.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV:

Đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng

Thứ Ba, 13/06/2017, 08:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Tiếp tục nội dung, chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã phát biểu tranh luận với các ý kiến đề nghị cần mở rộng thêm đối tượng được trợ giúp pháp lý đã được quy định tại Điều 7 của dự thảo luật.

Theo đại biểu, đây là một chế định quan trọng, càng mở rộng được nhiều đối tượng càng tốt. Tuy nhiên, việc mở rộng đến đâu thì cần phải có căn cứ, phải có nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, được tính toán cẩn thận và phải bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Sau khi phân tích, đại biểu tán thành với phạm vi đối tượng được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 của dự thảo luật và ý kiến tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này. Theo đại biểu, dự thảo luật chưa nên bổ sung, mở rộng thêm đối tượng vì vấn đề này đã được đánh giá tác động về tính khả thi, về nguồn lực bảo đảm.

Cụ thể, tại Tờ trình của Chính phủ đã đánh giá tác động, theo đó, số lượng đối tượng được trợ giúp dự kiến khoảng 20.000 người, kinh phí khoảng 155 tỷ đồng; nay, nếu mở rộng như đề nghị thì số lượng có thể tăng lên gấp đôi và cần phải đánh giá lại tác động. Mặt khác, theo đại biểu, các đối tượng quy định tại Điều 7 của dự thảo luật đã được kế thừa Luật trợ giúp pháp lý hiện hành và các luật chuyên ngành có liên quan; các đối tượng trợ giúp pháp lý đã được xác định theo nguyên tắc, tiêu chí rất hợp lý; dự thảo cũng có một số sửa đổi phù hợp.

Trên cơ sở đó, đại biểu tán thành với ý kiến giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc cần có quy định khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép thì sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm các đối tượng.

Cũng trong phiên thảo luận này, đại biểu Cao Thị Giang, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có ý kiến phát biểu đề cập đến một số nội dung quy định. Trước hết, đối với vấn đề xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để có thêm những quy định nhằm tạo điều kiện phát huy vai trò của tổ chức, cá nhân có điều kiện và khả năng tham gia trợ giúp pháp lý, vì tại Khoản 3, Điều 4 dự thảo luật quy định Nhà nước khuyến khích ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý nhưng lại không quy định chính sách, biện pháp cụ thể.

Đối với quy định về Trung tâm trợ giúp Nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, đại biểu đề nghị quy định Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước phải là trung tâm điều phối và không trực tiếp thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, không phải là đơn vị thuộc Sở Tư pháp để chia sẻ trách nhiệm thực hiện trợ giúp pháp lý.

Về Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, nên kế thừa mô hình tổ chức trợ giúp pháp lý Nhà nước ở Việt Nam được quy định trong Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 nhưng phải rà soát, sắp xếp để tổ chức lại hệ thống các chi nhánh; quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập, tránh việc thành lập chi nhánh tràn lan kém hiệu quả; đồng thời, cần sớm thành lập chi nhánh ở vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa có hành nghề luật sư.

Đại biểu Cao Thị Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Đại biểu Cao Thị Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Đối với quy định về các hình thức trợ giúp pháp lý, đại biểu đề nghị nên tiếp tục kế thừa quy định của luật hiện hành, ngoài ba hình thức cơ bản, đó là tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng được quy định tại Khoản 2, Điều 29 của dự thảo luật, cần quy định thêm các hình thức trợ giúp pháp lý khác, như trợ giúp các bên hòa giải, thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

Trong phiên thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng đã tham gia phát biểu ý kiến. Trước hết, đại biểu đề nghị bổ sung, điều chỉnh một số nội dung trong phần giải thích từ ngữ.

Cụ thể là: cần làm rõ hơn khái niệm chuyển giao công nghệ vì cách giải thích như trong dự thảo luật là đúng nhưng chưa đủ; cần giải thích rõ thế nào là “công nghệ tiên tiến” vì cách giải thích "công nghệ tiên tiến là công nghệ có trình độ cao hơn công nghệ cùng loại" như trong dự thảo luật là không phù hợp với thực tế phát triển của công nghệ hiện nay.

Theo đại biểu, có thể giải thích "công nghệ tiên tiến là công nghệ mới và tiến bộ nhất" thì phù hợp hơn. Đối với khái niệm công nghệ sạch, đại biểu cho rằng cách giải thích “công nghệ sạch là công nghệ phát thải ở mức độ thấp nhất gây ô nhiễm môi trường theo quy định” là chưa hoàn chỉnh mà phải nghiên cứu để bổ sung thêm; về mức độ ô nhiễm môi trường không chỉ theo tiêu chuẩn Việt Nam mà còn phải theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài những vấn đề trên, đại biểu đề nghị cần phải bổ sung giải thích đối với khái niệm “dự án đầu tư” vì Chương II và các phần của Chương III đều đề cập rất nhiều đến dự án đầu tư.

Đại biểu cũng góp ý điều chỉnh, bổ sung đối với một số quy định về trách nhiệm Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; về công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao; về nội dung thẩm định công nghệ dự án đầu tư và quy định về quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.

Trong phiên thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã phát biểu ý kiến khẳng định tình trạng mất an toàn thực phẩm hiện vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp và chúng ta còn đang chậm trễ trong việc đề ra những giải pháp thực chất, quyết liệt để giải quyết tình trạng này.

Góp ý đối với báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, đại biểu cho rằng, báo cáo đã đề cập đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về an toàn thực phẩm, đặc biệt trước hết là trách nhiệm 3 bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, việc nêu trách nhiệm này còn chung chung, không nêu rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bộ đối với các hạn chế, yếu kém trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; chưa làm rõ yếu kém của bộ nào là chính. Đối với trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng chưa làm rõ địa phương nào làm tốt, địa phương nào chưa làm tốt. Theo đại biểu, nếu không chỉ ra được vấn đề thì sẽ khó cải thiện được tình trạng này trong tương lai.

Góp ý về các giải pháp được đề ra trong dự thảo Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 -2020; đại biểu đề nghị bên cạnh việc đầu tư tăng cường lực lượng, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, cần bổ sung giải pháp quan tâm, tạo điều kiện để phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Các bộ, ngành, địa phương cần có đường dây nóng, có cơ chế phù hợp, thuận tiện để tiếp nhận, xử lý nghiêm, kịp thời phản ánh của nhân dân, của báo chí về vi phạm an toàn thực phẩm; có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Đối với việc đề xuất giải pháp cho phép sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính từ an toàn thực phẩm để phục vụ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm của địa phương, trong đó được trích từ 20-30% để khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích; đại biểu cho rằng, việc tăng cường kinh phí nguồn lực cho quản lý an toàn thực phẩm là cần thiết; tuy nhiên, chỉ nên xác định giải pháp kinh phí nêu trên là tạm thời, chỉ thực hiện trong một thời gian nhất định...; về lâu dài, chúng ta cần tính toán một cách đồng bộ; nếu thấy các lực lượng này cần có thêm chế độ khác thì phải quy định rõ ràng, phải chi từ ngân sách Nhà nước theo nguyên tắc công khai, minh bạch chứ không nên trích từ tỷ lệ phần trăm tiền phạt vì khoản tiền này là khoản chưa xác định được.

Đối với việc dự thảo nghị quyết quy định giao Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp khắc phục những tồn tại yếu kém trong an toàn thực phẩm; theo đại biểu, do các nhiệm vụ, giải pháp này mới chỉ dừng lại ở các chỉ tiêu mang tính định tính, chung chung, không có thời hạn nên cần nghiên cứu, bổ sung một số chỉ tiêu, định lượng cụ thể đối với một số nội dung quan trọng để các ngành, các địa phương phấn đấu và làm cơ sở đánh giá sự tiến bộ của công tác an toàn thực phẩm một cách thực chất.

Cũng trong phiên thảo luận này, sau khi nghe một số ý kiến phát biểu của đại biểu và giải trình của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã có ý kiến tranh luận. Trước hết, đại biểu bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến của một số đại biểu khi hỏi  Chính phủ đã sẵn sàng tuyên chiến với vấn đề mất an toàn thực phẩm hiện nay hay chưa. Theo đại biểu, trên thực những năm qua Quốc hội, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt và đã có nhiều văn bản cũng như nhiều giải pháp xung quanh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với việc xác định trách nhiệm trước những bất cập, hạn chế về an toàn thực phẩm, đại biểu đồng ý với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và nhiều ý kiến khác khi cho rằng tất cả vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đều do cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong vấn đề này còn có trách nhiệm của cả người dân và doanh nghiệp, nếu nhận hoàn toàn trách nhiệm về cơ quan quản lý sẽ đánh mất niềm tin của người dân đối với cơ quan quản lý. Vì vậy, đại biểu đề nghị bên cạnh việc đánh giá vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý, cần phải đánh giá ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến thực phẩm và kể cả người tiêu dùng.

Ngoài những vấn đề trên, đại biểu cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến đề nghị tăng tiền thưởng và sử dụng kinh phí xử phạt để trích thưởng, vì việc khen thưởng phải theo đúng quy định của Luật khen thưởng. Theo đó, đại biểu đề nghị cần phải xem xét, điều chỉnh lại Điều 6 của dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 -2020.

Phong Hồng-Ất Mão