"An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn"

  • 07:25 | Thứ Tư, 01/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là tên gọi của chương trình do Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam phát động từ năm 2022 nhằm chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Từ chương trình, nhiều gia đình ngư dân nghèo trên cả nước nói chung, Quảng Bình nói riêng đã nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng để có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
 
Đã nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Lý (61 tuổi) ở thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh (Quảng Ninh) sống thấp thỏm trong căn nhà cấp 4 đã xập xệ, xuống cấp. Bà bảo: “Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa bão đến, một mình sống trong căn nhà gió lùa tứ phía, tôi lúc nào cũng nơm nớp”. Bà Lý là phụ nữ đơn thân, sống bằng nghề chài lưới ven sông. Nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh nên việc tu sửa lại căn nhà xuống cấp với bà là rất khó chứ chưa nói đến chuyện xây nhà mới.
 
Thấu hiểu hoàn cảnh của bà, qua khảo sát, tìm hiểu, Hội CTĐ tỉnh đã quyết định hỗ trợ bà Lý 50 triệu đồng để xây nhà mới. “Bao năm qua, mong muốn lắm nhưng tôi không có tiền xây nhà mới. Nay được Hội CTĐ tỉnh hỗ trợ xây nhà, tôi không biết nói sao để bày tỏ hết lòng biết ơn. Cùng với số tiền 50 triệu đồng hội hỗ trợ, bà con, họ hàng cũng giúp đỡ thêm để tôi có điều kiện an cư, đỡ tủi thân khi sống một mình lúc tuổi xế chiều”, bà Lý chia sẻ.
 
Ngôi nhà mới của bà Nguyễn Thị Lý cùng với 8 hộ ngư dân khác trên địa bàn tỉnh vừa mới được khởi công xây dựng từ nguồn hỗ trợ của chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”. Trước đó, đã có 2 hộ ngư dân được hỗ trợ xây nhà mới và 6 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Xuất phát từ mong muốn góp phần cải thiện điều kiện lao động, an toàn cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, khích lệ ngư dân vươn khơi bám biển, thời gian qua, Hội CTĐ tỉnh đã tích cực triển khai hiệu quả chương trình, nỗ lực để có thêm nhiều ngư dân được hỗ trợ, giúp đỡ dưới nhiều hình thức.
 
Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, Hội CTĐ tỉnh nhanh chóng xây dựng kế hoạch, báo cáo với các cơ quan chức năng, UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã và các xã hưởng lợi triển khai chương trình; phối hợp với các ngành liên quan vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm đồng hành với chương trình.
Ngoài hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” còn hỗ trợ sinh kế cho ngư dân.
Ngoài hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” còn hỗ trợ sinh kế cho ngư dân.
Căn cứ kết quả khảo sát nhu cầu tại các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, Hội CTĐ tỉnh phối hợp Hội CTĐ các huyện, thị xã tổ chức thu thập thông tin hộ hưởng lợi và cập nhật danh sách 471 hộ chủ tàu, ngư dân trên các tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại 11 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển và các xã ven biển thuộc 5 huyện, thị xã, gồm: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và Ba Đồn đúng theo quy định và yêu cầu của Trung ương Hội.
 
Để việc lựa chọn hộ ngư dân được nhận hỗ trợ từ chương trình bảo đảm công bằng, đúng đối tượng, Hội CTĐ tỉnh đã chỉ đạo các hội cơ sở tổ chức 26 cuộc họp thôn tại 26 thôn của các xã hưởng lợi từ chương trình; thông tin công khai trên loa phát thanh xã về mục tiêu, tiêu chí lựa chọn hộ hưởng lợi và các bước thực hiện.
 
Việc bình xét đối tượng hưởng lợi được thực hiện dân chủ; danh sách niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn; lúc cấp phát đều có dán các pano, áp phích, thông báo về số tiền, định mức hỗ trợ từng hợp phần, mục đích sử dụng khoản tiền hỗ trợ… 100% các hộ gia đình ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được bình xét, đưa vào danh sách phê duyệt hưởng lợi đã được thẩm định theo các tiêu chí của chương trình.
 
Qua thẩm định, 100% hộ hưởng lợi đều đạt các tiêu chí hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở và sinh kế. Kết quả, năm 2022, toàn tỉnh có 6 hộ ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ sửa chữa nhà ở (25 triệu đồng/hộ), 11 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà mới (50 triệu đồng/hộ) và 19 hộ được hỗ trợ bò (trâu) sinh kế (10 triệu đồng/con) với tổng trị giá 890 triệu đồng.
 
Không chỉ được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở an toàn, tạo nguồn sinh kế, những ngư dân nghèo còn được trao tặng bộ áo phao cứu sinh đa năng, được phổ biến kiến thức pháp luật bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tổ chức truyền thông về sơ cấp cứu… Trong năm 2022, hội đã tổ chức trao 200 áo phao cứu sinh đa năng, 120 lá cờ Tổ quốc, 20 túi sơ cấp cứu, 150 suất quà cho bà con ngư dân xã Hải Ninh (Quảng Ninh); trao 900 áo phao cứu sinh đa năng, 120 lá cờ Tổ quốc, 120 túi sơ cấp cứu cho ngư dân TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn và các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch.
 
Bên cạnh đó, hội còn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phổ biến kiến thức pháp luật bảo vệ chủ quyền biển, đảo và chống khai thác hải sản bất hợp pháp; tập huấn kỹ năng cơ bản về cơ cấp cứu cho các ngư dân là các chủ tàu thuyền, thuyền viên tham gia đánh bắt trên biển…
 
“Có thể khẳng định, “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” là chương trình giàu ý nghĩa nhân văn, tạo động lực để ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Chương trình đã tạo được nhiều hiệu ứng tích cực với sự tham gia hỗ trợ, đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của chương trình; tích cực vận động thêm nguồn lực hỗ trợ để có thêm thật nhiều ngư dân nghèo trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ chương trình…”, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Phan Văn Cầu khẳng định.
 
Năm 2022, chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” đã hỗ trợ cho hàng trăm hộ ngư dân trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá gần 2,6 tỷ đồng. Khoản tiền hỗ trợ của chương trình đã giúp cho các hộ hưởng lợi chi trả trực tiếp hoặc hoàn trả các chi phí mua lương thực, thực phẩm, sản xuất, chăn nuôi và sửa chữa, xây dựng nhà ở bảo đảm an toàn.
Tâm An

tin liên quan

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng Ba tới

Trong tháng Ba tới, một số chính sách mới có hiệu lực, trong đó có các chính sách về nhân sự và việc làm, hộ chiếu phổ thông, quản lý và thu chi tiền công đức.

Nhịp cầu nối doanh nghiệp và người lao động

(QBĐT) - Khi thị trường vẫn khan hiếm lao động đáp ứng được nhu cầu, hàng nghìn người lao động thất nghiệp, không tìm kiếm được việc làm phù hợp thì những phiên giao dịch việc làm chính là cầu nối hiệu quả để giải quyết những nỗi lo này.

Hội nghị định hướng dự án VIE071 tại Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 28/2, Ban đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Tổ chức hỗ trợ NCT Quốc tế tại Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến định hướng dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khoẻ của NCT tại Việt Nam".