Chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động
(QBĐT) - Xác định tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, thời gian qua, huyện Bố Trạch luôn chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Bố Trạch cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, nhiều lao động trên địa bàn huyện mất việc làm, lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam về rất lớn (có khoảng 9.000 người trong độ tuổi lao động). Để giải quyết việc làm (GQVL) cho NLĐ, Phòng LĐ-TB-XH huyện đã chủ động tham mưu với UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành của huyện và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn rà soát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động-XKLĐ)…”.
Trên cơ sở nhu cầu thực tế về GQVL, hỗ trợ đào tạo nghề tại địa phương, năm 2021, Phòng LĐ-TB-XH đã triển khai 3 lớp đào tạo cho 105 lao động nông thôn. Đầu năm 2022, huyện rà soát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn khoảng 30 lớp. Phòng LĐ-TB-XH huyện đang tiến hành các bước để có thể mở lớp đào tạo, đáp ứng nhu cầu của NLĐ.
Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương cũng chú trọng việc kết nối, GQVL tại chỗ cho NLĐ. Trên địa bàn huyện hiện có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, như: Du lịch, thương mại, nông nghiệp... Huyện chủ trương thu hút, tạo điều kiện cho các đơn vị này duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, GQVL cho NLĐ địa phương.
XKLĐ là một trong những giải pháp góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, huyện đã triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ NLĐ đi XKLĐ theo Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và GQVL cho NLĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Huyện tăng cường công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động; rà soát số lượng NLĐ hết hạn hợp đồng trở về nước để kịp thời hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp…
Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, đầu năm 2022 đến nay, công tác XKLĐ trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực. Sau khi nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp nước ngoài, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn XKLĐ và giới thiệu các công ty tuyển dụng ở nước ngoài.
Hiện, huyện đã giới thiệu 5 công ty hoạt động dịch vụ XKLĐ; giới thiệu 15 lao động tuyển chọn thí điểm chương trình lao động nông nghiệp Hàn Quốc; phối hợp với Công ty CP Nhân lực quốc tế Việt (Vilaco) triển khai hội nghị XKLĐ và tổ chức thành công chuyến tham quan thực tế tại công ty. Nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, kiện toàn ban chỉ đạo, tổ chức hội nghị XKLĐ, như: Phúc Trạch, Xuân Trạch, Lâm Trạch, Hưng Trạch…
Tại các buổi tư vấn, hội nghị, NLĐ được tìm hiểu công việc, môi trường làm việc, thu nhập, tư vấn các thủ tục liên quan về XKLĐ.
Nhờ làm tốt công tác tư vấn XKLĐ, đa số NLĐ sau khi hết hạn hợp đồng về nước đều có điều kiện kinh tế khá giả, xây được nhà cao tầng, nâng cao đời sống gia đình. Nhiều người còn đầu tư kinh doanh, GQVL cho lao động địa phương, xóa nghèo bền vững. Mặc dù chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng nhờ các giải pháp thiết thực, năm 2021, huyện Bố Trạch vẫn GQVL cho 3.378 lao động, đạt trên 90% kế hoạch năm, trong đó XKLĐ 823 người. Năm 2022, huyện phấn đấu đạt chỉ tiêu GQVL cho 3.500 lao động, trong đó XKLĐ 1.100 người.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch khẳng định, công tác GQVL là nhiệm vụ quan trọng được huyện tập trung triển khai.
Đặc biệt, sau dịch Covid-19, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương liên quan tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề; tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người trong độ tuổi lao động. UBND huyện làm việc với các công ty XKLĐ theo giới thiệu của Bộ LĐ-TB-XH, thực hiện chính sách hỗ trợ… nhằm nâng cao hiệu quả XKLĐ.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, đổi mới, tạo cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án sản xuất, kinh doanh của người dân được tiếp cận nguồn vốn vay thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm cho nguồn lao động tại chỗ, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp…
Cát Nhiên
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.