Hiệu quả tín dụng chính sách ở xã biên giới

  • 07:17 | Thứ Tư, 30/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trọng Hóa là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa. Nơi đây, gần 95% số hộ dân thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đã hỗ trợ cho rất nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống.
 
Nằm dưới chân dãy Giăng Màn của huyện miền núi Minh Hóa, xã Trọng Hóa có 17 bản, với hơn 1.000 hộ dân và 4.700 nhân khẩu, trong đó, 984 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), chiếm 97% số hộ dân của xã. Do tỷ lệ ĐBDTTS đông nên hộ nghèo của Trọng Hóa vẫn còn ở mức cao.
 
Để giúp bà con thoát nghèo, thay đổi cuộc sống, những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đưa nguồn vốn tín dụng đến với bà con nơi đây.
 
Ông Nguyễn Tất Thành, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 tổ chức chính trị-xã hội đứng ra tín chấp để giúp các hội viên, ĐBDTTS vay vốn tín dụng CSXH, đó là Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Các hội đã thành lập 14 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV). Đây được xem như những cánh tay nối dài của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đến các bản làng xa xôi ở Trọng Hóa.
 
Thông qua các tổ TK-VV, nguồn vốn tín dụng CSXH đã kịp thời đến được đúng đối tượng vay. Ngoài việc vay vốn, bà con còn tự nguyện thực hiện gửi tiền tiết kiệm bình quân từ 20-30 nghìn đồng/tháng để tích lũy nhằm có điều kiện trả dần nợ vay cho Nhà nước, giảm áp lực phải trả nợ một lần khi hết hạn vay; tổng số tiền gửi tiết kiệm toàn xã là 900 triệu đồng.
 Sau khi được vay vốn tín dụng CSXH, nhiều hộ gia đình đã đầu tư vào chăn nuôi.
Sau khi được vay vốn tín dụng CSXH, nhiều hộ gia đình đã đầu tư vào chăn nuôi.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hồ Thân ở bản La Trọng, một trong những hộ ĐBDTTS ở Trọng Hóa được vay vốn tín dụng CSXH trong thời gian qua. Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo nhất, nhì của xã. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay từ chương trình hộ nghèo của Ngân hàng CSXH, anh đã đầu tư chăn nuôi tổng hợp. Với số vốn vay 10 triệu đồng, anh quyết định chăn nuôi lợn sinh sản để phát triển kinh tế.
 
Hồ Thân chia sẻ: Từ thành công của việc nuôi lợn sinh sản, anh đã trả hết 10 triệu đồng nợ vay cũ và vay sang chương trình vốn vay hộ nghèo của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện số tiền 90 triệu đồng. Nhờ số vốn vay lớn, anh mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi dê và bò sinh sản. Đến nay, đàn bò sinh sản của anh Thân có 6 con, đàn dê có 10 con, đem lại thu nhập cho gia đình hàng năm từ 25-30 triệu đồng...
 
Không chỉ gia đình anh Thân, nhiều hộ ĐBDTTS ở Trọng Hóa cũng đã thoát được nghèo nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi tín dụng CSXH.
 
Điển hình như gia đình chị Hồ Thị Thanh ở bản Hưng. Gia đình chị Thanh được chính quyền địa phương xem xét và cho vay vốn chương trình hộ cận nghèo với số tiền 100 triệu đồng. Có vốn trong tay, chị đã đầu tư mua bò, lợn và nhân giống để chăn nuôi, tái đàn. Ngoài ra, chị còn đầu tư trồng rừng.
 
Nhờ biết phát huy nguồn vốn để phát triển kinh tế, đến nay, gia đình chị có 2ha rừng trồng cây keo lai gần cho thu hoạch, đàn bò có 8 con và 6 con lợn nái đều trong thời kỳ sinh sản. Với mô hình kinh tế này, hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị thu lãi từ 30-35 triệu đồng.
 
Chia sẻ về hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách mang lại, chị Hồ Thị Xăn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trọng Hóa cho hay: “Từ khi có nguồn vốn vay ưu đãi tín dụng CSXH lãi suất thấp, được sự tín chấp của Hội Nông dân xã, bà con đã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế. Đã có nhiều hộ gia đình biết đầu tư vốn vào chăn nuôi để vươn lên ổn định cuộc sống, không phải thiếu ăn, thiếu đói như những năm trước đây nữa”.
 
Có thể nói, Trọng Hóa hôm nay đang dần có sự đổi thay tích cực. Các bản làng đã có những khởi sắc rõ nét, cái đói được đẩy lùi, ĐBDTTS đã biết trồng lúa nước để bảo đảm nguồn lương thực, biết phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng CSXH được triển khai kịp thời đến với bà con nơi đây.
 
Hiện nay, tổng nguồn vốn cho vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện trên địa bàn xã Trọng Hóa là 15,4 tỷ đồng với 470 hộ được vay vốn, bình quân mỗi hộ được vay 32,7 triệu đồng. Trong đó, có 270 hộ nghèo vay vốn tín dụng CSXH, với số tiền 7,8 tỷ đồng. Việc chấp hành nghĩa vụ trả lãi của ĐBDTTS cơ bản rất tốt, hàng tháng không có phát sinh nợ vay quá hạn.
 
                                                                                                  Đ.N

tin liên quan

Xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác gia đình luôn được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện hiệu quả. 

Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. 

Nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau

(QBĐT) - Ngày 29/3, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế tại Việt Nam (HAI) đã tổ chức họp trực tuyến định hướng Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe người cao tuổi Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Bình" (gọi tắt là VIE071).