Người bác sĩ của dân bản

  • 07:26 | Thứ Hai, 27/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bác sĩ Hồ Puôn (SN 1977), người con của dân tộc Bru-Vân Kiều đã chinh phục thành công ước mơ trở thành người thầy thuốc của đồng bào vùng biên giới. Hiện là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trường Sơn (Quảng Ninh), bác sĩ Hồ Puôn đang ngày đêm tận tâm đóng góp sức mình để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân miền núi.
 
Ông Nguyễn Văn Nhì, Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn cho biết: Bác sĩ Hồ Puôn là người dân tộc Bru-Vân Kiều đầu tiên của xã được đào tạo bài bản về nghề bác sĩ. Tốt nghiệp ra trường anh Hồ Puôn đã trở về phục vụ quê hương, tận tình với công việc, hết lòng vì bà con dân bản.
 
Về xã biên giới Trường Sơn, nhắc đến bác sĩ Hồ Puôn, người dân nơi đây và cả đồng nghiệp của anh đều thể hiện sự trân quý về một bác sĩ tận tâm, tận tụy với nghề. Ấn tượng đầu tiên khi gặp anh là sự điềm đạm, nhẹ nhàng, giản dị và rất gần gũi. Anh Hồ Puôn kể: Năm 1992, học xong lớp 5, cả xã vùng biên này chỉ có mình anh khăn gói xuống trường dân tộc nội trú để tiếp tục tìm con chữ.
 
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh được cử tuyển vào ngành Lâm nghiệp. Nhưng học được gần 1 năm, thấy không phù hợp nên anh đã chuyển hướng “chinh phục” nghề bác sĩ. Sau những năm tháng miệt mài đèn sách tại Trường đại học Y Thái Nguyên với chuyên ngành bác sĩ đa khoa, năm 2008, anh tốt nghiệp và về công tác tại Phòng Y tế huyện Quảng Ninh.
 
Mặc dù công tác ở trung tâm huyện nhưng bác sĩ Hồ Puôn vẫn thường xuyên vượt hơn hàng chục cây số về nhà vào những ngày cuối tuần. Anh về nhà không phải để nghỉ ngơi mà tranh thủ đi thăm khám, chữa bệnh cho bà con dân bản. Anh đến từng nhà hỏi thăm động viên và thường xuyên khuyên bà con dân bản mỗi khi đau ốm nên đến trạm y tế để được khám và điều trị. Thương bà con và để thực hiện ước mơ từ thuở nhỏ của mình, năm 2015, anh đề đạt nguyện vọng được về công tác tại Trạm Y tế xã Trường Sơn. Từ đó, đồng bào nơi đây đã quen thuộc với hình ảnh bác sĩ Bru-Vân Kiều chu đáo với người bệnh.
Bác sĩ Hồ Puôn đến tận nhà khám bệnh cho bà con dân bản.
Bác sĩ Hồ Puôn đến tận nhà khám bệnh cho bà con dân bản.
Anh Hồ Ngọc Dũng, xã Trường Sơn cho biết:“Lúc bà con đau ốm bác sĩ Hồ Puôn rất quan tâm, bất kể ngày đêm đến tận nhà khám bệnh và động viên mọi người. Bác sĩ còn hướng dẫn cách tự chăm lo sức khỏe tại nhà, uống thuốc đều đặn để bảo đảm sức khỏe mà lên nương rẫy. Bản thân tôi cũng như bà con ở đây rất vui và tin tưởng bác sĩ Hồ Puôn”.
 
Y sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung, Trạm Y tế xã Trường Sơn chia sẻ: Bác sĩ Hồ Puôn sinh ra và lớn lên ở đây, anh rất thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn về kinh tế cũng như các phong tục của đồng bào, nên anh luôn đặt tâm huyết vào công tác khám, chữa bệnh. Hàng tháng, hàng quý, anh tham mưu phối hợp với Đồn Biên phòng Làng Mô cũng như chỉ đạo cán bộ, nhân viên trạm hướng đến các bản xa để khám chữa bệnh cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Trong công việc hàng ngày tại trạm, bà con rất tin tưởng vào "tay nghề" của anh, anh sống tình cảm, giản dị và chân thành, luôn chỉ bảo đồng nghiệp tận tình.
 
Do địa hình cách trở nên công tác khám, chữa bệnh cho đồng bào gặp rất nhiều khó khăn. Để khám định kỳ cho bà con, anh và đồng nghiệp phải vượt hàng chục km đường bộ, đặc biệt là hành trình vào bản Dốc Mây. Bản làng này tách biệt với bên ngoài, chưa có đường giao thông, muốn vào bản phải đi bộ, lội suối, luồn rừng vô cùng hiểm trở.
 
Trước đây, vì dân trí còn thấp nên người dân cho rằng nguyên nhân của bệnh tật là do ma thuốc độc, ma rừng... và dùng các cách chữa trị dân gian, bệnh tình không khỏi, mà còn trở nặng hơn. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền, Bộ đội Biên phòng cùng lực lượng y tế trong việc nâng cao dân trí và chủ động tiếp cận để người dân được chăm sóc y tế, nên bà con ngày càng tin tưởng vào cách chữa bệnh hiện đại, dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.
 
Trong 6 năm về công tác tại Trạm Y tế xã Trường Sơn, bác sĩ Hồ Puôn luôn cố gắng để không xảy ra sai sót về chuyên môn, cũng chưa một lần khiến bệnh nhân, bà con dân bản phải phiền lòng về tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc. Đặc biệt, trong các năm 2020, 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, anh đã chủ động tham mưu với Đảng ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã đề ra phương án phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trên địa bàn.
 
Đến nay, Trạm Y tế xã Trường Sơn đã thực hiện trên 80% các dịch vụ kỹ thuật có trong quy định phân tuyến kỹ thuật, danh mục kỹ thuật trong khám, chữa bệnh hiện hành và bảo đảm việc thực hiện sơ cứu, cấp cứu thông thường theo đúng quy định của Bộ Y tế. Chất lượng khám, chữa bệnh đã được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn.
 
“Từ khi về công tác ở trạm y tế xã, bác sĩ Hồ Puôn đã làm thay đổi được nhận thức của đồng bào, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trước đây, ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ của y học, bà con lúc ốm đau đã tự nguyện đến trạm y tế chữa trị. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trường Sơn hết sức ghi nhận những đóng góp của bác sĩ Hồ Puôn. Hình ảnh đẹp về người con của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều làm bác sĩ đã gieo “hạt giống tâm hồn” cho con em các bản làng noi theo”, Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì chia sẻ.
Thành Trung
(CDC Quảng Bình)

tin liên quan

Tăng cường bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - Ngày 21/2, UBND tỉnh ban hành Công văn số 211/UBND-XDCB về việc tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

Vinh danh cựu lãnh đạo ngành Đông y Quảng Bình

(QBĐT) - Sáng 25/2, nhân kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2), Hội Đông y tỉnh tổ chức lễ tổng kết công tác Chi hội Văn phòng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và vinh danh cựu lãnh đạo ngành Đông y Quảng Bình. 
 

Ân tình với quê hương

(QBĐT) - Dù kinh qua chức vụ gì, ở đâu, với vị Tư lệnh đường Trường Sơn huyền thoại, quê hương luôn là nơi đau đáu để hướng về.