Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp:

Để không "bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước"

  • 07:21 | Thứ Hai, 09/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tốt nghiệp THCS hay THPT là những dấu mốc quan trọng có thể ảnh hưởng đến tương lai của mỗi học sinh (HS). Khi đứng giữa những ngã rẽ cuộc đời, để không đi chệch hành trình, đòi hỏi ở các em những quyết định đúng đắn, phù hợp, muốn vậy cần có sự định hướng kịp thời của gia đình, nhà trường và xã hội. Giáo dục hướng nghiệp (GDHN) và phân luồng HS sau tốt nghiệp chính là "chìa khóa" để nâng cao chất lượng lao động, gắn đào tạo với với nhu cầu thị trường và để các em HS cuối cấp không phải “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước”.
 
Chú trọng phân luồng
 
Nhiều sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường, tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, chất lượng lao động phổ thông còn thấp… thực trạng đó đòi hỏi những yêu cầu cấp bách trong GDHN và phân luồng HS phổ thông. Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, những năm gần đây, Quảng Bình chú trọng nhiều hơn đến công tác hướng nghiệp, phân luồng HS THCS, THPT.
 
Trường THPT Ngô Quyền (Bố Trạch) là một trong những trường THPT làm tốt công tác GDHN, phân luồng HS trên địa bàn tỉnh. HS của trường chủ yếu là con em các xã vùng biển của huyện Bố Trạch-những địa bàn vốn có truyền thống đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở nước ngoài. Nên ngay từ những ngày đầu theo học THPT, nhiều HS đã có nguyện vọng sau khi tốt nghiệp sẽ đi du học hoặc XKLĐ.
 
Thầy Nguyễn Văn Nhẫn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, xuất phát từ nguyện vọng của HS, trường rất chú trọng đến công tác GDHN, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN), các đơn vị tư vấn XKLĐ tổ chức tư vấn hướng nghiệp ngay tại trường. Từ đó, giúp các em định hướng rõ hơn mục tiêu phấn đấu, nắm được các điểm mới trong du học và lao động tại nước ngoài.
 
“Trong năm học 2020-2021, chỉ có 42/491 HS khối 12 thi đại học, cao đẳng. Số còn lại đều đi du học hoặc XKLĐ. Trong năm học 2021-2022 này, nhà trường đặt chỉ tiêu trên 95% HS thi đậu tốt nghiệp, 25 HS vào các trường cao đẳng, đại học, 14 em tiếp tục vào các cơ sở GDNN, số còn lại sẽ làm việc tại địa phương và đi XKLĐ”, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ.
 
Theo báo cáo của Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), để làm tốt công tác GDHN và định hướng phân luồng HS phổ thông, đến nay, hầu hết các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đều xây dựng các chương trình GDHN gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
 
Từ năm 2018-2020, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp có xu hướng tăng dần qua các năm nhưng tăng không đều ở các vùng kinh tế-xã hội bình thường và vùng khó khăn. Trong khi đó, tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng có xu hướng tăng ở các vùng kinh tế-xã hội bình thường nhưng lại giảm ở các vùng khó khăn.
Trung tâm tư vấn, đào tạo và giáo dục Quốc tế HaLim tổ chức ngày hội du học và việc làm cho học sinh các trường THPT.
Trung tâm tư vấn, đào tạo và giáo dục Quốc tế HaLim tổ chức ngày hội du học và việc làm cho học sinh các trường THPT.

 Thừa thầy, thiếu thợ nhưng thiếu cả người học

Ghi nhận từ các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cho thấy, chính sách đầu tư cho công tác giáo dục, hướng nghiệp trong trường phổ thông và cơ sở GDNN đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng các yêu cầu, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng vẫn diễn ra.
 
Tuy nhiên, HS sau tốt nghiệp THCS và THPT thường có xu hướng tiếp tục học lên các bậc học cao hơn, ít lựa chọn vào các cơ sở GDNN. Các trường phổ thông thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ công tác GDHN, chưa có giáo viên chuyên trách giáo dục, tư vấn hướng nghiệp cho HS, đa số giáo viên đều kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ chính quy, bài bản. Các cơ sở GDNN cũng chưa đáp ứng tốt nhu cầu của học viên về nghề nghiệp đào tạo, về cơ sở vật chất phục vụ dạy học. Và “cái bắt tay” giữa các cơ sở GDNN với các trường THCS, THPT trong định hướng, tư vấn, phân luồng còn khá lỏng lẻo.
 
Theo bà Đỗ Thị Thanh Lâm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề TX. Ba Đồn, trên địa bàn hiện có 17 trường THCS. Công tác hướng nghiệp cho HS sau tốt nghiệp THCS những năm gần đây có nhiều tín hiệu tích cực. Trung tâm đã tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, phân luồng HS ở tất cả các trường trên địa bàn. Đã có khoảng 7% HS vào trung tâm để học THPT song song với học trung cấp nghề; 91% chuyển vào học các trường THPT và chỉ có 2% đi làm.
 
“Kết quả đó vẫn còn quá thấp so với kế hoạch đề ra và nhu cầu phân bổ lao động của xã hội trong thời gian sắp tới. Lý do là bởi phụ huynh và HS chưa nhận thức đúng đắn, sâu sắc về lựa chọn con đường học tập cho con em mình. Việc chọn trường còn theo cảm tính, theo phong trào là phải vào bằng được các trường THPT dù học lực không thể đáp ứng”, bà Lâm thẳng thắn bày tỏ.
 
Để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” năm 2022.
 
Mục tiêu đặt ra là có từ 80-100% trường THCS, THPT có chương trình GDHN gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, phấn đấu có từ 8-10% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 20-25% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng.
 
Hiện toàn tỉnh có 16 cơ sở GDNN, đào tạo đa dạng các ngành nghề, trong đó có nhiều nghề trọng điểm, đạt chuẩn quốc tế và chuẩn ASEAN. Đây là điều kiện thuận lợi để HS sau khi tốt nghiệp được học nghề ngay tại địa phương. Thế nhưng, một thực tế cho thấy, việc định hướng nghề nghiệp cho HS THCS và THPT chưa rõ đã dẫn đến sức ép lớn đối với các trường đại học trong khi các cơ sở GDNN lại không thu hút được HS. Bởi thế, ngoài việc tự thân các cơ sở GDNN phải nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút HS thì việc định hướng, phân luồng và tư vấn cho các em chọn đi đúng hướng, chọn đúng ngành nghề là trách nhiệm chung của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
 
Diệu Hương

tin liên quan

Ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân

(QBĐT) - Sáng nay, 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ ra quân trực tuyến hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. 

Trao bò giống hỗ trợ sinh kế cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn

(QBĐT) - Sáng 7/5, Công ty cổ phần đầu tư DIA Hà Nội phối hợp với UBND huyện Bố Trạch tổ chức lễ trao tặng bò giống cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Mỹ Trạch và bản Rào Con.
 

Lan tỏa tình yêu thương từ những tấm lòng nhân đạo

(QBĐT) - Thực hiện Tháng Nhân đạo năm 2022 với chủ đề "Gắn kết cộng đồng-Lan tỏa hành động nhân ái" và kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, toàn tỉnh đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng tới cộng đồng.