Ấm tình quê giữa tâm dịch

  • 11:39 | Thứ Bảy, 05/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hết năm. Chị tôi lên Zalo nhắn: “Răng em, Tết về quê được không hay cũng như năm ngoái?”. Tôi đắn đo mãi mới trả lời: “Chị cứ sẵn sàng, đi được là hành quân ngay”. Vào Nam ngót 20 năm, chị vẫn chưa một lần về quê ăn Tết. Cuối năm, nhìn giá vé máy bay khứ hồi dịp Tết ngang tháng lương con quần quật đi làm, đành ăn Tết xứ người. Tết năm ngoái, vợ chồng tôi quyết định đưa chị về quê ăn Tết. Chị mừng lắm! Vậy mà ngày 27 Tết, chúng tôi phải bỏ chuyến đi vì dịch Covid-19 đang nóng từng ngày.
 
Nhớ năm ngoái, Tết xong là bắt đầu quay cuồng với dịch bệnh. Căng nhất là TP. Hồ Chí Minh, tiếp đó là Bình Dương, Bình Phước, rồi Bà Rịa-Vũng Tàu, toàn những chỗ rất đông con em Quảng Bình chọn làm nơi lập nghiệp khi vào Nam.
 
Nhất là cuối tháng 7, đoạn này TP. Hồ Chí Minh đã qua mấy lần gia hạn giãn cách nên tình hình đã rất bức bí. Bình Dương cũng thế. Lương thực, thực phẩm dự trữ trong gia đình đã kiệt mà chuỗi cung ứng thì đứt gãy, hàng quán đóng cửa, nguồn hỗ trợ từ các tỉnh về cũng không còn như thời gian đầu.
 
Khó nhất là số công nhân ở các khu nhà trọ, phần đông mất việc làm đã nhiều tháng. Nhiều người rơi vào khó khăn thực sự. Tốc độ tăng ca nhiễm mới (F0) thì cứ vượt mọi kịch bản dự kiến.
 
Khuya 3-8, Phạm Thanh Chung nhắn cho tôi: “Có em này dân quê mình, thấy tội quá, nghĩ cách giúp họ với”. Chung là dân thị trấn Đồng Lê, Giám đốc Công ty TNHH TM & KT Tây Trường Sơn ở quận Gò Vấp-một trong những nhà thầu uy tín ở TP. Hồ Chí Minh chuyên thi công hệ thống điện động lực, chiếu sáng, cấp thoát nước…
 
Trường hợp Chung báo tin là Hoàng Trọng Quang, vợ là Trần Thị Yến, cùng quê ở xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch. Vợ chồng Quang là công nhân ở TP. Thủ Đức, đều là F0 đang lao đao vì đã nhiều tháng thất nghiệp. Yến mang thai tháng thứ 7, đứa con lớn nay 8 tuổi. Tôi kết nối cho Quang với hội đồng hương tại TP. Hồ Chí Minh và ở quê để hy vọng vào gói hỗ trợ mà tỉnh Quảng Bình gửi vào. Nhưng mọi cách liên lạc đều không được, vì quá tải.
Những món quà nhỏ từ nhóm bạn Nguyễn Thị Thu Hồng được chuyển đến cho lao động Quảng Bình mắc kẹt trong các khu cách ly.
Những món quà nhỏ từ nhóm bạn Nguyễn Thị Thu Hồng được chuyển đến cho lao động Quảng Bình mắc kẹt trong các khu cách ly.
Một phương án kêu gọi hỗ trợ Quang là điều tôi và Chung đã bàn đến. Tiếc là chưa kịp làm gì thì Yến mất, chỉ cứu được con. Quang ra viện, bắt đầu những ngày vất vả hơn với dịch, với đứa con mà bệnh viện nuôi trong lồng kính, rồi đứa lớn không thấy mẹ về cứ đêm nào cũng khóc ngằn ngặt.
 
Tôi với Chung cảm giác như người có lỗi. Lỗi vì không kịp làm gì tốt hơn để giúp Quang.
Một nhóm bạn trẻ Quảng Bình vui vẻ nhận lời cùng tôi thực hiện chương trình vận động hỗ trợ con em Quảng Bình kẹt ở vùng dịch. Ở TP. Hồ Chí Minh có Trần Đức Ngọc-một tài xế ở quận Tân Phú và Nguyễn Thị Thanh Lâm là công nhân giày da trong Khu chế xuất Linh Trung II. Bình Dương và Đồng Nai có Lê Dũng Quyền, Trần Đức Tài, là công nhân đang trụ lại ở Bình Dương.
 
Tôi giao thiệp rộng nên nhận phần vận động, các bạn phân nhau truy tìm và xác minh đối tượng, nói chung là người Quảng Bình kẹt trong các khu nhà trọ, khó khăn do mất việc làm; bắt đầu từ người cùng thôn cùng làng cho dễ kiểm soát, rồi mở rộng ra khi nguồn lực huy động tốt.
 
Đầu tiên là Thùy Dung, ở tận huyện Hóc Môn. Dung quê Tuyên Hóa, là mẹ đơn thân buôn bán nhỏ nuôi 3 con và anh trai tàn tật. Dung đã liên hệ các kênh hỗ trợ nhưng đều không được. Ngọc xác minh, thấy hoàn cảnh vậy thật. Chưa biết làm sao để tiếp cận Dung, tôi nhắn lên Facebook, may có người lên tiếng ngay. Đó là Nguyễn Giang Nam, người Roòn (Quảng Trạch) là nhà báo ở TP. Hồ Chí Minh. Giang Nam bảo: “Để em lo!”. Chỉ mấy giờ sau đã thấy Dung lên Facebook cảm ơn mọi người, vì được Giang Nam trao quà. Hỏi Nam quà đâu sẵn thế? Nam bảo đấy là quà cứu trợ gia đình Nam mới được nhận, Dung khó hơn thì nhường rồi tính sau.
 
Rồi Đào Thanh Hà, quê xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa. Ngày 7-8, Hà nhắn tin cho biết khu trọ em ở bị phong tỏa từ ngày 5-7, có 38 hộ không có thu nhập đã nhiều tháng qua. Tôi đề nghị Hà quay clip cho xem tình hình. Thấy các bạn khổ quá, tôi kết nối ngay với bộ phận công tác xã hội của Báo Người Lao Động, nơi tôi công tác. Thời điểm ấy, các bạn ở bộ phận này đều đã kiệt sức sau nhiều tháng vừa vận động vừa trực tiếp đi hỗ trợ. Có bạn đã nhiễm bệnh.
 
Gạo, thực phẩm, sữa… cho khu nhà trọ nơi Hà ở đã chuẩn bị đủ nhưng lực lượng và phương tiện lúc này rất khó. Phải mấy hôm sau mới đưa được hàng đi. Tôi gọi cho Hà, báo trước để các bạn đón, mới hay vợ chồng Hà lẫn đứa con đều là F0, đã đi cách ly tập trung. Trao hàng cho các bạn ở khu nhà trọ rồi mà tôi cứ áy náy mãi. May chỉ chục ngày sau thì gia đình Hà xuất viện, trở về an toàn.
 
Từ Quảng Trị, nữ giáo viên Nguyễn Thị Thu Hồng (quê Tuyên Hóa) lập hẳn một nhóm các cô vận động tiền rồi trực tiếp đi mua cá cơm, đậu phụng về kho rim, đóng vào những lọ thủy tinh. Cứ vài ngày, Hồng chuyển vào cho tôi một chuyến, có lần vài trăm lọ.
 
Xe chỉ dám chạy ngang TP. Hồ Chí Minh quãng 3-4 giờ sáng, khi sự kiểm soát có phần lỏng hơn... Nhiều bữa mưa dầm rét quá, thui thủi trong đêm đón hàng quà, cảm giác rất nản. Nhưng nghĩ đến cảnh trẻ con thiếu thốn trong các khu nhà trọ, lại thấy hào hứng ngay. Hàng nhận về mới nghĩ cách làm sao để đi phát khi việc ra đường đang bị nghiêm cấm.
 
Vậy là phải nhờ vả vào lực lượng tình nguyện viên đang có giấy phép đi đường. Ai đi tuyến nào, tôi nhờ giao tuyến đó. Nhưng vẫn có những chỗ xe không vào giao được, vì đường nhiều chỗ chắn bịt quá kỹ, hàng vì thế phải chuyển sang hỗ trợ chỗ khác. Việc hỗ trợ hàng quà hóa ra khó khăn nhiều hơn chúng tôi tưởng.
 
May là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương nhanh chóng có các lực lượng từ bên ngoài vào kết hợp tổ chức chương trình đi chợ giùm, vậy là chúng tôi chuyển phương án vận động từ hàng sang tiền để bà con tiện mua hàng.
 
Facebook, Zalo được tận dụng vào việc vận động và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ nhiều nơi, đặc biệt có những người như nữ nhà báo Lương Thị Bích Ngọc. Ngọc cũng dân Tuyên Hóa, vừa nhận chức Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch TP. Hồ Chí Minh thì quân tướng phải rút về nhà làm việc qua mạng. Thay vì về nhà với chồng con ở Hà Nội, Ngọc ở lại để anh em tòa soạn yên lòng. Gia đình lo cho Ngọc nên tới tấp hỏi thiếu thốn gì để tìm cách gửi vào. Ngọc cứ một hai “rất khỏe”, “không thiếu thốn thứ gì” để mọi người yên tâm.
 
Ngọc tạm dừng xuất bản tạp chí và “tả xung hữu đột”, kêu gọi hàng chục tấn hàng hóa hỗ trợ các bệnh viện dã chiến. Người nhà, rồi bạn bè nghe Ngọc lên tiếng giúp chúng tôi thì xúm tay vào, có người như luật gia Nguyễn Thị Sơn hỗ trợ ngay 20 triệu đồng. Người đầu tiên được hỗ trợ đợt này lại là người mà nhóm chúng tôi không ai biết. Đấy là công nhân Lê Thị Nhàn, quê TX. Ba Đồn. Tin Nhàn là F0 điều trị trong một bệnh viện dã chiến ở quận 12 và không có người thân, được một bạn ở TP. Biên Hòa nhắn cho chúng tôi.
 
Hơn một ngày mới liên lạc được qua Zalo với Nhàn. Em chưa dám báo tin cho cha mẹ ở quê vì sợ các cụ lo lắng. Hỏi cần gì, Nhàn cho biết rất cần viên C sủi, thuốc tiêu chảy và vài thứ sinh hoạt cá nhân. Bảo cho số tài khoản để chúng tôi chuyển tiền mà tự mua sắm. Nhàn cho biết ở đó không bán thứ gì, bệnh nhân đông, bác sĩ rất bận nên không thể nhờ ai giúp được. Tôi bảo Nhàn kê ra từng thứ cụ thể rồi nhắn hết cho mọi người tìm cách mua cho đủ, rồi nhờ các bạn bên Thành đoàn tìm cách chuyển đến cho Nhàn. Chưa bao giờ việc mua những thứ lặt vặt lại khó đến thế, khó hơn cả thời bao cấp.
 
Nhưng khi đã hỗ trợ được gần 200 suất ở cả TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, với 500.000 đồng cho người chưa F0 và từ 1-2 triệu đồng cho F0 thì chương trình phải dừng vì vợ chồng Tài cũng F0, nửa đêm phải đi cách ly. Quyền thì mẹ và con gái F0. Vợ chồng Lâm quá khó khăn, rút về cậy nhờ người nhà ở tỉnh Bình Phước. Khi đang cách ly ở Bình Phước thì Lâm sinh non, thai 6 tháng tuổi, cháu bé quá yếu phải tách mẹ về TP. Hồ Chí Minh điều trị ngay. Tình thế buộc chúng tôi phải tạm dừng tất cả để tìm cách giúp đỡ các bạn này.
 
May là hai tuần sau thì mẹ và con của Quyền âm tính. Vợ chồng Tài cũng xuất viện. Tài xung phong vào đội ngũ tình nguyện viên do Tỉnh đoàn Bình Dương tổ chức, quay lại hỗ trợ chăm sóc các F0 mới vào các khu cách ly điều trị.
 
Năm hết Tết đến, lòng người ly hương nhiều nỗi xốn xang.
 
Tôi ngồi đếm những giọt mưa muộn của vùng đất nắng gió phương Nam. Nơi quê nhà, những mầm xuân độ rày chắc đang đâm chồi nảy lộc sau ngày đông tàn tạ. Tôi thầm cầu cho đứa con của Lâm và đứa con của Quang xuất viện sớm để kịp về với cha mẹ trong dịp Tết này. Lại mong cho dịch Covid-19 nhanh chấm dứt để những bếp lửa hồng ở quê nhà sẽ lại nhóm lên chào mùa xuân mới với bao hy vọng.
 
Không gì hơn là những mùa xuân bình yên!
 
 Lương Duy Cường 
 

tin liên quan

Cần xử lý rác thải phù hợp để sạch nhà, đẹp phố

(QBĐT) - Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, việc mua sắm nhiều vật dụng, hàng hóa phục vụ Tết đã khiến cho lượng rác thải tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Nhưng nhờ sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên vệ sinh môi trường nên phố phường vẫn cơ bản giữ được vẻ sạch đẹp.

 

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

(QBĐT) - Vào dịp giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân luôn tăng mạnh, vì vậy chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là mối quan tâm của nhiều người. Để bảo vệ người tiêu dùng, Sở Y tế cùng các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt quản lý ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội Xuân 2022. 

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022

(QBĐT) - Ngày 27/1, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành công văn số 138/UBND-NCVX về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022