Chủ động ứng phó sự cố môi trường mùa mưa bão

  • 09:01 | Thứ Bảy, 30/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mùa mưa, bão năm 2022 đang đến gần. Theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, thiên tai, bão, lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Phóng viên (PV) Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Xuân Hào, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường thời điểm trong và sau mưa bão, lũ lụt trên địa bàn tỉnh.
 
PV: Là địa phương thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, bão, lũ xin ông cho biết về thực trạng công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của tỉnh trong những năm vừa qua?
 
Ông Phan Xuân Hào: Những năm qua, để tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh, Sở TN-MT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn công tác vệ sinh môi trường (VSMT) trong mùa mưa lũ; đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị quản lý cảng, hướng dẫn về công tác VSMT và công tác phòng ngừa, ứng phó nguy cơ sự cố tràn dầu trong mùa mưa bão.
 
Sở TN-MT cũng đã tham mưu UBND tỉnh tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ BVMT Trung ương để mua hóa chất xử lý nước giếng, hóa chất khử khuẩn (Cloramin B, PAC) chuyển về cho phòng TN-MT các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời cấp phát cho người dân khi lũ rút, kèm theo hướng dẫn cách sử dụng hóa chất bảo đảm an toàn. Sau khi lũ rút, Sở TN-MT đã thành lập các tổ công tác về các địa phương, phối hợp với phòng TN-MT xuống một số xã, trực tiếp hướng dẫn người dân xử lý khử khuẩn nước giếng bảo đảm an toàn cho sử dụng.Công tác VSMT, thu gom và xử lý bùn đất, rác thải, xử lý gia súc, gia cầm chết sau lũ lụt cũng đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, đồng loạt ra quân thực hiện.
 
PV: Những khó khăn, vướng mắc gặp phải khi thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh là gì, thưa ông?
 
Ông Phan Xuân Hào: Do ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên chưa chủ động bố trí kinh phí cho công tác mua hóa chất (Cloramin B, PAC) để hỗ trợ các địa phương trong việc khử khuẩn, tẩy uế, VSMT sau lũ lụt; chưa có cơ chế tài chính đặc thù, linh hoạt trong việc sử dụng kinh phí từ ngân sách phục vụ cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh trong trường hợp khẩn cấp đã gây khó khăn cho công tác ứng phó, xử lý môi trường ngay sau bão lũ.
Cán bộ y tế xử lý nguồn nước sau lũ (Ảnh: Tư liệu).
Cán bộ y tế xử lý nguồn nước sau lũ (Ảnh: Tư liệu).
Một vấn đề khó khăn nữa là lực lượng cán bộ làm công tác quản lý môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã còn mỏng, nên chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý môi trường của địa phương. Sau mỗi đợt mưa lũ, lượng rác thải, bùn đất tích tụ phát sinh với khối lượng rất lớn. Tuy nhiên, trang thiết bị vận chuyển rác thải tại các địa phương chưa đáp ứng được, dẫn đến tình trạng rác ứ đọng nhiều ngày, nếu không thu gom, vận chuyển xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh.
 
PV: Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh trong và sau mùa mưa lũ cần có những giải pháp gì?
 
Ông Phan Xuân Hào: Một số giải pháp cần thực hiện, đó là: UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, huy động lực lượng để tiến hành làm vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển hết lượng rác thải còn tồn động sau lũ trên địa bàn, hạn chế để tồn động lâu ngày dễ phát sinh gây ô nhiễm môi trường.
 
Chỉ đạo Ban Quản lý các công trình công cộng, Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình và các tổ chức làm dịch vụ thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn tăng cường hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để rác thải phát sinh trên địa bàn. Mặt khác, thường xuyên theo dõi, kiểm tra các điểm chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm chết để kịp thời gia cố, xử lý, không để sụt lún, sạt lở gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.
 
Sở Y tế chỉ đạo, tổ chức phun thuốc khử trùng, diệt bọ gậy, ruồi, muỗi… để phòng, chống các loại dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương, cơ sở chăn nuôi xử lý, tiêu hủy gia súc, gia cầm, động vật chết do bão, lũ lụt bảo đảm đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh và các quy định liên quan (nếu có). Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình bố trí phương tiện để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong việc vận chuyển rác về các bãi rác để xử lý khi có đề xuất của các địa phương.
 
Sở TN-MT sẽ phối hợp với các địa phương trong công tác chỉ đạo thực hiện VSMT, thu gom, xử lý rác thải; kiểm tra, đánh giá công tác VSMT sau lũ lụt để kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện.
 
PV: Mùa mưa bão đang đến gần, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở TN-MT đã làm gì để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn?
 
Ông Phan Xuân Hào: Hiện nay, Quảng Bình đang chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão năm 2022. Theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, thiên tai, bão, lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh trong và sau mưa bão, lũ lụt, sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 1202/UBND-KT, ngày 6/7/2022 về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong mùa mưa bão năm 2022.
 
Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin dự báo về các hiện tượng thời tiết bất thường để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Mặt khác, bố trí lực lượng để theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến môi trường trước, trong và sau mỗi đợt bão, mưa lũ, không để xảy ra sự cố môi trường tại các đơn vị, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao, như: Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, tinh bột sắn, mủ cao su, xi măng, trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở xử lý chất thải, bệnh viện, thủy điện, hồ, đập...; đặc biệt là các cơ sở sản xuất có các công trình hồ chứa chất thải, nước thải phải thường xuyên kiểm tra, gia cố đê bao bảo đảm an toàn.
 
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, trong đó xác định phương án cụ thể đối với từng khu vực, cơ sở nguy cơ cao xảy ra sự cố môi trường. Đồng thời, đề cao tinh thần cẩn trọng, tích cực, không để bị động, bất ngờ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, ô nhiễm, suy thoái môi trường. Tiến hành làm VSMT và xử lý ô nhiễm môi trường ngay sau khi nước đã rút bảo đảm không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thứ phát và phát sinh dịch bệnh.
 
Bên cạnh đó, phát huy quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư, nhất là trong hoạt động giám sát và phát hiện sự cố; phổ biến đến các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai quy định về ứng phó sự cố chất; tổ chức thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường.
 
PV: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
 
Sở TN-MT sẽ chủ động nắm bắt tình hình và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố có biện pháp kịp thời xử lý, giải quyết các sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sau mỗi đợt bão, mưa lũ. Hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; thực hiện công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường theo kế hoạch đã phê duyệt, đáp ứng các quy định.
 
A.Tuấn (thực hiện)

tin liên quan

Chung tay đẩy lùi nạn mua bán người

(QBĐT) - Hiện nay, tình hình tội phạm mua bán người diễn ra hết sức phức tạp. Để không trở thành nạn nhân của tội phạm MBN hoặc tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội, trước hết bản thân mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân.

Để cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập bớt "nỗi lo"

(QBĐT) - Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều trường mầm non, tiểu học ngoài công lập trên địa bàn tỉnh phải tạm ngừng hoạt động và không có nguồn thu. Để giúp các cơ sở này hoạt động trở lại sau dịch, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giải ngân gói vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhờ được hỗ trợ vay vốn, nhiều trường đã bắt tay vào khôi phục, sửa chữa và hoạt động bình thường trở lại.

Nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua thẻ ATM: Nhiều tiện ích!

(QBĐT) - Nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, song song với hình thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH bằng tiền mặt, thời gian qua, cơ quan BHXH đã phối hợp với ngành bưu điện, ngân hàng thực hiện chi trả qua thẻ ATM.