An toàn thực phẩm mùa nắng nóng
(QBĐT) - Thời tiết nắng nóng là thời điểm dễ phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Vì vậy, bảo đảm an toàn sử dụng thực phẩm trong mùa nắng nóng, người dân cần nắm được những kiến thức cơ bản về giữ gìn vệ sinh cũng như cách bảo quản thực phẩm để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Lê Minh Tiến cho biết: Đơn vị thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP cho chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm; hướng dẫn người dân lựa chọn sử dụng cơ sở thực phẩm an toàn, chỉ sử dụng dịch vụ ăn uống tại cơ sở được chính quyền địa phương cho phép bán hàng, có cam kết và bảo đảm điều kiện ATTP; tăng cường phối hợp liên ngành trong quản lý ATTP, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể trong tuyên truyền vận động, giám sát dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm.
Bên cạnh đó, chi cục tăng cường phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; chủ động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở không bảo đảm ATTP theo quy định pháp luật.
Theo số liệu thống kê, Chi cục ATVSTP tỉnh hiện đang quản lý 141 cơ sở sản xuất, 363 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… Từ đầu năm 2024 đến nay, chi cục đã xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm tại các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, chi cục triển khai lấy 188 mẫu thực phẩm và 28 mẫu dụng cụ kiểm nghiệm bằng test nhanh giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm phổ biến tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh, kết quả: 216/216 mẫu âm tính với thuốc thử, chiếm tỷ lệ 100%.
Đồng thời, triển khai 3 đoàn kiểm tra đơn ngành; phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai 2 đoàn kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2024, Tháng hành động vì ATTP 2024 kiểm tra, hậu kiểm 181 cơ sở (trong đó có 61 cơ sở sản xuất, 44 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 76 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống) để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm ATTP, không để các cơ sở dịch vụ ăn uống sử dụng các nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo ghi nhận thực tế, ngoài các chợ kinh doanh truyền thống, thì tại các siêu thị lớn trên địa bàn TP. Đồng Hới chuyên kinh doanh các mặt hàng cá, thịt, các loại hoa quả, rau xanh đều được bày bán ở những vị trí thoáng mát, nhiệt độ từ 18-25oC; thủy sản, hải sản, thịt gia súc, gia cầm đông lạnh được bày bán trong tủ đông ở nhiệt độ 18-23oC; các mặt hàng chế biến sẵn bán trong ngày cũng được bày bán và bảo quản trong tủ mát theo từng nhóm hàng để bảo đảm về quy định ATTP… Các siêu thị thường có kho đông, kho mát cùng hàng chục tủ chuyên dụng trưng bày sản phẩm tại các gian hàng để bảo đảm thực phẩm được bảo quản trong điều kiện tốt nhất.
Giám đốc Siêu thị Co.opmart Quảng Bình Lương Thị Kiều Lan Chi cho biết: Cơ sở chúng tôi luôn bảo đảm các quy định về vệ sinh ATTP; bên cạnh đó tất cả các nhà cung cấp đưa hàng vào siêu thị đều phải đáp ứng được các điều kiện pháp lý nhà nước quy định; quy trình nhận hàng, xuất hàng, ra hàng phải bảo đảm đúng 3 bước theo quy định của Bộ Y tế. Với nguyên liệu đầu vào, chúng tôi chỉ nhập vừa đủ, bán hết trong ngày để bảo đảm thức ăn được tươi ngon, an toàn cho sức khỏe của mọi người.
Thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm rất cao. Vì vậy, việc người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm bảo đảm sức khỏe cho cả gia đình là hết sức quan trọng.
Chi cục ATVSTP tỉnh khuyến cáo: Người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhà hàng… phải lựa chọn những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, khi chế biến thực phẩm cần giữ gìn vệ sinh, rút ngắn thời gian chuẩn bị và phục vụ bữa ăn, phải ăn ngay sau khi nấu xong, bảo quản thức ăn cẩn thận tránh côn trùng, động vật gây hại xâm nhập. Đặc biệt, đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống ngộ độc và các bệnh lây qua đường tiêu hóa, thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh ATTP.
Nhật Dương
(CDC Quảng Bình)