.

Nhân dân Quảng Bình nhớ thương Đại tướng

Thứ Hai, 14/10/2013, 10:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Dẫu Đại tướng đã ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng Đại tướng luôn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam, trong mỗi một người dân quê hương Quảng Bình. Sự ra đi của Đại tướng đã thắp sáng thêm ngọn lửa yêu nước cho mỗi người dân Việt Nam và người dân quê hương Quảng Bình nói riêng.

Cán bộ y tế Quảng Bình khắc ghi lời dạy Đại tướng

Bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế

Dẫu biết rằng sinh tử là quy luật của tạo hóa nhưng lúc nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, tất cả chúng tôi, từ lãnh đạo đến tập thể cán bộ, viên chức ngành y tế không khỏi bàng hoàng, nhiều người nghẹn ngào rơi nước mắt.

Sinh thời, Đại tướng luôn mong muốn “ngành Y tế nước ta nâng cao y đức, phát triển khoa học kỹ thuật, kết hợp tốt y học hiện đại với y học cổ truyền, không ngừng nâng cao chất lượng công tác y tế, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sức khỏe và đời sống nhân dân” (trích thư chúc mừng cán bộ  y tế 2007). Khắc  ghi lời dạy của Đại tướng, mỗi cán bộ y tế sẽ phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, của ngành, nguyện hết lòng, hết sức phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Chúng tôi xác định rằng, y tế là một ngành chuyên môn, nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng con người, vì vậy trong hoạt động quản lý và khám chữa bệnh cần phải hết sức thận trọng, hạn chế tối đa những sai sót. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, noi gương và tri ân Đại tướng, toàn ngành tập trung nâng cao y đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tạo sự hài lòng của nhân dân và người bệnh; đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện quy tắc ứng xử, xem đây là thước đo về tiêu chuẩn đạo đức người thầy thuốc.

Đây cũng là cơ hội để đội ngũ y, bác sĩ trau dồi y đức, dược đức và nâng cao trách nhiệm đối với người bệnh. Trong đó, xác định mỗi cán bộ đảng viên, công chức phải là tấm gương về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, phải tạo được sự chuyển biến cụ thể trong từng đơn vị, nhất là phải kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt để tuyên truyền, nhân rộng trong toàn ngành.

Trong những ngày này, cùng với toàn tỉnh, ngành Y tế đang nỗ lực khắc phục những hậu quả nặng nề mà cơn bão số 10 để lại. Các đơn vị y tế trong toàn tỉnh vừa tập trung sửa sang, chỉnh đốn lại đơn vị vừa tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh.

Hàng ngàn người dân đón đoàn xe chở linh cữu Đại tướng đoạn qua sân bay Đồng Hới.
Hàng ngàn người dân đón đoàn xe chở linh cữu Đại tướng đoạn qua sân bay Đồng Hới.

Từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng như Bệnh viện đa khoa Tuyên Hóa với tinh thần “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”, tổ chức quyên góp từ thiện từ cán bộ trong bệnh viện để hỗ trợ suất cơm dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo; Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình với việc xây dựng ngân hàng máu sống, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là các hoạt động thu dung, cấp cứu kịp thời và hiệu quả cho người dân bị tai nạn sau bão... hay như tấm gương bác sĩ Nguyễn Viết Thái (Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình) túc trực ở bệnh viện để cấp cứu, điều trị, phẫu thuật cho người bệnh trong suốt những ngày trước, trong và sau bão... Công tác phòng chống dịch bệnh cũng được các đơn vị quan tâm thực hiện. Đội ngũ cán bộ  y tế trên lĩnh vực dự phòng đã luôn bám cơ sở để giúp bà con khử trùng nguồn nước, cấp phát thuốc miễn phí và điều tra giám sát các loại dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từng cán bộ, đảng viên của ngành Y tế nguyện không ngừng trau dồi y đức, tận tụy với công việc nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Cả cuộc đời Người đã sống trọn vẹn với non sông đất nước, với nhân dân...

PGS,TS Trương Ninh Thuận, Trường Đại học công nghệ, ĐHQG Hà Nội

Đi khắp mọi miền Tổ quốc, khi biết tôi quê Lệ Thủy, Quảng Bình, hầu như ai cũng nhắc thêm: “Quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp” khiến tôi vô cùng tự hào. Kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tôi là những ngày ấu thơ, lũ trẻ con ùa ra đón đoàn xe Đại tướng về thăm quê. Cảm xúc chộn rộn, náo nức khi nghe tin bác về của đám trẻ chúng tôi ngày ấy không bao giờ có thể quên được.

Thuở bé, qua lời kể của ông bà, cha mẹ, bà con lối xóm, đám trẻ chúng tôi đã hình dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài ba, uy phong lừng lẫy địa cầu mà vẫn hiền từ, nhân hậu như một ông tiên. Mỗi lần gặp Người, cũng như sau này lớn lên và tìm hiểu, chúng tôi đã cảm nhận được thật đúng như những gì chúng tôi hình dung từ thuở bé.

Khi vừa nghe tin bác mất, hay mỗi lần đọc được tin tức, những bài thơ viết về bác, chỉ chực trào nước mắt. Cả cuộc đời Người đã sống trọn vẹn với non sông đất nước, với nhân dân...

“Người thắp lửa cho bao thế hệ...”

Phan Thị Lệ Thương, Bí thư Đoàn trường THPT số 1 Bố Trạch

Khi được tin bác mất, tôi đang trên đường đi công tác. Nhận tin từ một người thân, tôi cảm nhận được sự mất mát không chỉ của riêng mình mà từ nay, những người dân Quảng Bình sẽ mất đi một người con ưu tú, một điểm tựa tinh thần vững chãi...

Dù chưa một lần được may mắn gặp Đại tướng, nhưng qua mỗi bài học, mỗi cuốn sách, thước phim, tôi vô cùng ngưỡng mộ và kính yêu Đại tướng. Tôi còn nhớ khi còn là sinh viên, những bạn bè biết tôi là người Quảng Bình đều ồ lên bảo, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đó đã nhen lên trong trái tim những người trẻ tuổi như chúng tôi sự tự hào và niềm hãnh diện. Nên trong quá trình học tập cũng như công tác, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, để xứng đáng là người Quảng Bình, “đồng hương” với bác Giáp. Sau này, trong những bài giảng của mình, tôi cũng truyền lửa cho học trò theo cách ấy...

Tôi tin rằng, trong lòng mỗi người dân cả nước nói chung và Quảng Bình nói nói riêng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tượng đài vĩ đại. Không chỉ với thế hệ ông bà, cha mẹ tôi, những người từng trải qua chiến tranh, chứng kiến bao sự kiện thăng trầm của quê hương, đất nước mới có những ấn tượng sâu sắc về Đại tướng, mà với thế hệ trẻ, tình cảm dành cho bác cũng ngập tràn. Tôi rất tâm đắc với câu nói của một nhà báo về Đại tướng, rằng “Sự ngưỡng mộ, chắc chắn không chỉ của một thế hệ...”.

Ngưỡng mộ Đại tướng để nỗ lực học tập, xứng đáng là “đồng hương” bác Giáp, đó chính là cách mà tôi luôn tự động viên mình trong mọi công việc. Những gì tôi và học trò của mình đạt được, dù bé nhỏ, nhưng là nén hương lòng tưởng nhớ Đại tướng, người thắp lửa cho bao thế hệ, trong đó có tôi...

“...Người dân Quảng Trạch sẽ luôn nhận thức sâu sắc về niềm tự hào và vinh dự đặc biệt này...”

Ông Nguyễn Tiến Nên, ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch

Khi nghe bản tin đầu tiên trên sóng Đài Truyền hình Việt nam về thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, trong tâm khảm của mọi người dân, trong đó có cả bản thân tôi thấy hụt hẫng, xót xa và xúc động vô cùng...

Là người con của quê hương Quảng Bình, tôi càng xúc động và vinh dự hơn khi được hòa mình trong dòng người đông đúc để đón Đại tướng về an nghỉ nghìn thu trên mảnh đất quê hương. 

Nơi chào đời của Đại tướng là làng An Xá thuộc xã Lộc Thủy (Lệ Thủy), là cực nam của tỉnh Quảng Bình, nhưng lúc cuối đời Đại tướng đã chọn nơi an nghỉ tại vùng đất Vũng Chùa- Đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông (Quảng Trạch), là cực bắc của tỉnh Quảng Bình. Điều đó càng minh chứng cho tấm lòng và mong mỏi của Đại tướng là quê hương thành một khối đại đoàn kết vững chắc.

Dòng người tiễn đưa Đại tướng ở Vũng Chùa-Đảo Yến.
Dòng người tiễn đưa Đại tướng ở Vũng Chùa-Đảo Yến.

Hơn bao giờ hết, mỗi người dân trên quê hương Quảng Trạch sẽ luôn nhận thức sâu sắc về niềm tự hào và vinh dự đặc biệt này để phấn đấu và góp sức nhỏ bé của mình đưa quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp và bền vững, xứng đáng với công ơn và tình cảm mà Đại tướng dành tặng.

"Mấy ngày nay chúng tôi luôn mong chờ để được tiễn đưa Đại tướng..."

Suốt đoạn đường đèo Lý Hòa, từ 11h, hàng nghìn người dân ở xã Hải Trạch, Thanh Trạch và các xã lân cận đã có mặt để đón chào, tiễn biệt Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.

Những gương mặt trĩu nỗi ưu tư, ngậm ngùi... Ông Phan Thắng, 63 tuổi ở thôn Đá Nhảy (Thanh Trạch, Bố Trạch) xúc động nói: “Từ mấy ngày nay, chúng tôi luôn mong chờ giây phút này. Được tiễn đưa Đại tướng là một niềm vinh dự đối với chúng tôi. Lãnh đạo mà được như ông hiếm hoi lắm! Dân ai cũng ngưỡng mộ, yêu quý ông cả”.

Được biết, đoạn đường này từ trước đó đã được rất nhiều người dân tự giác quét dọn sạch sẽ, tươm tất. Chị Hồ Thị Trang, thôn Tân Lý, xã Hải Trạch cho biết: “Là người dân, tôi chẳng biết làm gì hơn, chỉ mong đoạn đường mà Đại tướng đi qua sẽ được gọn gàng, ngăn nắp. Coi như là tấm lòng của người dân chúng tôi đối với Đại tướng”.

Rất nhiều người dân đã nhập vào dòng người đi theo đoàn xe tang ra Vũng Chùa-Đảo Yến để tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.

“Biến đau thương trở thành hành động cách mạng”

Ông Phạm Anh Văn, Phó Giám đốc Điện lực Lệ Thủy

Khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, bản thân tôi cũng như toàn thể CBCNVC Điện lực Lệ Thủy vô cùng đau xót và tiếc thương vô hạn. Trong sự đau buồn ấy, chúng tôi vẫn xác định cần phải “biến đau thương trở thành hành động cách mạng”... 

Bão số 10 tàn phá hệ thống lưới điện Lệ Thủy rất nặng nề, sau bão, toàn bộ các khu vực trên địa bàn huyện đã bị mất điện. Bác Giáp ra đi trong lúc toàn thể CBCNV Điện lực Lệ Thủy đang dốc sức nỗ lực khắc phục những thiệt hại nặng nề do bão gây nên.

Là người con của quê hương Lệ Thủy, bản thân tôi xác định, việc khắc phục lưới điện trong thời gian sớm nhất và trong điều kiện có thể là việc làm thiết thực nhất để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với những công lao trời biển của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng góp cho nhân loại, cho quê hương, đất nước. Việc cấp điện trở lại cho nhân dân huyện nhà nói chung và quê Bác Giáp - làng An Xá, xã Lộc Thủy nói riêng trong điều kiện lưới điện bị tê liệt hoàn toàn sau bão là việc làm không dễ gì thực hiện được trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, chúng tôi động viên nhau quyết tâm huy động trí tuệ, công sức tập thể nhằm thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu đặt ra.

Tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, chúng tôi đã có nguyên một mũi xung kích ở khu vực này. Những ngổn ngang sau bão chẳng khác nào chiến trường, chúng tôi vẫn xác định “quyết chiến, thần tốc” vượt qua mọi khó khăn, không lùi bước, bảo đảm an toàn, thấm nhuần ý chí của Đại tướng. Từ đêm mồng 4 và sáng 5-10, chúng tôi đã khôi phục lưới điện toàn bộ khu vực trung tâm thị trấn Kiến Giang và các khu vực lân cận. Để bảo đảm nguồn điện cung cấp ổn định, Điện lực Lệ Thủy đã tiến hành lắp đặt bổ sung 2 mạch điện và điều động thêm máy phát điện dự phòng cùng tổ trực vận hành, lắp đặt hệ thống chiếu sáng đường vào Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhiều người dân mang theo di ảnh Đại tướng hướng về Vũng Chùa, nơi diễn ra Lễ an táng.
Nhiều người dân mang theo di ảnh Đại tướng hướng về Vũng Chùa, nơi diễn ra Lễ an táng.

Dù còn rất nhiều bộn bề khó khăn sau bão, nhưng công tác phục vụ cấp điện phục vụ lễ Quốc tang Đại tướng được Điện lực Lệ Thủy xác định là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, là hành động thiết thực để thể hiện tấm lòng tiếc thương vô hạn với Đại tướng,  người anh hùng của dân tộc Việt Nam...

Tính đến ngày 10-10, toàn bộ 28/28 xã trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã có điện trở lại (đặc biệt có 90-95% số hộ khu vực nông thôn đã có điện).

Chúng tôi... đều có chung một tấm lòng thành kính tri ân công lao của Đại tướng

Anh Phạm Quang Minh, cán bộ Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel Hà Nội

“Chúng tôi, những cán bộ của Tập đoàn từ Hà Nội ra khắc phục hậu quả cơn bão số 10 vừa qua, đã đi từ sáng sớm đến thị trấn Hoàn Lão để có thể bày tỏ tình yêu, sự ngưỡng mộ, niềm tiếc thương vô hạn dành cho vị Đại tướng tài ba của dân tộc. Anh em chúng tôi đến từ nhiều tỉnh phía Bắc, như: Hà Nam, Thái Bình, Nam Định..., nhưng đều có chung một tấm lòng thành kính, tri ân công lao của Đại tướng. Đây là cơ hội rất may mắn của chúng tôi khi được tham gia cùng với đông đảo nhân dân đón Người về với đất mẹ Quảng Bình”.

"Đại tướng đã thắp sáng thêm ngọn lửa yêu nước cho mỗi người dân Việt Nam"

Bà Nguyễn Thị Luận, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới

Trong thời khắc thiêng liêng này, có thể mỗi một người dân Việt Nam sẽ có những cảm xúc khác nhau, nhưng chắc chắn ai cũng ngậm ngùi và tiếc thương vô hạn về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Riêng tôi, tôi tiễn đưa Đại tướng - vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam trong niềm tự hào. Tôi đã từng nói với bạn bè khắp mọi miền Tổ quốc, Nghệ An tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, còn Quảng Bình tự hào vì có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng của nhân dân, mãi mãi được vinh danh trong dân tộc Việt Nam và cả bạn bè quốc tế.

Dẫu Đại tướng đã ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng Đại tướng luôn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam, trong mỗi một người dân quê hương Quảng Bình. Sự ra đi của Đại tướng đã thắp sáng thêm ngọn lửa yêu nước cho mỗi người dân Việt Nam và người dân quê hương Quảng Bình nói riêng.

"Tôi thấy mình quá nhỏ bé trong dòng người tiễn đưa Đại tướng"

Chị Nguyễn Thị Nguyên, xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới

Tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé trong dòng người tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ nghìn thu tại Vũng Chùa, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Tinh thần đoàn kết, sức mạnh của dân tộc Việt Nam đã hiện lên rõ nét thông qua những tình cảm, tấm lòng và sự tri ân của đông đảo người dân đối với Đại tướng trong những khoảnh khắc thiêng liêng này. Đại tướng đã dành được niềm tin yêu trọn vẹn từ hàng triệu người dân trong cả nước.

Với niềm tin và lẽ sống tích cực, Đại tướng đã thực sự đi vào lịch sử giải phóng dân tộc Việt Nam bằng những chiến thắng vang dội toàn cầu. Tôi bày tỏ sự tôn vinh vô hạn đến Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, người có tài năng xuất chúng và cống hiến đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Đại tướng cũng là người luôn nêu cao tấm gương sáng, có lối sống bình dị, gần gũi trong đời sống hàng ngày.

Trọn đời phấn đấu và hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi được vinh danh trong lòng mỗi một người dân Việt Nam và cả bạn bè quốc tế.

“Hình ảnh Đại tướng đã khắc sâu vào trái tim mỗi người lính chúng tôi”

Ông Trương Quang Đồng, 84 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa ở thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch

Tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa và là người lính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi đã từng được gặp Đại tướng khi còn trẻ và được hàng chục năm sống trong quân đội mà Đại tướng làm Tổng Tư lệnh. Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khắc sâu vào trái tim mỗi người lính chúng tôi.

Nghe tin Đại tướng từ trần, trong lòng tôi cảm thấy hẫng hụt, buồn vô hạn. Sự ra đi của Đại tướng để lại muôn vàn niềm tiếc thương với hàng triệu người dân Việt Nam. Địa danh Vũng Chùa-Đảo Yến vinh dự được Đại tướng chọn nơi an giấc nghìn thu là địa danh linh thiêng. Ngày còn nhỏ đến thăm địa danh này tôi được những cụ cao niên cho biết vùng đất có tên núi Rồng thuộc dãy Hoành Sơn hùng vĩ. Tôi xin được kính cẩn cầu cho hương hồn vị tướng lừng danh của dân tộc được siêu thoát nơi suối vàng.

Chúng tôi đời đời ghi nhớ công ơn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-vị tướng của nhân dân, nguyện khắc sâu lời dạy của Đại tướng, sống gương mẫu, luôn đoàn kết thương yêu nhân dân. Chúng tôi xin hứa sẽ giáo dục con cháu trong gia đình trở thành những công dân tốt, thi đua góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng quê hương Quảng Bình văn minh, giàu đẹp như niềm mong muốn của Đại tướng lúc sinh thời.

“Đại tướng là người tôi ngưỡng mộ từ thuở nhỏ…”

Đó là lời tâm sự của ông Hoàng Văn Chân, 62 tuổi, nguyên là cán bộ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới nói sau sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất. Ngoài những tình cảm chân thành như bao người dân bình thường khác, ông Chân còn có một kỷ niệm không thể nào quên về người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đó là vào mùa xuân năm 1987, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó là Phó Thủ tướng trong chuyến công tác vào Quảng Bình đã ghé thăm bệnh viện, một công trình thể hiện tình cảm son sắt của của đất nước Cu Ba đối với mảnh đất lửa Quảng Bình.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với Đội xây dựng quốc tế Nguyễn Viết Xuân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với Đội xây dựng quốc tế Nguyễn Viết Xuân.

Thời đó, các phương  tiện quay phim, chụp ảnh rất hạn chế, ông Chân may mắn là người phụ trách Phòng ảnh của Bệnh viện nên được trang cấp máy chụp ảnh khá tốt, đồng thời được giao nhiệm vụ ghi lại những hoạt động của Đại tướng trong thời gian Người lưu lại bệnh viện.

Tuy thời gian thăm bệnh viện không nhiều nhưng Đại tướng đã có buổi nói chuyện với tập thể cán bộ, công nhân viên, thăm những bệnh nhân đang được điều trị tại đây. Đại tướng mong muốn tập thể cán bộ, công nhân viên bệnh viện cố gắng phát huy truyền thống của ngành Y tế để chăm sóc thật tốt sức khỏe của người dân, đồng thời gìn giữ quà tặng vô giá của nhân dân Cu Ba anh em đối với Việt Nam nói chung và Quảng Bình nơi địa đầu tuyến lửa nói riêng.

Ông Hoàng Văn Chân cũng cho biết thêm, trong thời gian xây dựng Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã vào thăm đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân đang tham gia xây dựng công trình. Thời điểm đó, Đại tướng có cuộc trò chuyện với Đội xây dựng quốc tế Nguyễn Viết Xuân. Bức ảnh này hiện vẫn được lưu giữ trang trọng tại bệnh viện để ghi nhớ về một người con của quê hương Quảng Bình mà sự nghiệp luôn luôn được khắc ghi để truyền lại cho muôn đời.

Minh Văn-Giang Sơn

Vị Tướng của sự giản dị

Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh

Quê tôi chỉ cách nhà Đại tướng một con sông. Từ thuở nhỏ tôi đã được nhiều người kể rất nhiều chuyện về Đại tướng, trong lòng thầm ngưỡng mộ, kính trọng và tự hào, muốn được một lần gặp mặt. Và rồi cơ hội đó cũng đến.

Trong suốt gần 10 năm làm Chánh Văn phòng UBND tỉnh, tôi rất vinh dự được gặp Đại tướng nhiều lần. Mỗi lần gặp Đại tướng là một kỷ niệm khó quên. Tôi nhớ, lần đầu tiên theo đoàn lãnh đạo tỉnh ra thăm nhà Đại tướng ở Hà Nội, lúc đó trong lòng tôi hồi hộp lắm. Trái với danh tiếng lừng lẫy khắp năm châu, ngôi nhà Đại tướng nằm ẩn dưới vườn cây quanh năm xanh tốt, các vật dụng trong nhà bày biện, trang trí rất giản dị. Trong các câu chuyện với cán bộ lãnh đạo tỉnh nhà, lần nào Đại tướng cũng thường căn dặn chúng tôi phải luôn luôn đoàn kết. Người còn không quên nhắc nhở, nhân dân ta còn nghèo khó nhưng đừng để các cháu thiếu nhi phải bỏ học, phải chăm lo đến đời sống và sức khỏe của người dân...

Đặc biệt, bất cứ ở đâu, làm gì, Đại tướng cũng không muốn làm phiền ai cả. Tôi để ý thấy, trong những chuyến về thăm quê, Người thường không có yêu cầu gì đặc biệt cả. Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn cả là Đại tướng đặc biệt thích những món đặc sản của quê mình, dù đó là món dân dã quê mùa đạm bạc như: nước mắm, mắm tôm, ruốc... Trong đó, phải kể đến 2 thứ mà lần nào có dịp ra thăm Đại tướng chúng tôi đều mang theo tặng Người để làm quà: đó là nước khoáng Bang và dầu tràm  do chính bàn tay con người Quảng Bình làm ra.

Đinh Thị Hồng Vân chụp ảnh kỷ niệm với Đại tướng năm 1995.
Đinh Thị Hồng Vân chụp ảnh kỷ niệm với Đại tướng năm 1995.

Rứa là Đại tướng đã đi xa...!

Thạc sỹ Đinh Thị Hồng Vân, Giảng viên Khoa Tâm lý- Giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế

Tôi vẫn còn nhớ như in mùa hè năm 1995, đoàn đại biểu cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Quảng Bình vinh dự ra thủ đô Hà Nội báo công và ghé thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là lần đầu tiên chúng tôi, những học sinh xuất sắc nơi mảnh đất nghèo miền Trung được gặp và kể cho Đại tướng nghe những thành tích mà mình đã đạt được.

Hôm đó, tôi rất tự hào và hồi hộp vì được đoàn giao nhiệm vụ lên thắt khăn quàng đỏ cho Đại tướng và thay mặt đoàn đại biểu chác ngoan Bác Hồ phát biểu ý kiến. Cảm xúc ngày hôm đó cho đến bây giờ, khi tôi đã trở thành giảng viên ở một trường đại học lớn ở miền Trung vẫn còn vẹn nguyên.

Vừa bước vào phòng khách, Đại tướng đã đợi sẵn chúng tôi ở đó. Bác cười thật tươi, xoa đầu, ôm từng người một, và không quên hỏi chúng tôi đi đường xa có mệt không. Sự gần gũi, giản dị của Đại tướng khiến cảm giác sợ sệt ban đầu của chúng tôi tan biến. Ánh mắt Đại tướng sáng ngời niềm vui khi biết chúng tôi đạt những thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Bác không quên dặn dò chúng tôi cần nỗ lực nhiều hơn để xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp. Khi thay mặt các bạn phát biểu, tôi không thể che giấu niềm tự hào và xúc động, vừa nói được hai câu, tôi đã khóc, khóc vì hạnh phúc, vì tự hào khi được gặp Đại tướng. Bác vỗ nhẹ tay tôi, nhìn tôi trìu mến: “Cháu cứ bình tĩnh và từ từ nói”.

Cả căn phòng yên lặng, không chỉ riêng tôi mà tất cả đều xúc động. Sự động viên của Đại tướng giúp tôi lấy lại bình tĩnh, nói lên những cảm nghĩ của mình và gửi đến Đại tướng niềm kính yêu vô hạn mà chúng tôi- thế hệ trẻ của Quảng Bình quê hương dành cho Đại tướng. Bức ảnh chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được tôi giữ gìn cẩn thận, treo trang trọng trong phòng khách. Nghe tin Đại tướng mất, tôi đã bật khóc, như ngày xưa khóc ngon lành trước mặt Đại tướng. Nhưng bây giờ không ai động viên tôi trước nỗi đau quá lớn này. Ngồi một mình, nhìn bức ảnh hai bác cháu, nước mắt cứ trào ra, lại tự hỏi mình: “Rứa là Đại tướng đi xa thật rồi ư?

“Nhân dân Đồng Hới mãi mãi biết ơn Đại tướng”

Đồng chí  Hoàng Nhật, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đồng Hới

Đại tướng ra đi mãi mãi là một tổn thất lớn không gì bù đắp nổi! Tôi cũng như hàng chục triệu người dân Việt Nam, vô cùng xúc động, thương tiếc một vị tướng lĩnh tài ba, kiệt xuất không những của nhân dân Việt Nam mà còn của cả nhân loại.

Nhận được tin Đại tướng từ trần, các tổ chức hội, đoàn thể ở thành phố đã tập trung hội viên thông báo tin buồn, một số tổ chức hội đã lập bàn thờ vọng để các hội viên đến thắp nén hương tưởng nhớ, tổ chức cho hội viên đến thắp hương tại Nhà tưởng niệm Đại tướng tại quê nhà Lộc Thủy, Lệ Thủy. Các đơn vị, xã phường trên địa bàn đã nhanh chóng thông tin đến quần chúng nhân dân biết để ngừng các hoạt động vui chơi, giải trí. Ngay trong buổi lễ chào cờ đầu tuần, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã dành thời gian để thông báo tin buồn đến toàn thể giáo viên, học sinh trong trường và dành phút mặc niệm để tưởng nhớ vị Đại tướng lừng danh của dân tộc.

Cũng như nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh, thành phố Đồng Hới những ngày qua vẫn ngổn

Người dân Bố Trạch tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghĩ vĩnh hằng.
Người dân Bố Trạch tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghĩ vĩnh hằng.

ngang sau cơn bão số 10. Là trung tâm chính trị- kinh tế- văn hóa xã hội của tỉnh, sau những tổn thất nặng nề do thiên tai, nhưng tổn thất lớn lao không gì bù đắp được, đó là sự ra đi của Đại tướng. Hơn lúc nào hết, cấp uỷ, chính quyền thành phố Đồng Hới tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập đạo đức, tinh thần, tác phong làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những việc làm cụ thể, thiết thực.

Nhớ mãi, trong lần về thăm quê hương lần cuối (11-2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vô cùng phấn khởi trước những đổi thay của Đồng Hới: được nâng cấp lên thành phố, đời sống tinh thần và vật chất của người dân được cải thiện, cầu Nhật Lệ nối liền đôi bờ sông, thỏa nguyện lòng dân xứ biển...

Những tình cảm của Đại tướng dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đồng Hới sẽ là động lực to lớn để thành phố vượt qua những khó khăn, thực hiện tốt những lời dặn dò thấm tình quê hương của Đại tướng để xây dựng Đồng Hới ngày càng giàu đẹp...

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Đồng Hới luôn ghi tạc công ơn, mãi nhớ và tiếc thương Đại tướng, người con ưu tú của quê hương, một tấm gương đạo đức trong sáng, một tấm lòng vì nước, vì dân.

“Đại tướng luôn quan tâm đến nông dân”

Ông Nguyễn Hữu Long, 77 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

...Năm 1993, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với gia đình về thăm quê. Trong lần đó, Đại tướng có đến thăm Hội Nông dân. Lúc đó, bác Giáp đã hỏi thăm tình hình của Hội, tình hình nông dân, nông thôn.

Bác dặn chúng tôi cần phải đẩy mạnh các phong trào thi đua, trong đó chú trọng phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Đại tướng nói rằng: chức năng và nhiệm vụ của Hội Nông dân là hết sức quan trọng, có vai trò lớn trong việc tập hợp nông đân nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện.

Muốn để nông dân thoát nghèo, chúng ta cần phải phát huy truyền thống của quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”, nhân rộng các mô hình tiên tiến. Phải đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tích cực bảo vệ rừng, trồng và chăm sóc rừng; đẩy mạnh việc nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, thâm canh cây lúa, mở rộng ngành nghề. Riêng các tổ chức Hội cần phải có tiếng nói, phải khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong xã hội. Thường xuyên quan tâm, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho từng hội viên.

Còn đối với mỗi hội viên nông dân phải có kiến thức về nông nghiệp, nông thôn. Nông dân phải cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất...

Nhóm P.V (thực hiện)