35 NĂM SỰ KIỆN GẠC MA, QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA (14/3/1988-14/3/2023)

Những người về từ biển

  • 07:18 | Thứ Ba, 14/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Gần đến ngày 14/3, đúng 35 năm diễn ra sự kiện bi tráng Gạc Ma, Cô Lin, cựu chiến binh (CCB) Trường Sa Nguyễn Văn Thống (xã Nhân Trạch, Bố Trạch) áo quần chỉnh tề, đi tìm thăm những gia đình đồng đội, đồng chí mình để hẹn nhau thắp nén hương lòng nơi phía biển cho các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma, Cô Lin mãi mãi nằm lại với biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc.
 
Vẫn lựa chọn lời thề quyết tử
 
Trong 64 liệt sỹ hy sinh bảo vệ chủ quyền Gạc Ma, Cô Lin, quần đảo Trường Sa, tỉnh Quảng Bình có 13 liệt sỹ, trong đó có Anh hùng, liệt sỹ Trần Văn Phương, phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn). Có 3 người trong tổng số 9 người bị phía Trung Quốc bắt làm tù binh đều cùng quê Bố Trạch là Nguyễn Văn Thống (Nhân Trạch), Lê Văn Đông (Tây Trạch), Mai Xuân Hải (Liên Trạch).
 
Về sự kiện bi tráng Gạc Ma, Cô Lin, những người lính trực tiếp tham gia giữ đảo vẫn nhớ trọn vẹn, “khắc cốt ghi tâm” cho dù thời gian trôi qua tròn 35 năm. CCB Nguyễn Văn Thống bảo: “Trọn cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên ký ức màu đỏ rực máu của đồng đội tôi ở Gạc Ma. Sự bi tráng của những người lính giữ đảo Gạc Ma, Cô Lin trên tay chỉ có cuốc, xẻng đối đầu với kẻ thù trang bị vũ khí hiện đại, chúng lạnh lùng xả súng tắm máu bộ đội giữ đảo. Thế nhưng người này ngã xuống, lớp khác xông lên, quyết tâm giữ vững lá cờ Tổ quốc thiêng liêng”.
CCB Gạc Ma Nguyễn Văn Thống (bên trái) và Mai Xuân Hải.
CCB Gạc Ma Nguyễn Văn Thống (bên trái) và Mai Xuân Hải.
CCB Mai Xuân Hải lục tìm trong chiếc tủ nhỏ đưa cho tôi xem tấm giấy báo tử của chính anh. Giấy báo tử được Trung đoàn 83, Bộ Tư lệnh Hải quân lập vào ngày 10/11/1988, tức là 7 tháng sau khi xảy ra sự kiện Gạc Ma, Cô Lin. “Ba anh em chúng tôi bị phía Trung Quốc bắt làm tù binh. Đơn vị và gia đình cứ đinh ninh chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại với sóng nước Trường Sa nên lập bàn thờ, lấy ngày 14/3 hàng năm làm ngày giỗ”.
 
Ngày 6/1/1989, liệt sỹ Gạc Ma Trần Văn Phương được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Tháng 5/1992, anh được đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc sau khoảng thời gian 4 năm 2 tháng ở Trường Sa. 10 năm sau, khởi đầu từ năm 2012, cứ đến ngày 14/3, đồng đội, thân nhân liệt sỹ Gạc Ma đều hội ngộ trước phần mộ Anh hùng, liệt sỹ Trần Văn Phương để làm lễ tri ân, tưởng nhớ 64 anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
“Nếu còn sức khỏe, nếu đất nước cần, chúng tôi, những người lính Gạc Ma, Cô Lin năm xưa vẫn thủy chung với lời thề quyết tử, sẵn sàng ra cùng biển, đảo”, thay mặt đồng đội, CCB Gạc Ma Lê Hữu Thảo (Hà Tĩnh) bày tỏ.
 
Còn sống là còn tìm nhau
 
CCB Nguyễn Văn Thống nói lời “gan ruột” với đồng đội Mai Xuân Hải và Lê Văn Đông như vậy: “Mình may mắn hơn nhiều người mãi mãi nằm lại nơi sóng nước Trường Sa. Còn sức khỏe là còn tìm nhau, để tri ân đồng chí, đồng đội mình như ngày xưa chúng ta tìm nhau trên biển, rồi tìm nhau, đoàn kết để chiến thắng tất cả mọi âm mưu của kẻ thù lúc bị giam cầm để được trở về với gia đình, quê hương”.
 
Nhớ lại sự kiện Gạc Ma 35 năm về trước, CCB Nguyễn Văn Thống kể: “Tôi đang chuyển hàng trên tàu HQ604 thì bị lính Trung Quốc bắn bị thương ở chân, hỏng một mắt, cơ thể găm đầy mảnh đạn, sau đó thì rơi xuống biển. Bám vào một miếng gỗ rồi cứ thế mặc cho sóng biển đưa đi. Một lúc sau thì phát hiện có người trôi lênh đênh giống mình.
CCB Gạc Ma và bà Hồ Thị Đức (mẹ Anh hùng, liệt sỹ Trần Văn Phương) trong một lễ tri ân các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma tổ chức vào ngày 14/3 hàng năm tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc (TX.Ba Đồn).
CCB Gạc Ma và bà Hồ Thị Đức (mẹ Anh hùng, liệt sỹ Trần Văn Phương) trong một lễ tri ân các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma tổ chức vào ngày 14/3 hàng năm tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn).
Đó là Lê Văn Đông. Gặp nhau, cả hai cùng bơi sát nhau, trao đổi địa chỉ với nhau để nếu lỡ một trong hai người còn sống thì có trách nhiệm thông báo cho gia đình người kia. Lúc đó chúng tôi xác định đằng nào cũng chết. Đến chiều tối thì tàu Trung Quốc thấy và vớt lên, lúc đó trên tàu còn thêm 7 đồng đội, trong đó có Mai Xuân Hải”.
 
Năm 1991, 9 người lính đảo Gạc Ma bị phía Trung Quốc bắt giữ, cầm tù tại bán đảo Lôi Châu (TP. Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông) mới được trao trả về Việt Nam sau 3 năm, 5 tháng, 15 ngày.
 
Tại tỉnh Quảng Bình, những năm đầu mới đoàn tụ cùng gia đình, 3 người lính Gạc Ma Nguyễn Văn Thống, Mai Xuân Hải, Lê Văn Đông ít có cơ hội gặp nhau, phần vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bản thân mang nặng vết thương, sức khỏe giảm sút do khoảng thời gian bị giam cầm, phần vì khoảng cách địa lý xa xôi, đường sá đi lại khó khăn, cách trở.
 
“Nhờ có sự kiện tri ân các anh hùng liệt sỹ tổ chức hàng năm tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc, nơi có phần mộ Anh hùng, liệt sỹ Trần Văn Phương, chúng tôi mới có cơ hội tìm đến với nhau và duy trì đều đặn cho đến tận ngày hôm nay”, CCB Gạc Ma Nguyễn Văn Thống cho biết.
 
Lễ tri ân các anh hùng liệt sỹ nhân 35 năm sự kiện Gạc Ma, Cô Lin (14/3/1988-14/3/2023) được tổ chức tại bãi biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh) với hoạt động chính là thả hoa đăng trên biển; tặng quà cho gia đình thương binh, liệt sỹ Gạc Ma. Trước đó, những người lính Gạc Ma viếng, thắp hương lên phần mộ Anh hùng, liệt sỹ Trần Văn Phương tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn).
 
Ngô Thanh Long

tin liên quan

Gương thanh niên Công an xã xuất sắc

(QBĐT) - Với sự nhiệt huyết, xung kích của tuổi trẻ, trung úy Ngô Thanh Hà (SN 1996, xã Cảnh Dương, Quảng Trạch), Phó trưởng Công an xã Quảng Phú (Quảng Trạch) luôn có nhiều ý tưởng sáng tạo, nỗ lực trong công tác và xuất sắc nhận được nhiều quyết định khen thưởng từ cấp huyện, Công an tỉnh và Bộ Công an. Anh là cá nhân duy nhất của tỉnh được vinh dự đề nghị Bộ Công an tuyên dương thanh niên Công an xã có thành tích xuất sắc năm 2022.

Phát huy vai trò người dân trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu

(QBĐT) - Cuối năm 2022, cán bộ và nhân dân khu phố 2 (KP2), phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn) vui mừng đón nhận thành quả hoàn thành các mục tiêu giai đoạn đầu của mô hình điểm xây dựng "Khu dân cư đô thị văn minh kiểu mẫu".

Toàn tỉnh giảm gần 1.400 người tham gia BHXH tự nguyện

(QBĐT) - Theo báo cáo của cơ quan BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 2/2023, toàn tỉnh có 30.893 người tham gia BHXH tự nguyện, giảm 1.359 người so với tháng 1/2023.