.

Khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của tỉnh nhà

Thứ Sáu, 25/04/2014, 15:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, phóng viên Báo Quảng Bình đã phỏng vấn đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc

Phóng viên: Thưa đồng chí, ngày 11-7-2012, tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVI, đã thông qua nghị quyết hết sức đặc biệt, công nhận năm hình thành tỉnh Quảng Bình là năm 1604. Xin đồng chí cho biết, dựa vào cơ sở khoa học nào để tỉnh ta xác định thời điểm hình thành tỉnh Quảng Bình là năm 1604?

Đồng chí Lương Ngọc Bính: Trước hết phải khẳng định rằng: Quảng Bình là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, cộng đồng dân cư cổ đầu tiên cư trú trên vùng đất Quảng Bình đã có ngay từ thời đại đồ đá giữa, thuộc nền văn hoá Hoà Bình cách đây trên 10.000 năm và được phát triển liên tục có tính hệ thống cho đến ngày nay. Từ thuở các vua Hùng dựng nước, Quảng Bình đã hiện diện trong cơ cấu hành chính Nhà nước Văn Lang với tên gọi “Bộ Việt Thường”. Theo tiến trình lịch sử, đến năm 1069, sau hành trình mở cõi về phương Nam, Lý Thường Kiệt dưới thời Lý Thánh Tông đã thu hồi 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh về với Đại Việt. Từ đó với sự xuất hiện của các tên gọi châu Bố Chính, Lâm Bình, Minh Linh năm 1075, Phủ Tân Bình năm 1375, Trấn Tân Bình năm 1397, Phủ Tây Bình năm 1402, Phủ Tân Bình năm 1466, Phủ Tiên Bình năm 1600 và Phủ Quảng Bình năm 1604.

Việc HĐND tỉnh khóa XVI, tại kỳ họp thứ 5 ngày 11-7-2012 đã thông qua Nghị quyết số 41/2012/NQ-HĐND về công nhận năm hình thành tỉnh Quảng Bình là năm 1604 được dựa trên một số cơ sở khoa học và thực tiễn như sau:

- Danh xưng “Quảng Bình” đã chính thức đi vào lịch sử dân tộc và địa danh thiêng liêng này đã tồn tại sâu thẳm trong tâm thức các thế hệ cư dân Quảng Bình cho tới ngày nay, bắt đầu hình thành từ năm 1604 khi Chúa tiên Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình để tỏ lòng ước vọng một nền “Thái bình rộng lớn” (Quảng Bình có nghĩa là thái bình rộng lớn).

- Phủ Quảng Bình (năm 1604) là đơn vị  hành chính cấp tỉnh trực thuộc Trung ương của Quốc gia Đại Việt, là chủ thể có bộ máy, thiết chế và quyền năng hành chính được xác định rõ ràng.

- Là mốc có sự tương đồng bề dày lịch sử văn hóa với các địa phương khác; có thể thấy chu trình mở cõi về phương Nam đi dần từ 1.014 năm Thăng Long, 984 năm Nghệ An, 410 năm Quảng Bình, 403 năm Phú Yên, 361 năm Khánh Hòa, 316 năm Biên Hòa - Đồng Nai và Sài Gòn 316 năm... là phù hợp với diễn trình lịch sử dân tộc.

- Quan điểm chọn mốc 1604 là năm hình thành tỉnh Quảng Bình cũng đã nhận được sự đồng thuận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Phóng viên: Thời gian qua các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, xin đồng chí cho biết ý nghĩa to lớn của sự kiện xác định năm hình thành tỉnh Quảng Bình?

Đồng chí Lương Ngọc Bính: Kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh là sự kiện chính trị-xã hội có ý nghĩa hết sức to lớn đối với tỉnh ta. Thông qua các hoạt động kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình nhằm làm rõ ý nghĩa lịch sử của quá trình hình thành và phát triển địa danh Quảng Bình, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của tỉnh nhà từ khi hình thành đến nay, là dịp thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng tạo, gìn giữ, bảo vệ quê hương, là dịp tiếp tục khẳng định và tôn vinh các giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Bình “Quật khởi” và “Hai giỏi”.

Các hoạt động kỷ niệm còn tạo khí thế sôi nổi, thể hiện sức mạnh đoàn kết trong cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, chung sức, chung lòng xây dựng tỉnh Quảng Bình ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Phóng viên: Kế tục truyền thống vẻ vang của cha ông, trong chặng đường thực hiện đường lối đổi mới đất nước và nhất là thời gian 25 năm kể từ ngày tái lập lại tỉnh nhà, Đảng bộ, nhân dân tỉnh ta đã đồng lòng đồng sức, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức không ngừng phấn đấu vươn lên. Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật mà tỉnh ta đã đạt được trong giai đoạn này?

Đồng chí Lương Ngọc Bính: Thành tựu nổi bật nhất sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới và 25 năm tái lập tỉnh là chúng ta đã khắc phục được tình trạng trì trệ về kinh tế - xã hội, đưa nền kinh tế của tỉnh từng bước thoát khỏi khủng hoảng, phát triển nhanh và đi vào thế ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân giai đoạn 1991 - 1995 là 8,4%, từ 1996 - 2000 là 8,1%, đặc biệt giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân 11%/năm. Từ 2011 đến nay, do tác động của suy thoái kinh tế nên tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy có giảm nhưng vẫn đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Cùng với tốc độ tăng trưởng cao liên tục và khá ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay đã có cơ cấu kinh tế là: nông, lâm, thuỷ sản chiếm 20,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm 36,3%; dịch vụ chiếm 43,2%. Thu ngân sách trên địa bàn tăng gấp 25 lần so với năm 1990.

Từ một địa phương thường xuyên phải đối phó với thiếu đói giáp hạt, nay không những đã cân đối được nhu cầu tiêu dùng mà còn có khả năng sản xuất lương thực hàng hoá, liên tục 2 năm 2011 – 2012 tổng sản lượng lương thực của tỉnh đạt trên 28 vạn tấn, năm 2013 đạt 27,4 vạn tấn. Đã hình thành và phát triển một số vùng chuyên canh nguyên liệu có giá trị kinh tế cao. Diện tích canh tác có giá trị đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm đạt 12.850 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 70% (cao nhất cả nước). Kinh tế biển ngày càng phát triển.

Từ xuất phát điểm gần như trắng về công nghiệp, qua 25 năm đổi mới, sản xuất công nghiệp tỉnh ta đã có bước phát triển, nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp quy mô lớn được hình thành. Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, Khu công nghiệp cảng biển Hòn La và các khu công nghiệp, khu kinh tế khác đã và đang thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư.

Giá trị sản xuất công nghiệp 2006 - 2010 tăng bình quân 20%/năm, từ năm 2011 đến nay, tuy chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng 11%. Các lợi thế về nguồn nguyên liệu sản xuất tại địa phương từng bước được phát huy, một số sản phẩm công nghiệp đã khẳng định được thương hiệu và từng bước có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế -xã hội phát triển một bước quan trọng, nhiều công trình, dự án quy mô lớn được đưa vào khai thác sử dụng, như Cảng biển Hòn La, Cảng hàng không Đồng Hới, quốc lộ 12A, cầu Quảng Hải, cầu Kiến Giang, cầu Trung Quán, cầu Châu Hóa, cầu Văn Hóa, hồ chứa nước Rào Đá, hồ chứa nước sông Thai và một số công trình, dự án đang được triển khai xây dựng, tạo bước đột phá quan trọng cho phát triển của tỉnh. Hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, diện lưới quốc gia, mạng lưới chợ từ đô thị đến nông thôn, miền núi được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và hưởng thụ của nhân dân.

Kinh tế nhiều thành phần tiếp tục được củng cố, phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng được nâng cao; liên tiếp 3 năm 2011 - 2013, Quảng Bình được xếp hạng đứng đầu cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Dịch vụ du lịch phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Lượng khách du lịch đến với Quảng Bình tăng bình quân 10 - 12%/năm, năm 2013 đạt trên 1,1 triệu lượt khách.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ, 155/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (đạt 97,48%), 158/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (đạt 99,37%); 114 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, trong đó, đào tạo nghề đạt 22%. Công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường, 100% trạm y tế có bác sĩ; 98/159 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 61,6%; 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động; toàn tỉnh có 155.773 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 72,92%; 560 làng, thôn, bản, khu phố văn hóa, đạt 44,6%; 382 cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu văn hoá, đạt 60%.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng- an ninh được củng cố vững chắc. Hoạt động đối ngoại được mở rộng. Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện về mọi mặt, bình quân hằng năm, tỉnh đã giảm 4% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 13% (năm 2013). Chính sách đại đoàn kết toàn dân và quy chế dân chủ ở cơ sở được quan tâm thực hiện, dân chủ xã hội ngày càng được phát huy rộng rãi.    

Bộ mặt của tỉnh ta từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến bản làng miền núi, vùng cao, vùng xa đang từng ngày khởi sắc. Thành phố Đồng Hới trở thành thành phố trực thuộc tỉnh từ năm 2004 và đang tích cực phấn đấu để đạt đô thị loại II trong năm 2015; thị trấn Ba Đồn mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị toại IV và đã trở thành thị xã từ đầu năm 2014.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng. Năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, hiệu quả hoạt động của Mặt trận, đoàn thể có nhiều chuyển biến tiến bộ.

Phóng viên: Quảng Bình là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, là nơi tiềm chứa nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần rất độc đáo, cũng là vùng đất luôn bị tác động của thiên tai, lụt bão, nên đến nay tỉnh ta vẫn là một tỉnh còn nghèo; xin đồng chí cho biết những giải pháp đột phá để đưa Quảng Bình phát triển xứng tầm với vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá này?

Đồng chí Lương Ngọc Bính: Những thành tựu mà Đảng bộ, quân và dân tỉnh ta đã chung tay, góp sức, chắt chiu gây dựng được trong suốt gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 25 năm tái lập tỉnh là rất quan trọng và rất đáng tự hào. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhận thức sâu sắc rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, đến thời điểm này, tỉnh ta vẫn đang là một tỉnh nghèo, trình độ phát triển chưa đạt mức trung bình của cả nước. Để đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh tiếp tục phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quê hương “Hai giỏi” trong thời kỳ mới; tiếp tục tạo bước chuyển mới về chất trong việc thực hiện phong trào thi đua quyết tâm thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

Tập trung cao độ mọi nỗ lực để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiếp tục đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo bước chuyển rõ rệt về chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và xuất khẩu, khai thác nguồn lực đất đai cho đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị, kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm như các khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, Bảo Ninh - Đồng Hới, Suối Bang, Đá Nhảy... và các khu kinh tế quan trọng như Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Cảng biển Hòn La...

Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Chỉ đạo quyết liệt 4 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Tập trung phát triển công nghiệp để công nghiệp thật sự đóng vai trò đòn bẩy trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh hơn. Tích cực kêu gọi đầu tư trong phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng đa ngành để du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn mang tính đột phá của tỉnh.

Song song với phát triển kinh tế, quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội, như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo nhanh và bền vững, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông. Thực hiện tốt công tác quân sự - quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, quan tâm toàn diện đến các mặt công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chăm lo xây dựng, củng cố và phát huy sự đoàn kết thống nhất cao về ý chí và hành động trong Đảng bộ và nhân dân; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, gương mẫu tự phê bình và phê bình; khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu quê hương, giữ vững ổn định chính trị, coi đây là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh cũng như mỗi đơn vị, địa phương.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Trọng Thái (thực hiện)