Chung tay đẩy lùi nạn mua bán người

  • 08:58 | Thứ Bảy, 30/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, tình hình tội phạm mua bán người (MBN) diễn ra hết sức phức tạp. Để không trở thành nạn nhân của tội phạm MBN hoặc tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội, trước hết bản thân mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân.
 
Huy động tổng lực phòng, chống MBN
 
Ở Việt Nam, tội phạm MBN, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em những năm gần đây có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đa số các vụ MBN đều do những đường dây tội phạm thực hiện, có sự câu kết, móc nối chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước với nhiều thủ đoạn, như: Hứa hẹn việc làm, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi. Thời gian gần đây, đã xuất hiện cả những vụ mua bán đàn ông, học sinh, trẻ sơ sinh, nội tạng, đẻ thuê...
 
Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm MBN, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm, trùng với ngày Liên hợp quốc chọn, làm “Ngày toàn dân phòng, chống MBN”, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm MBN trên phạm vi toàn quốc.
Học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp tổ chức chương trình ngoại khoá truyền thông “Di cư an toàn và phòng, chống mua bán người”.
Học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp tổ chức chương trình ngoại khoá truyền thông “Di cư an toàn và phòng, chống mua bán người”.

Theo thống kê, ở Việt Nam, từ năm 2015-2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ MBN, gần 1.700 đối tượng, lừa bán gần 3.000 nạn nhân. Nạn nhân chủ yếu bị bán sang các nước láng giềng, còn lại là đưa sang các nước khác thông qua đường hàng không hoặc đường biển.

Nhằm thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại nạn MBN, ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống MBN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
 
Đây là một chủ trương mang tính chiến lược, hoạch định đồng bộ các giải pháp, huy động tổng lực sự tham gia của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương vào công tác phòng, chống MBN. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân; kịp thời và khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm, giảm nguy cơ MBN; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống MBN; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
 
Chủ động nhưng không chủ quan
 
Ở Quảng Bình, những năm gần đây, số vụ MBN và số nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh tuy không nhiều nhưng diễn biến khá phức tạp. Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng tỉnh, giai đoạn 2016-2020, có 252 trường hợp bị dụ dỗ vượt biên trái phép đi làm việc tại các cơ sở dịch vụ nhạy cảm, đi lao động thời vụ tại nước ngoài và kết hôn có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, số người di cư trái phép ra nước ngoài lao động, tìm việc làm có nguy cơ bị mua bán cũng tăng cao.
 
Năm 2021, toàn tỉnh không xảy ra vụ MBN nào và không có nạn nhân nào bị mua bán trở về. Tuy nhiên, số người có nguy cơ cao nhất là phụ nữ hoạt động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, người di cư trái phép..., tiềm ẩn nguy cơ để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi MBN nhằm mục đích bóc lột tình dục, sức lao động.
Nền tảng
Nền tảng "Em vui" giúp đỡ các em dân tộc thiểu số trang bị kiến thức và kỹ năng để có thể chủ động và tự tin phòng tránh tảo hôn và nạn mua bán người.

Nhiều nạn nhân của tội phạm MBN có nguy cơ cao nguy hiểm về tính mạng. Gần đây nhất, tháng 10/2019, trong vụ 39 nạn nhân bị chết trên xe container khi nhập cảnh trái phép vào Anh, riêng tỉnh Quảng Bình có 3 nạn nhân (TP. Đồng Hới 1 người và Bố Trạch 2 người).

Nhằm phòng ngừa chủ động tội phạm MBN, hàng năm, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh thường xuyên ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống MBN (30/7)” bảo đảm thực hiện có hiệu quả, thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong xã hội về phòng, chống MBN; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm MBN; kịp thời cập nhật, thông báo phương thức, thủ đoạn, phổ biến văn bản pháp luật liên quan đến tội phạm MBN, góp phần làm giảm nguy cơ, đẩy lùi tội phạm MBN và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.
 
Theo đại tá Phan Đăng Tĩnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, để chủ động phòng, chống tội phạm MBN, Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai các mặt công tác phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, nhất là ở các tuyến, địa bàn trọng điểm; phát huy vai trò của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội ở địa bàn cơ sở để tuyên truyền nâng cao cảnh giác, tự giác cho người dân phòng, chống MBN…
 
Phòng ngừa từ cộng đồng
 
Để phòng ngừa hiệu quả, tránh tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm MBN hoạt động, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự cảnh giác của người dân, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên và đồng bào ở vùng sâu, khu vực biên giới.
 
Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, nhiều chương trình, hoạt động được tổ chức hiệu quả, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng để phòng, chống tội phạm MBN. Trong đó, phải kể đến chương trình phối hợp của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội với Dự án World Vision International và Dự án IOM tại Việt Nam triển khai dự án “Đấu tranh chống MBN và nô lệ thời hiện đại”.
Chương trình ngoại khóa “Di cư an toàn và phòng, chống mua bán người” của Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Chương trình ngoại khóa “Di cư an toàn và phòng, chống mua bán người” của Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Các hoạt động tạo cơ hội giúp người dân, cộng đồng có nguy cơ cao với nạn MBN được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, góp phần giải quyết tình trạng MBN và nô lệ thời hiện đại...Hay như nền tảng "Em vui", một hoạt động trong khuôn khổ dự án "Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về MBN và tảo hôn thông qua công nghệ số".
 
Đối tượng đích của dự án là 17.200 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 10- 24 tuổi. Riêng tại tỉnh Quảng Bình, dự án được triển khai trên địa bàn 3 huyện, gồm 10 xã với mục đích giúp đỡ các em dân tộc thiểu số trang bị kiến thức và kỹ năng để có thể chủ động và tự tin phòng tránh tảo hôn và nạn MBN.
 
Đầu tháng 5/2022, Hội LHPN tỉnh, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức chương trình ngoại khóa giáo dục pháp luật “Di cư an toàn và phòng, chống MBN”. Chương trình thu hút hàng trăm em học sinh tham gia, điều đặc biệt là toàn bộ kịch bản, các tiểu phẩm trong chương trình đều tự các em lên kế hoạch và thể hiện.
 
Thầy giáo Nguyễn Văn Tường, Bí thư Đoàn trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp cho biết, các kiến thức về phòng, chống MBN được các em sân khấu hóa, chuyển tải trực quan, sinh động cuốn hút người xem. Đặc biệt, cùng với việc thể hiện tiểu phẩm, học sinh còn được tham gia trả lời câu hỏi do ban tổ chức đưa ra liên quan đến các nội dung về nguyên nhân dẫn đến nạn MBN, các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm MBN, hình thức xử lý về tội MBN, di cư trái phép...
 
Thầy giáo Nguyễn Văn Tường cùng cho hay, qua buổi ngoại khóa, các em học sinh không những được bổ sung kiến thức về phòng, chống tội phạm MBN mà còn được trang bị thêmkỹ năng trong cuộc sống, nhất là với các em đang có dự định đi du học, lao động ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp THPT để có thể đưa ra quyết định di cư sáng suốt...
 
Theo khuyến cáo của các lực lượng chức năng, thủ đoạn của các đối tượng MBN chủ yếu lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ, cả tin, sự mất cảnh giác của nạn nhân để lừa bán ra nước ngoài. Bởi vậy, để không trở thành nạn nhân của tội phạm MBN, trước hết bản thân mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, tự bảo vệ mình và người thân.
 
X.Phú

tin liên quan

Chăm lo đời sống người có công, gia đình chính sách

(QBĐT) - Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", cùng với nhiều chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước, những năm qua, huyện Bố Trạch luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho người có công (NCC), hỗ trợ các gia đình chính sách.

Phấn đấu 70% hộ gia đình thực hiện nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình Việt Nam

(QBĐT) - Ngày 29/7, Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình Việt Nam. 

Tập huấn về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ

(QBĐT) - Sáng 29/7, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.