Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy:

"Để cho thiên nhiên hành lang tự vận hành..."

  • 08:51 | Thứ Năm, 03/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bão nối bão. Lũ chồng lũ. Những kỷ lục mới về thiên tai vẫn được thiết lập mỗi năm. Chống biến đổi khí hậu trở thành cuộc chiến khốc liệt của không riêng bất cứ một quốc gia nào. Theo tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, Quảng Bình và các tỉnh miền Trung cần chuẩn bị một kịch bản với nhiều bão lũ và hạn hán hơn trong những năm tiếp theo.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy.
Thời tiết không còn hiền hoa và theo quy luật như trước
 
- Những năm gần đây, tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình, bão lũ thường xuyên xảy ra. Có vẻ các hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai, bão lũ đã không còn theo quy luật như trước?
 
- Do vị trí địa lý đặc thù nên miền Trung phải nhận nhiều loại hình thiên tai cực đoan. Những năm gần đây, việc chuyển pha giữa các hiện tượng El-Nino (gây thời tiết hạn hán) và La-Nina (gây nhiều mưa bão) trở nên đột ngột hơn và các pha trung tính (ENSO) ngắn nên cứ hết hạn hán thì chuyển qua mưa bão và lụt, khí hậu biến đổi. Thời tiết không còn hiền hòa, theo một quy luật nào.
 
Chúng ta cần hiểu rằng thiên tai không phải là hiện tượng mới có mà đã có từ rất xa xưa. Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu thì tần suất thiên tai nhiều hơn, với cường độ ngày càng mạnh hơn.
 
- “Tần suất thiên tai nhiều hơn” nhưng trong các trận bão lũ, có nơi phải cưỡng chế người dân mới chịu di dời, sơ tán. Có vẻ một số người dân khó tiếp cận được thông tin để tự đánh giá rủi ro quanh mình!
 
- Nhiều người thường đổ lỗi do người dân chủ quan nhưng theo tôi không phải vậy, mà đúng là như bạn vừa nói, do người dân thiếu thông tin và không tự đánh giá được rủi ro nên phải đối diện với những bất ngờ không mong muốn. Nếu họ biết trước nhà họ sẽ bị lụt hoặc tốc mái thì có ai lại để cho đồ đạc bị ướt hoặc mái nhà bị tốc đâu!?
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy tham gia các hoạt động lập kế hoạch giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Quảng Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy tham gia các hoạt động lập kế hoạch giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Quảng Nam.

 “Nhân tai” làm trầm trọng hậu quả thiên tai

- Hễ cứ đến mùa bão lũ, người ta thường nhắc nhiều đến cụm từ  “nhân tai”. Anh nghĩ sao về điều này?
 
- Tôi đồng ý là “nhân tai” làm trầm trọng hơn hậu quả do thiên tai gây nên. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ “nhân tai” là gì và từ đâu mà có? Khi nói đến “nhân tai” mọi người thường liên tưởng đến việc xả lũ các hồ chứa, trong đó có các hồ chứa thủy điện. Nhưng không phải tất cả các hồ chứa khi xả lũ đều làm trầm trọng thêm hậu quả của thiên tai mà phải tùy từng loại hồ chứa và cách vận hành điều tiết nước. Nếu dự báo lượng mưa không chuẩn và các hồ tham tích nước thì sẽ dẫn đến việc phải xả lũ giữa lúc mưa to và hạ du đang ngập lụt.
 
Một vấn đề khác là việc mất rừng nguyên sinh. Đây là nguyên nhân lớn nhất khiến rừng mất vai trò điều tiết nước lũ. Với địa phương có diện tích rừng nguyên sinh lớn và chất lượng rừng còn tốt thì sau khi mưa lớn 2-3 ngày nước lũ mới về đến hạ du trong khi đó nếu không có rừng thì chỉ sau 1 ngày hoặc vài giờ, nước lũ đã về hạ du rồi.
 
Hơn nữa, hiện nay, việc phát triển đô thị tại rất nhiều địa phương dọc miền Trung thiếu tính toán đến cân bằng đào đắp, thiếu không gian cho nước, đặc biệt là thiếu đường thoát nước khiến cho các đô thị đối diện với ngập lụt cao hơn trước đây. Việc xây dựng các con đường lớn với cao trình lớn hơn khu dân cư cũng khiến cho nước không thoát được ra sông, ra biển gây ngập lụt cục bộ.
Trận lũ lịch sử năm 2020 tại huyện Lệ Thủy. Ảnh: Đức Thành
Trận lũ lịch sử năm 2020 tại huyện Lệ Thủy. Ảnh: Đức Thành
-  Anh vừa nhắc đến các đô thị ven biển miền Trung. Vậy, anh nghĩ sao về việc xây dựng kè biển đang khá rầm rộ ở các địa phương này?
 
- Thực tế cho thấy những can thiệp của con người trong việc lấn biển và bê tông hóa bờ biển luôn tạo ra các sai lầm và hệ lụy. Nếu chúng ta nhìn các bài học ở Mũi Né (Bình Thuận), Cửa Đại và An Bàng (Hội An), Cửa Tùng (Quảng Trị) sẽ thấy rõ việc kè biển trên nền cát sẽ càng khiến bờ biển bị sóng cuốn trôi đi.
 
Bờ biển và khu vực cửa sông của Quảng Bình cũng vậy. Các công trình kè biển nếu không tính toán các dòng chảy biển mà làm kè bê tông thì sóng sẽ cuốn mất cả bãi cát kèm các công trình. Hậu quả là chúng ta vừa mất tiền đầu tư, vừa mất đi bãi cát vốn dĩ được thiên nhiên tạo dựng và vận hành hàng trăm năm.
 
- Nghĩa là để ứng phó với hiện tượng thiên nhiên, thời tiết cực đoan, càng cố bảo vệ, vươn ra chống chọi thì những khu vực lân cận càng bị tác động nặng nề hơn?
 
- Đúng thế! Phương án thoái lui và tôn trọng tự nhiên, để cho thiên nhiên hành lang cho nó tự vận hành là cách ứng phó với thiên tai tiết kiệm và hiệu quả nhất. Mọi người cứ theo dõi sẽ thấy: Cát lở rồi cát lại được bồi chứ biển không lấy cát đi, trừ khi chúng ta đưa công trình bê tông vào đó.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy tham gia tour khám phá hang Sơn Đoòng. Ảnh: Oxalis Adventure
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy tham gia tour khám phá hang Sơn Đoòng. Ảnh: Oxalis Adventure
Cần chuẩn bị cho kịch bản có nhiều hạn hán và lũ lụt hơn
 
- Liệu rằng trong những năm tiếp theo, sẽ có thêm những cảnh báo nào về biến đổi khí hậu?
 
- Ủy ban liên quốc gia về biến đổi khí hậu (IPPC) mới đưa ra báo cáo đặc biệt trong năm 2021 trước thềm hội nghị các bên về khí hậu (COP26) cho rằng chúng ta có rất ít cơ hội để khống chế nhiệt độ trái đất nóng lên dưới 1,5 độ C vào năm 2030 so với thời kỳ tiền công nghiệp. Với mức nóng lên này thì thiên tai cực đoan sẽ gia tăng hơn thời điểm hiện tại. Chúng ta cần chuẩn bị cho kịch bản có nhiều hạn hán và lũ lụt hơn trong thập kỷ tới đây.
 
- Giải pháp ứng phó hiệu quả và bền vững nhất là…?
 
-  Là chúng ta nên lựa chọn những giải pháp dựa vào thiên nhiên, nâng cao sức chống chịu của con người. Sức chống chịu có thể được hiểu là những thích ứng cá nhân dựa trên sự hiểu biết về các rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Dựa vào đó chúng ta có thể lập các kế hoạch thích ứng và nâng cao ngưỡng chống chịu.
 
Chẳng hạn, người dân cần hiểu được với ngưỡng nhiệt độ lên cao bao nhiêu thì cần có giải pháp gì để thích ứng? Người dân cũng cần tự đánh giá được các rủi ro ngập lụt và bão ở khu vực mình sống để biết được cần phải xây dựng ngôi nhà của mình chống chịu được với các ngưỡng thời tiết cực đoan đó.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy: “Nước nổi trong các thung lũng có thể là loại hình khai thác du lịch trải nghiệm thú vị”. Trong ảnh: Trải nghiệm du lịch mùa mưa tại thung lũng Hung Trâu (Minh Hóa).
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy: “Nước nổi trong các thung lũng có thể là loại hình khai thác du lịch trải nghiệm thú vị”. Trong ảnh: Trải nghiệm du lịch mùa mưa tại thung lũng Hung Trâu (Minh Hóa).
- Thời gian gần đây, du lịch Quảng Bình đã bắt đầu chú ý phát triển du lịch mùa mưa. Liệu có nên sáng tạo sản phẩm du lịch từ chính những bất lợi của thiên tai như thế?
 
- Chúng ta không thể tránh khỏi thiên tai đúng không? Vậy thì phải sống chung an toàn với nó. Nếu năm nào thiên tai cũng đến và chúng ta đóng cửa để chống thiên tai thì còn làm được việc gì nữa? Để khai thác tính đặc hữu của thiên tai chúng ta cần phân loại nó để có cách tạo các sản phẩm du lịch phù hợp.
 
Chẳng hạn đối với các thiên tai cực đoan thì tuyệt đối không được tổ chức các hoạt động du lịch. Đối với các loại hình thiên tai có tính chu kỳ hàng năm nhưng không cực đoan như mùa nước nổi trong các thung lũng thì đây có thể là loại hình khai thác du lịch trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, đơn vị khai thác phải trang bị các thiết bị bảo hộ an toàn, nhân viên phải được đào tạo chuyên nghiệp và việc tổ chức cần có sự phối hợp liên ngành để bảo đảm an toàn khi khai thác.
 
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện ý nghĩa này! Chúc anh năm mới thật nhiều sức khỏe và thành công hơn!
 
Diệu Hương
(thực hiện)
 

tin liên quan

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

(QBĐT) - Vào dịp giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân luôn tăng mạnh, vì vậy chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là mối quan tâm của nhiều người. Để bảo vệ người tiêu dùng, Sở Y tế cùng các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt quản lý ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội Xuân 2022. 

Cần xử lý rác thải phù hợp để sạch nhà, đẹp phố

(QBĐT) - Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, việc mua sắm nhiều vật dụng, hàng hóa phục vụ Tết đã khiến cho lượng rác thải tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Nhưng nhờ sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên vệ sinh môi trường nên phố phường vẫn cơ bản giữ được vẻ sạch đẹp.

 

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022

(QBĐT) - Ngày 27/1, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành công văn số 138/UBND-NCVX về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022