.
Kỷ niệm 68 năm ngày thành lập ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (28-8-1945 -28-8-2013):

Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội: 68 năm xây dựng trưởng thành

Thứ Tư, 28/08/2013, 09:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Lịch sử ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam ghi rõ: “Ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bản tuyên cáo về việc thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong 13 bộ đầu tiên của chính phủ nước ta đã có bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Trên cơ sở đó cùng với quá trình phát triển của sự nghiệp cách mạng, tháng 2 năm 1987, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội được thành lập nhằm kế thừa, phát huy chức năng nhiệm vụ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) và các cơ quan tiền thân của ngành.”

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, cùng với cả nước tập trung thực hiện nhiệm vụ chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, ngành LĐ-TB và XH đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách về lao động việc làm, khuyến khích tăng gia sản xuất, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cả nước nhất tề đứng dậy với tinh thần: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tháng 2 -1947, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 20 ban hành chế độ lương hưu thương tật đối với thương binh, chế độ tiền tuất đối với gia đình tử sĩ. Bước sang giai đoạn 1965-1975, nhiệm vụ trọng tâm của ngành LĐ-TB và XH là nghiên cứu bổ sung hoàn thiện chính sách lao động.

Năm 1967, Bộ Chính trị ra nghị quyết về phân loại lao động xã hội, Chính phủ ra nghị quyết tăng cường quản lý lao động xã hội, từ đó chính sách tiền lương, chính sách về lao động nữ, công tác đào tạo công nhân kỹ thuật được coi trọng. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa III đã xác định công tác thương binh liệt sĩ là vấn đề chính trị mang tính tư tưởng và tình cảm xã hội cao, từ đó vị thế của ngành được đặt lên tầm cao mới.

Giai đoạn đất nước thống nhất non sông thu về một mối, lĩnh vực LĐ-TB và XH có bước phát triển vượt bậc. Hậu quả chiến tranh để lại nặng nề. Trước tình hình đó, ngành đã tập trung tham mưu về chính sách, giải pháp, giải quyết việc làm cho người thất nghiệp. Thực hiện chủ trương phân bổ lại lao động và dân cư, cả nước đã điều động hàng triệu đồng bào đi kinh tế mới ở Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Các chủ trương đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng như khôi phục các doanh nghiệp quốc doanh cũng được coi trọng.

Giai đoạn 1986-2000, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về LĐ-TB và XH được xây dựng tương đối đồng bộ hoàn chỉnh. Các bộ luật được ban hành như: Bộ luật lao động, Pháp lệnh ưu đãi người có công, Pháp lệnh phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trên lĩnh vực xã hội, các pháp lệnh, nghị định về người tàn tật, người cao tuổi, XĐGN, cứu trợ xã hội đã ban hành và đi vào cuộc sống.

Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH chụp ảnh lưu niệm với tập thể cán bộ Trung tâm điều dưỡng luân phiên người có công tỉnh Quảng Bình.
Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH chụp ảnh lưu niệm với tập thể cán bộ Trung tâm điều dưỡng luân phiên người có công tỉnh Quảng Bình.

Cùng với việc tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực LĐ-TB và XH, các hoạt động sự nghiệp được phát triển mạnh trở thành cầu nối giữa chính sách của Đảng, nhà nước và nhân dân. Đó là các trung tâm, cơ sở, đơn vị hoạt động, dịch vụ việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động, chăm sóc người có công... Giai đoạn 2001 đến nay, ngành LĐ-TB và XH tiếp tục nghiên cứu đường lối chủ trương của Đảng, nhà nước, kịp thời trình quốc hội, chính phủ ban hành hệ thống văn bản pháp luật.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, ngành LĐ-TB và XH đã cùng với Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã lập nên nhiều chiến công tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của quê hương “Hai giỏi”. Vai trò to lớn của ngành thời kỳ này là sự kết hợp gắn bó với nhân dân trong việc chăm sóc nuôi dưỡng các lực lượng tham gia kháng chiến, bộ đội, thương bệnh binh...Huy động hàng triệu ngày công xây dựng nhiều công trình phục vụ kháng chiến.

Năm 1976, theo chủ trương hợp nhất 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Sở Lao động và Sở Thương binh và Xã hội được ra đời. Năm 1988, theo quyết định số 782/HĐNN ngày 16-2-1987 của Hội đồng Nhà nước về việc sáp nhập hai Bộ Lao động và Bộ Thương binh - Xã hội thành Bộ LĐ-TB-XH, đó cũng là thời điểm Sở LĐ-TB và XH Bình Trị Thiên được thành lập.

Năm 1989, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc chia tách địa giới hành chính tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Theo đó, Sở LĐ-TB và XH Quảng Bình được thành lập. Vượt lên những khó khăn của buổi ban đầu, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành LĐ-TB  và XH đã từng bước phát triển và đạt được nhiều thành tựu mới. Ngành LĐ-TB  và XH đã phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực; đồng hành cùng cả tỉnh thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó trên các lĩnh vực quản lý lao động, thực hiện chính sách người có công, bảo đảm công tác an sinh xã hội.

Đến nay ngành đã có một đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành trong thời kỳ CNH-HĐH. Tính đến tháng 6-2013, toàn ngành có gần 280 cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại văn phòng sở và 8 đơn vị sự nghiệp trực thuộc; trong đó có 15 cán bộ có trình độ thạc sỹ. Ngoài ra, ngành còn có đội ngũ cán bộ làm công tác LĐ-TB và XH ở cấp huyện, cấp xã.

Điều đáng ghi nhận, trong những năm qua, ngành đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách về lao động, việc làm. Hàng năm giải quyết từ 3 đến 3,2 vạn lao động có việc làm trong đó có trên 2 vạn lao động có việc làm mới; giải quyết hàng trăm đối tượng hưởng các chính sách người có công, chính sách an sinh xã hội, xây dựng hệ thống cơ sở Trường trung cấp nghề, Trung tâm bảo trợ xã hội, sàn giao dịch việc làm, Trung tâm điều dưỡng luân phiên người có công, Trung tâm giáo dục lao động xã hội, Quỹ bảo trợ trẻ em; Làng trẻ em SOS...

Trên lĩnh vực quản lý nhà nước, ngành đã kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện các chế độ chính sách người có công, kế hoạch quản lý, sử dụng lao động, chương trình việc làm...góp phần ổn định tình hình và dư luận xã hội. Những năm gần đây, với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ công chức, viên chức toàn ngành, nhiều hoạt động trên lĩnh vực thuộc ngành quản lý đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận.

Ngành đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành chương trình việc làm, xuất khẩu lao động, đề án phát triển dạy nghề, tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, chương trình “Vì ước mơ tuổi thơ”, chương trình xóa nhà tạm và bảo đảm an sinh xã hội, chương trình phòng chống các tệ nạn xã hội...đã được Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đánh giá cao.

Kỷ niệm 68 năm thành lập ngành, trong niềm vui chung của tỉnh nhà trên bước đường đổi mới, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành LĐ-TB và XH tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, tận tâm với nghề nghiệp, phấn đấu giành những thành tích cao hơn nữa, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh.

           Phạm Xuân Bình
Giám đốc sở LĐ-TB và XH tỉnh