"Ươm rừng" giữa lòng di sản…

  • 07:57 | Thứ Sáu, 01/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ẩn chứa đằng sau màu xanh những cánh rừng của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) có biết bao câu chuyện chưa được kể. Ở đó, có hành trình 15 năm miệt mài bảo tồn, nhân giống, trồng rừng, tạo cảnh quan cho vùng di sản đang được những cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc VQG PN-KB thực hiện…
 
Gian nan đi tìm các giống cây…
 
Nhiều lần ngồi trò chuyện với lãnh đạo VQG PN-KB, được nghe kể về những khó khăn, vất vả của công tác bảo tồn, nhân giống các loài cây bản địa quý hiếm ở vùng di sản của cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật nhưng chưa bao giờ được chứng kiến công việc hàng ngày của họ. Lần lữa mãi, chúng tôi mới có dịp tới đây để tìm hiểu về cái nghề được gọi là “ươm rừng” giữa lòng di sản.
 
Chia sẻ về hành trình gian nan đi tìm các giống cây, anh Lê Thuận Kiên, Trưởng bộ phận nghiên cứu, bảo tồn sinh vật của đơn vị cho biết: "Công việc của anh em ở đây tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại rất vất vả, khó khăn, nguy hiểm vì để lấy được các giống cây về nhân giống, cán bộ, nhân viên của đơn vị phải lăn lộn, bám rừng cả mấy năm trời. Như việc nhân giống cây bách xanh đá là cả một hành trình dài. Quần thể này được phát hiện năm 2005, có độ tuổi 500 năm, tập trung nhiều ở xã Tân Trạch. Cán bộ, nhân viên của đơn vị phải đi xe máy vào Km39, lặn lộn hơn 1 ngày trong rừng rồi trèo lên những ngọn núi đá tai mèo cao để lấy mẫu, hạt giống...".
Kiểm tra việc nhân giống cây bách xanh đá.
Kiểm tra việc nhân giống cây bách xanh đá.
Lăn lộn trong những cánh rừng VQG PN-KB để tìm kiếm các giống cây bản địa quý hiếm đã hơn chục năm nay, khi nói về những khó khăn, vất vả của công tác kiếm tìm giống cây về nhân giống, giọng anh Trần Mừng, cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật như chùng xuống.
 
Anh bảo: "Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Ban Quản lý VQG PN-KB về việc nhân giống thử nghiệm cây thích lá quế để tạo cảnh quan cho không gian ở PN-KB, anh em đơn vị lại xách ba lô, mang theo lương thực, nước uống, leo núi tai mèo để lấy giống cây. Do cây thích lá quế sinh sống chủ yếu trên những vách đá tai mèo có độ cao hơn 120m so với mực nước biển, để tìm kiếm và lấy giống cây là rất nguy hiểm, nhưng vì công việc chung, hơn nữa, lại cần cho công tác bảo tồn, nhân giống, nên có nguy hiểm mấy anh em cũng thực hiện bằng được…”.
 
Nỗ lực bảo tồn các giống cây bản địa
 
Anh Lê Thuận Kiên chia sẻ: "Công việc hàng ngày của chúng tôi là nhân giống cây bản địa quý hiếm có ở vùng di sản để phục vụ cho công tác bảo tồn cũng như trồng rừng với những loài cây quý hiếm, như: Huê, bách xanh đá, lim xanh, lát hoa, dổi… Hiện tại, đơn vị đang thực hiện công tác bảo tồn các giống cây bằng hai phương pháp là giâm hom và vật hậu học. Tuy nhiên, khó khăn, cản trở lớn nhất là nhiều loài cây có chu kỳ sinh trưởng không ổn định, có khi năm này ra hoa kết quả, năm sau lại không, vì vậy, mất rất nhiều thời gian để theo dõi, lấy mẫu, hạt giống. Có những loài nhân giống thành công cũng mất vài năm trời…".

Ông Lê Thúc Định, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật cho biết: Năm qua, đơn vị đã nhân giống và sản xuất được 15.055 cây giống bản địa thuộc 20 loài để phục vụ công tác bảo tồn thực vật rừng và công tác trồng rừng; tiến hành trồng bổ sung 368 cây bản địa tại các địa điểm ở VQG PN-KB… Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục nhân giống để bảo tồn 5 loài thực vật bậc cao; sản xuất 7.000-10.000 cây giống lâm nghiệp có giá trị cảnh quan, kinh tế cao phục vụ các chương trình, dự án trồng rừng; trồng tại Vườn thực vật 500 cây giống có giá trị bảo tồn và kinh tế cao; tiếp tục cứu hộ, nhân giống, trồng bảo tồn và tái thả một số loài phong lan về môi trường tự nhiên...
 
Đại diện Ban Quản lý VQG PN-KB cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã triển khai hiệu quả chương trình nhân giống các loài cây bản địa quý, hiếm có giá trị bảo tồn và kinh tế cao; bảo tồn 2 loài cây thuốc quý hiếm đó là cây khôi tía và cây bách bệnh với diện tích 1ha; nhân giống thử nghiệm một số loài cây bản địa quý hiếm và cây thuốc có giá trị dược liệu cao; xây dựng khu sưu tập đa dạng các loài lan với 1.110 giò thuộc 41 loài; trồng gần 1.900 cây xanh thuộc 14 loài chống sạt lở dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và đường 20…
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Niềm vui ở vùng cồn bãi sông Gianh

(QBĐT) - Từ bao đời nay, sinh sống giữa bốn bề sông nước nên người dân ở vùng cồn bãi sông Gianh luôn ước mơ được thả bộ hay lái chiếc xe về nhà trên chiếc cầu vững chãi bắc qua sông. 

Các địa phương khẩn trương ứng phó thời tiết nguy hiểm

Chiều 31/3, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai có văn bản gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh và gió mạnh trên biển.

Tập huấn hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo (FbF)

(QBĐT) - Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh vừa phối hợp với Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tổ chức lớp tập huấn giới thiệu mô hình hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo (FbF) thuộc dự án "Hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo tại Việt Nam, giai đoạn 2"