.

Tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước hiện nay

Thứ Ba, 01/03/2016, 07:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan nhà nước các cấp trong tỉnh đã có nhiều giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, làm chuyển biến về tinh thần trách nhiệm đối với công tác này. Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Và đây cũng là một trong những biện pháp nhằm thực hiện chủ đề của Tỉnh ủy "Tăng cường xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, biến lời nói thành hành động".

Chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước đã có nhiều đổi mới trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, được nhân dân đồng tình cao, như chính sách hỗ trợ đối với người nghèo; hỗ trợ nông dân, ngư dân vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ doanh nghiệp; chuyển đổi các trường công lập tự chủ tài chính sang loại hình trường công lập; có cơ chế thu hút, sử dụng sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi, xuất sắc, sinh viên tốt nghiệp đại học là con em địa phương chưa có việc làm; chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc; phụ cấp cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở...

Việc thực hiện Quy chế dân chủ từng bước đi vào nền nếp; qua đó, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền đã tích cực vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến tài sản, đóng góp tiền, ngày công lao động với giá trị hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của nhân dân được các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước quan tâm; tập trung giải quyết những vấn đề nổi lên, những vấn đề được nhân dân quan tâm liên quan đến đất đai, ô nhiễm môi trường, giải quyết các chế độ, chính sách...

Cán bộ thôn Vân Tiền (xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch) vận động người dân giải tỏa vườn tược để mở rộng, bê tông hóa tuyến đường du lịch vào lăng mộ Danh nhân văn hóa Nguyễn Hàm Ninh (năm 2015).  Ảnh: T.H
Cán bộ thôn Vân Tiền (xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch) vận động người dân giải tỏa vườn tược để mở rộng, bê tông hóa tuyến đường du lịch vào lăng mộ Danh nhân văn hóa Nguyễn Hàm Ninh (năm 2015). Ảnh: T.H

Nét nổi bật là trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước đã chú trọng hơn đến việc tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân nhằm tuyên truyền, vận động, giải quyết kịp thời những vấn đề nổi lên ở cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” (như đối thoại về vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy Nhiệt điện tại xã Quảng Đông, Quảng Trạch, xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở Đức Ninh, Đồng Hới và mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A trên địa bàn 6 huyện, thị, thành phố; đối thoại về giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại Nhà máy Xi Măng Áng Sơn (Quảng Ninh), Nhà máy Xi măng Sông Gianh (Tuyên Hóa); đối thoại về bồi thường diện tích đất bị sạt lỡ, vùi lấp của Nhân dân tại Nhà máy thủy điện Hố Hô, Tuyên Hóa)...

Các cơ quan nhà nước luôn ý thức trách nhiệm, tìm biện pháp không ngừng nâng cao năng lực quản lý, tích cực đổi mới lề lối làm việc theo hướng công khai, dân chủ, gần dân và vì dân. Từ năm 2011 đến năm 2015 toàn tỉnh đã sửa đổi, bổ sung, thay thế 1.216 thủ tục hành chính (TTHC), bãi bỏ 379 thủ tục, công bố mới 565 TTHC, giảm tổng số TTHC được công bố và đang có hiệu lực thi hành trên địa bàn tỉnh xuống còn 1.557 thủ tục. Nhờ vậy, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PARindex) liên tục tăng; 4 năm liên tục Quảng Bình được xếp đứng đầu cả nước về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cơ bản được giữ vững.

Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại được triển khai xây dựng ở hầu hết các địa phương, cơ quan, đơn vị. Đến cuối năm 2015, có 11/20 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 155/159 xã, phường, thị trấn thực hiện và duy trì cơ chế một cửa; 07/08 đơn vị cấp huyện và 02 xã, phường (Bắc Lý, Bảo Ninh) thực hiện cơ chế một cửa liên thông hiện đại. Đồng thời, xây dựng nhiều nội quy, quy chế, quy định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, gắn với đánh giá, xếp loại cơ quan, đơn vị chính quyền vững mạnh. Qua cải cách hành chính cho thấy mức độ hài lòng và sự tín nhiệm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp tăng lên đáng kể.

Các địa phương, đơn vị có nhiều giải pháp thiết thực nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viện chức có tinh thần trách nhiệm và phong cách phục vụ nhân dân. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu và nâng cao chất lượng thực thi công vụ, giảm dần tình trạng quan liêu, mệnh lệnh hành chính. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức; về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận của các cơ quan nhà nước vẫn còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận có lúc, có nơi chưa kịp thời. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, kể cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về về công tác dân vận, coi nhẹ và chưa thực sự quan tâm đến công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; nội dung và phương thức công tác dân vận thiếu hấp dẫn, chậm được đổi mới.

Việc lấy ý kiến nhân dân tham gia vào việc xây dựng, triển khai các đề án, dự án, chương trình phát triển kinh tế -xã hội chưa được toàn diện; không ít cán bộ, công chức chưa chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân; tác phong làm việc quan liêu, chưa thực sự gần dân. Thủ tục hành chính tuy có cải tiến, nhưng trên thực tế một số vấn đề vẫn còn chồng chéo...

Hiện nay, vai trò của chính quyền và các cơ quan nhà nước trong công tác dân vận được coi là khâu đột phá, trước hết là việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành các chính sách hợp lòng dân; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan công quyền có tinh thần làm việc công tâm, gần gủi, tôn trọng và có trách nhiệm với nhân dân. Để làm tốt điều này, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, tuyên truyền và thực hiện tốt các quan điểm, nội dung Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Kết luận của Ban Bí thư Trung ương và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp... Thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự tận tâm, vì nhân dân mà phục vụ với tinh thần, trách nhiệm cao.

Các cấp chính quyền phải thực sự xem công tác dân vận là nhiệm vụ thường xuyên gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của mỗi cơ quan nhà nước, mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Đưa việc thực hiện công tác dân vận là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm đối với tập thể, cá nhân các cơ quan nhà nước các cấp.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước theo hướng chủ động, tích cực, kịp thời và sát cơ sở hơn nữa trong việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng các chương trình, giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Tổ chức thực hiện tốt các chính sách cụ thể đối với các giai tầng xã hội; chú trọng các chính sách an sinh xã hội, chính sách tôn giáo, dân tộc nhằm tạo sự hài hòa, đồng thuận trong nhân dân. Sâu sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; sớm phát hiện những thiếu sót, bất cập trong các chủ trương, chính sách để đề xuất khắc phục, điều chỉnh hoặc kiến nghị bổ sung, hoàn thiện kịp thời.

Tạo mọi điều kiện để Mặt trận, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng các thể chế, chính sách, các chương trình, dự án ngay từ khi đang còn dự thảo, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đặc biệt là phải chú ý lắng nghe ý kiến nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện. Các chính sách của Nhà nước phải được tổ chức, điều hành, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, thấu tình đạt lý và có trách nhiệm với nhân dân; kết hợp công tác quản lý, điều hành với việc thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Tăng cường đối thoại, trao đổi trực tiếp với nhân dân.

Ba là, mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, không đùn đẩy hoặc né tránh yêu cầu chính đáng của nhân dân. Những ý kiến đóng góp của người dân thông qua tiếp dân, tiếp xúc cử tri phải được cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xử lý và trả lời cho dân rõ. Các ý kiến của Mặt trận, đoàn thể phản ánh, kiến nghị phải được các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước ghi nhận, giải đáp kịp thời. Tập trung chỉ đạo giải quyết những vụ việc khiếu kiện tồn đọng, nhất là những vụ việc kéo dài mà dư luận đang quan tâm.

Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; tiếp tục cải cách chế độ công chức, công vụ; củng cố, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở, đủ sức giải quyết tốt các vấn đề phát sinh tại chỗ với tinh thần trách nhiệm vì nhân dân mà phục vụ; lấy lợi ích của tổ chức, doanh nghiệp và người dân làm trọng tâm phục vụ.

Bốn là, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tốt vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong công tác vận động quần chúng nhân dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sáng tạo trong lao động, có ý chí vươn lên làm giàu chính đáng; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Động viên sức mạnh toàn dân để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước thực hiện tốt các chương trình phối hợp, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để Mặt trận, đoàn thể tham gia xây dựng chính quyền, thực hiện quyền giám sát, phản biện theo quy định.

Năm là, coi trọng công tác kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước. Định kỳ hàng năm, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiến hành kiểm tra, đánh giá hoạt động công tác dân vận của các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước; thường xuyên giám sát các các nội dung và hình thức triển khai kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập. Đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước đi vào chiều sâu, thiết thực. Chú trọng việc lựa chọn những lĩnh vực cụ thể, có trọng tâm để phát động, gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức cần mẫn, sáng tạo, không ngại khó khăn trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân, được nhân dân yêu mến, tin cậy. Đồng thời, phê phán, lên án và có biện pháp xử lý đối với những cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức bị nhân dân phản ánh về thái độ vô cảm, thiếu tôn trọng nhân dân, hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức.

Công tác dân vận các cơ quan nhà nước giữ một vai trò hết sức quan trọng. Thông qua công tác này, nhân dân hiểu rõ hơn bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta- Nhà nước của dân, do dân, vì dân, củng cố niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp. Thực hiện tốt công tác dân vận của các cơ quan nhà nước sẽ tạo ra động lực mới trong việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020, phấn đấu đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Trần Linh Giang