"Rào cản" trong đào tạo, sát hạch lái xe

  • 07:50 | Thứ Bảy, 07/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là một trong những lĩnh vực đặc biệt của ngành Giao thông vận tải (GTVT), đào tạo, sát hạch lái xe ô tô được xem là “màng lọc” không thể thiếu nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, học viên lái xe. Thời gian qua, Bộ GTVT đã có nhiều thông tư hướng dẫn, bổ sung nhằm giúp cho công tác quản lý đào tạo lái xe ô tô được chặt chẽ. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, một số quy định đã bộc lộ nhiều bất cập, gây không ít khó khăn cho cả cơ sở đào tạo lẫn người học.
 
Phần thi mô phỏng thiếu tính thực tế
 
Thi sát hạch lái xe ô tô đến lần thứ 3, chị Đào Thị Hương (SN 1983) ở phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) mới vượt qua được “cửa ải” phần thi mô phỏng tình huống giao thông (THGT). Theo chị Hương, đây là phần thi khá “đánh đố” người học, mặc dù đã ôn luyện rất kỹ nhưng cả hai lần thi trước chị đều bị trượt nội dung này.
 
“Đối với phần thi xử lý THGT trên clip mô phỏng, học viên phải ấn bàn phím đúng thời điểm thì mới đạt số điểm tối đa, còn ấn bàn phím sớm hơn hoặc muộn hơn sẽ không có điểm hoặc điểm thấp. Trên thực tế, mỗi người có cách xử lý tình huống khác nhau, miễn sao phù hợp với hoàn cảnh, không thể áp đặt tư duy, nhận định tình huống trên màn hình vào thực tế. Theo tôi, đây là điều bất hợp lý”, chị Hương bày tỏ.
 
Suy nghĩ của chị Hương cũng là tâm lý chung của rất nhiều học viên học lái xe ô tô hiện nay. Theo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT, ngày 26/4/2022 của Bộ GTVT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ (gọi tắt là Thông tư 04), từ tháng 6/2022, học viên khi thi GPLX sẽ phải thi thêm nội dung phần mềm mô phỏng với 120 tình huống.
 
Học viên sẽ quan sát các THGT lập trình sẵn trong video mô phỏng, khi tình huống nguy hiểm xuất hiện, phải bấm nút space trên bàn phím để phản xạ. Thang điểm đạt được khi bấm đúng thời điểm như lập trình là 5 điểm. Nếu bấm chậm, thang điểm sẽ giảm dần từ 4 về 3, 2, 1 và 0 điểm. Trường hợp thí sinh bấm quá sớm sẽ bị 0 điểm.
Theo đánh giá của nhiều người, phần thi mô phỏng tình huống giao thông thiếu tính thực tiễn, “đánh đố” người học.
Theo đánh giá của nhiều người, phần thi mô phỏng tình huống giao thông thiếu tính thực tiễn, “đánh đố” người học.
Đã được áp dụng một thời gian nhưng đến nay vẫn có rất nhiều luồng ý kiến xoay quanh phần mềm mô phỏng THGT và đa số đều cho rằng phần mềm này còn bộc lộ nhiều bất cập, thiếu tính thực tế và đánh đố người thi. Theo chia sẻ của các cơ sở đào tạo nghề, tỷ lệ học viên trượt tốt nghiệp, sát hạch có chiều hướng tăng (khoảng 10-15%) từ khi môn mô phỏng THGT được đưa vào nội dung thi. Đơn cử, năm học 2023-2024, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình đào tạo lái xe cho 1.413 học viên, trong đó, tỷ lệ trượt sát hạch lần đầu là 14%; Trường trung cấp Nghề Bình Minh, từ 1/2023-7/2024 có 5.094 học viên dự thi phần thi mô phỏng, trong đó có 463 học viên không đạt… 
 
“Xử lý THGT trên clip mô phỏng là môn học thiết thực đã được đưa vào chương trình đào tạo để giúp người học có kinh nghiệm phòng tránh các tình huống tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, theo tôi, việc đưa môn mô phỏng vào phần thi sát hạch cấp GPLX là chưa hợp lý, vì phần thi này khiến người học hoàn toàn bị áp đặt cách xử lý của người viết phần mềm. Đơn cử, một THGT sắp xảy ra nguy hiểm, đối với người có khả năng nhạy bén sẽ xử lý tình huống vào thời điểm an toàn vừa đủ và trùng với thời gian yêu cầu đạt điểm tối đa theo bài thi. Thế nhưng, đối với người có tính cẩn thận hay lớn tuổi, họ sẽ xử lý sớm hơn một chút và họ chạy chậm lại từ xa. Điều này rất hợp lý trên thực tế nhưng khi áp dụng vào phần thi mô phỏng, với trường hợp này khi chấm điểm sẽ bị đánh trượt”, Trưởng ban Đào tạo lái xe, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình Trần Hải Huấn chia sẻ.
 
Hoa mắt, chóng mặt với cabin điện tử
 
Cùng với phần mềm mô phỏng THGT, theo quy định tại Thông tư 04, từ đầu năm 2023, người thi GPLX phải học thực hành trên cabin điện tử. Học viên muốn có GPLX phải tập lái mô phỏng trên nhiều loại đường, điều kiện thời tiết, THGT khác nhau. Phần học trên cabin thay 3 giờ học thực hành trên xe. Và cũng như phần mềm mô phỏng, nội dung này nhận được nhiều đánh giá là không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho học viên trong quá trình thực hành.
 
Vừa bước xuống từ cabin điện tử, anh Nguyễn Khắc Phong (SN 1983) ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) hiện đang học lớp lái xe B2 tại Trường trung cấp Nghề Bình Minh phải định thần lại một lúc mới tỉnh táo trò chuyện với chúng tôi. Theo cảm nhận của anh, phần học này không hiệu quả, chưa thực sự phù hợp với thực tế nên không giúp nhiều cho học viên trong phát triển kỹ năng lái xe.
 
“Cảm giác khi đạp phanh, quay lái trên xe ô tô rất khác với cabin điện tử. Chưa kể, việc ngồi trong cabin điện tử còn khiến tôi và không ít học viên khác cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, không thể ngồi lâu. Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm tính thực tế, học thực, thi thực, vì vậy thay vì dành thời gian học trên cabin ảo nên chăng tăng thời gian thực hành trên xe thật, đường thật thì hiệu quả sẽ cao hơn”, anh Phong bộc bạch.
Đa số các học viên đều cảm thấy
Đa số các học viên đều cảm thấy "hoa mắt, chóng mặt" khi ngồi thực hành lâu trên cabin điện tử.
Đây là mong muốn của hầu hết người học và cũng là nhìn nhận của các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh. Theo chia sẻ của các cơ sở này, chi phí đầu tư cabin mô phỏng dao động từ 450-600 triệu đồng/máy, tương đương với giá trị của một chiếc ô tô. Để đủ điều kiện, đáp ứng nhu cầu của học viên, nhiều cơ sở dạy lái xe buộc phải chi tiền tỷ để đầu tư cabin điện tử. Ngoài ra, còn phải tốn thêm chi phí vận hành cabin và hạ tầng hoàn thiện đi kèm, như: Đường truyền, điện... Vậy, liệu có lãng phí khi đầu tư nguồn kinh phí lớn như thế cho một thiết bị đào tạo lái xe thiếu tính thực tiễn như cabin điện tử?!
 
Áp lực cho người dạy lẫn học viên
 
Không chỉ riêng phần mềm mô phỏng THGT hay cabin điện tử bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình áp dụng vào thực tế công tác đào tạo, sát hạch lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành (DAT) cũng “sáng nắng, chiều mưa” gây không ít khó khăn, áp lực cho cả người học lẫn giáo viên.
 
Theo quy định, từ ngày 15/6/2022, thiết bị DAT bắt buộc phải lắp trên các xe tập lái, dữ liệu quản lý DAT cũng phải được truyền về máy chủ của cơ sở đào tạo và tự động truyền lên hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam. Sở GTVT căn cứ vào hệ thống dữ liệu này để xét duyệt các học viên có đủ điều kiện (thời gian, số km chạy) tham gia thi sát hạch. Mục tiêu của thiết bị và dữ liệu DAT nhằm giám sát chặt quá trình học thực hành trên đường. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, DAT không phát huy được ưu thế như mong đợi khiến cả người học, cơ sở đào tạo gặp khó khăn.
 
Trước đây, không ít trường hợp “dở khóc, dở cười” khi học viên hoàn thành đủ số km chạy thực hành trên đường (710km đối với thi bằng B1 và 810km đối với thi bằng B2) nhưng khi gửi dữ liệu về trung tâm lại bị lỗi 300-400km thậm chí nhiều hơn. Vậy là cả thầy và trò phải học bù lại số km bị lỗi mới đủ điều kiện thi tốt nghiệp, khi đó học viên phải chịu chi phí xăng xe, học lái phát sinh, còn giáo viên thì mất công, mất sức. Sau khi thiết bị được nâng cấp thì lỗi này đã dần được khắc phục. Tuy nhiên, đối với vấn đề nhận diện học viên thì do chịu tác động của các yếu tố ngoại cảnh nên đến nay vẫn chưa được khắc phục khiến nhiều lúc việc học bị gián đoạn, gây mất thời gian. 
 
“Theo tôi, sử dụng thiết bị DAT để giám sát là cần thiết vì giám sát được thời gian, quãng đường học viên phải học, qua đó, quản lý, ngăn ngừa gian lận, sai phạm trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Nhưng thực tế, trong quá trình áp dụng, thiết bị đã không phát huy hiệu quả như mong muốn, gây áp lực cho không chỉ người học mà cả giáo viên vì phải vừa tập trung hướng dẫn thực hành, vừa phải theo dõi, giám sát thiết bị. Chính vì vậy, rất cần những điều chỉnh phù hợp hơn nữa để phát huy tối ưu tính năng giám sát của thiết bị DAT mà không gây áp lực, khó khăn cho người dạy lẫn người học”, Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề Bình Minh Nguyễn Trường Thanh chia sẻ.
 
Việc đặt ra quy định là nhằm kiểm soát, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, sát hạch, cấp GPLX nhưng nếu chính sách, quy định vô tình trở thành “rào cản” thì việc điều chỉnh là cần thiết. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần lắng nghe ý kiến của những người trong cuộc (cơ sở đào tạo, người học), thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, thiếu sót để có những điều chỉnh hợp lý hơn…
 
Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT, sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, phương tiện và người lái có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2024. Trong đó, các quy định về đào tạo, sát hạch lái xe ô tô được sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn cho học viên nhưng chặt chẽ hơn trong công tác quản lý, như: Học viên được học lý thuyết trực tuyến; thời gian học lái xe ban đêm được tính từ 18 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau; các thông tin GPLX bằng vật liệu PET đã được xác thực trên VNeID cũng được xem là giấy phép hợp lệ…
Tâm An

tin liên quan

Khánh thành công trình "Thắp sáng đường quê" tại xã Hồng Hóa

(QBĐT) - Ngày 31/8, Khối đoàn Tài chính tiền tệ (thuộc Đoàn khối các cơ quan tỉnh) phối hợp với Huyện đoàn Minh Hóa tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại xã Hồng Hóa (Minh Hóa).
 

Khánh thành công trình thanh niên "Sân dụng cụ thể thao sinh hoạt cộng đồng"

(QBĐT)- Ngày 30/8, Huyện đoàn Quảng Trạch tổ chức lễ khánh thành 2 công trình thanh niên "Sân dụng cụ thể thao sinh hoạt cộng đồng" tại xã Quảng Phương và Quảng Kim (Quảng Trạch).

 

Phát triển mạng lưới y tế biển và chuyên ngành cao áp phục vụ cấp cứu biển

(QBĐT) - Chiều 30/8, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai ứng dụng công nghệ y học biển, y học cao áp trong cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị chăm sóc sức khỏe nhân dân cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.