Trả lại sự bình yên cho đất
(QBĐT) - Với bất cứ ai khi thấy bom, mìn là phải chạy ra xa để tránh, riêng nhân viên của MAG (Mines Advisory Group-Tổ chức nhóm cố vấn bom, mìn của Anh) thì họ lại đến tận nơi và tìm cách xử lý an toàn vật liệu nổ, “giải phóng” đất sạch cho người dân. Vậy nên, hơn 25 năm có mặt ở Việt Nam và 20 năm ở Quảng Bình, những nơi mà họ đi qua, màu xanh cây cối và nhiều công trình được mọc lên, báo hiệu sự sống đã hồi sinh…
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ song trên địa bàn tỉnh vẫn còn những vùng đất bị ô nhiễm bom, mìn nặng nề. Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành, những năm qua, MAG rất tích cực với những hoạt động hiệu quả, góp phần trả lại sự bình yên cho đất.
Những “bóng hồng” rà phá bom, mìn
Bà Phạm Vũ Quỳnh Chi, cán bộ điều phối truyền thông của MAG Việt Nam chia sẻ: Do tính chất nguy hiểm của công việc rà phá bom, mìn, MAG đặt ra các tiêu chuẩn và yêu cầu tuyển dụng rất nghiêm ngặt. Để trở thành nhân viên của MAG, các ứng viên phải bảo đảm sức khoẻ (bao gồm các tiêu chuẩn về thể lực, độ nhanh nhẹn, độ bền) để có thể đáp ứng được tính chất khắt khe của hoạt động rà phá bom, mìn (môi trường làm việc khắc nghiệt, nguy hiểm, ở ngoài trời).
Trước khi được làm nhiệm vụ thực tế ngoài hiện trường, các ứng cử viên phải trải qua các khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật rà phá bom, mìn, các quy trình an toàn và xử lý vật liệu nổ và được MAG cấp các chứng chỉ cần thiết. Nhân viên MAG phải có khả năng làm việc nhóm và giao tiếp tốt; đồng thời duy trì các tiêu chuẩn đạo đức cao, tôn trọng phong tục, luật pháp địa phương và cam kết thực hiện sứ mệnh nhân đạo cũng như các giá trị cốt lõi của tổ chức.
Những yêu cầu này giúp MAG xây dựng đội ngũ nhân viên có chuyên môn và tận tâm, có khả năng thực hiện các hoạt động rà phá bom, mìn an toàn và hiệu quả, góp phần vào sứ mệnh gìn giữ cuộc sống và khôi phục phát triển tại những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bom, mìn. Tuy vậy, MAG cũng đồng thời cam kết bảo đảm sự bình đẳng và bao trùm trong quá trình tuyển dụng nhằm xây dựng một đội ngũ lao động đa dạng và đại diện.
Bởi, MAG hiểu rằng phụ nữ và các nhóm yếu thế khác thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm chính thức. Do đó, chiến lược tuyển dụng của MAG tập trung vào việc giải quyết những bất bình đẳng này. Trong quá trình tuyển dụng và sử dụng lao động, MAG bảo đảm rằng tất cả ứng viên và nhân viên, bất kể giới tính, chủng tộc hay các đặc điểm khác, đều được đánh giá công bằng dựa trên năng lực, kinh nghiệm và tiềm năng của họ. Điều này cho thấy, trong đội ngũ của MAG vẫn có nhiều phụ nữ đã được chọn để đi rà phá bom, mìn, một công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.
Tính đến nay, chị Đinh Thị Kiều (SN 1992), quê ở xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) đã có hơn 10 năm gắn bó với công việc rà phá bom, mìn. Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt bầu bĩnh nhưng khi khoác lên người bộ đồng phục của MAG, trông Kiều khá rắn rỏi và tự tin với công việc có phần vất vả, nguy hiểm này.
Chị Kiều cho biết, vốn là một giáo viên dạy Văn nhưng năm 2013, khi đang nghỉ hè thì nghe tin MAG có đợt tuyển dụng nên chị ứng tuyển. Trải qua những trở ngại ban đầu lúc mới vào nghề, chị quen dần và cảm thấy yêu công việc rà phá bom, mìn lúc nào không hay. Cũng tại đây, chị đã có một mái ấm nhỏ cho riêng mình, khi người chồng cũng là nhân viên của MAG.
Theo bà Phạm Vũ Quỳnh Chi, trong số cán bộ, nhân viên của MAG Quảng Bình có rất nhiều nhân viên nữ hoạt động rất tích cực như Đinh Thị Kiều. Đặc biệt, mới đây Kiều là một trong 2 nữ nhân viên của MAG được cử sang Mỹ để truyền thông về dự án, về tai nạn bom, mìn để lại ấn tượng cho nhiều người nghe ở đó.
“Không được phép mắc sai lầm!”
Bà Phạm Vũ Quỳnh Chi cho biết: Cơ cấu tổ chức một đội rà phá bom, mìn của MAG gồm 14 nhân viên, 1 đội trưởng, 1 đội phó, 1 y tế và 11 kỹ thuật viên rà phá bom, mìn. MAG hiện đang có 41 đội rà phá bom, mìn như vậy hoạt động tại Việt Nam, trong đó bao gồm 11 đội tại Quảng Bình.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Quản lý kỹ thuật hiện trường của MAG tại Quảng Bình cho hay: Muốn triển khai dò tìm vật liệu nổ để giải phóng đất sạch, trên hiện trường phải trải qua rất nhiều khâu. Bước đầu tiên là đánh giá, xác định các khu vực nghi ngờ ô nhiễm bom, mìn. Ở bước này, MAG thu thập bằng chứng dựa trên dữ liệu lịch sử có sẵn và thông tin cung cấp từ cộng đồng thông qua các buổi họp thôn hoặc gặp mặt người dân. Từ đó, đánh giá mức độ ô nhiễm và thảo luận về các khu vực cần rà phá bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Tiếp đó, bước khảo sát, can thiệp trực tiếp vào các khu vực nguy hiểm và xác nhận sự tồn tại của các loại vật liệu nổ. Kết quả khảo sát giúp MAG xác định ranh giới các khu vực bị ô nhiễm và có thêm bằng chứng để xác định chính xác các khu vực ưu tiên rà phá bom, mìn. Sau khi xác định các khu vực bị ô nhiễm, MAG tiến hành rà phá bom, mìn để trả lại vùng đất sạch. Việc rà phá bom, mìn được thực hiện dựa theo phương pháp có hệ thống chặt chẽ, bảo đảm mọi cm2 đất đều được rà soát kỹ lưỡng.
“Rà phá bom, mìn là nghề tiềm ẩn rủi ro và nguy hiểm, bởi vậy nếu để xảy ra một sơ suất, sai lầm nhỏ cũng có thể gây hậu quả khôn lường. Vì thế, khi làm việc, các nhân viên phải tập trung cao độ, phải thận trọng, tỉ mỉ, chú ý toàn tâm vào công việc, chỉ một sai lầm nhỏ trong thao tác cũng có thể trả giá đắt”, ông Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.
Theo ông Hà, tính đến nay, ông đã có hơn 20 năm gắn bó với MAG. Trong 20 năm đó, thì năm 2020 là năm để lại cho bản thân ông nhiều ấn tượng nhất. Đó là năm Quảng Bình liên tục xảy ra các trận mưa lũ lớn, làm lộ thiên nhiều quả bom lớn tại khu vực bản Cha Lo, xã Dân Hóa (Minh Hóa), gần biên giới Việt-Lào. Chỉ trong vòng 3 tuần, MAG được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giao xử lý tổng cộng 5 quả bom lớn (có đến 4 quả nặng gần 340kg). Trong đó, có những quả bom dạng từ trường, MAG và bộ đội công binh phải mất 8 ngày mới xử lý xong.
Cứ như vậy, hơn 20 năm có mặt tại Quảng Bình, trên mỗi diện tích đất mà đội ngũ MAG đã đi qua, đồng nghĩa với việc hiểm họa sót lại từ lòng đất được loại bỏ, trả lại cuộc sống bình yên và hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội cho người dân địa phương.
Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Thế Huy: MAG là tổ chức phi chính phủ của Anh, có mặt tại Quảng Bình từ năm 2003 với các hoạt động giáo dục nguy cơ bom, mìn và rà phá bom, mìn, vật nổ tại các khu vực ô nhiễm trong tỉnh. Đến nay, MAG đã khảo sát đánh giá ô nhiễm bom, mìn trên diện tích 17 triệu m2, rà phá làm sạch bom, mìn trên 6 triệu m2; phát hiện và hủy nổ thành công 147.371 vật liệu nổ các loại; thực hiện 1.755 cuộc truyền thông giáo dục phòng tránh tai nạn bom, mìn. Với sự chuyên nghiệp, hiệu quả, hoạt động của MAG được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao; góp phần giảm thiểu nguy cơ về tai nạn bom, mìn cho người dân, làm sạch diện tích đất để phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng các cơ sở hạ tầng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. |
Phan Phương