Quản lý và tôn tạo kiến trúc cảnh quan TP. Đồng Hới

Bài 2: Hướng tới thành phố du lịch

  • 08:22 | Thứ Tư, 13/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, TP. Đồng Hới đang vươn mình mở rộng, cao lớn và đẹp lên từng ngày. Việc nhìn lại, đánh giá và đề ra những giải pháp trong công tác quản lý và tôn tạo kiến trúc cảnh quan, gìn giữ môi trường sinh thái là nhiệm vụ quan trọng. TP. Đồng Hới có kiến trúc cảnh quan đẹp sẽ là hình ảnh gần gũi, thân thiện được lưu lại trong mỗi du khách, góp phần phát triển thành phố du lịch trong tương lai.
 
 
Nhìn ra thành phố bạn
 
Trên thế giới, nhiều thành phố du lịch được các nhà quản lý quan tâm gìn giữ và tôn tạo kiến trúc cảnh quan một cách kỹ lưỡng, để lại dấu ấn khó quên đối với du khách như Singapore, Malaysia, kiến trúc cảnh quan dọc sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc), Chiềng Mai (Thái Lan)… Ở nước ta, thời gian gần đây nhiều tỉnh đã tập trung công tác tôn tạo, gìn giữ và quản lý tốt kiến trúc cảnh quan môi trường trong phát triển du lịch và mang lại nhiều thành công.
 
Điển hình như thành phố cổ Hội An (Quảng Nam) với việc gìn giữ và tôn tạo các công trình kiến trúc cổ, cảnh quan phố đêm, phố đi bộ, năm 2019 đã đón 5,23 triệu lượt khách. Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã được quy hoạch và khai thác với khu du lịch tổng hợp gồm lịch sử, văn hóa, tâm linh, lễ hội, khám phá, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học... Ninh Bình đặc biệt chú trọng về kiến trúc cảnh quan và môi trường sinh thái hai bên bờ sông Tràng An và quần thể hang động, gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên, hạn chế sự can thiệp của con người. Năm 2018, Tràng An đã đón 6,25 triệu lượt khách. Nhiều thành phố, khu du lịch nổi tiếng trong nước như Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Lạt (Lâm Đồng)… được quản lý và khai thác kiến trúc cảnh quan một cách thân thiện và hiệu quả.
 
Những gợi ý cho TP. Đồng Hới
 
Hệ thống cây xanh trong thành phố đã được chính quyền và người dân quan tâm trồng và chăm sóc qua nhiều năm, góp phần làm đẹp cho cảnh quan và môi trường thành phố. Tuy vậy, Quảng Bình là tỉnh có điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, nắng nóng, mưa nhiều, bão lũ và gió mùa thổi mạnh vào mùa đông làm cho cây xanh bị hư hại và phát triển chậm, tốn công chăm sóc.
 
Vì vậy, thành phố cần tổ chức đánh giá lại một cách đầy đủ, khoa học về các loại cây phát triển tự nhiên có tính bản địa và cây trồng mới trong công viên, trên các tuyến phố, cây cảnh, cây có hoa… để lựa chọn trồng trong các khu vực có chức năng khác nhau phù hợp với môi trường thổ nhưỡng, hệ sinh thái…, làm cho cây xanh thành phố được xanh quanh năm, ít rụng lá, có thân dẻo dai, chịu đựng tốt trước giông bão và gió rét vào mùa đông hay nắng gắt vào mùa hè, ít công chăm bón, phát triển lâu dài.
Công tác quản lý và tôn tạo kiến trúc cảnh quan, gìn giữ môi trường sinh thái đô thị được TP. Đồng Hới quan tâm thực hiện.
Công tác quản lý và tôn tạo kiến trúc cảnh quan, gìn giữ môi trường sinh thái đô thị được                                   TP. Đồng Hới quan tâm thực hiện.                           Ảnh: T.Hành

Dòng Nhật Lệ và cửa biển mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc cảnh quan môi trường sinh thái. Có thể nhận thấy, ít có dòng sông có dòng nước trong xanh chảy hiền hòa quanh năm và môi trường đôi bờ sạch sẽ như dòng Nhật Lệ. Cảnh đẹp trên sông và đôi bờ với tấp nập tàu thuyền và các hoạt động đánh bắt của người dân cần được khuyến khích và hỗ trợ phát triển.

Việc quy hoạch xây dựng và tôn tạo kiến trúc cảnh quan cần hạn chế bố trí các công trình và các hoạt động quảng cáo, kinh doanh dịch vụ có kết cấu phô trương, che chắn tầm nhìn, cản trở dòng chảy và các hoạt động đi lại trên sông của người dân và du khách. Cần tổ chức khai thác các thuyền du lịch có các dịch vụ ăn uống ngắm cảnh ngược xuôi trên dòng Nhật lệ và Long Đại hay những chuyến đò ngang chèo tay qua lại Bảo Ninh thăm quê hương mẹ Suốt.
 
Cần nghiên cứu bố trí phù hợp về quy mô cũng như vị trí các nhà hàng nổi trên sông không làm che chắn tầm nhìn và vẻ đẹp ở các vị trí ngã ba sông và cửa biển Nhật Lệ. Các dòng sông nhỏ trong thành phố như sông Rào Lũy, Phú Vinh, Cầu Rào, kênh Phóng Thủy là hệ thống mặt nước cân bằng sinh thái tự nhiên cần được tôn tạo cảnh quan đôi bờ, không bố trí các nhà hàng nổi trên sông. Thường xuyên phát triển các nguồn lợi thủy sản để người dân buông câu, thả lưới phục vụ đời sống hàng ngày, mang lại nhiều hình ảnh đẹp và bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Hệ thống công viên dọc bờ sông đã được đầu tư và quản lý tốt, cần được quy hoạch và xây dựng mở rộng về phía nam cầu Dài. Các công viên xây dựng mới trên cơ sở hiện trạng, hạn chế san lấp, nghiên cứu cải tạo các ao hồ tự nhiên hiện có thành các hồ thả cá để tổ chức các dịch vụ câu cá và điều hòa mặt nước trong mùa mưa lũ.
 
Tổ chức trồng các loại cây có bóng mát thành các đám rừng, khu rừng nhỏ trong công viên và xung quanh các hồ để phủ xanh thành phố và điều hòa môi trường sinh thái cho các hoạt động nghỉ ngơi, đi lại, thư giãn của người dân và du khách. Các khu vực còn trống trong các khu dân cư không nên vì mục đích kinh tế mà phát triển đất ở, cân đối để dành bố trí các vườn hoa, sân chơi, bãi đỗ xe công cộng và nơi sinh hoạt cho các lứa tuổi trong cộng đồng và hoạt động lễ hội.
 
Cồn cát Quang Phú và một số đồi cát ở Bảo Ninh cần được khoanh vùng bảo vệ, cấm các hoạt động khai thác, chặt cây; trồng cây xung quanh chân đồi và xây dựng các bãi tập kết phương tiện và nơi dừng chân cho du khách. Nghiên cứu tổ chức lại hệ thống nhà hàng, dịch vụ dọc theo bờ biển khu vực Quang Phú theo mô hình ki ốt nhỏ bảo đảm vệ sinh và gìn giữ môi trường.
 
Quản lý và trồng phủ hết cây xanh dọc theo bờ biển của thành phố, ở đâu có đất trống, ở đó sẽ được trồng cây chắn gió, giữ gìn bờ biển và bảo vệ môi trường sinh thái dọc bờ biển. Cần xây dựng thêm bãi tắm cộng đồng ở xã Bảo Ninh và một số bãi tắm nhỏ kết hợp nghỉ ngơi, thư giãn cho các nhóm cộng đồng và du khách dọc theo bờ biển Quang Phú và Bảo Ninh để khai thác các dịch vụ biển và quản lý cảnh quan môi trường.
 
Đối với các khu ở mới, khu đô thị mới cần có quy định trong quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông bố trí vỉa hè có chiều rộng đủ để tổ chức trồng cây xanh dọc đường phố và hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm đáp ứng yêu cầu về kiến trúc cảnh quan và môi trường sống trong đô thị. Tổ chức các bãi đỗ xe công cộng, trên các tuyến phố, dành vỉa hè cho người đi bộ để quản lý kiến trúc cảnh quan đường phố, xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện, an toàn trong sinh hoạt và đi lại của người dân và du khách.    
 
Đồng Hới là thành phố trẻ đang được tập trung đầu tư, xây dựng hướng tới thành phố du lịch. Công tác quản lý và tôn tạo kiến trúc cảnh quan đô thị thời gian qua đã thể hiện sự gắn kết, hòa nhập những giá trị của quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là công sức đóng góp qua nhiều thế hệ của mỗi người dân thành phố và nhân dân toàn tỉnh trong công tác tôn tạo, gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử và phát triển đô thị. Thời gian tới, kỳ vọng thành phố sẽ có những đổi thay mạnh mẽ về nhiều mặt, trong đó có kiến trúc cảnh quan, để vươn mình trở thành thành phố du lịch.
 
                                                                                Ths.KTS. Trần Đình Dinh

tin liên quan

Chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động

(QBĐT) - Xác định tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, thời gian qua, huyện Bố Trạch luôn chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ trên địa bàn.

Lời cảm tạ

Ban Tổ chức lễ tang và gia đình chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến: Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố. 

Giới thiệu nền tảng trực tuyến phòng tránh tảo hôn và nạn mua bán người

(QBĐT) - Sáng 12/4, Tỉnh đoàn phối hợp với Tổ chức Plan International tại Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến giới thiệu nền tảng "Em vui" trong khuôn khổ dự án "Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số-EMPoWR".