.

Khắc ghi lời dạy của Người

Thứ Tư, 16/10/2013, 09:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Kể từ khi nhận được tin dữ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vĩnh biệt chúng ta, trong lòng tôi trào dâng lên bao cảm xúc, buồn, mất mát và rất nhớ... Những kỷ niệm xưa cứ thế ùa về như thể mới ngày hôm qua.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm quê hương Quảng Bình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm quê hương Quảng Bình.

Ngày 3-11-2004, chúng tôi vinh dự được đón Đại tướng, phu nhân, tiến sĩ Võ Hồng Anh (con gái Đại tướng) và các thành viên trong đoàn về thăm lại Quảng Bình tại ga Đồng Hới. Tôi lúc ấy là Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh được giao nhiệm vụ đón tiếp, phục vụ bác trong những ngày bác ở lại Quảng Bình.

Từng là sỹ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam, là lính của Đại tướng Tổng Tư lệnh nên bây giờ được gặp Đại tướng lòng vui như mở hội. Những năm tháng quân ngũ cộng với thời gian, tuổi tác, tôi tự thấy mình là người khá rắn rỏi trong mọi tình huống nhưng khi đứng trước bác lòng lúc nào cũng hồi hộp bởi từ lâu tôi đã ngưỡng mộ và khao khát được gặp trực tiếp bác. Một tuần bên Đại tướng là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời tôi.

Chưa bao giờ tôi hình dung hết một con người vĩ đại, một con người mà tên tuổi được cả thế giới ngưỡng mộ lại giản dị và đời thường đến thế. Bữa cơm mà Đại tướng dùng mang đậm hương vị quê nhà là tép khô, canh rau, cá kho tộ, cà pháo... Phu nhân Đại tướng cũng cho chúng tôi biết rằng, Đại tướng lúc nào cũng thích ăn những món ăn dân giã như thế.

Khi tôi ngỏ ý muốn chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ bên Người, Đại tướng bảo đợi bác mặc quân phục rồi sau đó mới chụp ảnh cùng tôi. Đại tướng còn chụp ảnh với cả đoàn gồm đồng chí Đinh Hữu Cường, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy, chị Đinh Lan (Văn phòng UBND tỉnh), tôi cùng các đồng chí khác. Với tôi bây giờ, những bức ảnh là món quà vô giá là tình cảm chân thành mộc mạc mà Đại tướng dành cho chúng tôi, những người là em, là cháu, là con của Người.

Tôi vẫn nhớ như in những lời trò chuyện, nỗi trăn trở của Đại tướng khi đọc báo thấy rằng tình trạng phá rừng vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Bác còn dặn là phải bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng. Bác quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, về doanh nghiệp nhà nước và công tác nghiên cứu khoa học công nghệ. Bác nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng, làm việc gì cũng phải nghĩ đến “dân”, lấy dân làm gốc.

Một con người suốt cuộc đời vì nước vì dân. Một con người mà tên tuổi gắn liền với những chiến công chói lọi. Và hơn hết Đại tướng là một người Việt Nam, người Quảng Bình không lẫn vào đâu được từ giọng nói nằng nặng âm ấm, từ sở thích rất đỗi đời thường thể hiện qua những món ăn như cà pháo muối, rau vườn nhà, khoai, sắn... Người Quảng Bình đối với Đại tướng như là những người em, người con, người cháu. Phút chia tay Đại tướng năm ấy, quà Quảng Bình biếu bác cũng “cây nhà lá vườn” là dầu tràm, tép khô, khoai luộc, bắp luộc, bắp nướng, bánh bột lọc...

Khi tôi viết nên những dòng cảm xúc này thì bác-Đại tướng của chúng ta đã về với Bác Hồ, với tổ tiên, yên nghỉ ngàn thu trong lòng đất. Bao cảm xúc trào dâng, một nỗi buồn đau đến tan nát cõi lòng vì từ nay không còn được đón bác về thăm. Và tôi cũng như triệu triệu trái tim của đồng bào cả nước vẫn mãi mãi khắc ghi từng lời dạy của Người cùng nỗi nhớ, niềm thương không thể nào nguôi.

Đặng Phúc Duệ