Truyền thông phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

  • 07:15 | Thứ Ba, 10/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Huyện Minh Hóa có 3.242 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), với 13.746 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 23%  dân số toàn huyện; sống tập trung chủ yếu tại 42 thôn, bản của 4 xã biên giới. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động của thanh niên, thiếu niên, học sinh dân tộc thiểu số, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) ở trên địa bàn huyện đã giảm rất nhiều so với trước đây. 
 
Nạn TH-HNCHT ở Minh Hóa tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 13-17 và thường xảy ra ở những bản làng có kinh tế khó khăn, cách xa trung tâm xã và trường học. Thực trạng này đã và đang là một trở ngại đối với sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững, sự tiến bộ của xã hội. Trước thực tế đó, Minh Hóa triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn TH-HNCHT.
 
Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa Cao Ngọc Điền, thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT trong vùng ĐBDTTS, địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật, hậu quả, tác hại của việc TH-HNCHT, vận động đồng bào thực hiện theo quy định; tư vấn, can thiệp, triển khai các mô hình điểm và có kiểm tra, đánh giá việc thực hiện… Nhờ đó, thực trạng TH-HNCHT có phần chuyển biến tích cực so với trước. Hiện, tình trạng TH-HNCHT vẫn còn nhưng chỉ xảy ra ở một số đối tượng, như: Thanh niên thất học, trình độ dân trí thấp, chưa am hiểu nhiều về pháp luật, việc tiếp cận các phương tiện truyền thông còn hạn chế...
 
Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi năm 2024, các hình thức truyền thông để giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT được huyện Minh Hóa triển khai có chiều sâu, phong phú, đa dạng, mang lại hiệu quả thiết thực. Không như lối mòn cũ là cán bộ chuyên ngành đứng giảng bài truyền thông, hay họp dân phổ biến pháp luật, mà được đổi mới với các hình thức sinh động, gần gũi, dễ tiếp cận bằng cách sân khấu hóa, tổ chức phiên tòa giả định mà nhân vật chính là các học sinh, thanh niên, thiếu niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Chia sẻ cách thức tăng cường vai trò của truyền thông phòng, chống TH-HNCHT trong cộng đồng, Bí thư Huyện đoàn Minh Hóa Đinh Thế Hiển cho biết: Nhằm chủ động phòng ngừa TH-HNCHT sớm, Đoàn Thanh niên huyện phối hợp với ngành giáo dục, chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền từ thực tế sự việc xảy ra, tiêu biểu qua hình thức “Phiên tòa giả định”.
Tuyên truyền giảm tỷ lệ tảo hôn thông qua phiên tòa giả định.
Tuyên truyền giảm tỷ lệ tảo hôn thông qua phiên tòa giả định.
Huyện đoàn còn cùng các đơn vị, tổ chức vận động đoàn viên, thanh niên trong độ tuổi tảo hôn, người đã tảo hôn… trở thành nhân vật truyền cảm hứng; để người trong cuộc chia sẻ những câu chuyện từng chứng kiến về tảo hôn hoặc vướng mắc của bản thân để đưa ra những lời khuyên, kinh nghiệm giúp các bạn trẻ nhìn nhận được khó khăn, hệ lụy của TH-HNCHT; từ đó, các bạn trẻ nhìn vào để giải quyết vấn đề và thay đổi nhận thức, hành vi. Nhiều bạn đã tảo hôn trở thành thành viên câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, từ câu chuyện của các bạn để tác động tới người dân, người trẻ trong địa bàn.
 
Mới đây nhất, Huyện đoàn Minh Hóa phối hợp với Đoàn xã Dân Hóa tổ chức phiên tòa giả định mô phỏng vụ án “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Các nhân vật tham gia phiên tòa là học sinh, người dân đóng vai thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, bị cáo, người bị hại… Nội dung dựa vào thực trạng TH-HNCHT trên địa bàn xã Dân Hóa. Phiên tòa đã thu hút trên 250 người tham gia, trong đó có trên 150 thanh niên, thiếu niên.
 
Em Hồ Thị Khuyên, ở bản Y Leng (14 tuổi), tham gia đóng vai nhân vật bị hại trong phiên tòa giả định, chia sẻ: “Em cũng từng có ý định nghỉ học để lấy chồng, khi được tham gia phiên tòa, em cố gắng nhập tâm vào nhân vật để thể hiện các biểu cảm, thần thái, cảm xúc theo từng lời thoại và tình huống. Em cũng hiểu ra được nhiều điều luật của Nhà nước quy định về TH-HNCHT. Em sẽ cố gắng mang kiến thức của mình để tuyên truyền với các bạn cùng trang lứa cố gắng học tập, không kết hôn sớm để có một tương lai tươi sáng hơn”.
 
Tại xã biên giới Trọng Hóa, nơi có trên 95% ĐBDTTS sinh sống, bình quân mỗi năm trên địa bàn xã Trọng Hóa có 3-5 trường hợp tảo hôn, để ngăn chặn tình trạng này, bằng hình thức sân khấu hóa, UBND xã Trọng Hóa tổ chức hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT trong ĐBDTTS. Hầu hết các bản đều thành lập đội từ 5-10 người tham gia, mỗi đội thi sẽ xây dựng một tiểu phẩm về TH-HNCHT và tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ.
 
Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Buân cho hay: Những tiểu phẩm này là hình thức truyền thông sinh động, dễ nhớ đến cộng đồng nên lan tỏa được nhiều nội dung về phòng, chống TH-HNCHT. Nhờ có sự tuyên truyền tích cực của các cơ quan, ban, ngành, những năm gần đây, nhận thức của đồng bào xã Trọng Hóa về Luật Hôn nhân và gia đình đã được nâng lên đáng kể. Nhiều bản làng không còn tình trạng tảo hôn. Người dân đã nhận thức được TH-HNCHT là vi phạm pháp luật nên dạy bảo con cháu, vận động người thân trong gia đình thực hiện chính sách dân số, nói không với nạn TH-HNCHT.
 
Các câu lạc bộ: “Tuổi trẻ nói không với TH-HNCHT”, “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, tổ truyền thông cộng đồng... là các mô hình đang được Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa nhân rộng và phát huy, các thành viên trong tổ là lực lượng nòng cốt truyền thông giảm thiểu TH-HNCHT ở các bản làng vùng cao.
 
Hai năm trở lại đây, tình trạng TH-HNCHT ở các địa bàn biên giới huyện Minh Hóa đã giảm đáng kể, nhiều bản làng trong 5 năm không còn TH-HNCHT. Bà con ngày càng ý thức được hậu quả của nạn TH-HNCHT và luôn ủng hộ chính quyền địa phương, vận động con cháu kết hôn đúng độ tuổi quy định của pháp luật. Đây là tín hiệu đáng mừng giúp cho Minh Hóa ngăn chặn, đẩy lùi TH-HNCHT một cách bền vững. 
Thùy Linh
(Trung tâm VH-TT-TT Minh Hóa)

tin liên quan

TP. Đồng Hới: Tham gia khắc phục hậu quả của bão số 3 tại Hà Nội và Hải Phòng

(QBĐT) - Nhận được kêu gọi của Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam, chiều tối 9/9, Trung tâm cây xanh TP. Đồng Hới tổ chức đoàn công tác với gần 10 cán bộ, nhân viên lên đường tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra tại TP. Hà Nội và Hải Phòng. 

Một công nhân Điện lực cứu sống nạn nhân bị điện giật

Ngày 9/9, Công ty Điện lực Quảng Bình cho biết, một công nhân công tác tại Điện lực Bố Trạch đã nhanh trí, kịp thời và tận tâm sơ cứu ban đầu để cứu sống một người phụ nữ ở thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch khi không may bị điện giật.

Trả lại sự bình yên cho đất

(QBĐT) - Với bất cứ ai khi thấy bom, mìn là phải chạy ra xa để tránh, riêng nhân viên của MAG thì họ lại đến tận nơi và tìm cách xử lý an toàn vật liệu nổ, "giải phóng" đất sạch cho người dân.