.

Đổi thay trên quê hương cách mạng Tân Thủy

Thứ Tư, 16/11/2016, 09:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Nếu Lệ Thủy là nơi có chi bộ Đảng thành lập đầu tiên của tỉnh Quảng Bình thì Tân Thủy là địa phương được xem là “cái nôi” cách mạng của huyện Lệ Thủy. 85 năm đã trôi qua kể từ thời điểm thành lập Chi bộ Mỹ Trung vào đêm 17-11-1931, Tân Thủy đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, góp phần cùng với cả huyện đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới.

>> Sự kiện thành lập Chi bộ Mỹ Trung mãi mãi là mốc son trong lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy

Đồng chí Lê Văn Bảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy nói với chúng tôi một câu khái quát nhưng rất đầy đủ về Tân Thủy rằng: Đây là vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Thủy đã nỗ lực vươn lên xây dựng tổ chức Đảng ngày càng vững mạnh, đồng thời hoạch định chiến lược phát triển kinh tế hợp lý để xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới.

Trung tuần tháng 11, chúng tôi có dịp về lại Tân Thủy để tận mắt chứng kiến những đổi thay đáng mừng của vùng quê giàu truyền thống cách mạng này. Bây giờ, Tân Thủy đã có những con đường làng được bê tông hóa khang trang, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi nổi bật trên nền trời xanh tạo một sắc diện nông thôn mới với những gam màu sáng.

Đồng chí Lê Quốc Khanh, Bí thư Đảng ủy xã đón chúng tôi với cái bắt tay rất chặt, nụ cười niềm nở. Qua trao đổi, được biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ xã tích cực thực hiện trong những năm qua là không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Để làm được điều này, công tác giáo dục chính trị tư tưởng được xem là khâu rất quan trọng.

Cụ thể là nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu, kế hoạch mà nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Diện mạo nông thôn mới ở Tân Thủy.
Diện mạo nông thôn mới ở Tân Thủy.

Các mặt công tác tổ chức, kiểm tra giám sát và phân loại tổ chức Đảng, đảng viên cũng phải được thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc để làm sao mỗi một cán bộ, đảng viên luôn có ý thức nâng cao năng lực công tác, tích cực tham gia phát triển kinh tế để xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, xứng đáng với truyền thống của cái nôi cách mạng huyện Lệ Thủy.

Từ xuất phát điểm chỉ có 3 đảng viên của ngày đầu mới thành lập, đến nay, Đảng bộ xã Tân Thủy đã có 474 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 19 chi bộ. Kết quả phân loại cuối năm 2015 vừa qua cho thấy hầu hết tổ chức Đảng, đảng viên đều hoàn thành nhiệm vụ, Đảng bộ Tân Thủy được công nhận trong sạch vững mạnh.

Thay vì phải vượt qua những con đường lầy lội, ngập bùn đất, nhất là vào mùa mưa lũ cách đây không lâu, bây giờ, Tân Thủy đã có nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa khang trang. Điều này chứng tỏ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã có những nỗ lực cố gắng không mệt mỏi trong hành trình xây dựng nông thôn mới. Số liệu thống kê từ báo cáo của UBND xã cho biết, hiện tại thu nhập bình quân đầu người của địa phương đã đạt con số hơn 26 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,98%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tốc độ tăng trưởng đạt gần 11%. Đây là con số thể hiện sự phát triển khá nhanh và đạt khá cao so với mức bình quân của cả huyện.

Đặc biệt, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2015 đạt trên 5,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương cũng được đầu tư phát triển rất đồng bộ, hạ tầng cơ sở của xã được đầu tư đúng mức, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế chung của toàn xã. Các mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi không ngừng phát huy tốt hiệu quả. Trong đó, 100% diện tích đất được gieo trồng 2 vụ.

Ngoài trồng lúa, Tân Thuỷ còn phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như tiêu, lạc, rau dưa, đậu các loại  và nhiều loại cây ăn quả khác. Đi đôi với trồng trọt, chăn nuôi phát triển khá. Cùng với phát triển gia súc, gia cầm, Tân Thuỷ còn phát triển mạnh nghề nuôi cá, mô hình cá giống, cá lúa, cá vụ 3 đã cho thu nhập cao, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị kinh tế hộ gia đình. Đời sống vật chất, tinh thần có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng được củng cố vững mạnh. Truyền thống cách mạng trong các tầng lớp nhân dân không ngừng được giữ vững và phát huy.

Ông Nguyễn Hữu Thuần, Bí thư Chi bộ Tân Lực (nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Lệ Thủy) cho biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song về cơ bản, người dân nơi đây luôn nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống với khát khao vượt qua đói nghèo. Thôn Tân Lực hiện có gần 100 hộ dân với khoảng 450 nhân khẩu, dù hộ giàu chưa có nhưng chỉ có 3 hộ nghèo. Hầu hết người dân trong thôn đều biết tận dụng tối đa lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất bằng các mô hình kinh tế vừng rừng kết hợp chăn nuôi. Tiêu biểu là các hộ gia đình ông Lê Văn Quyền, Nguyễn Hữu Hưng, Lê Văn Sỹ...

Các hộ gia đình này đều tham gia phát triển chăn nuôi với tổng đàn lợn trên 40 con/hộ cùng hàng trăm con gia cầm, thu nhập bình quân hàng chục triệu đồng/năm. Thống kê đến thời điểm hiện tại, thôn Tân Lực có trên 1.000 con lợn, ước thu 60 tấn thịt/năm; đàn trâu bò lên đến gần 100 con và hơn 8 ngàn con gia cầm. Hôm chúng tôi có mặt tại đây, một niềm vui đang ngời lên trên từng ánh mắt của người dân Tân Lực khi tuyến đường nội thôn vốn lầy lội từ hàng chục năm qua đã được bê tông hóa khang trang, nhà văn hóa thôn cũng vừa được khánh thành với khuôn viên rộng rãi, giúp nhân dân có nơi sinh hoạt vui tươi, lành mạnh.

Tân Thủy-vùng quê giàu truyền thống cách mạng của huyện Lệ Thủy đang có những bước đi vững chắc để cùng với Lệ Thủy hoàn thành lộ trình trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.

Nguyễn Hoàng