Gượng qua... số phận

  • 06:46 | Thứ Sáu, 01/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thấy có khách lạ vào nhà, anh tập tễnh bước ra với dáng điệu khó khăn. Mỗi bước đi, anh cố vịn vào vách gỗ bởi nếu không có một điểm tựa, anh có thể ngã bất cứ lúc nào.
 
Âm thầm chịu đựng bệnh tật
 
Ngôi nhà tuềnh toàng được làm bằng ván tạm bợ tứ bề, mái lợp phibờrô ximăng rộng chưa tới 20m2. Xung quanh tường và trần nhà được căng thêm lớp nilon và bạt phòng khi mưa gió. Nhưng lúc trời mưa, nước vẫn không ngừng tuôn xuống.
 
Hôm chúng tôi đến, dù trời không mưa, nhưng nhà vẫn để sẵn mấy vật dụng hứng nước mưa. Khó có thể hình dung, 4 con người ấy đã sinh sống, chen chúc trong ngôi nhà tạm bợ, chật chội ấy suốt hơn chục năm qua. Gia chủ nói như thanh minh: “Chỉ vì ốm đau, bệnh tật mà sinh ra nông nỗi này. Ai cũng muốn có một ngôi nhà, dù không to đẹp khang trang, thì cũng là nơi đi chốn về đàng hoàng, che được nắng, mưa”.
 
Cho đến giờ đây, anh Nguyễn Văn Huy (SN 1981) ở thôn Tân Tiến, xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) vẫn chưa gượng dậy được sau đợt mưa gió trái mùa vừa rồi. Suốt 12 năm nay, căn bệnh thoái hóa khớp xương chậu và 3 đốt sống lưng đã đánh gục người đàn ông mới hơn 40 tuổi đời này. Năm 2010, sau khi lập gia đình được ít năm, bỗng một ngày, anh Huy thấy phần lưng dưới trở nên ê ẩm, đau nhức, tê buốt và cả người mình cứng đơ lại. Ban đầu, anh cũng nghĩ chỉ là bệnh đau lưng thông thường. Nhưng cơn đau ngày càng dữ dội hơn. Những lúc đó, phần lưng dưới của anh như có ai dùng dao nhọn chọc, xoáy vào từng đốt sống. Đôi chân anh cũng teo lại, yếu dần và rất khó di chuyển. Mỗi khi bước đi, anh phải chống gậy.
 
Không thể chịu đựng được nữa, vợ chồng anh gom góp số tiền ky cóp, tằn tiện suốt mấy năm xuống bệnh viện để khám. Bác sĩ bảo anh bị thoái hóa khớp xương chậu và 3 đốt sống lưng. Chữa trị được một thời gian, cơn đau có giảm. Nhưng về đến nhà, căn bệnh lại tái phát. Lần này, vợ chồng anh lại dìu nhau đi Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh).
 
Ngày lên xe đi, bố mẹ anh phải bán 3 con bò để anh có tiền đi chạy chữa. Sở dĩ, anh phải lặn lội vào TP. Hồ Chí Minh là bởi anh có 3 người em đang làm công nhân ở gần đó, có gì còn có chỗ trông nhờ. Nhưng vào đây, bác sĩ bảo muốn khỏi bệnh thì chỉ còn cách thay khớp xương chậu, chi phí phải mất đến mấy trăm triệu đồng. Nghe qua khoản tiền khổng lồ đó, anh Huy chỉ muốn quay về, còn có ra sao thì đành chịu. Ở lại điều trị một thời gian, anh bảo vợ đưa về nhà và từ đó âm thầm chịu đựng sự hành hạ của bệnh tật, coi như là số phận định sẵn.
Ngôi nhà tuềnh toàng được thưng ván tạm bợ tứ bề, rộng chưa tới 20m2 là nơi sinh sống của 4 người suốt hơn 10 năm qua.
Ngôi nhà tuềnh toàng được thưng ván tạm bợ tứ bề, rộng chưa tới 20m2 là nơi sinh sống của 4 người suốt hơn 10 năm qua.

Không dám đi bệnh viện

Trong câu chuyện kể, người đàn ông ấy đã nhiều lần cố nuốt nước mắt vào trong. Có lúc anh gượng cười như thể muốn quên đi nỗi đau, cái nghèo và sự bất lực, vì không thể là trụ cột để lo lắng cho gia đình, vợ con. Nhưng điều anh không thể giấu là đôi chân ngày càng teo quắt lại, dáng đi cứng đơ, tập tễnh như đang phải mang trên vai gánh nặng quá sức chịu đựng của cơ thể.
 
Anh cũng đã cố gượng dậy, mỗi khi có thể làm được việc gì đó đỡ đần vợ con. Trận mưa vừa rồi khiến hơn 1 sào lúa của gia đình bị đổ rạp hết cả. Thấy xót quá, anh cố gắng ra ruộng, vừa chống gậy, vừa dựng lúa nhưng cái lưng cứng đơ bất lực và đôi chân không chịu theo sự điều khiển của anh.
 
Từ ngày đổ bệnh, một mình vợ anh phải cáng đáng tất tật chuyện kinh tế, cơm áo gạo tiền, rồi cả việc chăm sóc cho anh. “Kể ra nếu có được ít đất rừng, ky cóp vài mùa thu hoạch, thì cũng không đến nỗi nào. Nhưng thế hệ trẻ như vợ chồng tôi, đất rừng đều đã có chủ. Thành thử, vợ phải đi làm thuê suốt. Mà ở xứ núi rừng này, việc làm đâu phải lúc nào cũng có sẵn. Mùa nào thức nấy, ai kêu gì làm đó. Đến mùa trồng rừng thì đi trồng rừng. Chỉ có đi trồng rừng thuê cho người ta, ngày công mới đỡ hơn một chút (250 nghìn đồng/ngày). Còn mấy việc nặng nhọc như bốc vác keo tràm, ngày công cao hơn thì không làm nổi”, anh Huy kể.
 
Giờ đây, anh chỉ làm được mỗi một việc “có ích” cho vợ con là chèo thuyền thả lưới bắt cá trên sông. Chút cá vụn anh kiếm được cũng giúp cho gia đình cải thiện chút thức ăn tươi trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Nhưng việc làm này cũng thi thoảng vào những lúc anh không bị cơn đau hành hạ, không phải chịu cảnh trái gió trở trời. Vả lại, lúc trời mưa gió, nếu không đau thì anh cũng đành chịu bó chân ở nhà, vì lỡ như nước lớn, chảy xiết, nếu có bề gì thì anh không thể bơi lội (dù trước đây anh bơi lội được), tự xoay xở được với cái thân thể cứng đơ này.  
 
Nhiều lúc đau quá, anh Huy cũng không dám đi bệnh viện, vì sợ tốn tiền và cũng vì không có tiền. Chỉ lúc nào không chịu đựng nổi, anh mới đi bệnh viện lấy thuốc uống. “Bệnh của mình, mình biết, không thể chữa được nên chỉ uống thuốc để giảm bớt cơn đau. Thôi thì gắng được ngày nào hay ngày đó vậy”, nói rồi anh ngập ngừng kể: “Con bé lớn năm nay đã học xong lớp 9. Nó học cũng được lắm. Năm nào cũng có giấy khen. Sang năm, nó vào cấp 3, thằng cu em cũng vào lớp 1. Nhưng chắc, phải để con bé nghỉ học, để còn thằng em nữa... Chứ giờ đây, một mình vợ đi làm không thể đảm đương nổi”. Nói rồi anh ngoảnh mặt ra ngoài như cố giấu đi nỗi uất nghẹn và nỗi đau của một người cha, người chồng bất lực trước số phận và bệnh tật.
 
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) Trần Thị Hồng Thanh cho biết: “Nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã, dù ở nhà không kiên cố, nhưng vẫn có nơi che mưa, che nắng. Còn hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Văn Huy ở thôn Tân Tiến thì đặc biệt vất vả. Bản thân anh bị bệnh tật nhiều năm nay, không làm được việc gì, chỉ có người vợ đi làm để nuôi sống cả gia đình. Vì vậy, kiếm cái ăn, cái mặc còn khó khăn huống gì làm nhà. Chỉ thương cho 2 đứa con của anh còn đang tuổi ăn tuổi học, nhưng không có được điều kiện tối thiểu như những đứa trẻ khác. Với cô bé học lớp 9, địa phương và nhà trường cũng đã quan tâm cấp học bổng, nhưng đó cũng chỉ là một phần nhỏ không đủ để bù đắp cho những khó khăn cháu đang gặp phải”.

 

Mọi liên hệ, hỗ trợ của các nhà hảo tâm xin thông qua số điện thoại: Anh Nguyễn Văn Huy, 0918.052.534 hoặc tài khoản hoạt động từ thiện của Báo Quảng Bình, số TK: 128000000559-Ngân hàng TMCP Công thương-Chi nhánh Quảng Bình. 

Dương Công Hợp

tin liên quan

Cảnh sát giao thông kịp thời giúp đỡ hai cháu bé bị lạc đường về nhà

(QBĐT) - Hai cháu bé bị lạc đường trong đêm tối, rất may được lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện kịp thời và hỗ trợ đưa về nhà an toàn.
 

Hội thảo khởi động dự án Bảo tồn bền vững loài vượn Siki tại Việt Nam

(QBĐT) - Sáng 30/6, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt phối hợp với UBND huyện Quảng Ninh tổ chức hội thảo khởi động dự án Bảo tồn bền vững loài vượn Siki tại Việt Nam: Tăng cường năng lực và hợp tác hành động.

Chủ động ứng phó với bão số 1 trên Biển Đông và mưa lũ tại Bắc Bộ

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão.