương của Bác Hồ học nữa, học mãi... Hôm nay, em đã vinh dự được đưa tiễn bác, em và các bạn hứa sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội như bác tin tưởng và hy vọng!".

Và Trần Thị Thương cùng các bạn tiếp tục hòa dòng người tưởng chừng như bất tận hướng về Vũng Chùa - Đảo Yến, tiễn Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng...

Nhóm P.V (thực hiện)