.

Dạy bơi trong trường học: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Thứ Bảy, 04/06/2016, 10:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Mỗi dịp hè về, trong xốn xang nỗi niềm chia tay thầy cô, bạn bè, trường lớp... của các cô cậu học trò, thì những thông tin đây đó trong và ngoài tỉnh có những nhóm học sinh bị đuối nước do rủ nhau đi tắm sông, tắm biển đã làm nhói lòng bao người. Vì vậy hơn bao giờ hết vấn đề dạy bơi trong trường học cần được các cấp, các ngành, các nhà quản lý và nhất là ngành Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) quan tâm đầu tư để không còn phải chứng kiến những hình ảnh thương tâm của học sinh bị đuối nước.

Trao đổi cùng chúng tôi, thầy giáo Trương Duy Quyền, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT) cho biết: Trong chương trình phổ thông chính khóa không có môn bơi lội, mà đây là môn học tự chọn tùy theo điều kiện của từng trường, từng địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay Bộ GD-ĐT liên tục có các văn bản chỉ đạo Sở GD-ĐT các tỉnh, thành trong cả nước tăng cường công tác phòng chống tai nạn, thương tích và đuối nước trong học sinh, sinh viên.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ, năm học nào Sở cũng phối hợp ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức các lớp tập huấn dạy bơi và cứu đuối cho đội ngũ giáo viên cốt cán của 8 phòng GD- ĐT (khoảng 100 giáo viên dạy thể dục), chủ yếu tập trung cho giáo viên tiểu học và THCS.

Học sinh Quảng Bình được trao huy chương vàng môn bơi lội tại HKPĐ toàn quốc khu vực III.
Học sinh Quảng Bình được trao huy chương vàng môn bơi lội tại HKPĐ toàn quốc khu vực III.

Bên cạnh đó, hai đơn vị cũng thường xuyên phối hợp tổ chức giải điền kinh bơi lội hàng năm để chọn những vận động viên xuất sắc tham gia Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc. Qua đó đã tạo phong trào tập luyện sôi nổi môn bơi lội trong toàn tỉnh, đứng đầu là phòng GD-ĐT Lệ Thủy, tiếp đến là Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Tuy điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng các trường đã khắc phục động viên học sinh luyện tập và hàng năm có khoảng ½ số trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh có đội tuyển tham gia môn bơi lội, tiếp đến là các phòng GD-ĐT (riêng hai phòng GD-ĐT Tuyên Hóa và Minh Hóa ít có vận động viên tham gia môn này). Nhờ đó, môn bơi lội đã trở thành thế mạnh của Quảng Bình trong các giải thể thao toàn quốc và đã có những vận động viên xuất sắc được chọn vào đội tuyển quốc gia. Mới đây nhất từ ngày 15 đến 17-5-2016 tại Thanh Hoá đã diễn ra môn thi bơi lội trong khuôn khổ các môn thi đấu tại HKPĐ toàn quốc năm 2016 khu vực III, đoàn vận động viên học sinh Quảng Bình đã xuất sắc giành được 26 huy chương các loại (6 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 14 huy chương đồng). Với thành tích của môn bơi lội đã nâng thứ hạng của đoàn Quảng Bình tại HKPĐ toàn quốc khu vực III từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 4 trong tổng số 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung (sau Đà Nẵng, Thanh Hóa và Nghệ An).

Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh về môn bơi lội và triển khai dạy bơi trong trường học còn gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, vì vậy rất cần sự chung tay của toàn xã hội, bởi “không có bể bơi thì không thể bàn chuyện dạy bơi” - thầy Quyền khẳng định.

Hiện tại toàn tỉnh mới có 6 bể bơi: 1 bể của Trường tiểu học Chu Văn An, 2 bể của Sở VH-TT-DL, 2 bể của hai trường tiểu học Đồng Phú và Quán Hàu do tổ chức Golden West tài trợ và 1 bể bơi 25m vừa được khánh thành tại huyện Lệ Thủy với nguồn vốn đầu tư 3,5 tỷ đồng của Nhà nước, chưa thể đáp ứng được nhu cầu học bơi của học sinh tỉnh nhà. “Cái khó ló cái khôn” một số trường đã có những sáng tạo “liều lĩnh” là giăng phao ở các bến sông để thầy trò cùng tập luyện môn bơi lội. Và họ đã thành công giành được nhiều giải vàng của môn thi này ở cấp tỉnh cũng như cấp quốc gia như: Trường THCS Liên Thủy, Trường THCS Phong Thủy, Trường tiểu học Phú Thủy; Trường THCS Hải Ninh..

 Một buổi học bơi an toàn và phòng chống đuối nước tại Trường tiểu học Đồng Phú.
Một buổi học bơi an toàn và phòng chống đuối nước tại Trường tiểu học Đồng Phú.

Thầy giáo Trần Quốc Thắng, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT) trăn trở: Năm học 2014-2015, tổ chức Golden West tài trợ hai bể bơi di động cho 2 trường tiểu học Đồng Phú và Quán Hàu, đồng thời đào tạo cấp chứng chỉ dạy bơi an toàn do các chuyên gia quốc tế hướng dẫn cho 24 giáo viên tiểu học, với tổng kinh phí 34.000 USD. Năm học 2014-2015, hai trường đã tổ chức dạy và cấp chứng chỉ bơi an toàn cho 580 học sinh; năm học 2015-2016 này phấn đấu có 1.000 học sinh tiểu học được cấp chứng chỉ. Như vậy, qua 2 năm học, mới có 1.580 học sinh tiểu học biết bơi - con số quá ít ỏi so với số lượng học sinh tiểu học toàn tỉnh. Vì vậy, trong dịp hè này, Sở đã chỉ đạo 2 trường tiểu học Đồng Phú và Quán Hàu vừa dạy bơi cho học sinh trong trường vừa mở rộng đối tượng cho học sinh các trường lân cận. Từ hiệu quả thực tế của 2 bể bơi di động, Sở đã có buổi làm việc với đại diện tổ chức Golden West, nhằm kêu gọi triển khai dự án giai đoạn II. Trước mắt, Sở sẽ chỉ đạo 3 trường tiểu học có bể bơi là Đồng Phú, Quán Hàu và Chu Văn An làm mô hình thí điểm “Bơi an toàn và phòng chống đuối nước” để nhân ra toàn tỉnh.

Em Trang Nguyễn Diệu Cầm, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Đồng Phú hào hứng: Em rất vui và cảm giác thật sự đặc biệt khi được học bơi tại trường. Được sự chỉ dạy tận tình của các thầy, chỉ sau 3 buổi học chúng em đã có thể tự nổi được trên mặt nước. Và chắc chắn sau 6 tuần với 18 buổi học chúng em có  đủ tự tin, bình tĩnh khi rơi xuống nước, không những tự bơi tốt mà còn có thể cứu bạn, vì các thầy dạy rất kỹ cho chúng em kỹ năng này. Em mong sẽ có nhiều bạn nhỏ có được cơ hội học bơi như em.

Còn anh Võ Thanh Nhân, phụ huynh lớp 5.1, Trường tiểu học Đồng Phú cho hay: Học sinh khối 5 được ưu tiên dạy bơi miễn phí tại trường, con gái tôi rất vui khi cháu được dạy tất cả các kỹ thuật bơi. Và mới chỉ học ba tuần nhưng cháu đã tiếp thu tốt. Tôi cũng như nhiều bậc phụ huynh từ nay không còn phải lo lắng mỗi khi cho con đi tắm biển, hay dã ngoại gần sông, suối, ao, hồ... Đây là một môn học thực sự ý nghĩa cần được triển khai trong các nhà trường.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quyết định số234/QĐ-TTg ngày 5-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, ngày 22-4-2016, UBND tỉnh đã có Công văn số 550/UBND-VX về việc tăng cường công tác quản lý học sinh, tổ chức các hoạt động hè an toàn, không để xảy ra tai nạn, đuối nước. Ngày 12-5-2016, Bộ GD - ĐT cũng đã có Chỉ thị số 1572/CT-BGDĐT về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên...

Để kết thúc bài viết này, xin kể câu chuyện hi hữu vừa được nghe từ thầy giáo Nguyễn Đại Trường, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học, chỉ đạo dạy học môn giáo dục thể chất (Sở GD-ĐT): Cách đây khoảng hơn một tháng, con trai ba tuổi của một thầy giáo dạy thể dục ở xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) đã thoát chết nhờ kỹ năng nổi ngửa trên mặt nước. Chuyện xảy ra vào buổi sáng khi bé ở nhà cùng mẹ. Ở cuối sân có giếng nước sinh hoạt của gia đình, thành giếng hơi thấp, mẹ mở nắp giếng để bơm nước lên bể lọc rồi vào bếp nấu cơm. Khi bể đầy nước, rút phích điện và gọi con trai, nhưng không thấy. Chạy ra sân thì nghe tiếng bé khóc và kêu cứu ở dưới giếng. Thấy con nằm ngửa và nổi được, chị động viên con rồi chạy qua nhà hàng xóm cầu cứu, mọi người đã bình tĩnh đưa thang xuống giếng và bồng cháu bé lên an toàn.

Sự sống sót kỳ diệu của một cậu bé chỉ mới 3 tuổi đã làm nhiều người kinh ngạc và thán phục, chính là nhờ mỗi lần khi cả gia đình ra sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Quán Hàu tắm, ba cháu đã dạy cho cháu biết cách nổi ngửa trên mặt nước. Nên khi mải chơi bị rơi xuống giếng (sâu 6m nước), cháu đã xoay xở và tự giữ cho mình nổi được trên mặt nước để chờ người tới cứu trong khoảng thời gian khá dài.

“Vì vậy, việc dạy cho trẻ kỹ năng biết nổi trên mặt nước là hết sức quan trọng và cần thiết, khi chúng ta chưa đủ điều kiện để dạy bơi đại trà trong trường học” - thầy Trường khẳng định.

Nội Hà