Tái định cư phải bảo đảm lợi ích cho nhân dân

  • 07:11 | Thứ Năm, 14/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua Quảng Bình (Dự án đường cao tốc) đang thực hiện các khâu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Các địa phương có dự án đi qua đang khẩn trương rà soát, xây dựng các phương án tái định cư (TĐC) bảo đảm lợi ích và sự đồng thuận cao trong nhân dân.
 
Chủ động, linh hoạt
 
Dự án đường cao tốc Bắc-Nam đoạn qua Quảng Bình trải dài trên địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố gồm Quảng Trạch, Ba Đồn, Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Theo thống kê ban đầu, có khoảng gần 500 hộ cần bố trí TĐC. Hiện tại, các địa phương có dự án đi qua đang khẩn trương triển khai công tác TĐC với nhiều phương án phù hợp với điều kiện của địa phương và nhu cầu của các hộ dân.
 
Trong tổng số gần 500 hộ cần bố trí TĐC, huyện Bố Trạch có gần 280 hộ. Ông Bùi Quốc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Tại thị trấn Nông trường Việt Trung dự kiến có khoảng 200 hộ bị ảnh hưởng. Phần lớn đất của các hộ này có vị trí dọc theo mặt tiền đường Hồ Chí Minh nên việc tìm các quỹ đất có lợi thế tương đương để bố trí TĐC hoặc trao đổi đất cho các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn. 5 vị trí tương đương mà UBND thị trấn đề xuất hiện thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phát và Công ty CP Việt Trung. Huyện đã có văn bản trình UBND tỉnh xem xét thu hồi đất của các đơn vị tại những vị trí nói trên để địa phương bố trí TĐC và bồi thường bằng đất cho các hộ gia đình. Các xã còn lại đang chủ động triển khai TĐC theo quy trình. Bên cạnh các hộ dân, trên địa bàn huyện có một số công trình, như: Trường học, nhà văn hóa, điện… bị ảnh hưởng, cần bố trí địa điểm xây dựng mới, huyện cũng đang khẩn trương xem xét trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp và thuận lợi của những công trình này”. 
 Sau khi được tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân tại huyện Quảng Trạch đã tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng, cơi nới trong phạm vi dự án.
Sau khi được tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân tại huyện Quảng Trạch đã tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng, cơi nới trong phạm vi dự án.

TX. Ba Đồn có 6 xã có dự án đi qua, trong đó có 3 xã liên quan đến TĐC gồm: Quảng Hải, Quảng Lộc, Quảng Sơn. Trên cơ sở tim, tuyến đã xác định có khoảng trên 30 hộ cần TĐC. Tại xã Quảng Hải, dự án đi qua một số công trình, như: Trụ sở xã, trạm y tế, trường học, sân vận động…

“Để nhân dân hiểu và đồng thuận, thị xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, giúp bà con nắm đầy đủ thông tin về dự án, ngăn ngừa các hành vi cố ý xây dựng, cơi nới công trình để chờ đền bù. Do đó, tại Ba Đồn không xảy ra tình trạng này. Về công tác TĐC, trên cơ sở điều kiện của từng địa phương và ý kiến nhân dân, UBND các xã đã khảo sát, lựa chọn địa điểm và xác định phương án TĐC phù hợp. Đối với các công trình tại xã Quảng Hải, địa phương đã mời đơn vị tư vấn khảo sát, xác định vị trí, thiết kế bước đầu nhằm bảo đảm sự đồng bộ, khoa học của công trình khi được GPMB và xây dựng mới”, Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn Đoàn Minh Thọ cho biết.

Tại xã Quảng Sơn dù chỉ có 4 hộ trong diện TĐC cùng 1 sân vận động, 1 trường mầm non bị ảnh hưởng, nhưng việc lấy ý kiến nhân dân được triển khai chặt chẽ theo đúng quy trình. Theo ông Trần Văn Huyển, Chủ tịch UBND xã, thông qua các tổ chức đảng, Mặt trận, đoàn thể, địa phương đã thông báo rộng rãi cho bà con để tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân. Không chỉ quan tâm TĐC cho các hộ dân, mà đối với các công trình càng cần lắng nghe ý kiến nhân dân để bảo đảm hiệu quả sau khi quy hoạch và xây dựng lại.
 
Trong tổng số 8 xã dự án đi qua, Quảng Trạch có 4 xã có các hộ dân bị ảnh hưởng cần tổ chức TĐC. Quá trình triển khai, huyện giao trách nhiệm cụ thể cho Trung tâm Phát triển quỹ đất trực tiếp làm việc với các địa phương và người dân để xác định địa điểm bố trí các khu TĐC, dự kiến diện tích các lô. Công tác tuyên truyền, lấy ý kiến nhân dân được thực hiện chu đáo nên đã nhận được sự đồng thuận cao.
 
Dự kiến tổng diện tích các khu TĐC của huyện Quảng Trạch khoảng trên 9ha, với 140 lô có diện tích từ 200-300m2. Ông Phan Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cũng cho biết, song song với việc triển khai công tác TĐC cho bà con, huyện đã và sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con tự giác tháo dỡ những công trình cơi nới trong phạm vi dự án, bảo đảm công tác GPMB được thuận lợi.
 
Tính đến ngày 7/4/2022, huyện Quảng Ninh có khoảng gần 40 hộ cần bố trí TĐC, huyện Lệ Thủy đang thống kê. Quá trình thực hiện TĐC, các địa phương trong tỉnh cũng chủ động thực hiện TĐC tập trung và phân tán tùy điều kiện địa phương và nhu cầu nhân dân; đồng thời rà soát, nắm tình hình các hộ gia đình có nhiều thế hệ sinh sống và đủ điều kiện tách hộ để xem xét bố trí chỗ ở cho bà con tại các khu TĐC theo đúng quy định nhằm bảo đảm quyền lợi cho bà con.
Một hộ dân xã Quảng Phương tự nguyện tháo dỡ hoàn toàn nhà cấp 4 trong phạm vi dự án.
Một hộ dân xã Quảng Phương (Quảng Trạch) tự nguyện tháo dỡ hoàn toàn nhà cấp 4 trong phạm vi dự án.

 Khó khăn cần tháo gỡ

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực, đồng bộ của các sở, ban, ngành, địa phương, công tác GPMB, bố trí TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn cần tập trung tháo gỡ. Trong đó, tiến độ bàn giao tuyến và mốc GPMB cho các địa phương chậm là một trong những nguyên nhân khiến cho việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn có dự án đi qua gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc một số hộ dân trục lợi chính sách, xây dựng, cơi nới các công trình để chờ đền bù.
 
Bên cạnh đó, quỹ đất bố trí TĐC tại một số địa phương còn thiếu, cần phải thu hồi đất sản xuất nông nghiệp của các tổ chức và hộ gia đình để GPMB, xây dựng khu TĐC, điều này đòi hỏi nhiều thời gian.
 
Đối với một số hộ dân, sau khi thu hồi đất trong phạm vi GPMB, diện tích đất vườn còn lại vẫn đủ để chuyển đổi mục đích thành đất ở nhưng lại nằm trong hành lang an toàn đường cao tốc Bắc-Nam nên không được phép chuyển đổi hoặc vẫn còn đủ điều kiện để ở nhưng sau khi đường cao tốc được xây dựng với nền đường cao hơn hiện trạng từ 3m trở lên sẽ rất khó khăn cho bà con. Do đó, một số địa phương đã đề nghị UBND tỉnh cho phép thu hồi hết diện tích đất còn lại để bố trí TĐC cho các hộ dân.
 

Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn qua Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần có tổng chiều dài trên 126km, tổng mức đầu tư khoảng 24.558 tỷ đồng.

Tại hội nghị về công tác chuẩn bị triển khai dự án, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng là một trong những nội dung quan trọng trong triển khai các dự án nói chung, Dự án đường cao tốc Bắc-Nam nói riêng. Quan điểm của tỉnh là các khu vực TĐC phải có điều kiện bằng hoặc tốt hơn vị trí hiện tại, đáp ứng nguyện vọng của bà con tại nơi ở mới!

Ngọc Mai

tin liên quan

Bảo đảm cung ứng điện cho các hoạt động

(QBĐT) - Những ngày qua, Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) đã huy động nhận lực và máy móc để bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định cho Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng ba Minh Hóa.

Kế hoạch triển khai chương trình phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2025

(QBĐT) - Ngày 12/4, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Kế hoạch số 556/KH-UBND về triển khai thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Bài 2: Hướng tới thành phố du lịch

(QBĐT) - Những năm gần đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, TP. Đồng Hới đang vươn mình mở rộng, cao lớn và đẹp lên từng ngày.