Vững hành trang, chắc tương lai

  • 07:28 | Thứ Sáu, 20/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau khoảng thời gian dài chững lại vì dịch Covid-19, hiện công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ), du học nghề trên địa bàn tỉnh đã phục hồi trở lại. Người lao động (NLĐ) chuẩn bị cho những kế hoạch xuất cảnh, mang theo bao khát vọng thoát nghèo. Gói ghém trong hành trang không chỉ ước mơ, khát vọng mà còn là những kiến thức, kỹ năng để vững hơn đôi tay, chắc hơn đôi chân nơi miền đất mới.
 
Sống cùng, trải nghiệm cùng
 
Một homestay nhỏ tọa lạc ngay trung tâm TP. Đồng Hới. Ở đó, có những vị khách đặc biệt. Đó là những học viên của Trung tâm du học nghề Hoco đang tham gia các khóa đào tạo để chuẩn bị cho những kế hoạch du học nghề tại CHLB Đức.
 
Chị Nguyễn Như Quỳnh, Giám đốc trung tâm bày tỏ: “Những khóa học viên đầu tiên, chúng tôi chủ yếu chỉ đào tạo tiếng. Nên khi sang đến Đức, các em chia sẻ với chúng tôi rằng các em bị “khớp” khi vừa học, vừa làm việc. Bởi ngoài vốn tiếng Đức, các em bị thiếu quá nhiều kỹ năng mềm nên để tuột mất nhiều cơ hội tốt. Điều đó khiến chúng tôi phải thay đổi trong cách thức đào tạo, đặc biệt chú trọng nhiều hơn đến rèn các kỹ năng mềm cho học viên, để khi sang đến nước bạn, các em dễ dàng hòa nhập hơn”.
 
Với kỳ vọng có điều kiện để bồi dưỡng thêm các kỹ năng cho học viên, homestay Hoco ra đời. Nơi đây không chỉ là địa điểm diễn ra các khóa học mà còn là nơi để những học viên sinh sống, học tập trong suốt thời gian tham gia đào tạo. Ngoài các buổi học trên lớp, các em sẽ được sinh hoạt chung, tham gia các hoạt động ngoại khóa theo đúng thời gian biểu được trung tâm đưa ra. 24 học viên hiện đang sống tại homestay đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đây là cơ hội để nâng cao khả năng giao tiếp, bồi đắp vốn kiến thức xã hội cho học viên trước khi bước vào môi trường sống rộng lớn hơn.
 
“Ở trung tâm trước, em phải tự học một mình sau những giờ lên lớp, đặc biệt là thời gian nghỉ dịch chủ yếu học online, nên hiệu quả học không cao. Khi tham gia vào đây, được học cùng, sống cùng các bạn đã rèn cho em được rất nhiều kỹ năng. Đặc biệt là có môi trường để tụi em được nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, chuyện trò, trao đổi-một trong những yếu tố để học tốt môn ngoại ngữ”, em Lê Nguyễn Cường, một học viên đến từ Hà Giang chia sẻ.  
NLĐ được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết, càng có nhiều hơn những cơ hội tốt khi làm việc ở nước ngoài.
NLĐ được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết, càng có nhiều hơn những cơ hội tốt khi làm việc ở nước ngoài.

Cũng như ở Hoco, tại Trung tâm tư vấn, đào tạo và giáo dục Quốc tế HaLim (TP. Đồng Hới), các học viên được sống cùng nhau tại ký túc xá của trung tâm, thực hiện theo đúng các nội quy, quy định. Không gian sống sạch sẽ, ngăn nắp với những quy định về giờ giấc đòi hỏi học viên phải rèn luyện ý thức kỷ luật, những kỹ năng phù hợp với cuộc sống tập thể.

“Halim hiện đang kết nối chủ yếu với hai thị trường, đó là du học nghề Hàn Quốc và XKLĐ sang Nhật Bản. Đây là hai thị trường đòi hỏi rất cao ý thức kỷ luật của NLĐ, du học sinh. Vì vậy, song song với việc dạy tiếng, chúng tôi rất chú trọng đến trang bị các kỹ năng sống cơ bản cho các bạn. Thời gian đầu mới vào đây, nhiều bạn trẻ tỏ ra bất hợp tác, ý thức kém nhưng dần dần các bạn đã đi vào khuôn khổ và trưởng thành hơn rất nhiều”, anh Phạm Thanh Bình, Giám đốc trung tâm cho biết.

Để không tuột mất những cơ hội
 
Theo các cơ sở đào tạo du học nghề, tư vấn XKLĐ trên địa bàn tỉnh, thì trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và kỷ luật của NLĐ Quảng Bình vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Lao động Quảng Bình ra nước ngoài làm việc chủ yếu là lao động nông thôn, chưa qua đào tạo kỹ năng nghề chính quy và chưa có tác phong công nghiệp. “Từ kinh nghiệm nhiều năm làm công tác đào tạo du học nghề, tôi nhận thấy rằng so với các tỉnh, thành phố lớn, các em học sinh của Quảng Bình vẫn còn thiếu nhiều về kỹ năng, thiếu tự tin trong giao tiếp. Đây chính là rào cản rất lớn khi các bạn học tập, làm việc ở nước ngoài”, chị Nguyễn Như Quỳnh thẳng thắn bày tỏ.
 
Vì vậy, cùng với thời gian học tiếng, trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về các ngành, nghề, Hoco thường xuyên tổ chức cho học viên các buổi ngoại khóa, workshop, các hoạt động rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe và giao lưu văn hóa, văn nghệ.
 
Tại các buổi ngoại khóa, học viên được thuyết trình, làm quen với kỹ năng làm việc nhóm từ đó, tăng thêm sự tự tin trong giao tiếp. Một sức khỏe tốt, một vốn hiểu biết cùng những kỹ năng mềm cơ bản chính là hành trang vững vàng, mở ra nhiều cơ hội để các em tự tin hơn ở môi trường mới.
Tổ chức đào tạo tay nghề cho thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản.
Tổ chức đào tạo tay nghề cho thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản.

Năm 2022, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Bình đặt mục tiêu tạo việc làm cho 18.000 người, trong đó có khoảng 3.600 NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Từ đầu năm đến nay, thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đã có gần 100 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 41 lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Hiện trung tâm cũng đang đào tạo ngoại ngữ cho gần 90 NLĐ. Con số này sẽ ngày càng tăng nhanh, nhất là khi dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, các thị trường XKLĐ đã mở cửa trở lại.

Theo anh Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc trung tâm, hiệu quả làm việc của NLĐ ở nước ngoài phụ thuộc vào 3 yếu tố: Tay nghề, vốn ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Nắm bắt được điều đó, cùng với việc đào tạo ngoại ngữ, trung tâm tập trung trang bị các kỹ năng nghề cơ bản, đồng thời giáo dục định hướng cho NLĐ, chủ yếu là các kiến thức về văn hóa ứng xử, hiểu biết pháp luật… của nước sở tại. Nội dung, thời gian đào tạo như thế nào phụ thuộc vào từng đơn hàng và thị trường XKLĐ. Nhờ thế, NLĐ bớt đi những bỡ ngỡ buổi ban đầu.  

Thời gian qua, ngày càng nhiều NLĐ nông thôn ở Quảng Bình lựa chọn XKLĐ là con đường thoát nghèo hiệu quả. Nhiều học sinh tốt nghiệp THPT cũng chọn du học nghề thay vì thi vào các trường cao đẳng, đại học trong nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn không ít lao động Quảng Bình có trình độ tay nghề và ý thức kỷ luật chưa tốt.
 
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, cần có sự thay đổi trong cách thức đào tạo. Ngoài kiến thức nền tảng vững vàng ở một chuyên ngành nhất định, NLĐ cần được trang bị những kỹ năng mang tính bổ trợ nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động, như: Khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc, tinh thần phối hợp, tính kỷ luật…
 
Theo anh Phạm Thanh Bình, ở những thị trường lao động truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, chủ sử dụng rất thích tuyển chọn lao động Việt Nam bởi sự khéo léo, chăm chỉ và thích nghi nhanh. Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế và khu vực, khi NLĐ được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết, sẽ càng có nhiều hơn những cơ hội tốt khi làm việc ở nước ngoài.
 
Diệu Hương

tin liên quan

Khởi công 73 nhà "An toàn chống chịu bão, lụt" cho người dân Quảng Bình

(QBĐT) - Sáng 19/5, hưởng ứng tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với tổ chức World Share và Sở Kế hoạch-Đầu tư tổ chức khởi công xây dựng 73 nhà "An toàn chống chịu bão, lụt" cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi thiên tai. 

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.

Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025"

(QBĐT) -  Ngày 17/5, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Kế hoạch số 812/KH-UBND về thực hiện Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025" trên địa bàn tỉnh.