.
Kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp (28-8-1945 - 28-8-2013):

Ngành Tư pháp Quảng Bình không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Thứ Tư, 28/08/2013, 13:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây 68 năm, ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Tuyên cáo thành lập Nội các thống nhất quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Theo Quyết định số 715/TTg, ngày 7-11-1995 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-8 hằng năm trở thành ngày truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam.

Sau khi Quảng Bình trở về địa giới cũ vào năm 1989, ngày 24-4-1990, UBND tỉnh đó ban hành Quyết định số 377/QĐ-UB về việc thành lập Sở Tư pháp. Tiếp đến UBND tỉnh ban hành Quyết định số 673-QĐ/UB, ngày 19-8-1993 thành lập Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, Ban Tư pháp các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Đến nay, hệ thống cơ quan Tư pháp có Sở Tư pháp gồm 2 tổ chức giúp việc, 6 phòng chuyên môn, 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, 5 chi nhánh trợ giúp pháp lý; ở cấp huyện có các Phòng Tư pháp và ở cấp xã có đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch chuyên trách. Phần lớn cán bộ công chức ngành Tư pháp đều có trình độ đại học về chuyên môn nghiệp vụ, nhiều đồng chí tham gia cấp ủy và đại biểu HĐND cùng cấp, nhất là ở cấp xã.

Ngoài ra, còn có đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm và  đội ngũ các chức danh bổ trợ tư pháp thực hiện nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành như: luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư; người giám định tư pháp và các tổ chức giám định tư pháp; cộng tác viên pháp lý;  hòa giải viên cơ sở; báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, thành viên câu lạc bộ pháp luật.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, lãnh đạo Sở, Ban chấp hành Đảng bộ, Ban chấp hành Công đoàn thường xuyên thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Tăng cường kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính, văn hoá công sở; xây dựng đoàn kết nội bộ.

Luôn thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ tư pháp và công tác tư pháp: "...Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì quyền lợi nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung cho cả tư pháp và hành chính. Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương "Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" cho nhân dân noi theo...".

Thực hiện lời dạy của Bác, ngành đã bám sát trên cơ sở định hướng, chủ trương, nghị quyết của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương..., vì vậy đã đạt được những kết quả đáng biểu dương trên các mặt, các lĩnh vực: Công tác thẩm định, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), công chứng, chứng thực, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, trọng tài thương mại, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giám định tư pháp, hòa giải ở cơ sở, bán đấu giá tài sản, về đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Cán bộ, nhân viên Sở Tư pháp học tập và quán triệt các Nghị quyết của Đảng.
Cán bộ, nhân viên Sở Tư pháp học tập và quán triệt các Nghị quyết của Đảng.

Đặc biệt, từ tháng 7-2013, ngành Tư pháp tiếp nhận thêm nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính và quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, cơ quan Tư pháp các cấp đã tích cực, chủ động phối hợp cùng các ngành trong khối nội chính tham mưu cho HĐND, UBND triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược Cải cách tư pháp đến 2020 và chương trình trọng tâm công tác Tư pháp giai đoạn 2012-2016 của Tỉnh ủy.

Kết quả hoạt động của toàn ngành, nhất là trong các lĩnh vực đang thực hiện xã hội hóa, các lĩnh vực trực tiếp giải quyết sự vụ cho công dân như đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực, cấp phiếu lý lịch tư pháp, công tác hòa giải ở cơ sở; hương ước, quy ước đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường pháp lý, cải thiện vị trí về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, thực hiện các quy định về dân chủ ở cơ sở, các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, về làng văn hóa, tiểu khu văn hóa; duy trì trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế, quốc phòng và an ninh, tăng thu ngân sách; góp phần vào sự phát triển chung của toàn ngành Tư pháp Việt Nam và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được ngành Tư pháp vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn vướng mắc cần tập trung khắc phục, tháo gỡ. Như một số thể chế và quy định của văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương ban hành chưa phù hợp với thực tế, còn thiếu tính khả thi, còn chồng chéo. Vì vậy, có nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng; khó đáp ứng được yêu cầu vừa phải bảo đảm sự tuân thủ đúng pháp luật vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Công tác PBGDPL mặc dù đã được đẩy mạnh, tăng cường nhưng ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa cao, tình hình vi phạm pháp luật còn nhiều. Một số chỉ tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư khó đạt được; đội ngũ viên chức, đấu giá viên còn ít, còn thiếu; một số quy định về tài chính trong lĩnh vực đấu giá, công chứng chưa được thực hiện nghiêm túc hoặc chưa phù hợp.

Một số nhiệm vụ do ngành thực hiện như cấp phiếu lý lịch tư pháp, thẩm định văn bản nhưng tiến độ, chất lượng lệ thuộc vào kết quả phối hợp của các ngành có liên quan. Biên chế của Phòng Tư pháp cấp huyện tăng không đáng kể so với thời điểm mới thành lập năm 1993, mặc dù chức năng, nhiệm vụ của phòng Tư pháp trong 20 năm qua không ngừng được bổ sung. Cơ sở, vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc phục vụ cho công tác của ngành còn ít chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực hoạt động của ngành còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch; quản lý dữ liệu hợp đồng giao dịch đã được công chứng, chứng thực.

Trong thời gian tới, toàn ngành Tư pháp của tỉnh ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; các Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 11-1-2013, Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 17-1-2013, Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 28-1-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, của Bộ Tư pháp, tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Toàn ngành Tư pháp tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức cán bộ, đổi mới lề lối làm việc, đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao”, “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” và phong trào thi đua “Ngành Tư pháp Quảng Bình chung tay giúp xã Hóa Phúc giảm nghèo”, “Ngành Tư pháp hướng về biển đảo quê hương” và các phong trào thi đua khác.

Tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, tạo sự chuyển biến mới về chất lượng và hiệu quả công tác, gắn việc thực hiện nhiệm vụ của ngành với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của cả nước, cụ thể: Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh công tác PBGDPL, tập trung các địa bàn có các dự án đầu tư xây dựng; các vùng, đối tượng, lĩnh vực có nhiều khiếu nại, tố cáo hoặc dễ phát sinh tranh chấp; gắn nhiệm vụ PBGDPL với theo dõi tình hình thi hành pháp luật; tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở; Đề án "Phát triển đội ngũ luật sư từ năm 2011 đến năm 2020”; Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”; Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020” và các đề án, kế hoạch tổng thể triển khai chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp; hộ tịch, chứng thực, trợ giúp pháp lý, bán đấu giá tài sản; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp... chú trọng các nhiệm vụ mới như theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trách nhiệm bồi thường nhà nước, quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính.

Đổi mới, cải tiến phương cách điều hành quản lý. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đưa các hoạt động tư pháp vừa gần dân, vừa bảo đảm an toàn pháp lý cho dân, thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Nâng cao chất lượng các chức danh, tổ chức bổ trợ tư pháp, nhất là công chứng viên với tư cách là thẩm phán phòng ngừa, bổ trợ cho thẩm phán xét xử; nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, giám định tư pháp góp phần thực hiện cải cách tư pháp mà khâu trung tâm là Tòa án với hoạt động xét xử và đột phá của cải cách tư pháp là mở rộng tranh tụng dân chủ; tạo điều kiện cho cơ quan xét xử trong quá trình thu thập chứng cứ, bảo đảm khách quan, công minh, nhanh chóng, chính xác khi giải quyết vụ án; tổng hợp ý kiến tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; phối hợp đề xuất ban hành chính sách thu hút nhân tài phù hợp với đặc thù nghề nghiệp và các nhiệm vụ khác.

Phát huy truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước, công chức, viên chức và nhân viên của ngành Tư pháp hôm nay nguyện đem hết sức lực và trí tuệ, vượt qua những khó khăn, thử thách, phấn đấu tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng ngành ngày càng lớn mạnh, góp phần vào mục tiêu xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững và giàu đẹp.

      Nguyễn Thị Lài
Giám đốc Sở Tư pháp