.
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Văn phòng Quốc hội (2-3-1946 - 2-3-2016):

Nỗ lực phấn đấu, từng bước trưởng thành

Thứ Tư, 02/03/2016, 10:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây 70 năm, ngày 2-3-1946, trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, Quốc hội đã bầu ra Ban Thường trực Quốc hội. Mọi hoạt động phục vụ Ban Thường trực Quốc hội do một số cán bộ giúp việc đảm nhận, được tổ chức thành Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội, nay là Văn phòng Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lịch sử phát triển của Văn phòng Quốc hội gắn liền với tiến trình lịch sử của Quốc hội Việt Nam. Từ năm 2005, theo Nghị quyết 751/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 2-3 được chọn là Ngày Truyền thống của Văn phòng Quốc hội. Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp việc của Quốc hội, có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và tổ chức phục vụ mọi hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Ở địa phương, bộ máy giúp việc cho đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) từng bước được hình thành và phát triển. Trước năm 1993 không có quy định nào đề cập cụ thể về bộ phận hay cá nhân làm nhiệm vụ giúp việc cho Đoàn ĐBQH mà nhiệm vụ này gần như mặc nhiên được hiểu là giao cho Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh thực hiện; những hoạt động của Đoàn trong thời gian giữa hai kỳ họp (chủ yếu là hoạt động tiếp xúc cử tri) đều do Văn phòng UBND tỉnh phục vụ. Để phục vụ Đoàn trong thời gian họp Quốc hội, Văn phòng UBND tỉnh bố trí một chuyên viên giúp việc.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa IX đã thông qua Quy chế về hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH, trong đó có quy định Đoàn ĐBQH có bộ phận giúp việc nằm trong Văn phòng UBND hoặc Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện công tác giám sát tại Công an tỉnh.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện công tác giám sát tại Công an tỉnh.

Cuối năm 1993, Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình được thành lập theo Quyết định số 89/UBTVQH9 ngày 28/12/1993 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm 1 Chánh văn phòng và 2 bộ phận với số lượng chưa đến 10 người. Theo đó, Văn phòng đã bố trí một chuyên viên làm thư ký giúp việc cho Đoàn ĐBQH và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có quy định cụ thể về chế độ phụ cấp lương đối với thư ký là 0,4 và 0,5 (ngang với trưởng phòng cấp sở). Có thể nói rằng, các quy định nêu trên là một bước tiến khá dài, rất cụ thể, rõ ràng về thư ký Đoàn ĐBQH, như là một chức danh chính thức trong bảng chức danh công chức nhà nước.

Những quy định này tuy chỉ để giao cho một người nhưng hoàn toàn có thể coi như là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một tổ chức và sau này, chính những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn này cùng với việc thực hiện có hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ cho Đoàn ĐBQH là cơ sở để thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001, ngày 25-9-2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 416/2003/NQ-UBTVQH11 về việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. Như vậy, bộ máy giúp việc cho Đoàn ĐBQH chính thức được thành lập, với địa vị pháp lý rõ ràng.

Năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 545/2007/NQ-UBTVQH12 về việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh. Bộ phận giúp việc cho Đoàn ĐBQH được giao cho Phòng Công tác ĐBQH dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của một phó chánh văn phòng.

Hiện nay, trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, ngày 22-12-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1097/2015/UBTVQH13 về việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, với vị trí chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các ĐBQH và Đoàn ĐBQH tại địa phương. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2016.

Trong tiến trình phát triển, 70 năm qua, cùng đồng hành với Văn phòng Quốc hội, các thế hệ cán bộ, công chức, nhân viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã phát huy truyền thống đoàn kết, trung thành, tận tụy, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành khối lượng công việc ngày càng lớn; có nhiều cải tiến, đổi mới, cơ bản bảo đảm chất lượng, hiệu quả trên tất cả các mặt công tác, đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu tổng hợp và tổ chức phục vụ các hoạt động của Đoàn ĐBQH tại địa phương.

Trong việc tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện công tác lập pháp, Văn phòng đã tập trung nhiều thời gian, trí tuệ, công sức để tham mưu, giúp Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức đóng góp ý kiến vào các dự án luật. Những năm gần đây, đặc biệt ở nhiệm kỳ khóa XII, XIII, công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội ngày càng được tăng cường nên công tác tham mưu xây dựng luật cũng tăng nhiều lần so với trước. Trung bình mỗi năm, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham mưu tổ chức lấy ý kiến đóng góp trên dưới 25 dự án luật. Chất lượng tham gia xây dựng các đạo luật ngày càng cao, đáp ứng từng bước yêu cầu phát triển của đất nước.

Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh luôn chú trọng nghiên cứu, tham mưu đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Đoàn ĐBQH và phục vụ ngày càng tốt hơn chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, như: phục vụ việc tham gia bầu nhân sự cấp cao của Nhà nước tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội; phục vụ Quốc hội thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước và tổng quyết toán ngân sách nhà nước, nghị quyết về các chương trình trọng điểm quốc gia, nghị quyết về việc phê chuẩn các Hiệp ước,...

Văn phòng luôn nâng cao chất lượng trong công tác tổng hợp các báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát, đề xuất kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; chú trọng cải tiến công tác tiếp xúc cử tri và tham mưu giám sát việc giải quyết các kiến nghị cử tri cũng như các khiếu nại, tố cáo của công dân, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ tại các kỳ họp Quốc hội,...

Ngoài ra, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh còn chú trọng từng bước cải tiến công tác phục vụ nhằm nâng cao chất lượng, phục vụ ngày càng chu đáo, chuyên nghiệp. Trong quá trình hoạt động, Văn phòng luôn phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể để tham mưu đắc lực cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức Văn phòng từng bước được kiện toàn cả về số lượng và chất lượng; từng cá nhân đã phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao kỹ năng hoạt động, chủ động cải tiến cách thức làm việc, đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự đổi mới, phát triển của Quốc hội, công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Kết quả và thành tích mà Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh đạt được đã góp phần để Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khóa XIII được Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Ba; tập thể Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua.

Phát huy truyền thống 70 năm Văn phòng Quốc hội, để xứng đáng với truyền thống vẻ vang, xứng đáng với sự tin cậy của các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân, đồng thời tiếp tục đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội nói chung và Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nói riêng, thời gian tới, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh tập trung làm tốt hơn nữa chức năng nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và phục vụ các hoạt động của Đoàn ĐBQH.

Năm 2016 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là năm tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và chuẩn bị cho kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XIV, cũng là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2021, trước mắt, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh tập trung nghiên cứu, kiện toàn tổ chức, bộ máy, tăng cường năng lực tham mưu, tổng hợp, nâng cao hiệu quả công tác phục vụ.

Trong thời gian tới, để tham mưu, giúp việc, phục vụ tốt hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh, mỗi cán bộ, công chức, nhân viên của Văn phòng phải nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; am hiểu chuyên môn mà mình phụ trách, đồng thời nâng cao ý thức phục vụ nhân dân; tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh; lắng nghe ý kiến của nhân dân để kịp thời báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội; thường xuyên giữ mối quan hệ phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương để làm tốt nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, phục vụ; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong quá trình thi hành công vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới.   

Nguyễn Thị Mai, Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Bình