Điểm sáng trong phong trào thi đua giảm nghèo bền vững
(QBĐT) - Với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, cùng quyết tâm cao của toàn thể nhân dân, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) đang từng ngày bứt phá vươn lên, trở thành một điểm sáng trong phong trào thi đua giảm nghèo bền vững…
Khởi sắc nhờ xuất khẩu lao động
Cách đây hơn 10 năm về trước, xã Phúc Trạch được xếp vào danh sách những xã đặc biệt khó khăn của huyện Bố Trạch. Thế nhưng hiện nay, khi đến địa phương này, điều dễ nhận thấy nhất là diện mạo nông thôn ở đây đang từng ngày đổi mới.
Tại các vùng quê nghèo, như: Phúc Khê, Thanh Sen, Chày Lập... trước đây hầu hết nhà cửa của người dân đều lụp xụp thì nay những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Hệ thống đường làng, ngõ xóm được đầu tư đổ bê tông, lắp đặt điện chiếu sáng như những “phố thị”.
Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch Lê Vinh Khánh cho biết, toàn xã có 12 thôn thì 4 thôn Phúc Đồng có khả năng phát triển dịch vụ du lịch, các thôn còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp với diện tích ít ỏi, chủ yếu là cây hoa màu. Trong điều kiện như vậy, địa phương xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững nhất.
Sau 3 năm đi XKLĐ ở Nhật Bản, anh Nguyễn Ngọc Chung (SN 1993, ở thôn 2 Phúc Đồng) đã gửi tiền về cho gia đình xây dựng được một ngôi nhà 2 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi. Gia đình anh Chung trước đây là một trong những hộ nghèo, khó khăn nhất xã Phúc Trạch. Bố anh mất sớm, mẹ anh là người khuyết tật, mất sức lao động. Không để cuộc sống khó khăn, đói nghèo cứ đeo bám mãi, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh Chung tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội vay tiền để đi XKLĐ ở Nhật Bản.
Vốn con nhà nghèo, nên khi qua Nhật Bản, anh tu chí làm ăn, hàng tháng dành dụm đều đặn gửi tiền về cho mẹ. Ở nhà, mẹ anh còn chắt chiu nuôi thêm lợn, gà… nên cuộc sống gia đình được nâng lên rõ rệt. Năm 2023, gia đình anh Chung đã ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo của xã.
Theo ông Lê Vinh Khánh, diện mạo các vùng quê, thôn xóm trên địa bàn xã đổi thay mạnh mẽ trong thời gian qua phần lớn là nhờ con em đi XKLĐ mà có. Với sự định hướng của chính quyền địa phương và sự bứt phá vươn lên của người dân trong công tác giảm nghèo, hàng năm, xã Phúc Trạch có hàng trăm người đi XKLĐ và hiện đang có 1.650 lao động đang làm việc ở nước ngoài.
Từ đầu năm 2024 đến nay, xã Phúc Trạch đã làm hồ sơ cho 227 người XKLĐ ở các thị trường, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Lybia, UEA, Đức, Canada…; trong đó, lao động thu nhập cao nhất khoảng 50 triệu đồng/người/tháng và trung bình xấp xỉ 20 triệu đồng/người/tháng.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương
Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết thêm, song song với XKLĐ, địa phương cũng tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi và phát triển, mở rộng nhiều ngành nghề mới. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: Lạc lai, ngô lai, các loại giống có năng suất cao được nhân rộng.
Trong năm 2023, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND xã Phúc Trạch đã đầu tư gần 800 triệu đồng xây dựng 2 mô hình nuôi gà lai chọi với sự tham gia của 58 hộ dân trên địa bàn xã. Mô hình đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ tham gia, nhiều hộ dân tiếp tục tái đàn, cung cấp nguồn gà chất lượng cho các cơ sở du lịch trên địa bàn.
Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng chỉ đạo trồng mới nhiều diện tích rừng, như: Thông nhựa, keo lai, bạch đàn… đem lại thu nhập cao cho bà con. Đặc biệt, với lợi thế nằm cạnh Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, nhiều hộ dân trên địa bàn xã mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh doanh thương mại, dịch vụ và du lịch. Hiện nay, trên địa bàn xã có các khu du lịch có quy mô lớn, như: Khu du lịch sinh thái suối Đá, Hava-Thung lũng Ngọc Bích, Chày Lập, suối Nước Moọc, động Thiên Đường… góp phần giải quyết việc làm cho trên 300 lao động của địa phương.
Giám đốc Khu du lịch sinh thái suối Đá (thôn 3 Phúc Đồng) Nguyễn Thanh Hải cho biết, được khánh thành và đưa vào hoạt động từ tháng 4/2022, hiện khu du lịch đang giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương với mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, khi suối Đá xây dựng giai đoạn 2, chắc chắn sẽ giải quyết thêm nhiều lao động cho địa phương.
Với những nỗ lực đó, công tác giảm nghèo của xã Phúc Trạch đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nếu như đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo của Phúc Trạch ở mức 12%, đến nay đã giảm xuống còn 6,26% (trung bình mỗi năm giảm 2,5%), theo chuẩn mới. Hiện, xã đang được các cấp thẩm định để công nhận cán đích nông thôn mới. Những “quả ngọt” thu được, có thể khẳng định, công tác giảm nghèo bền vững ở Phúc Trạch đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và của chính người nghèo trên địa bàn xã.
“Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của huyện về công tác giảm nghèo, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phúc Trạch tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Để giảm nghèo nhanh và bền vững, ngoài mũi nhọn đang thực hiện rất thành công là đưa người dân đi XKLĐ, xã chú trọng đào tạo nghề cho lao động địa phương, trong đó tập trung các nghề phục vụ du lịch, dịch vụ, giúp người dân thuận lợi tìm việc ngay tại địa phương…”, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch Lê Vinh Khánh nhấn mạnh. |
Phan Phương