Phê duyệt đề án tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030

  • 15:24 | Thứ Năm, 03/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 1087/QĐ-TTg, ngày 2/10/2024 phê duyệt đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030”.
 
Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc nhằm mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Người dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng xem thông tin chính sách pháp luật nhà nước qua nhóm Zalo cộng đồng. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)
Người dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng xem thông tin chính sách pháp luật nhà nước qua nhóm Zalo cộng đồng. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)
Đây là mục tiêu của đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030” được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1087/QĐ-TTg, ngày 2/10/2024 phê duyệt.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình giao Ủy ban Dân tộc chủ trì tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc thực hiện đề án; chủ động đề xuất, kiến nghị, điều chỉnh, bổ sung đề án trong trường hợp cần thiết.
 
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của đề án; xây dựng, ban hành chế độ báo cáo tình hình thực hiện đề án trên hệ thống thông tin báo cáo của Ủy ban Dân tộc; chủ trì xây dựng, ban hành quy chế quản lý vận hành, khai thác Trung tâm dữ liệu.
 
Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo đảm cơ sở hạ tầng phục vụ đề án, tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật của Đề án 06.
 
Bộ Thông tin và Truyền thông được giao bảo đảm hạ tầng số quốc gia, hạ tầng viễn thông, đường truyền kết nối để triển khai các hoạt động tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc; phối hợp với Ủy ban Dân tộc tuyên truyền, phổ biến về các hoạt động tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc. 
Kết hợp lý thuyết và thực hành giúp học sinh miền núi dễ dàng tiếp thu kiến thức. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)
Kết hợp lý thuyết và thực hành giúp học sinh miền núi dễ dàng tiếp thu kiến thức. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách về tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc; xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai đề án "Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030"; xây dựng, vận hành Trung tâm dữ liệu tại Ủy ban Dân tộc.
 
Giai đoạn 2026-2030, phát triển Chính phủ số. Cụ thể: 100% lãnh đạo Ủy ban Dân tộc sử dụng chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường số; 80% lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc cấp tỉnh, 70% lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc cấp huyện sử dụng chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường số.
 
100% chế độ báo cáo tổng hợp, báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê lĩnh vực công tác dân tộc phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 100% các thủ tục hành chính trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
 
Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành bộ chỉ số lĩnh vực công tác dân tộc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc.
 
Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc, cơ sở dữ liệu về các dân tộc thiểu số Việt Nam, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của Ủy ban Dân tộc.
 
100% dữ liệu mở lĩnh vực công tác dân tộc được công bố, cập nhật theo quy định; 100% cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số. 
Thiếu nữ dân tộc Tà Ôi dệt vải. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Thiếu nữ dân tộc Tà Ôi dệt vải. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Về phát triển xã hội số, 50% doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ tiếp cận thông tin về công nghệ số, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 80% trưởng thôn, bản, ấp, buôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số; có chính sách hỗ trợ dịch vụ viễn thông, Internet cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
 
Về phát triển kinh tế số, 50% chủ thể OCOP là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Một trong những nhiệm vụ đề án đặt ra là phát triển dữ liệu số, xây dựng, phát triển nền tảng số.
 
Cụ thể, sẽ cập nhật thông tin, dữ liệu trên Kho dữ liệu công tác dân tộc và Kho dữ liệu thống kê 53 dân tộc thiểu số, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với bộ, ngành, địa phương có liên quan.
 
Xây dựng, cập nhật các thông tin, dữ liệu về chính sách dân tộc và kết quả thực hiện chính sách dân tộc; bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số Việt Nam tích hợp Từ điển dân tộc và bộ gõ tiếng dân tộc; theo dõi hoạt động tuyên truyền chính sách và các nội dung liên quan lĩnh vực công tác dân tộc.
 
Xây dựng, cập nhật thông tin, dữ liệu về lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, các sản phẩm truyền thống, thông tin địa lý GIS vùng dân tộc thiểu số có tích hợp thông tin, dữ liệu đa phương tiện và các thông tin, dữ liệu khác có liên quan lĩnh vực công tác dân tộc.
 
Về xây dựng, phát triển nền tảng số, sẽ phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của Ủy ban Dân tộc, kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nội bộ và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
 
Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển Thư viện điện tử về công tác dân tộc có khả năng trao đổi, liên kết với các cơ quan thông tin thư viện khác; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đào tạo trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức và đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Đồng thời, xây dựng, phát triển ứng dụng phổ biến chính sách dân tộc và hỗ trợ thông tin về giao thông, cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.Xây dựng nền tảng quản lý thiết bị IoT (IoT Platform), nền tảng quản lý video (VMS), nền tảng chuỗi khối (Blockchain), nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) và nền tảng phân tích dữ liệu thông minh (AI Platform); xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu đồng bộ trên cơ sở kết nối, tích hợp các nền tảng.
Theo TTXVN/Vietnam+

tin liên quan

Quảng Ninh: Thăm, tặng quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn

(QBĐT) - Hưởng ứng Ngày quốc tế bgười cao tuổi, ngày 30/9, huyện Quảng Ninh tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà cho 99 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

"Ươm mầm" hy vọng

(QBĐT) - Tại thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) có một ngôi trường đặc biệt dành cho những đứa trẻ có phận đời kém may mắn. 

Các cấp Công đoàn Quảng Bình hướng về đồng bào miền Bắc

(QBĐT) - Bằng những hành động, việc làm có ý nghĩa thiết thực, các cấp Công đoàn đã góp phần làm lan tỏa tinh thần gắn kết đồng bào cả nước trong mọi hoàn cảnh, khơi dậy, phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.