Chống dịch Covid-19 và những câu chuyện chưa kể…

  • 09:25 | Thứ Tư, 02/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Làn sóng dịch thứ 4 bùng phát cũng là thời điểm Quảng Bình bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 cam go và quyết liệt nhất. Hưởng ứng lời kêu gọi “Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vững tin cùng cả nước bước sang trạng thái “bình thường mới”. Trong cuộc chiến cam go đó, nhiều tấm gương và những câu chuyện xúc động đã được kể lại.
 
1. “Người vận chuyển”
 
Đó là biệt danh mà mọi người yêu quý gọi lái xe Trần Xuân Vỹ (SN 1985) của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC)-người miệt mài không nghỉ chở F0, F1 đi cách ly điều trị trong suốt những ngày Quảng Bình căng mình chống dịch.   
“Người vận chuyển” Trần Xuân Vỹ đón F0 từ KCLTT về Cơ sở ĐTBN Covid-19 của tỉnh.
“Người vận chuyển” Trần Xuân Vỹ đón F0 từ KCLTT về Cơ sở ĐTBN Covid-19 của tỉnh.
Dịch bùng phát. Anh không nhớ nổi mình đã chở bao nhiêu ca F0 đến các cơ sở điều trị bệnh nhân (ĐTBN) Covid-19 trong và ngoài tỉnh, F1 đến các khu cách ly tập trung (KCLTT). Bất kể ngày đêm, mưa nắng, hễ có thông báo kết quả xét nghiệm khẳng định là anh lại lên đường. Để an toàn cho gia đình và kịp thời phục vụ nhiệm vụ chống dịch khẩn cấp, Vỹ đã gửi vợ mới sinh em bé và con gái nhỏ hơn 5 tuổi nhờ ông bà ngoại chăm sóc để ở hẳn tại cơ quan.
 
Những ngày dịch cao điểm, thời gian ngồi trước vô lăng nhiều hơn thời gian nghỉ ngơi. Khi các ổ dịch ở Dân Hóa, khách sạn Anh-Pháp-Việt, đặc biệt là ổ dịch tại Đức Trạch, Hải Phú… bùng phát, liên tục suốt nhiều ngày, anh cùng đồng nghiệp phải thực hiện nhiệm vụ xuyên đêm. Trời tháng 7, tháng 8, Quảng Bình nóng như đổ lửa, khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi nhễ nhại nhưng Vỹ vẫn miệt mài trên những cung đường đầy gió, bụi và cả những nguy hiểm luôn rình rập.
 
Vỹ kể, trong hơn 1.200 chuyến vận chuyển F0, F1 mà anh đã thực hiện có nhiều tình huống, nhiều câu chuyện không thể nào quên… Đó là những ánh mắt thất thần của người bệnh khi biết mình mắc Covid-19; là những đôi mắt tròn ngơ ngác của những đứa trẻ bằng tầm tuổi con gái anh phải đi điều trị một mình không có người thân đi cùng. Hay khi vừa mới lên xe, một bệnh nhân ở Minh Hóa kêu khó thở, anh đã phải chạy hết tốc lực có thể để kịp đưa bệnh nhân về cơ sở điều trị, tránh xảy ra tình huống xấu…
 
Nhưng có lẽ nhớ nhất là chuyến xe chuyển cụ ông 94 tuổi mắc Covid-19 từ KCLTT về bệnh viện tầng 3. Vì quy định hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh nên chỉ một mình Vỹ xoay xở bồng cụ lên xe cứu thương, cụ ôm chặt đến mức kéo trật khẩu trang của anh sang một bên… “Chưa bao giờ hồi hộp, lo lắng chờ kết quả xét nghiệm như lần này, vì nếu mình bị phơi nhiễm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác chống dịch của đơn vị. Nhưng may mắn, qua các lần xét nghiệm PCR đều âm tính và mình lại yên tâm lên đường làm nhiệm vụ”, Vỹ chia sẻ. 
“Người vận chuyển” Trần Xuân Vỹ cùng đồng đội xuyên đêm đón F0 tại “điểm nóng” Đức Trạch.
“Người vận chuyển” Trần Xuân Vỹ cùng đồng đội xuyên đêm đón F0 tại “điểm nóng” Đức Trạch.
Trước áp lực vận chuyển F0, F1 ngày càng tăng, đầu tháng 9-2021, UBND tỉnh đã quyết định trưng dụng 4 xe cứu thương và thành lập Tổ vận chuyển các ca nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2. “Chia lửa” cùng tổ trưởng Trần Xuân Vỹ là một cán bộ của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và 2 cha con tình nguyện viên Đặng Trí Thông, Đặng Minh Trí (xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới).
 
Dịch bệnh được khống chế, Quảng Bình bước sang trạng thái “bình thường mới”, các địa phương đảm nhiệm việc vận chuyện F0, F1 đi điều trị, cách ly tại tuyến huyện, đầu tháng 12-2021, tổ vận chuyển giải thể. Nhưng “người vận chuyển” Trần Xuân Vỹ vẫn không ngơi nghỉ mà tiếp tục nhận nhiệm vụ đưa đón cán bộ, nhân viên y tế đi tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết F0, F1 các ổ dịch mới. Vỹ cười thật hiền và giọng chùng xuống: “Chống dịch xong trở về nhà con trai nhỏ hơn 3 tháng tuổi không cho bế và khóc vì lạ…”.
 
2. Sáng kiến tiết kiệm hơn 10 tỷ đồng
 
Dược sỹ Trần Thị Lệ Vân, Trưởng khoa Dược-Vật tư y tế (CDC Quảng Bình) chia sẻ, trong những ngày cao điểm, trang thiết bị y tế, vật tư, sinh phẩm phục vụ chống dịch thiếu thốn trăm bề. Việc thần tốc lấy mẫu xét nghiệm ở các khu phong tỏa để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng đã tạo áp lực rất lớn đối với CDC khi đòi hỏi phải cung cấp đủ ống lấy mẫu xét nghiệm cho các địa phương. Thời điểm Quảng Bình bùng phát dịch, việc lưu thông, đi lại khó khăn nên càng khó đáp ứng cho công tác dập dịch khẩn cấp. 
Ống chứa môi trường phục vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 của CDC Quảng Bình kịp thời đáp ứng yêu cầu thần tốc lấy mẫu xét nghiệm bóc tách F0 của các địa phương.
Ống chứa môi trường phục vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 của CDC Quảng Bình kịp thời đáp ứng yêu cầu thần tốc lấy mẫu xét nghiệm bóc tách F0 của các địa phương.
“Trong cái khó, ló cái khôn”, từ hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, được sự động viên của đồng chí Giám đốc Đỗ Quốc Tiệp, khoa đã mạnh dạn đề xuất thành lập Tổ pha chế môi trường bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm đường hô hấp dùng trong xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR để tự chuẩn bị ống chứa môi trường phục vụ xét nghiệm SARS-CoV-2. Tổ gồm 7 thành viên do một đồng chí Phó Giám đốc làm tổ trưởng. Từ đầu tháng 9-2021 đến nay, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, tổ đã tranh thủ buổi trưa và buổi tối để thực hiện công tác pha chế và đóng ống trong môi trường vô trùng gần 300 nghìn ống gộp 5 và gộp 10, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhanh chóng dập dịch của các địa phương.
 
Trung bình mỗi ngày, tổ thực hiện từ 3-5 nghìn ống theo yêu cầu của bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố. Cao điểm có những ngày trên 8 nghìn ống, cả tổ phải ở lại cơ quan 24/24 giờ mới kịp chuyển về cho cơ sở lấy mẫu xét nghiệm trong đêm. “Mặc dù công việc vất vả, áp lực vì phải cùng lúc thực hiện cả nhiệm vụ chuyên môn nhưng cả tổ rất tự hào vì sản phẩm làm ra giá thành chỉ chưa đến 10 nghìn đồng/ống và đặc biệt là không bị động, bất cứ thời điểm nào cũng chủ động sẵn sàng phục vụ kịp thời tiến độ chống dịch của tỉnh”, dược sỹ Vân bày tỏ niềm phấn khởi.
 
“Tích tiểu thành đại”, chính những miệt mài thầm lặng ấy của những người chiến sỹ áo trắng đã góp phần tiết kiệm cho ngân sách hơn 10 tỷ đồng.
 
3. Về nhà…
 
Đó là câu chuyện hy hữu của hai bé sinh đôi Trịnh Kim Chi và Trịnh Tú Uyên, ở thôn Sơn Tùng, xã Quảng Tùng (Quảng Trạch) chào đời trong tâm dịch TP. Hồ Chí Minh.
 
Chị Y Kinh - mẹ của hai bé kể, chị ở huyện Sa Thầy (Kon Tum), chồng ở Quảng Trạch (Quảng Bình) cùng xa quê vào miền Nam lập nghiệp rồi nên duyên vợ chồng. Dịch bùng phát, xưởng đóng cửa, cuộc sống gia đình nhỏ càng khó khăn hơn khi Y Kinh trở dạ sinh đôi hai bé, xa gia đình, không người phụ giúp.
 
 “Ngày 22-8-2021, bồng 2 con chưa đầy tháng tuổi lên chuyến bay đặc biệt do tỉnh tổ chức về quê mà hai vợ chồng mừng vui khôn tả. Xuống sân bay Đồng Hới, chúng tôi được đón về KCLTT Trường cao đẳng Luật miền Trung chu đáo, an toàn. Sau 2 ngày được CDC Quảng Bình lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho người về từ vùng dịch, kết quả khẳng định tôi và bé Kim Chi dương tính với SARS-CoV-2, còn bố và bé Tú Uyên âm tính. Một lần nữa cả gia đình lại bày tỏ nguyện vọng được đi cùng nhau vào bệnh viện điều trị để tiện việc chăm sóc hai bé. 9 giờ 30 phúc sáng 25-8, cả gia đình được chuyển về Cơ sở ĐTBN Covid-19 ở Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh. 
Hai bé sinh đôi Kim Chi và Tú Uyên được đón về quê trên chuyến bay đặc biệt ngày 22-8-2021.
Hai bé sinh đôi Kim Chi và Tú Uyên được đón về quê trên chuyến bay đặc biệt ngày 22-8-2021.
Tại bệnh viện, hai bé được quan tâm chăm sóc tận tình, chu đáo, đặc biệt nhờ sự hướng dẫn tỉ mỉ của các y, bác sỹ trong việc cách ly, ĐTBN Covid-19, sau gần 15 ngày tôi và bé Kim Chi được chữa khỏi bệnh. Điều may mắn là chồng tôi và bé Tú Uyên mặc dù ở chung phòng nhưng hoàn toàn khỏe mạnh, không bị lây nhiễm SARS-CoV-2”, chị Y Kinh vui vẻ chia sẻ.  
 
Sáng 8-9, cả gia đình được xuất viện về nhà trong niềm vui mừng, phấn khởi của đại gia đình ở thôn Sơn Tùng. Hiện tại, hai bé Kim Chi và Tú Uyên được hơn 5 tháng tuổi. Đi qua những ngày khó khăn, giờ, cả hai bé đều ngoan và khỏe mạnh. Gia đình nhỏ mong muốn hết dịch để được về thăm buôn làng Ba Na ở làng Kleng, thị trấn Sa Thầy - nơi đó, có gia đình chị Y Kinh đang đón đợi.
 
Bác sỹ CKII Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình: "Tròn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, cũng là khoảng thời gian những “chiến sỹ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch căng mình thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, khi dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh, mọi người luôn nhiệt huyết, hy sinh, quên cả sự hiểm nguy, gác lại mọi niềm riêng của gia đình để tập trung cho công cuộc khống chế dịch bệnh. Thời gian cao điểm toàn đơn vị đã thực hiện “3 tại chỗ” hơn 30 ngày với quyết tâm cùng nhân dân toàn tỉnh chiến thắng Covid-19.
 
Để làm được điều đó, chúng tôi luôn có sức mạnh từ gia đình, là “hậu phương” vững chắc luôn cảm thông, thấu hiểu và sẽ yêu thương thật nhiều để những người chồng, người cha, người vợ, người mẹ nơi tuyến đầu chống dịch yên tâm góp sức đẩy lùi dịch bệnh."
 
Nội Hà
 
 
 
 

tin liên quan

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

(QBĐT) - Vào dịp giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân luôn tăng mạnh, vì vậy chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là mối quan tâm của nhiều người. Để bảo vệ người tiêu dùng, Sở Y tế cùng các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt quản lý ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội Xuân 2022. 

Cần xử lý rác thải phù hợp để sạch nhà, đẹp phố

(QBĐT) - Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, việc mua sắm nhiều vật dụng, hàng hóa phục vụ Tết đã khiến cho lượng rác thải tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Nhưng nhờ sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên vệ sinh môi trường nên phố phường vẫn cơ bản giữ được vẻ sạch đẹp.

 

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022

(QBĐT) - Ngày 27/1, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành công văn số 138/UBND-NCVX về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022